Thông tin tuyên truyền phòng, chống COVID-19 ngày 30/8/2021
  • Cập nhật: 30/08/2021
  • Lượt xem: 3025 lượt xem

Sáng 30/8/2021, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam lũy tích có 435.265 ca mắc COVID-19. Sở Y tế hướng dẫn việc thực hiện lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR tại chốt kiểm soát. Sở Giao thông vận tải hướng dẫn kê khai thông tin Giấy nhận diện cho phương tiện vận tải hàng hóa.

Trên thế giới

Toàn thế giới ghi nhận 217.173.449 ca mắc COVID-19 (tăng 494.145 ca mắc mới trong 24 giờ qua), trong đó có 4.514.166 ca tử vong, 194.061.703 trường hợp điều trị khỏi. Mỹ, Ấn Độ, Brazil hiện đang là ba quốc gia chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19.

Nhiều quốc gia trên thế giới bắt đầu gấp rút triển khai tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho trẻ em, trước các diễn biến dịch tăng nhanh tại nhóm đối tượng này. Tại châu Á, Trung Quốc bắt đầu cho phép trẻ em từ 3-17 tuổi được tiêm vắc xin phòng COVID-19 từ đầu tháng 6, là quốc gia đầu tiên trên toàn thế giới cấp phép sử dụng vắc xin cho các đối tượng nhỏ tuổi; sau đó, Trung Quốc đã phê chuẩn việc sử dụng khẩn cấp vắc xin phòng COVID-19 của Sinopharm để tiêm cho nhóm đối tượng này. Tiếp đến là các tiểu vương quốc Ả rập thống nhất với việc sử dụng khẩn cấp vắc xin của Pfizer/BioNTech cho trẻ từ 12-15 tuổi và vắc xin của Sinopharm cho trẻ từ 3-17 tuổi. Hầu hết các quốc gia trên thế giới chỉ cấp phép và tiêm vắc xin đối với trẻ em từ 12 tuổi trở lên sử dụng vắc xin của Pfizer/BioNTech.

Singapore đang là quốc gia đứng đầu thế giới về tỷ lệ tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 với 80% dân số nước này được tiêm đủ liều vắc xin. Với 80% trong tổng dân số 5,7 triệu người đã được tiêm chủng đầy đủ, Singapore đang tiến gần tới việc sống chung với COVID-19, chấp nhận rằng COVID-19 sẽ tiếp tục tồn tại trong một thời gian dài. Mặc dù có tỉ lệ tiêm chủng cao nhất thế giới, song quốc gia này vẫn chưa hoàn toàn gỡ bỏ các biện pháp giãn cách xã hội.

Diễn biến tình hình dịch bệnh trong nước

Trong số các ca bệnh COVID-19, có 217.028 trường hợp đã được điều trị khỏi (chiếm hơn 50%); 10.749 trường hợp tử vong. Các tỉnh có số ca mắc cao nhất cả nước là: Thành phố Hồ Chí Minh 209.921 ca, Bình Dương 104.208 ca, Đồng Nai 22.641 ca, Long An 20.933 ca, Tiền Giang 9.217 ca.

Trước đó, tính từ 18h00 ngày 28/8 đến 18h00 ngày 29/8, cả nước ghi nhận 12.663 ca mắc mới; trong đó, có 44 ca nhập cảnh và 12.752 ca ghi nhận trong nước. Các địa phương có nhiều ca mắc mới là: Bình Dương 5.414 ca, Thành phố Hồ Chí Minh 4.957 ca, Long An 533 ca, Đồng Nai 377 ca, Tây Ninh 234 ca, Tiền Giang 155 ca. Các tỉnh, thành lân cận với tỉnh Phú Thọ: Hà Nội 133 ca và Sơn La 11 ca.

Cả nước có 8 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước, gồm: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Hà Giang, Kon Tum.

Có 4 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua, gồm: Thái Bình, Hải Phòng, Điện Biên, Phú Thọ.

Tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh

Bệnh viện dã chiến tỉnh Phú Thọ đang theo dõi và điều trị 14 ca bệnh COVID-19. Tình trạng sức khỏe của các bệnh nhân ổn định; các diễn biến lâm sàng đang được theo dõi sát để áp dụng các xử trí tích cực, phù hợp. Ca bệnh BN206280 tại Hạ Hòa đã đủ điều kiện xuất viện và được bàn giao về địa phương tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 theo quy định.

Cả tỉnh hiện có 247 F1, có 3.970 F2 và người trở về từ vùng dịch, có 267 F3 đang được theo dõi, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Trong ngày 29/8, có tổng số 166 người trở về từ vùng dịch, vùng đang áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg đã thực hiện khai báo và áp dụng các biện pháp phòng chống dịch phù hợp. Lực lượng chức năng phát hiện, xử phạt 4 trường hợp không đeo khẩu trang nơi công cộng, vi phạm quy định cách ly y tế với số tiền 10,5 triệu đồng.

Các chốt kiểm soát dịch COVID-19 tiếp tục kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện vào tỉnh. Trong ngày 29/8, có tổng số 8.168 lượt phương tiện và 10.626 lượt người lưu thông qua chốt kiểm soát. Kiểm soát phát hiện 1.171 trường hợp từ địa phương có dịch hoặc có triệu chứng lâm sàng qua chốt kiểm soát dịch. Thực hiện 427/427 test nhanh kháng nguyên cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2.

Trong ngày 29/8, toàn tỉnh đã thực hiện tiêm 579 mũi tiêm vắc xin phòng COVID-19, đều là mũi thứ hai. Không phát hiện trường hợp phản ứng thông thường và phản ứng nặng sau tiêm chủng. Lũy tích toàn tỉnh có 115.997 liều vắc xin đã được tiêm; trong đó, có 75.641 người được tiêm mũi thứ nhất và 40.356 người được tiêm mũi thứ hai.

Tình hình dịch bệnh trên địa bàn huyện

Tính đến 15h00 ngày 30/8/2021, huyện Yên Lập chưa phát hiện ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng.

Tính từ ngày 15/7/2021 đến nay, tổng số trường hợp thuộc diện cách ly y tế là: 2.238 trường hợp; trong đó: Số trường hợp đã hoàn thành cách ly: 1.906 trường hợp. Số trường hợp đang cách ly tại nhà, nơi cư trú: 332 trường hợp (giảm 08 trường hợp so với ngày 29/8/2021), trong đó 318 trường hợp trở về từ Hà Nội, 14 trường hợp tiếp xúc gần và trở về từ các vùng có dịch khác). 

Từ 15h00 ngày 29/8/2021 đến 15h00 ngày 30/8/2021 có 11 trường hợp trở về từ Hà Nội.

Tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19: Từ ngày 28/8/2021 đến ngày 29/8/2021 Trung tâm Y tế huyện Yên Lập tổ chức tiêm Vắc xin Moderna tiêm mũi 2 cho 1.260 đối tượng đã được tiêm mũi 1 thuộc nhóm 1, nhóm 2, nhóm 4 theo Kế hoạch số 3117/ KH-UBND ngày 23/7/2021 của Uỷ ban nhân dân tỉnh Phú Thọ và tiêm Vắc xin Moderna mũi 1 cho 01 đối tượng thuộc lực lượng tham gia phòng chống dịch.

Lũy tích toàn huyện có 5.195 liều vắc xin phòng COVID-19 đã được tiêm, trong đó: 2.859 người được tiêm mũi thứ 1; 2.336 người được tiêm mũi thứ 2.

Thực hiện lấy mẫu xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR tại chốt kiểm soát

Ngày 28/8, Sở Y tế có văn bản hỏa tốc số 2412/SYT-NVY&QLHN về việc lấy mẫu và thực hiện xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng RT-PCR trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Theo đó, yêu cầu các Bệnh viện đa khoa, chuyên khoa thuộc Sở; Trung tâm kiểm soát bệnh tật; Trung tâm Y tế các huyện, thành, thị thực hiện một số nội dung sau:

Các đơn vị y tế phụ trách các chốt kiểm soát dịch COVID-19 khẩn trương bố trí vật tư, hóa chất để thực hiện lấy mẫu xét nghiệm SARS-CoV-2 tại chốt kiểm soát dịch cho người dân trong tình huống cụ thể, thực sự cần thiết. Đảm bảo mẫu xét nghiệm sau khi thu thập phải được vận chuyển ngay (tối đa 2 giờ kể từ khi lấy mẫu xét nghiệm) về Cơ sở xét nghiệm RT-PCR để thực hiện và trả kết quả cho người dân; thông báo công khai bảng giá dịch vụ xét nghiệm SARS-CoV-2 tại Chốt kiểm soát dịch theo Nghị quyết 15/2019/NQ-HĐND ngày 14/12/2019 và Nghị quyết số 09/2021/NQ-HĐND ngày12/8/2021 của Hội đồng nhân dân tỉnh để người dân nắm bắt, thực hiện; thống nhất với Cơ sở xét nghiệm SARS-CoV-2 áp dụng chế độ chi trả chi phí lấy mẫu, xét nghiệm theo Hướng dẫn của Sở Y tế tại Văn bản số 2326/SYT-KHTC ngày 23/8/2021 của Sở Y tế.

Phân vùng lại việc lấy mẫu và thực hiện xét nghiệm RT-PCR theo tình hình thực tế sau: Thành phố Việt Trì và các huyện Lâm Thao, Phù Ninh chuyển mẫu về thực hiện xét nghiệm RT-PCR tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh. Các huyện Tam Nông, Thanh Sơn, Tân Sơn, Thanh Thủy chuyển mẫu về thực hiện xét nghiệm RT-PCR tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Thủy. Các huyện Thanh Ba, Hạ Hòa và thị xã Phú Thọ chuyển mẫu về thực hiện xét nghiệm RT-PCR tại Trung tâm Y tế huyện Thanh Ba. Các huyện Cẩm Khê, Yên Lập chuyển mẫu về thực hiện xét nghiệm RT-PCR tại Trung tâm Y tế huyện Cẩm Khê. Huyện Đoan Hùng chuyển mẫu về thực hiện xét nghiệm RT-PCR tại Bệnh viện Đa khoa tư nhân Hùng Vương.

Giao Bệnh viên đa khoa tỉnh chủ trì, hướng dẫn với các Cơ sở xét nghiệm RT-PCR trên địa bàn tỉnh thống nhất áp dụng một mẫu Giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 chung trên địa bàn tỉnh Phú Thọ. Nghiên cứu ứng dụng Công nghệ thông tin trong gắn mã vạch/QR-Code trên Giấy xét nghiệm để thuận tiện cho việc kiểm tra, giám sát ngay tại Chốt kiểm soát dịch COVID-19. Chủ trì, phối hợp với Tổ Công nghệ thông tin Sở Y tế, đầu mối của Sở Thông tin và Truyền thông để triển khai liên kết kết quả xét nghiệm với hệ thống Bluezone, tạo thuận lợi cho người dân trên địa bàn tỉnh tra cứu kết quả xét nghiệm SARS-CoV-2 mọi lúc, mọi thời điểm.

Hướng dẫn kê khai thông tin Giấy nhận diện cho phương tiện vận tải hàng hóa

Ngày 27/8, Sở Giao thông vận tải ban hành văn bản số 1812/SGTVT-QLVT,PT&NL về việc triển khai phần mềm kê khai thông tin Giấy nhận diện cho phương tiện vận tải hàng hóa.

Theo đó, kể từ ngày 26/8/2021 hệ thống cấp Giấy nhận diện cho phương tiện vận tải hàng hóa theo mã QR-Code tại địa chỉ http://luongxanh.drvn.gov.vn không tiếp nhận đăng ký và cập nhật thông tin. Các xe đã được cấp mã QR Code trước thời điểm 18h00 ngày 26/8/2021 tiếp tục được sử dụng đến khi hết hiệu lực. Sau khi hết hiệu lực, truy cập địa chỉ https://vantai.drvn.gov.vn để cập nhật thông tin và nhận mã QR-Code mới.

Sau ngày 26/8/2021, để đăng ký mới Giấy nhận diện cho phương tiện vận tải hàng hóa, cập thông tin, các đơn vị vận tải hàng hóa bằng xe ô tô truy cập địa chỉ https://vantai.drvn.gov.vn  và thực hiện theo hướng dẫn.

Đề nghị Nhân dân

1. Tích cực thực hiện phong trào thi đua đặc biệt “Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19” do Thủ tướng Chính phủ phát động.

Nghiêm túc thực hiện 5K: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế; tuân thủ các quy định về cách ly y tế phòng chống dịch.

2. Đề nghị người dân cài đặt và sử dụng Sổ sức khỏe điện tử trên thiết bị di động thông minh. Đây là ứng dụng được xây dựng với mục tiêu giúp người dân chủ động đăng ký tiêm chủng, quản lý thông tin sức khỏe của bản thân, chủ động cập nhật các phản ứng sau tiêm.

3. Thận trọng, cân nhắc khi đăng tải, chia sẻ thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19 lên mạng xã hội; không đăng tải, chia sẻ, like (thích) thông tin nhạy cảm, thiếu kiểm chứng, sai sự thật; những thông tin không được đăng tải theo quy định của pháp luật về tình hình dịch bệnh. Tích cực chia sẻ, lan tỏa những thông tin truyền cảm hứng; gương người tốt, việc tốt; tinh thần đoàn kết, chia sẻ, đùm bọc, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn trong mùa dịch bệnh.

4. Để thuận tiện cho việc vào địa bàn tỉnh Phú Thọ, người dân cần chủ động khai báo y tế điện tử và khai báo di chuyển nội địa trên thiết bị thông minh; đồng thời, có Giấy xét nghiệm SARS-CoV-2 bằng phương pháp RT-PCR trong thời hạn 72 giờ.

* Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, người tham gia tiêm chủng cần lưu ý một số nội dung sau:

Trước khi tiêm

Chuẩn bị đầy đủ giấy tờ cần thiết như chứng minh nhân dân/căn cước công dân hoặc thẻ bảo hiểm y tế, phiếu tiêm các vắc xin khác, sổ khám bệnh, đơn thuốc, giấy ra viện(nếu có) trong thời gian gần đây.

Tải ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử trên điện thoại thông minh và khai báo thông tin; tuân thủ thông điệp 5K, ăn uống đầy đủ trước khi tiêm.

Chủ động thông báo cho cán bộ y tế những thông tin liên quan đến sức khỏe cá nhân. Trao đổi về loại vắc xin được tiêm; dấu hiệu có thể gặp sau tiêm và cách xử lý. Ghi lại số điện thoại liên hệ trong trường hợp khẩn cấp.

Sau khi tiêm

Ở lại điểm tiêm chủng 30 phút sau khi tiêm để được theo dõi, phát hiện sớm phản ứng nếu có. Khi về nhà, theo dõi sức khỏe sau 3 tuần kể từ thời điểm tiêm vắc xin. Không nên uống rượu, bia 3 ngày sau tiêm; không bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì lên vết tiêm.

Nếu sốt trên 38,5 độ dùng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn. Trong trường hợp sốt cao trên 39 độ không giảm hoặc có dấu hiệu bất thường như tê môi, phát ban, đau đầu, co giật, nôn, đau bụng, khó thở, choáng… cần đến ngay các cơ sở y tế để được theo dõi và xử lý kịp thời.

Ban Biên tập