Triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 năm 2021-2022 trên địa bàn huyện Yên Lập
  • Cập nhật: 11/08/2021
  • Lượt xem: 4481 lượt xem

Ngày 28/7/2021, UBND huyện ban hành Kế hoạch số 1005/KH-UBND huyện về việc triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 năm 2021-2022 trên địa bàn huyện Yên Lập.

Theo đó, thời gian: Từ tháng 7/2021 đến tháng 4/2022.

Đối tượng tiêm

Toàn bộ người dân trong độ tuổi có chỉ định sử dụng vắc xin theo khuyến cáo của nhà sản xuất (trong đó ưu tiên cho lực lượng tuyến đầu phòng chống dịch và lực lượng tuyến đầu trong thúc đẩy, phát triển kinh tế)

1. Người làm việc trong các cơ sở y tế, ngành y tế (công lập và tư nhân).

2. Người tham gia phòng chống dịch (Thành viên Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, người làm việc ở các khu cách ly, bệnh viện dã chiến, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, tổ COVID-19 cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên Đài TT-TH huyện,...). 

3. Người sinh sống tại vùng có dịch.  

4. Người cung cấp dịch vụ thiết yếu: Vận tải, điện, nước, viễn thông, vệ sinh môi trường đô thị, cơ sở lưu trú, ăn uống, ngân hàng, dược, vật tư y tế; bán lẻ, bán buôn tại các chợ.

5. Các đối tượng là người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp (bao gồm cả doanh nghiệp trong cụm công nghiệp).   

6. Các đối tượng là người trực tiếp cung cấp các dịch vụ mát xa, spa, karaoke, cắt tóc, gội đầu, thẩm mỹ, nhà hàng, khách sạn,…; siêu thị, chợ, công trình xây dựng...

7. Người được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài hoặc có nhu cầu xuất cảnh để công tác, học tập và lao động ở nước ngoài; chuyên gia nước ngoài làm việc tại huyện.

8. Giáo viên, người làm việc tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính; các tổ chức hành nghề luật sư, công chứng, đấu giá... thường xuyên tiếp xúc với nhiều người.  

9. Các chức sắc, chức việc các tôn giáo.  

10. Người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội.  

11. Người mắc các bệnh mãn tính; người trên 65 tuổi.  

12. Người lao động tự do, học sinh, sinh viên.  

13. Các đối tượng khác theo Quyết định của Bộ trưởng Bộ Y tế hoặc Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 huyện và đề xuất của các đơn vị viện trợ vắc xin cho Bộ Y tế.

Phạm vi triển khai

Trên quy mô toàn huyện, trong đó ưu tiên:

- Các đối tượng ở vùng đang có dịch trên địa bàn.

- Các xã, thị trấn có dân số đông, mật độ cao, có nhiều cơ sở sản xuất kinh doanh, cụm công nghiệp.  

- Các xã, thị trấn có lưu lượng và mật độ giao thông cao, đặc biệt là giao thông liên huyện, cửa ngõ ra vào huyện. 

Hình thức triển khai

Tổ chức tiêm chủng chiến dịch tại các các cơ sở tiêm chủng đủ điều kiện ở tuyến huyện và tuyến xã (gồm cả điểm tiêm chủng cố định và tiêm chủng lưu động).

Đảm bảo an toàn tiêm chủng

1. Tổ chức tập huấn chuyên môn về hướng dẫn khám sàng lọc, xử trí tai biến nặng sau tiêm chủng; an toàn tiêm chủng.

2. Các điểm tiêm chủng, rà soát cơ sở vật chất, trang thiết bị, nhân lực để tổ chức tiêm chiến dịch khi được phân bổ vắc xin. Chuẩn bị đầy đủ cơ số cấp cứu phản vệ theo quy định tại Thông tư số 51/2017/TT-BYT, ngày 29/12/2017 của Bộ Y tế tại các điểm tiêm. Chuẩn bị phương án cụ thể để hỗ trợ cấp cứu trong trường hợp cần thiết.

3. Tiến hành khám sàng lọc chủ động để phân loại các đối tượng cần phải bố trí tiêm tại các cơ sở điều trị.

4. Thực hiện nghiêm 5K, giãn cách và các biện pháp phòng chống dịch tại các điểm tiêm chủng.

Ứng dụng công nghệ thông tin quản lý tiêm chủng

Để công khai minh bạch thông tin và tạo điều kiện thuận lợi cho các cá nhân, tổ chức, đơn vị, địa phương trong quá trình triển khai chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19, các đơn vị, địa phương sử dụng Nền tảng quản lý tiêm chủng COVID-19 để triển khai chiến dịch. Nền tảng bao gồm 4 thành phần: (1) Cổng công khai thông tin tiêm chủng tại địa chỉ: https://tiemchungcovid19.gov.vn; (2) Hệ thống hỗ trợ công tác tiêm chủng; (3) Hệ thống phục vụ công tác chỉ đạo điều hành; (4) Ứng dụng số sức khỏe điện tử, cụ thể như sau:

Truyền thông

 Nội dung

- Truyền thông chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước, các chỉ đạo của Quốc hội, Chính phủ về công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19, trong đó có Nghị quyết 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19.

- Truyền thông vận động người dân ủng hộ công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 theo tinh thần “Tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 là quyền lợi đối với cá nhân, là trách nhiệm đối với cộng đồng”; vận động người dân đi tiêm chủng khi đến lượt; vận động người dân ủng hộ Quỹ vắc xin phòng COVID-19 Việt Nam.

- Truyền thông Kế hoạch chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 tại địa phương; hiệu quả của tiêm chủng vắc xin trong phòng, chống dịch COVID-19, các khuyến cáo về tiêm chủng vắc xin an toàn, theo dõi và xử lý phản ứng sau tiêm chủng.

- Phát hiện, nêu gương những cá nhân điển hình trong phong trào thi đua hoàn thành kế hoạch tiêm chủng an toàn.

Các hoạt động truyền thông

- Truyền thông kịp thời, chính xác trên các phương tiện thông tin về chiến dịch tiêm chủng, vận động người dân đi tiêm chủng khi đến lượt mình, các thông điệp, khuyến cáo tiêm chủng an toàn, theo dõi phản ứng sau tiêm chủng, kêu gọi người dân ủng hộ chiến dịch và Quỹ vắc xin phòng COVID-19 Việt Nam; thông qua các bài viết, phóng sự, tọa đàm, giao lưu, chương trình phát thanh...

- Tổ chức truyền thông mạnh mẽ, đồng bộ, hiệu quả về hoạt động Chiến dịch tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

- Xây dựng các thông điệp, khuyến cáo, tài liệu truyền thông về tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19; cung cấp trên Trang thông tin điện tử huyện tài liệu truyền thông phòng, chống dịch và tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

- Triển khai Đường dây nóng của Ban Chỉ đạo các cấp, cung cấp thông tin, tư vấn kịp thời cho người dân về tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

- Tập huấn truyền thông tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 và truyền thông về sự cố bất lợi sau tiêm chủng vắc xin cho cán bộ đài truyền thanh, cán bộ y tế và các lực lượng tham gia Chiến dịch tiêm chủng.

Quản lý bơm kim tiêm và rác thải y tế sau tiêm chủng

- Xử lý bơm kim tiêm và rác thải y tế sau buổi tiêm chủng theo quy định tại Thông tư liên tịch 58/2015/TTLT-BYT-BTNMT ngày 31/12/2015 của Bộ Y tế và Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định về quản lý chất thải y tế Y tế về việc hướng dẫn quản lý chất thải y tế trong tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 và Văn bản số 102/MT-YT ngày 04/3/2021 về việc hướng dẫn quản lý chất thải y tế trong tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19.

- Các cơ sở tiêm chủng, có phương án thu gom và xử lý bơm kim tiêm, rác thải y tế tại điểm tiêm theo quy định của Bộ Y tế. Lọ vắc xin sau khi sử dụng phải được hủy bỏ và ghi chép, báo cáo.

Giám sát và báo cáo hoạt động tiêm chủng

1. Giám sát hoạt động tiêm chủng

- Kiểm tra, giám sát trước, trong và sau chiến dịch

- Ban Chỉ đạo chiến dịch tiêm vắc xin phòng COVID-19 của huyện, Trung tâm Y tế và các đơn vị liên quan tiến hành theo dõi, giám sát các hoạt động tiêm vắc xin phòng chống COVID-19.

- Chỉ đạo đôn đốc việc đảm bảo tiến độ tiêm chủng.

2. Báo cáo kết quả tiêm chủng      

- Báo cáo kết quả tiêm chủng hàng ngày và kết thúc chiến dịch về tình hình tiếp nhận vắc xin, sử dụng vắc xin cùng với kết quả tiêm chủng.

- Sử dụng ứng dụng hồ sơ sức khỏe của Bộ Y tế để thực hiện báo cáo.


Phòng Y tế