Thông tin tuyên truyền phòng, chống COVID-19 ngày 22/8/2021
  • Cập nhật: 22/08/2021
  • Lượt xem: 4241 lượt xem

Sáng 22/8/2021, Bộ Y tế cho biết: Việt Nam lũy tích có 336.707 ca mắc COVID-19. Bộ Y tế hướng dẫn thành lập trạm y tế lưu động và xem xét ưu tiên tiêm vắc xin COVID-19 cho phụ nữ mang thai.

Diễn biến tình hình dịch bệnh trong nước

Trong số các ca bệnh mắc COVID-19, có 140.087 bệnh nhân đã được điều trị khỏi, 711 ca nặng và rất nặng; 7.540 ca tử vong. Tổng số liều vắc xin đã được tiêm hơn 16,3 triệu liều.

Trong ngày 21/8, cả nước ghi nhận ghi nhận 11.321 ca nhiễm mới; trong đó có 22 ca nhập cảnh và 11.299 ca trong nước, 7.428 ca trong cộng đồng. Một số địa phương có nhiều ca mắc mới là: Bình Dương (4.505), Thành phố Hồ Chí Minh (4.084), Tiền Giang (589), Đồng Nai (551), Long An (393), Đà Nẵng (197), Đồng Tháp (109), Cần Thơ (100), Tây Ninh (83), thành phố Hà Nội (76 ca).

Có 7 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Hải Phòng, Yên Bái.

Có 3 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Kon Tum, Hà Giang, Thái Bình.

* Ngày 21/8, Bộ Y tế đã xuất cấp 30.000 lọ thuốc Remdesivir điều trị COVID-19. Đây là lần thứ 3 thuốc này được Bộ Y tế xuất cấp để phục vụ nhu cầu điều trị của các cơ sở y tế.

Tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh

Hiện cả tỉnh có 17 F1, có 2.978 F2 và người từ vùng dịch trở về và 266 F3 đang được theo dõi, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Trong ngày 21/8, toàn tỉnh có 192 người trở về từ vùng dịch, vùng đang áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg (trong đó có 180 người trở về từ Hà Nội) đã thực hiện khai báo và áp dụng các biện pháp phòng chống dịch phù hợp. Các lực lượng chức năng phát hiện và xử phạt hành chính 1 trường hợp không thực hiện các biện pháp cách ly phòng COVID-19 với số tiền 7,5 triệu đồng.

Các chốt kiểm soát dịch COVID-19 tiếp tục kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện vào tỉnh. Trong ngày 21/8, có 11.451 lượt phương tiện và 14.194 lượt người lưu thông qua chốt kiểm soát. Kiểm soát phát hiện 1.293 trường hợp từ địa phương có dịch hoặc có triệu chứng lâm sàng qua chốt kiểm soát dịch. Thực hiện 2.411/2.411 test nhanh kháng nguyên cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2.

Ngày 20/8, toàn tỉnh Phú Thọ đã hoàn thành tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 đợt 4 năm 2021. Đợt tiêm chủng vắc xin này, có 44.721 người được tiêm vắc xin phòng COVID-19; trong đó có 30.898 người được tiêm mũi 1 và 13.823 người được tiêm mũi 2.

* Trong ngày 21/8, toàn tỉnh có 192 người trở về từ vùng dịch, vùng đang áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg đã thực hiện khai báo và áp dụng các biện pháp phòng chống dịch phù hợp.

* Chiều ngày 21/8, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh tổ chức tiếp nhận 249 công dân của tỉnh từ Nhật Bản về nước và thực hiện cách ly tập trung tại Trung tâm Giáo dục Quốc phòng - An ninh, Trường Đại học Hùng Vương. Những công dân này được đón về nước trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 đang gia tăng trở lại ở một số tỉnh lớn của Nhật Bản. Toàn bộ công dân sẽ được Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh lấy mẫu xét nghiệm COVID-19. Những trường hợp đã được tiêm vắc xin phòng COVID-19 đủ liều thực hiện cách ly tập trung 7 ngày; những trường hợp còn lại cách ly tập trung 14 ngày.

Ưu tiên tiêm vắc xin COVID-19 cho phụ nữ mang thai

Nội dung này được Bộ Y tế ban hành tại Công văn khẩn số 6866/BYT-BMTE ngày 21/8 về ưu tiên tiêm vắc xin cho phụ nữ mang thai, bà mẹ đang cho con bú trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19.

Nhằm tăng cường công tác chăm sóc sức khỏe, đảm bảo an toàn cho phụ nữ mang thai, bà mẹ và trẻ sơ sinh trong bối cảnh dịch COVID-19 đang diễn biến vô cùng phức tạp tại Việt Nam, Bộ Y tế yêu cầu căn cứ vào tình hình dịch bệnh của địa phương, khả năng cung ứng vắc xin COVID-19, xem xét ưu tiên tiêm vắc xin cho phụ nữ mang thai, bà mẹ đang cho con bú trên địa bàn, đơn vị.

Trong đó, việc tiêm vắc xin COVID-19 cho phụ nữ mang thai được thực hiện theo Quyết định số 3802/QĐ-BYT ngày 10/8/2021 của Bộ trưởng Bộ Y tế về Hướng dẫn tạm thời khám sàng lọc trước tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 như sau:

- Phụ nữ mang thai từ trên 13 tuần là đối tượng phải được khám sàng lọc kỹ lưỡng và thận trọng, phụ nữ mang thai dưới 13 tuần là đối tượng trì hoãn tiêm chủng. Chống chỉ định tiêm vắc xin Sputnik V cho phụ nữ mang thai và đang cho con bú.

- Trước khi tiêm vắc xin cho phụ nữ mang thai, phải hỏi tuổi thai, giải thích nguy cơ, lợi ích và chỉ nên cân nhắc tiêm cho phụ nữ từ trên 13 tuần tuổi nếu lợi ích tiềm năng lớn hơn bất kỳ nguy cơ tiềm tàng nào với cả mẹ và thai nhi. Nếu phụ nữ mang thai từ trên 13 tuần tuổi sau khi được giải thích vẫn đồng ý tiêm thì cần chuyển đến tiêm và theo dõi tại cơ sở y tế có khả năng cấp cứu sản khoa…

Mỗi cụm dân cư có 50 - 100 ca COVID-19 sẽ có một Trạm y tế lưu động

Ngày 21/8, Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Trường Sơn đã ký Quyết định 4042/QĐ BYT ban hành Hướng dẫn tạm thời mô hình trạm y tế lưu động trong bối cảnh dịch COVID-19.

Theo đó, trạm y tế lưu động có chức năng triển khai các hoạt động phòng, chống dịch COVID-19 tại cộng đồng, kết nối giữa chăm sóc, quản lý người mắc COVID-19 tại nhà với chăm sóc tại bệnh viện, phát hiện các trường hợp diễn biến nặng và chuyển tuyến kịp thời; cung cấp dịch vụ chăm sóc sức khỏe ban đầu, khám bệnh, chữa bệnh, sơ cứu, chuyển tuyến kịp thời các bệnh thông thường cho người dân trên địa bàn được giao.

Trạm y tế lưu động có các nhiệm vụ: Quản lý, theo dõi người nhiễm COVID-19 tại nhà và tại cộng đồng. Xét nghiệm COVID-19, bao gồm tổ chức xét nghiệm bằng test nhanh, tổ chức lấy mẫu và gửi các phòng xét nghiệm khẳng định bằng RT-PCR, tổ chức cách ly F0 tại nhà hoặc nơi cách ly tập trung, hướng dẫn xét nghiệm bằng test nhanh. Tiêm chủng vắc xin phòng, chống COVID-19, bao gồm quản lý danh sách người cần tiêm chủng trên địa bàn, thực hiện công tác tiêm chủng, theo dõi phản ứng sau tiêm, sơ cấp cứu và chuyển tuyến các trường hợp có phản ứng muộn sau tiêm; tư vấn chuyển tuyến các trường hợp cần tiêm tại cơ sở y tế; truyền thông về COVID-19; khám, điều trị, cấp thuốc cho người mắc các bệnh khác.

Tùy theo tình hình dịch COVID-19 trên địa bàn, mỗi xã, phường, thị trấn có thể thiết lập một hoặc nhiều trạm y tế lưu động, đảm bảo mỗi cụm dân cư có khoảng 50 - 100 trường hợp nhiễm COVID-19 được cách ly tại nhà thì có một trạm y tế lưu động.

Mỗi trạm y tế lưu động có tối thiểu 5 nhân viên y tế, trong đó có ít nhất 01 bác sỹ phụ trách, còn lại là điều dưỡng và các nhân viên y tế khác. Ngoài nhân viên y tế, chính quyền cấp xã có trách nhiệm huy động thêm các nhân lực khác trên địa bàn, như Hội Chữ thập đỏ, Hội Phụ nữ, Đoàn Thanh niên… để tham gia hỗ trợ nhân viên y tế về dẫn đường, trực điện thoại, kết nối với các hộ gia đình và các hoạt động cần thiết khác của trạm y tế lưu động.

Đề nghị Nhân dân

1. Tích cực thực hiện phong trào thi đua đặc biệt "Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19" do Thủ tướng Chính phủ phát động.

Nghiêm túc thực hiện 5K: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế; tuân thủ các quy định về cách ly y tế phòng chống dịch.

2. Đề nghị người dân cài đặt và sử dụng Sổ sức khỏe điện tử trên thiết bị di động thông minh. Đây là ứng dụng được xây dựng với mục tiêu giúp người dân chủ động đăng ký tiêm chủng, quản lý thông tin sức khỏe của bản thân, chủ động cập nhật các phản ứng sau tiêm.

Hướng dẫn tải và cài đặt Sổ sức khỏe điện tử:

Bước 1: Vào kho ứng dụng Google Play/CH Play đối với hệ điều hành Android và ứng dụng AppStore cho hệ điều hành iOS.

 Gõ vào ô tìm kiếm từ khóa “Sổ sức khỏe điện tử” và chọn tìm kiếm.

Bước 2: Chọn ứng dụng “Sổ sức khoẻ điện tử” và nhấn “Cài đặt” để thực hiện cài đặt ứng dụng.

3. Thận trọng, cân nhắc khi đăng tải, chia sẻ thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19 lên mạng xã hội; không đăng tải, chia sẻ, like (thích) thông tin nhạy cảm, thiếu kiểm chứng, sai sự thật; những thông tin không được đăng tải theo quy định của pháp luật về tình hình dịch bệnh.

(Danh sách các địa phương phát hiện COVID-19 kèm theo)

Ban Biên tập