Thông tin tuyên truyền phòng, chống COVID-19 ngày 07/12/2021
  • Cập nhật: 08/12/2021
  • Lượt xem: 2750 lượt xem

Từ 18h00 ngày 06/12/2021 đến 18h00 ngày 07/12/2021, tỉnh Phú Thọ ghi nhận 32 ca mắc COVID-19 mới. Bộ Y tế ban hành Công điện về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trước biến chủng Omicron.

Diễn biến tình hình dịch bệnh trong nước

Theo thông tin từ Bộ Y tế: Việt Nam lũy tích có 1.337.523 ca mắc COVID-19 (tăng 13.840 trong kỳ báo cáo); trong đó, có 1.011.656 ca điều trị khỏi; 26.700 ca tử vong. Một số tỉnh, thành phố phát hiện ca mắc trong ngày cao: Thành phố Hồ Chí Minh (965), Cần Thơ (898), Tây Ninh (869), Sóc Trăng (746), Đồng Tháp (697), Bình Dương (645), Bình Phước (640), Cà Mau (615)...

Các tỉnh, thành lân cận với tỉnh Phú Thọ tiếp tục ghi nhận các ca mắc mới trong ngày: Thành phố Hà Nội (737), tỉnh Vĩnh Phúc (51), tỉnh Tuyên Quang (04), tỉnh Hòa Bình (33), tỉnh Sơn La (02), tỉnh Yên Bái (25).

Diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh

Từ 18h00 ngày 06/12/2021 đến 06h00 ngày 07/12/2021, tỉnh Phú Thọ ghi nhận 23 ca mắc COVID-19 mới; trong đó, có 04 trường hợp trở về từ Bình Dương, Bà Rịa - Vũng Tàu và Biên Hòa đã được địa phương áp dụng cách ly và quản lý (tại xã Tiên Lương - huyện Cẩm Khê và xã Hanh Cù - huyện Thanh Ba); 16 trường hợp F1 hoặc trong vùng phong tỏa, đã được cách ly, theo dõi và quản lý; 03 trường hợp mắc mới trong cộng đồng (01 ca tại xã Tiên Phú - huyện Phù Ninh và 02 ca tại xã Hương Cần - huyện Thanh Sơn).

Cụ thể các ca mắc mới: Huyện Thanh Sơn 10 ca (xã Sơn Hùng 01 ca; xã Tất Thắng 03 ca; xã Văn Miếu 02 ca; xã Hương Cần 02 ca và xã Thượng Cửu 02 ca); huyện Thanh Ba 05 ca (xã Đông Thành 02 ca và xã Hanh Cù 03 ca); thị xã Phú Thọ 03 ca (xã Thanh Minh 02 ca và phường Hùng Vương 01 ca); huyện Tân Sơn 03 ca (tại xã Tân Phú); huyện Cẩm Khê 01 ca (tại xã Tiên Lương); huyện Phù Ninh 01 ca (tại xã Tiên Phú). Xã Hanh Cù - huyện Thanh Ba phát hiện ca bệnh đầu tiên.

Từ 06h00 đến 18h00 ngày 07/12/2021, tỉnh Phú Thọ ghi nhận 09 ca mắc COVID-19 mới; trong đó, có 01 trường hợp trở về từ tỉnh Bình Dương đã được áp dụng cách ly và quản lý (tại xã Tam Thanh - huyện Tân Sơn); 08 trường hợp F1 hoặc trong vùng phong tỏa, đã được cách ly, theo dõi và quản lý; không ghi nhận ca mắc COVID-19 cộng đồng.

Cụ thể các ca mắc mới: Thành phố Việt Trì 04 ca (phường Bạch Hạc 01 ca; phường Dữu Lâu 02 ca và phường Tiên Cát 01 ca); huyện Tân Sơn 02 ca (xã Tân Sơn 01 ca và xã Tam Thanh 01 ca); huyện Tam Nông 02 ca (xã Bắc Sơn 01 ca và xã Thanh Uyên 01 ca); huyện Thanh Thủy 01 ca (tại xã Đoan Hạ). Có 02 xã: Tân Sơn và Tam Thanh - huyện Tân Sơn phát hiện ca bệnh đầu tiên.

Như vậy, trong 24 giờ qua, toàn tỉnh ghi nhận 32 ca mắc COVID-19 mới, tại huyện Thanh Sơn (10), huyện Thanh Ba (05), huyện Tân Sơn (05), thành phố Việt Trì (04), thị xã Phú Thọ (03), huyện Tam Nông (02), huyện Thanh Thủy (01), huyện Phù Ninh (01) và huyện Cẩm Khê (01). Trong các trường hợp mắc mới, có 29 ca đã được cách ly, kiểm soát; 03 ca mắc mới trong cộng đồng.

Lũy tích từ ngày 14/10/2021 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 2.124 ca mắc COVID-19: Thành phố Việt Trì 761 ca (tại 22 xã, phường); huyện Thanh Sơn 462 ca (tại 22 xã, thị trấn); huyện Phù Ninh 203 ca (tại 16 xã, thị trấn); huyện Lâm Thao 198 ca (tại 12 xã, thị trấn); huyện Tam Nông 108 ca (tại 10 xã, thị trấn); thị xã Phú Thọ 103 ca (tại 08 xã, phường); huyện Thanh Thủy 102 ca (tại 10 xã, thị trấn); huyện Tân Sơn 92 ca (tại 10 xã); huyện Thanh Ba 25 ca (tại 09 xã); huyện Cẩm Khê 23 ca (tại 09 xã); huyện Yên Lập 19 ca (tại 05 xã); huyện Hạ Hòa 16 ca (tại 04 xã) và huyện Đoan Hùng 12 ca (tại 06 xã).

Toàn tỉnh hiện còn 11 vùng phong tỏa, 923 hộ gia đình và 3.412 nhân khẩu bị phong tỏa.

Lũy tích có 42 cơ sở sản xuất kinh doanh tại 04 khu công nghiệp, 02 cụm công nghiệp có F0 với tổng số 240 F0.

Tình hình điều trị và cách ly y tế

Trong ngày 07/12/2021, có 44 bệnh nhân khỏi bệnh và ra viện. Lũy tích từ ngày 14/10/2021 đến nay, có 1.594 bệnh nhân đã khỏi bệnh và ra viện.

Số bệnh nhân đang được điều trị là 522 ca; trong đó, có 461 ca điều trị trong các Bệnh viện dã chiến tỉnh và cấp huyện, 57 ca điều trị tại nhà, 04 ca điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Trong số bệnh nhân đang điều trị, có 130 trẻ em dưới 16 tuổi (chiếm 24,9%); 04 phụ nữ có thai (chiếm 0,8%); 117 người trên 50 tuổi (chiếm 22,4%); 46 người trên 65 tuổi (chiếm 8,8%), 39 người có bệnh nền (chiếm 7,5%).

Toàn tỉnh hiện đang quản lý, theo dõi 8.378 F1 (trong đó, có 37 trường hợp cách ly tập trung và 8.341 trường hợp cách ly tại nhà); có 16.774 F2; 14.059 F3 và 283 người trở về từ các vùng có dịch đang thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Đánh giá cấp độ dịch (theo Nghị quyết 128/NQ-CP ngày 11/10/2021 của Chính phủ; Quyết định 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ Y tế)

- Toàn tỉnh: Ở cấp độ 2 (số ca mắc mới trong cộng đồng xấp xỉ 6,75 ca/100.000 dân/tuần; 94,5% người dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất một liều vắc xin COVID-19).

- Cấp huyện:

+ Thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ và các huyện: Phù Ninh, Cẩm Khê ở cấp độ 1.

+ 09 huyện còn lại ở cấp độ 2.

- Cấp xã:

+ Xã Hà Lộc - thị xã Phú Thọ ở cấp độ 4.

+ 06 đơn vị cấp xã ở cấp độ 3 (xã Hùng Lô và phường Bạch Hạc - thành phố Việt Trì; các xã: Văn Miếu, Cự Thắng, Yên Lương, Tất Thắng - huyện Thanh Sơn).

+ 35 đơn vị cấp xã ở cấp độ 2: Thành phố Việt Trì (04); thị xã Phú Thọ (01); huyện Lâm Thao (02); huyện Phù Ninh (02); huyện Tam Nông (01); huyện Đoan Hùng (01); huyện Hạ Hòa (01); huyện Thanh Ba (02); huyện Thanh Thủy (06); huyện Thanh Sơn (12); huyện Tân Sơn (01); huyện Yên Lập (02).

+ 183 đơn vị cấp xã còn lại ở cấp độ 1.

Công tác xét nghiệm và tiêm chủng

- Lũy tích toàn tỉnh đã thực hiện 298.731 mẫu xét nghiệm. Trong 24 giờ qua, toàn tỉnh thực hiện và trả kết quả cho 2.922 mẫu; phát hiện 32 trường hợp dương tính mới với SARS-CoV-2.

- Công tác tiêm chủng vắc xin: Trong ngày 07/12/2021, toàn tỉnh tổ chức tiêm 3.254 liều vắc xin COVID-19, trong đó:

+ Người từ đủ 18 tuổi trở lên: 1.027 mũi thứ nhất và 1.632 mũi thứ hai.

+ Trẻ em từ 12 - 17 tuổi: 595 mũi thứ nhất.

Không ghi nhận trường hợp phản ứng thông thường, phản ứng nặng sau tiêm chủng.

Lũy tích toàn tỉnh có 960.247 người từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm ít nhất 01 mũi vắc xin (đạt 94,5%); trong đó, có 746.656 người đã được tiêm đủ 02 mũi (đạt 73,5%). Toàn tỉnh có 120.465 trẻ từ 12 - 17 tuổi được tiêm 01 mũi vắc xin COVID-19 (đạt 89,5%).

Diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn huyện Yên Lập

Từ 17h00 ngày 06/12/2021 đến 17h00 ngày 07/12/2021, huyện Yên Lập   không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới. Luỹ tích toàn huyện có 19 ca mắc COVID-19: Đồng Thịnh (06), xã Xuân Thuỷ (01), xã Ngọc Đồng (10), xã Ngọc Lập (01), xã Minh Hoà (01).

Tổng số F1: 184 trường hợp hiện đang cách ly tại nhà, nơi cư trú, sức khoẻ bình thường. Luỹ tích có 429 F1 (245 trường hợp đã hoàn thành cách ly).

Tổng số F2: 490 trường hợp hiện đang cách ly tại nhà, nơi cư trú, sức khoẻ bình thường.

Tổng số công dân trở về từ TP. Hồ chí Minh và các tỉnh phía nam 131 trong đó: 22 trường hợp hiện cách ly tại nhà, 24 trường hợp đã hoàn thành cách ly tập trung, 85 trường hợp đã hoàn thành cách ly tại nhà.

Cách ly tại Khu cách ly tập trung của huyện: Hiện có 07 trường hợp F1 là công dân xã Xuân Thuỷ và Đồng Thịnh đang cách ly tại đây. Luỹ tích có 55 trường hợp đã cách ly tại đây.

Cách ly tại nhà, nơi cư trú: Tính từ ngày 15/7/2021 đến nay, tổng số trường hợp thuộc diện cách ly y tế là: 6.760 trường hợp; trong đó: Số trường hợp đã hoàn thành cách ly: 6.047 trường hợp. Số trường hợp đang cách ly tại nhà, nơi cư trú: 713 trường hợp (giảm 387 trường hợp so với ngày 06/12/2021), trong đó 22 trường hợp trở về từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, 691 trường hợp tiếp xúc gần và trở về từ các vùng có dịch khác).

Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 của huyện: Luỹ tích có 12/12 ca F0 điều trị khỏi.

Tổng số người trên 18 tuổi được tiêm ít nhất một mũi vắc xin phòng COVID-19 là 58.313. Số người tiêm đủ hai mũi vắc xin là 15.940.

Tổng số học sinh THCS, THPT được tiêm 1 mũi vắc xin: 6.824.

Tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trước biến chủng Omicron

Trong thời gian gần đây, tình hình dịch COVID-19 trên thế giới tiếp tục diễn biến phức tạp tại nhiều quốc gia. Ngày 25/11/2021, Tổ chức Y tế thế giới đã thông báo ghi nhận biến chủng mới đáng quan ngại của vi rút SARS-CoV-2, gọi là Omicron (B.1.1.529) được phát hiện tại Nam Phi. Tại Việt Nam đến nay, chưa ghi nhận biến chủng mới Omicron, tuy nhiên nguy cơ xâm nhập và lây lan vào nước ta là rất lớn.

Thực hiện Công điện số 1662/CĐ-TTg ngày 02/12/2021 của Thủ tướng Chính phủ; để chủ động kiểm soát tình hình dịch COVID-19, ngày 06/12/2021, Bộ Y tế ban hành Công điện số 1988/CĐ-BYT gửi Chủ tịch UBND các tỉnh, thành phố về tăng cường thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trước biến chủng Omicron. Cụ thể như sau:

- Tiếp tục thực hiện hiệu quả Nghị quyết số 128/NQ-CP của Chính phủ và Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế; thực hiện hiệu quả nguyên tắc: 5K + vaccine, thuốc điều trị + công nghệ + ý thức của nhân dân, trong đó tập trung vào các trụ cột chính: xét nghiệm, tiêm chủng, điều trị và đề cao ý thức của người dân.

Chủ động xây dựng các kịch bản, phương án để sẵn sàng đáp ứng với các tình huống dịch COVID-19 trên địa bàn trên quan điểm tiếp cận toàn dân từ sớm, từ xa, ngay tại cơ sở; nâng cao năng lực hệ thống y tế nhất là y tế cơ sở, bảo đảm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế theo phương châm 4 tại chỗ và có phương án huy động, điều động, bổ sung nhân lực y tế; đồng thời tiếp tục phát huy vai trò của Tổ COVID cộng đồng, Trạm Y tế lưu động, không để xảy ra tình trạng người bệnh không liên hệ được với cơ sở y tế, không được tư vấn, cấp phát thuốc điều trị.

- Tăng cường giám sát, quản lý các trường hợp nhập cảnh từ nước ngoài, đặc biệt các trường hợp đến/đi về từ các quốc gia, khu vực đã ghi nhận và lây lan biến chủng Omicron như khu vực Nam châu Phi (Nam Phi, Botswana, Namibia, Žimbabwe, Eswatini, Lesotho, Mozambique...) và một số quốc gia khu vực châu Âu; thực hiện nghiệm việc xét nghiệm, cách ly, giám sát, theo dõi y tế cho người nhập cảnh theo đúng quy định và xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm các quy định phòng, chống dịch.

- Tăng cường giám sát trọng điểm hội chứng cúm (ILI), viêm phổi nặng do vi rút (SVP), giám sát dựa vào sự kiện (EBS), thực hiện lấy mẫu xét nghiệm các trường hợp nghi ngờ có biểu hiện ho, sốt nhằm phát hiện sớm các trưởng hợp mắc COVID-19; chủ động gửi mẫu bệnh phẩm nghi nhiễm biến chủng Omicron đến Viện Vệ sinh dịch tễ, Viện Pasteur để tiến hành xét nghiệm, giải trình tự gen khẳng định. Kịp thời cách ly y tế, xử lý triệt để ổ dịch không để lây lan, bùng phát trong cộng đồng.

 - Đẩy nhanh tiến độ tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho các đối tượng từ 12 tuổi trở lên (ưu tiên cho các đối tượng từ 50 tuổi trở lên, người có bệnh nền) ngay khi được phân bố vắc xin, đảm bảo an toàn, hiệu quả; rà soát và khẩn trương hoàn thành việc tiêm chủng đủ liều cơ bản với các trường hợp từ 18 tuổi trở lên; triển khai tiêm mũi bổ sung, mũi nhắc lại với các trường hợp đủ thời gian theo hướng dẫn tại Công văn số 10225/BYT-DP ngày 01/12/2021 của Bộ Y tế và tiếp tục đẩy mạnh việc áp dụng nền tảng Hồ sơ sức khỏe điện tử để quản lý và theo dõi tiến độ tiêm chủng.

- Điều trị toàn diện, phân tầng điều trị, giảm tối đa các trường hợp tử vong là ưu tiên hàng đầu. Thực hiện phân luồng, khai báo y tế, kiểm tra thân nhiệt; tổ chức tốt việc điều phối và công tác phân tầng điều trị; bảo đảm đủ oxy, máy thở, giường cấp cứu, các điều kiện cần thiết khác trong thời gian sớm nhất. Tổ chức sử dụng thuốc trong điều trị COVID-19 ngay sau khi được phân bổ, tiếp nhận.

- Đảm bảo an toàn phòng chống dịch COVID-19 trong khu công nghiệp, trường học. Tăng cường kiểm tra công tác phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, tổ chức, doanh nghiệp, nhất là tại bệnh viện, cơ sở sản xuất, chợ, siêu thị, nhà ga, sân bay, bến xe... yêu cầu thực hiện nghiêm việc thường xuyên cập nhật trạng thái trên Bản đồ chung sống an toàn với COVID-19.

Đề nghị Nhân dân

Trước tình hình diễn biến rất phức tạp của dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh, đề nghị Nhân dân:

- Chấp hành tốt các quy định phòng, chống dịch; chấp hành sự hướng dẫn, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch tại địa phương; cài đặt và sử dụng ứng dụng PC-Covid; thường xuyên thực hiện các quy định về 5K - Chung sống an toàn với đại dịch COVID-19; bình tĩnh, chủ động, không chủ quan lơ là, không hoang mang, lo lắng; không kỳ thị, xa lánh những người có liên quan đến vùng có dịch; không tích trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu để đảm bảo ổn định tình hình trên địa bàn tỉnh.

- Thực hiện khai báo y tế đến Trạm Y tế nơi cư trú, Tổ COVID-19 cộng đồng khi có bất kỳ một trong các biểu hiện bất thường như ho, sốt, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác; tiếp xúc với người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm COVID-19 để được thực hiện sàng lọc COVID-19 chủ động.

- Chủ động tự thực hiện xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên cho bản thân, gia đình để chủ động phòng, chống dịch bệnh; chỉ mua, sử dụng các sinh phẩm xét nghiệm đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng.

- Khi phát hiện kết quả xét nghiệm dương tính với test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2, cần bình tĩnh, đeo khẩu trang, không tiếp xúc với người khác, tự cách ly tại nhà; đồng thời liên hệ với cơ sở y tế gần nhất hoặc thông báo ngay tới đường dây nóng tiếp nhận thông tin về dịch bệnh COVID-19 của ngành Y tế (số điện thoại: 18009275 hoặc 0962.956.316) để được hướng dẫn, xử trí phù hợp. Tuyệt đối không tự ý di chuyển ra khỏi nơi cư trú khi phát hiện bản thân có kết quả dương tính bằng test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2.

- Cài đặt ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử trước khi tiêm chủng; cung cấp thông tin cá nhân chính xác khi tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Khi đến cơ sở tiêm chủng phải mang Căn cước công dân hoặc thông báo mã định danh cá nhân có mã QR do Công an cấp/giấy xác nhận tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trước đó (nếu có). Chủ động kiểm tra lại kết quả dữ liệu tiêm của mình và người thân trên Sổ  sức  khoẻ  điện tử  và  Cổng  thông  tin  tiêm  chủng COVID-19 (https://tiemchungcovid19.gov.vn). Trong quá trình tiêm, tuân thủ 5K và thực hiện theo đúng hướng dẫn của cán bộ y tế tại cơ sở tiêm chủng; đồng thời, thực hiện giãn cách để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh.

- Không đăng tải danh tính, thông tin cá nhân của các bệnh nhân COVID-19 và các thông tin không được phép công khai trên mạng xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật.

- Phát huy tinh thần tương thân, tương ái, tiếp tục ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19; ủng hộ Chương trình “Sóng và máy tính cho em” để chung tay hỗ trợ các em học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo và có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh các thiết bị và điều kiện phục vụ việc học trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn đang còn diễn biến phức tạp.

- Chủ động phối hợp cung cấp thông tin cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp khi phát hiện các trường hợp nghi vấn hoặc không chấp hành nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch để xử lý kịp thời; hạn chế việc dịch bệnh phát sinh trong cộng đồng./.

Ban biên tập