Thông tin tuyên truyền phòng, chống COVID-19 ngày 29/8/2021
  • Cập nhật: 29/08/2021
  • Lượt xem: 3532 lượt xem

Sáng 29/8/2021, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam lũy tích có 422.469 ca mắc COVID-19. Tỉnh Phú Thọ ghi nhận thêm một trường hợp mắc COVID-19 là công dân trở về từ Nhật Bản. UBND tỉnh yêu cầu chủ động ứng phó thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.

Diễn biến tình hình dịch bệnh trong nước

Trong số các ca bệnh COVID-19, có 210.989 trường hợp đã được điều trị khỏi (chiếm gần 50%); 10.405 trường hợp tử vong. Các tỉnh có số ca mắc cao nhất cả nước là: Thành phố Hồ Chí Minh 204.964 ca, Bình Dương 98.794 ca, Đồng Nai 22.264 ca, Long An 20.400 ca, Tiền Giang 9.062 ca.

Trước đó, tính từ 18h ngày 27/8 đến 18h ngày 28/8, cả nước ghi nhận 12.103 ca mắc mới; trong đó, có 6 ca nhập cảnh và 12.097 ca ghi nhận trong nước. Các địa phương có nhiều ca mắc mới là: Thành phố Hồ Chí Minh 5.481 ca, Bình Dương 4.049 ca, Đồng Nai 797 ca, Long An 451 ca, Tiền Giang 241 ca, Đồng Tháp 143 ca…

Cả nước có 8 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới trong nước, gồm: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Hà Giang, Kon Tum.

Có 4 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát phát trên địa bàn trong 14 ngày qua, gồm: Thái Bình, Hải Phòng, Điện Biên, Phú Thọ.

Tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh

Trong 24 giờ qua, tỉnh Phú Thọ ghi nhận 1 ca mắc COVID-19 mới. Đây là trường hợp công dân trở về từ Nhật Bản đã được cách ly ngay khi nhập cảnh tại Cơ sở cách ly tập trung số 02 của tỉnh - Trung tâm Giáo dục quốc phòng an ninh, Trường Đại học Hùng Vương nên không có nguy cơ lây nhiễm ra cộng đồng.

Hiện tại, Bệnh viện dã chiến tỉnh Phú Thọ đang theo dõi và điều trị 15 ca bệnh COVID-19. Tình trạng sức khỏe của các bệnh nhân ổn định; các diễn biến lâm sàng đang được theo dõi sát để áp dụng các xử trí tích cực, phù hợp.

Cả tỉnh hiện có 252 F1, có 4.062 F2 và người trở về từ vùng dịch, có 336 F3 đang được theo dõi, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Trong 24 giờ qua, có tổng số 181  người trở về từ vùng dịch, vùng đang áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg đã thực hiện khai báo và áp dụng các biện pháp phòng chống dịch phù hợp. Lực lượng chức năng phát hiện, xử phạt 2 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng với số tiền 4 triệu đồng.

Các chốt kiểm soát dịch COVID-19 tiếp tục kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện vào tỉnh. Trong ngày 28/8, có tổng số 6.062 lượt phương tiện và 9.085 lượt người lưu thông qua chốt kiểm soát. Kiểm soát phát hiện 507 trường hợp từ địa phương có dịch hoặc có triệu chứng lâm sàng (ho, sốt,…) qua chốt kiểm soát dịch. Thực hiện 395/395 test nhanh kháng nguyên cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2.

Trong ngày 28/8, toàn tỉnh đã thực hiện tiêm  2.187 mũi vắc xin phòng COVID-19; không phát hiện trường hợp phản ứng thông thường và phản ứng nặng sau tiêm chủng.

Tình hình dịch bệnh trên địa bàn huyện

Tính đến 15h00 ngày 29/8/2021, huyện Yên Lập chưa phát hiện ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. 

Tính từ ngày 15/7/2021 đến nay, tổng số trường hợp thuộc diện cách ly y tế là: 2.227 trường hợp; trong đó: Số trường hợp đã hoàn thành cách ly: 1.887 trường hợp. Số trường hợp đang cách ly tại nhà, nơi cư trú: 340 trường hợp (tăng 01 trường hợp so với ngày 28/8/2021), trong đó 324 trường hợp trở về từ Hà Nội, 16 trường hợp tiếp xúc gần và trở về từ các vùng có dịch khác).  

Từ 15h00 ngày 28/8/2021 đến 15h00 ngày 29/8/2021 có 05 trường hợp trở về từ Hà Nội, 01 trường hợp trở về từ Bắc Ninh và 01 trường hợp trở về từ Đài Loan đã qua cách ly tập trung.

Giảm tiền điện, giảm giá điện cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch COVID-19

Ngày 28/8, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 97/NQ-CP thống nhất phương án hỗ trợ giảm tiền điện, giảm giá điện (đợt 5) cho các khách hàng sử dụng điện bị ảnh hưởng của dịch COVID-19 như đề xuất của Bộ Công Thương.

Theo đó, các đối tượng khách hàng sử dụng điện được hỗ trợ giảm tiền điện là các doanh nghiệp chế biến, bảo quản thủy sản và các sản phẩm từ thủy sản, chế biến và bảo quản rau quả và các doanh nghiệp sản xuất có kim ngạch xuất khẩu năm 2020 trên 1 tỷ đô la Mỹ nhưng hiện đang gặp nhiều khó khăn do có nhà máy hoặc cơ sở sản xuất đặt tại các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tại thời điểm ngày 25/8/2021 đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị số 16/CT-TTg.

Mức hỗ trợ giảm: Giảm 10% tiền điện (trước thuế VAT) tại các kỳ hoá đơn tiền điện tháng 9 đến hết kỳ hóa đơn tiền điện tháng 11/2021.

Bộ Y tế ban hành hướng dẫn tạm thời thuốc điều trị ngoại trú cho người nhiễm COVID-19 tại nhà

Ngày 26/8, Bộ Y tế có Quyết định 4109/QĐ-BYT ban hành hướng dẫn tạm thời thuốc điều trị ngoại trú cho người nhiễm COVID-19 tại nhà. Theo đó, 7 loại thuốc dành cho F0 điều trị tại nhà như sau: Thuốc hạ sốt, giảm đau; thuốc cân bằng điện giải; thuốc hỗ trợ nâng cao sức khỏe, tăng sức đề kháng; thuốc sát khuẩn hầu họng; thuốc kháng virus; thuốc chống viêm corticosteroid; thuốc chống đông máu và một số thuốc kê đơn khác.

Tuy nhiên, việc áp dụng thuốc điều trị ngoại trú tại nhà cho người nhiễm COVID-19 phải được các cơ sở được giao nhiệm vụ quản lý người nhiễm COVID-19 tại nhà sử dụng, kê đơn khi đảm bảo các điều kiện; không để người dân tự ý mua và sử dụng không đúng liều lượng, ảnh hưởng đến sức khỏe của người dân.

Chủ động ứng phó thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp

Ngày 26/8, UBND tỉnh ban hành văn bản số 3811/UBND-KTN về việc tăng cường công tác chỉ đạo chủ động ứng phó thiên tai trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 diễn biến phức tạp.

Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị và các cơ quan, đơn vị liên quan: Căn cứ chức năng, nhiệm vụ được giao, nghiên cứu chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện, đảm bảo khả thi, hiệu quả và tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19. Đồng thời, tiếp tục thực hiện các chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh tại Chỉ thị số 05/CT-UBND ngày 19/4/2021 về tăng cường công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, đảm bảo an toàn công trình thủy lợi năm 2021 và Quyết định số 1947/QĐ-UBND ngày 02/8/2021 về các phương án ứng phó với một số loại hình thiên tai điển hình theo cấp độ rủi ro thiên tai trên địa bàn tỉnh; kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh đối với những nội dung vượt thẩm quyền.

Đề nghị Nhân dân

1. Tích cực thực hiện phong trào thi đua đặc biệt "Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19" do Thủ tướng Chính phủ phát động.

Nghiêm túc thực hiện 5K: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế; tuân thủ các quy định về cách ly y tế phòng chống dịch.

2. Đề nghị người dân cài đặt và sử dụng Sổ sức khỏe điện tử trên thiết bị di động thông minh. Đây là ứng dụng được xây dựng với mục tiêu giúp người dân chủ động đăng ký tiêm chủng, quản lý thông tin sức khỏe của bản thân, chủ động cập nhật các phản ứng sau tiêm.

Hướng dẫn tải và cài đặt Sổ sức khỏe điện tử:

Bước 1: Vào kho ứng dụng Google Play/CH Play đối với hệ điều hành Android và ứng dụng AppStore cho hệ điều hành iOS.

Gõ vào ô tìm kiếm từ khóa “Sổ sức khỏe điện tử” và chọn tìm kiếm.

Bước 2: Chọn ứng dụng “Sổ sức khoẻ điện tử” và nhấn “Cài đặt” để thực hiện cài đặt ứng dụng.

3. Thận trọng, cân nhắc khi đăng tải, chia sẻ thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19 lên mạng xã hội; không đăng tải, chia sẻ, like (thích) thông tin nhạy cảm, thiếu kiểm chứng, sai sự thật; những thông tin không được đăng tải theo quy định của pháp luật về tình hình dịch bệnh. Tích cực chia sẻ, lan tỏa những thông tin truyền cảm hứng; gương người tốt, việc tốt; tinh thần đoàn kết, chia sẻ, đùm bọc, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn trong mùa dịch bệnh.

4. Để thuận tiện cho việc vào địa bàn tỉnh Phú Thọ, người dân cần chủ động khai báo y tế điện tử và khai báo di chuyển nội địa trên thiết bị thông minh; đồng thời, có Giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR trong thời hạn 72 giờ.

* Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, người tham gia tiêm chủng cần lưu ý một số nội dung sau:

Trước khi tiêm

Chuẩn bị đầy đủ giấy tờ cần thiết như chứng minh nhân dân/căn cước công dân hoặc thẻ bảo hiểm y tế, phiếu tiêm các vắc xin khác, sổ khám bệnh, đơn thuốc, giấy ra viện(nếu có) trong thời gian gần đây.

Tải ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử trên điện thoại thông minh và khai báo thông tin; tuân thủ thông điệp 5K, ăn uống đầy đủ trước khi tiêm.

Chủ động thông báo cho cán bộ y tế những thông tin liên quan đến sức khỏe cá nhân. Trao đổi về loại vắc xin được tiêm; dấu hiệu có thể gặp sau tiêm và cách xử lý. Ghi lại số điện thoại liên hệ trong trường hợp khẩn cấp.

Sau khi tiêm

Ở lại điểm tiêm chủng 30 phút sau khi tiêm để được theo dõi, phát hiện sớm phản ứng nếu có. Khi về nhà, theo dõi sức khỏe sau 3 tuần kể từ thời điểm tiêm vắc xin. Không nên uống rượu, bia 3 ngày sau tiêm; không bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì lên vết tiêm.

Nếu sốt trên 38,5 độ dùng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn. Trong trường hợp sốt cao trên 39 độ không giảm hoặc có dấu hiệu bất thường như tê môi, phát ban, đau đầu, co giật, nôn, đau bụng, khó thở, choáng… cần đến ngay các cơ sở y tế để được theo dõi và xử lý kịp thời.

Ban Biên tập