Hiểu đúng để phòng, tránh bệnh nCoV hiệu quả
  • Cập nhật: 06/02/2020
  • Lượt xem: 38099 lượt xem

PhuthoPortal - “Người mắc bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus corona gây ra (nCoV) có thể được điều trị khỏi hoàn toàn và không để lại di chứng nếu được phát hiện, chẩn đoán, cách li và điều trị kịp thời” - đó là khẳng định của ông Lê Quang Thọ - Phó Giám đốc Sở Y tế.


Trung tâm Phục vụ hành chính công tỉnh trang bị nước rửa tay diệt khuẩn cho người dân đến thực hiện thủ tục hành chính

nCoV là một loại virus gây bệnh viêm đường hô hấp cấp ở người. Virus này là chủng vius mới chưa được xác định trước đó. Các triệu chứng của bệnh nhân mắc nCoV từ nhẹ đến nặng bao gồm: Sốt, ho và khó thở. Các triệu chứng này có thể xuất hiện từ 2 đến 14 ngày sau khi tiếp xúc nguồn bệnh. Tới khi khởi phát, nCoV gây sốt và có thể tổn thương đường hô hấp. Trường hợp nặng, gây viêm phổi và có thể nhiều cơ quan khác trong cơ thể khiến bệnh nhân tử vong, nhất là các trường hợp người cao tuổi, người có bệnh mãn tính (như hen phế quản, tiểu đường, bệnh tim mạch,…).

Ông Lê Quang Thọ cho biết: nCoV ban đầu xuất hiện từ nguồn động vật nhưng có khả năng lây truyền từ người sang người. Điều quan trọng cần lưu ý là sự lây lan từ người sang người có thể xảy ra liên tục. Virus lây lan qua tiếp xúc với dịch cơ thể của người bệnh. Tùy thuộc vào mức độ lây lan của chủng virus, việc người nhiễm bệnh ho, hắt hơi hay bắt tay có thể khiến người xung quanh bị phơi nhiễm. Bất cứ ai cũng có thể bị lây nhiễm nCoV từ việc chạm tay vào vật mà người bệnh đã chạm vào, sau đó đưa lên miệng, mũi và mắt…

 

Cán bộ, giáo viên Trường Mầm non Sơn Nga (huyện Cẩm Khê) thực hiện tổng vệ sinh môi trường để giảm nguy cơ lây lan dịch bệnh nCoV

Tại thời điểm này, chưa có loại thuốc đặc hiệu nào để phòng và điều trị bệnh nCoV. Tuy nhiên người dân không nên quá l‎o lắn‎g. Nguy cơ nhi‎ễm bện‎h khi bị virus tấ‎n côn‎g phụ thuộc vào khả năng miễn dịc‎h tại chỗ của đường hô hấp và khả năng miễn dịc‎h toàn thâ‎n. Hiện những người nhiễm bệnh được điều trị giảm các triệu chứng, các trường hợp bệnh nặng sẽ được áp dụng các phương pháp điều trị hỗ trợ tối ưu nhất. Việc 3/10 người mắc nCoV đã được điều trị khỏi bệnh và được xuất viện tại Việt Nam đã chứng tỏ trình độ, năng lực của các tuyến y tế từ Trung ương đến địa phương.

Theo hướng dẫn của Bộ Y tế, người dân cần chú ý thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch bệnh nCoV như:

Hạn chế tiếp xúc trực tiếp với người bị bệnh đường hô hấp cấp tính (sốt, ho, khó thở); khi cần thiết phải đeo khẩu trang y tế đúng cách và giữ khoảng cách trên 2m khi tiếp xúc.

Thực hiện các biện pháp vệ sinh cá nhân như: Rửa tay thường xuyên với xà phòng, súc miệng, họng bằng nước muối hoặc nước súc miệng, tránh đưa tay lên mắt, mũi, miệng.

Giữ ấm cơ thể, tăng cường sức đề kháng cho cơ thể bằng việc ăn uống, sinh hoạt hợp lý, bổ sung vitamin…

 

Ông Lê Quang Thọ khuyến cáo: Vì các dấu hiệu mắc nCoV ban đầu khá giống với những bệnh cúm, cảm thông thường, do đó người dân cần chủ động theo dõi diễn biến sức khỏe. Khi có các triệu chứng của bệnh cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xét nghiệm và điều trị kịp thời; đồng thời thông tin về các triệu chứng và lịch trình đã di chuyển trong thời gian gần đây để có biện pháp hỗ trợ, tuyệt đối tránh việc giấu bệnh.

Theo số liệu của Bộ Y tế, tính đến 16 giờ ngày 5/2, trên thế giới đã có 24.567 người mắc, 493 người tử vong do mắc nCoV. Việt Nam có 10 người mắc, trong đó có 3 trường hợp đã chữa khỏi và xuất viện. Tỉnh Phú Thọ chưa ghi nhận trường hợp nào nhiễm bệnh nCoV. Để công tác phòng, chống dịch đạt hiệu quả, mỗi người dân cần trang bị những kiến thức về bệnh, cách phòng, tránh bệnh, qua đó vừa bảo vệ sức khỏe cho bản thân, vừa hạn chế lây lan ra cộng đồng.

 

PV