Thông tin tuyên truyền phòng, chống COVID-19 ngày 07/9/2021
  • Cập nhật: 07/09/2021
  • Lượt xem: 2808 lượt xem

Sáng 07/9/2021, Bộ Y tế cho biết: Việt Nam lũy tích có 536.788 ca mắc COVID-19. Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh, thành phố đẩy mạnh công tác xét nghiệm trên diện rộng.

Diễn biến tình hình dịch bệnh trong nước

Trong số các ca mắc COVID-19, có 301.457 ca được điều trị khỏi, 13.385 ca tử vong. Việt Nam hiện đứng thứ 51/222 quốc gia và vùng lãnh thổ về số ca nhiễm COVID-19; đứng thứ 159/222 quốc gia và vùng lãnh thổ về tỷ lệ ca nhiễm trên 1 triệu dân. Các tỉnh có số ca mắc cao nhất cả nước: Thành phố Hồ Chí Minh (258.536), Bình Dương (134.627), Đồng Nai (29.420)…

Trước đó, ngày 06/9, cả nước ghi nhận 12.481 ca mắc mới COVID-19; trong đó, có 8.099 ca trong cộng đồng. Một số địa phương có nhiều ca mắc là: Thành phố Hồ Chí Minh (7.122), Bình Dương (2.194), Đồng Nai (871), Long An (857), Tiền Giang (234), Kiên Giang (201), Tây Ninh (134)…

Các tỉnh, thành lân cận với tỉnh Phú Thọ: Trong ngày 06/9/2021, thành phố Hà Nội ghi nhận 42 ca, tỉnh Sơn La ghi nhận 02 ca mắc mới COVID-19. Ổ dịch Thanh Xuân Trung, thành phố Hà Nội ghi nhận ca mắc COVID-19 trong cộng đồng không có bất kỳ yếu tố dịch tễ nào. Tính đến thời điểm báo cáo, có 478 ca mắc COVID-19 đã được phát hiện tại ổ dịch này.

Có 9 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Hà Giang, Thái Nguyên, Điện Biên, Vĩnh Phúc.

Tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh

Trong 24 giờ qua, tỉnh Phú Thọ không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới. Bệnh viện dã chiến tỉnh Phú Thọ đang theo dõi và điều trị 20 ca bệnh COVID-19 (04 trường hợp có xét nghiệm hai lần âm tính với SARS-CoV-2, đủ điều kiện xuất viện, đang lấy mẫu thực hiện xét nghiệm lần thứ ba để bàn giao về địa phương). Tình trạng sức khỏe của các bệnh nhân ổn định. Các diễn biến lâm sàng của các bệnh nhân đang được theo dõi sát để áp dụng các biện pháp xử trí tích cực, phù hợp.

Cả tỉnh hiện có 25 F1, có 3.527 F2 và người trở về từ vùng dịch, có 124 F3 đang được theo dõi, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Trong ngày 06/9/2021, có tổng số 307 người trở về từ vùng dịch, vùng đang áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg đã thực hiện khai báo và áp dụng các biện pháp phòng chống dịch phù hợp. Các lực lượng chức năng đã phát hiện, xử lý 06 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng, không thực hiện xét nghiệm theo yêu cầu của cơ quan y tế và không chấp hành yêu cầu kiểm tra, kiểm soát phòng, chống dịch với số tiền 14 triệu đồng.

Các chốt kiểm soát dịch COVID-19 tiếp tục kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện vào tỉnh. Trong ngày 06/9/2021, có tổng số 7.916 lượt phương tiện và 10.599 lượt người lưu thông qua chốt kiểm soát. Kiểm soát phát hiện 1.263 trường hợp từ địa phương có dịch hoặc có triệu chứng lâm sàng (ho, sốt,…) qua chốt kiểm soát dịch. Thực hiện 465/465 test nhanh kháng nguyên cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2.

Ngày 06/9/2021, toàn tỉnh đã tiêm 2.229 mũi tiêm vắc xin phòng COVID-19; không phát hiện trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng. Lũy tích toàn tỉnh có 129.072 liều vắc xin đã được tiêm; trong đó, có 84.481 người được tiêm mũi thứ nhất và 44.591 người được tiêm mũi thứ hai.

Tình hình dịch bệnh trên địa bàn huyện

Tính đến 15h00 ngày 07/9/2021, huyện Yên Lập chưa phát hiện ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng.

Tính từ ngày 15/7/2021 đến nay, tổng số trường hợp thuộc diện cách ly y tế là: 2.417 trường hợp; trong đó: Số trường hợp đã hoàn thành cách ly: 2.158 trường hợp. Số trường hợp đang cách ly tại nhà, nơi cư trú: 259 trường hợp (tăng 02 trường hợp so với ngày 06/9/2021), trong đó 248 trường hợp trở về từ Hà Nội, 11 trường hợp tiếp xúc gần và trở về từ các vùng có dịch khác.

Từ 15h00 ngày 06/9/2021 đến 15h00 ngày 07/9/2021 có 23 trường hợp trở về từ Hà Nội và 01 trường hợp trở về từ Hải Dương.

Lũy tích toàn huyện có 5.195 liều vắc xin phòng COVID-19 đã được tiêm, trong đó: 2.859 người được tiêm mũi thứ 1; 2.336 người được tiêm mũi thứ 2.

Bộ Y tế yêu cầu các tỉnh, thành phố đẩy mạnh công tác xét nghiệm trên diện rộng

Bộ Y tế ban hành Công điện số 1305/CĐ-BYT ngày 02/9/2021 gửi UBND các tỉnh, thành phố về việc tăng cường công tác xét nghiệm phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, đối với các địa phương đang không thực hiện giãn cách xã hội:

- Căn cứ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, chủ động sàng lọc, giám sát phát hiện sớm các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh trong cộng đồng và tổ chức lấy mẫu xét nghiệm theo chỉ định của cơ quan y tế và trả kết quả xét nghiệm chậm nhất trong vòng 24 giờ kể từ khi lấy mẫu bệnh phẩm. Áp dụng phương pháp xét nghiệm RT-PCR hoặc kháng nguyên nhanh kết hợp với việc gộp mẫu phù hợp.

- Thực hiện xét nghiệm tầm soát 100% với các trường hợp có biểu hiện ho, sốt, khó thở, viêm đường hô hấp... đến cơ sở khám, chữa bệnh hoặc tại cộng đồng để có biện pháp đáp ứng khoanh vùng, cách ly kịp thời, không để lây lan cộng đồng.

- Thực hiện giám sát và xét nghiệm tầm soát, lấy mẫu toàn bộ hoặc đại diện thành viên nhà ở, hộ gia đình, trong phòng là người có tần suất tiếp xúc nhiều bên ngoài (thuộc nhóm cung cấp dịch vụ thiết yếu, nhân viên ngân hàng, tiếp thị, người làm việc trong chợ, siêu thị, trung tâm thương mại, người giao hàng...) và người sống ở khu vực nguy cơ tập trung đông người nguy cơ cao (nhà trọ, khu dân cư mật độ dân số cao...).

- Thực hiện xét nghiệm 5 - 7 ngày/lần đối với nhân viên, người lao động (là các trường hợp có nguy cơ cao) tại các cơ sở khám chữa bệnh, các cơ sở sản xuất kinh doanh, khu công nghiệp, người trực tiếp cung cấp dịch vụ thiết yếu.

- Tần suất lấy mẫu trong khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh thực hiện theo văn bản số 2787/QĐ-BYT ngày 05/6/2021.

- Tổ chức hướng dẫn người dân, người lao động tại cơ sở sản xuất, khu công nghiệp tự lấy mẫu xét nghiệm để chuẩn bị cho trường hợp dịch bệnh lây lan rộng.

Hướng dẫn an toàn phòng chống dịch đối với lực lượng tham gia hỗ trợ công tác phòng chống dịch COVID-19

Bộ Y tế ban hành Công văn số 7316/BYT-MT ngày 03/9/2021 gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hướng dẫn về quy định bảo đảm an toàn đối với các lực lượng tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch tại địa phương. Trong đó, nêu rõ 6 yêu cầu chung mà người tham gia hỗ trợ công tác phòng, chống dịch cần có để bảo đảm thực hiện nhiệm vụ. Cụ thể:

- Người đủ điều kiện sức khỏe về thể chất, tinh thần; không mắc các bệnh nền, mạn tính (bệnh gan, thận, tiểu đường, ung thư, tim mạch, béo phì, bệnh đường hô hấp, bệnh suy giảm miễn dịch...); không cử phụ nữ đang mang thai hoặc nuôi con nhỏ dưới 24 tháng tuổi.

- Không thuộc đối tượng tiếp xúc gần hoặc tiếp xúc với người tiếp xúc gần với trường hợp mắc COVID-19 trong vòng 14 ngày trước ngày làm nhiệm vụ; không có các biểu hiện nghi ngờ mắc COVID-19 như ho, sốt, khó thở, đau rát họng…

- Đã được tiêm đủ liều vắc xin COVID-19.

- Được xét nghiệm SARS-CoV-2 trước khi vào hỗ trợ (trong thời gian tối đa 72 giờ), định kỳ 3 ngày/lần trong thời gian công tác và trước khi kết thúc đợt công tác.

- Được tập huấn về nội quy phòng, chống dịch, nhiệm vụ của đoàn công tác, đánh giá nguy cơ, kiểm soát nhiễm khuẩn và hướng dẫn cách sử dụng các phương tiện bảo vệ cá nhân theo yêu cầu tại các vị trí làm việc trước khi tham gia.

- Được cung cấp thông tin về tình hình dịch bệnh, quy định về phòng, chống dịch, các thông tin liên quan đến địa phương, đơn vị đến công tác.

Đề nghị Nhân dân

1. Thực hiện nghiêm tinh thần “ai ở đâu ở đó”, tuyệt đối không tụ tập trung đông người, hạn chế di chuyển ra đường và ra các địa phương khác; thực hiện nghiêm túc các quy định về phòng, chống dịch bệnh.

2. Nghiêm túc thực hiện 5K: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế; tuân thủ các quy định về cách ly y tế phòng chống dịch. Không hoang mang, lo lắng; không tích trữ lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm.

3. Đề nghị người dân cài đặt và sử dụng Sổ sức khỏe điện tử trên thiết bị di động thông minh. Đây là ứng dụng được xây dựng với mục tiêu giúp người dân chủ động đăng ký tiêm chủng, quản lý thông tin sức khỏe của bản thân, chủ động cập nhật các phản ứng sau tiêm.

4. Thận trọng, cân nhắc khi đăng tải, chia sẻ thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19 lên mạng xã hội; không đăng tải, chia sẻ, like (thích) thông tin nhạy cảm, thiếu kiểm chứng, sai sự thật; những thông tin không được đăng tải theo quy định của pháp luật về tình hình dịch bệnh. Tích cực chia sẻ, lan tỏa những thông tin truyền cảm hứng; gương người tốt, việc tốt; tinh thần đoàn kết, chia sẻ, đùm bọc, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn trong mùa dịch bệnh.

5. Để thuận tiện cho việc di chuyển vào địa bàn tỉnh Phú Thọ, người dân cần chủ động khai báo y tế điện tử và khai báo di chuyển nội địa tại địa chỉ https://suckhoe.dancuquocgia.gov.vn; đồng thời, có Giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR trong thời hạn 72 giờ.

Ban Biên tập