(baophutho.vn) - Vốn đầu tư từ ngân sách Nhà nước là nguồn lực quan trọng cho xây dựng và hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng, tạo điều kiện thúc đẩy tăng trưởng kinh tế theo hướng bền vững. Việc nâng cao hiệu quả sử dụng nguồn vốn đầu tư công trung hạn nhằm góp phần thực hiện các mục tiêu, định hướng phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh.

Các hạng mục chính Dự án đầu tư xây dựng công trình hồ chứa nước Ngòi Giành tại xã Trung Sơn, huyện Yên Lập đã hoàn thành, ngành chức năng đang tập trung giải quyết những vướng mắc trong công tác giải phóng mặt bằng để công trình đảm bảo đúng tiến độ.
Giai đoạn 2016-2020, kế hoạch đầu tư công trung hạn lần đầu tiên được triển khai thực hiện, được đánh giá là bước đổi mới quan trọng trong quản lý tài chính, ngân sách, đầu tư công trên cơ sở gắn kết giữa kế hoạch trung hạn năm năm và dự toán hàng năm. Giai đoạn này, tổng nguồn vốn đầu tư công trên địa bàn tỉnh đạt trên 27.700 tỉ đồng. Vốn kế hoạch đã giao thuộc nguồn ngân sách tỉnh quản lý là trên 17.700 tỉ đồng; ước giải ngân kế hoạch trung hạn đến hết năm 2020 (bao gồm cả số vốn kéo dài giải ngân trong năm sau) đạt trên 16.680 tỉ đồng, chiếm 94,2%.
Việc sử dụng hiệu quả, đẩy nhanh tiến độ triển khai cũng như giải ngân nguồn vốn đầu tư công, đặc biệt là trong giai đoạn nền kinh tế chịu nhiều ảnh hưởng tiêu cực của dịch COVID-19 vừa tạo thêm việc làm, thu nhập cho nhiều ngành vừa đẩy nhanh tiến độ cải tạo, nâng cấp hoàn thiện hệ thống hạ tầng phục vụ phát triển kinh tế, nâng cao năng lực thu hút đầu tư của tỉnh.
Công tác lập, phân bổ kế hoạch vốn được thực hiện bảo đảm đúng quy định của Chính phủ, hướng dẫn của các bộ, ngành Trung ương, Nghị quyết của HĐND các cấp, đồng thời gắn trách nhiệm trong từng khâu lập, thẩm định, quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án, xây dựng, triển khai thực hiện dự án. Phương thức phân bổ vốn kế hoạch đầu tư công đã có bước đổi mới gắn với thực hiện khâu đột phá về đầu tư hạ tầng theo Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVIII. Nhờ đó, số lượng dự án đầu tư công giai đoạn 2016-2020 đã giảm 1/3 so với giai đoạn 2011-2015. Việc điều hành kế hoạch ngân sách hàng năm, điều chuyển nội bộ nguồn vốn kế hoạch được thực hiện kịp thời, đúng quy định để đẩy nhanh tiến độ giải ngân và quy trình, thủ tục, đúng thẩm quyền theo quy định.
Công tác thẩm định, phê duyệt chủ trương đầu tư, phê duyệt dự án, kế hoạch đấu thầu được quản lý chặt chẽ, các dự án được phê duyệt chủ trương đầu tư cơ bản đáp ứng các yêu cầu về kỹ thuật, khả năng cân đối vốn; quá trình thực hiện các bước từ khâu khảo sát, tư vấn thiết kế, phê duyệt dự án, phê duyệt kế hoạch đấu thầu đúng quy trình, quy định của pháp luật. Công tác quyết toán dự án hoàn thành có chuyển biến tích cực, các dự án tồn đọng lâu năm đã được giải quyết, số dự án chưa quyết toán đã giảm đáng kể. Việc xử lý nợ đọng xây dựng cơ bản được chú trọng, trong giai đoạn 2016-2020 đã bố trí ưu tiên để xử lý nợ xây dựng cơ bản từ năm 2014 về trước đúng theo yêu cầu; chỉ đạo các cấp ngân sách ưu tiên bố trí trả nợ, hạn chế tối đa các công trình, dự án khởi công mới.
Hiệu quả đầu tư từng bước cải thiện, cơ bản khắc phục tình trạng đầu tư dàn trải, phân tán, lãng phí, kém hiệu quả. Cơ cấu huy động vốn đầu tư chuyển dịch tích cực, tỉ trọng vốn đầu tư Nhà nước trong tổng đầu tư xã hội giảm dần, từ 32,9% giai đoạn 2011-2015 xuống 20,3%, phù hợp với định hướng giảm đầu tư công và tăng tỉ trọng đầu tư tư nhân.
Tại Kỳ họp thứ Hai, HĐND tỉnh khóa XIX, HĐND tỉnh thông qua Nghị quyết về kế hoạch đầu tư công trung hạn 5 năm 2021-2025. Theo đó, tổng nguồn lực đầu tư khu vực Nhà nước trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2025 trên 33.880 tỉ đồng, trong đó nhu cầu vốn đầu tư công thuộc ngân sách cấp tỉnh trên 22.800 tỉ đồng. Tổng vốn đầu tư cân đối qua ngân sách tỉnh trên 15.000 tỉ đồng, đáp ứng 66,3% so với nhu cầu.
Theo đồng chí Trịnh Thế Truyền-TUV, Giám đốc Sở Kế hoạch - Đầu tư, kế hoạch đầu tư công trung hạn giai đoạn 2021-2025 bám sát mục tiêu Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIX; tập trung thực hiện khâu đột phá chiến lược về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, huy động các nguồn lực cho phát triển KT-XH. Để nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, việc quản lý, phân bổ vốn đầu tư sẽ được thực hiện có trọng tâm, trọng điểm, tránh dàn trải, sắp xếp thứ tự ưu tiên hợp lý, tập trung đầu tư các dự án hạ tầng giao thông đối ngoại, các dự án giao thông liên vùng, tác động lan tỏa kết nối các khu, cụm công nghiệp; các dự án phát triển hạ tầng du lịch, văn hóa xã hội trọng điểm, hạ tầng đô thị…
Kế hoạch được ban hành sẽ là cơ sở quan trọng để tiếp tục cơ cấu lại đầu tư công và nâng cao hiệu quả sử dụng vốn đầu tư công, góp phần quan trọng thực hiện các mục tiêu kế hoạch phát triển KT-XH giai đoạn 2021 - 2025.