Yên Lập là huyện miền núi của tỉnh Phú Thọ, đời sống vật chất của người dân nơi đây còn gặp nhiều khó khăn. Tuy vậy, đời sống tinh thần của họ rất phong phú, đặc biệt là các dân tộc thiểu số như Mường, Dao, H’Mông,…Sự gắn bó giữa cộng đồng các dân tộc tạo nên sự giao thoa về mặt văn hóa. Tuy nhiên mỗi một dân tộc có những phong tục, tập quán riêng biệt tạo nên bản sắc văn hoá đặc trưng không thể bắt gặp ở dân tộc khác. Đời sống văn hóa tinh thần của người Dao quần chẹt xã Nga Hoàng, huyện Yên Lập được biết đến với nhiều nghi lễ đặc biệt, mang đậm dấu ấn riêng. Một trong những nghi lễ quan trọng phải thể kể đến trong vòng đời người Dao đó chính là Lễ cấp sắc.
Lễ cấp sắc của người Dao được bắt nguồn từ truyền thuyết dân gian được lưu truyền qua nhiều thế hệ. Xưa kia khi tổ tiên người Dao đang sinh sống trên các sườn núi, bỗng ma quỷ xuất hiện, phá hoại mùa màng, tàn sát nhân gian. Trước sự lộng hành của ma quỷ dưới trần gian, Ngọc Hoàng sai quân lính nhà trời xuống trừ họa cho dân. Suốt 3 tháng, Ngọc Hoàng không diệt trừ hết ma quỷ, ngài kêu gọi người trần phải tự biết cứu mình. Do người trần không có phép thuật nên Ngọc Hoàng bèn lệnh cho các vị thần tiên truyền phép thuật cho những người đàn ông làm chủ gia đình, cấp cho một đạo sắc chỉ, phong thầy để cùng với quân nhà trời xuống trần gian trừ yêu quái. Từ đó, để đề phòng ma quỷ quay lại quấy phá, Ngọc Hoàng ban lệnh cấp sắc cho những người đàn ông có lòng muốn giúp dân trừ họa. Lễ cấp sắc ra đời từ đó và lưu truyền cho đến ngày nay. Cấp sắc không chỉ là một tục lệ rất phổ biến mà còn là bắt buộc đối với tất cả đàn ông người Dao. Người nào được cấp sắc sau khi chết hồn mới về đoàn tụ với tổ tiên. Nghi thức này tồn tại dưới nhiều tên gọi: Lễ cấp sắc, lễ đặt tên âm, đám chay, lễ lập tỉnh, lễ cấp pháp danh. Mỗi tên gọi đều gắn với từng ý nghĩa riêng của nó trong quá trình tiến hành nghi lễ. Tuy nhiên, Lễ cấp sắc có ý nghĩa khái quát nhất, bao hàm được ý nghĩa cấp đạo sắc cho người thụ lễ, công nhận sự trưởng thành của người đàn ông Dao, trao cho họ quyền và nghĩa vụ làm trụ cột gia đình, được làm nghề cúng bái và lưu giữ những phong tục, nghi lễ độc đáo của dân tộc Dao từ ngàn xưa.

Các thầy cúng đang làm lễ cấp sắc cho "trò"
Người ta làm lễ cấp sắc lần lượt theo thế hệ và theo thứ bậc: Ông, bố, anh, em… Người Dao Quần Chẹt ở xã Nga Hoàng, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ chỉ tổ chức lễ cấp sắc cho người con trai sau khi đã lấy vợ.
Đặc thù diễn trình lễ cấp sắc của người Dao Quần Chẹt xã Nga Hoàng, huyện Yên Lập phải trải qua rất nhiều bước từ quá trình chuẩn bị, mời thầy cúng và tiến hành làm lễ. Các vật hiến tế gồm: 5 con lợn (2 con to làm lễ tạ ơn, 3 con cúng báo tổ tiên), 2 tạ gạo, gạo nếp để đồ xôi, giã bánh dày, làm bánh trôi và gạo gói bánh chăng, gà trống 7 con, thịt sóc sấy khô 3 bát, kèm 3 bát rau xanh, chiếu mới 1 đôi và rơm sạch, tiền xu, rượu, lễ phục, tranh thờ, kèn, tù và, chiêng bằng, trống, chuông… Quá trình tổ chức lễ cấp sắc trải qua 7 bước: Lễ dâng hương, lễ dâng đèn, lễ đặt tên, lễ qua cầu và cấp các dụng cụ cúng bái, lễ trình diện Ngọc Hoàng, cấp đạo sắc và cúng Bàn Vương. Diễn trình Lễ cấp sắc của người Dao Quần Chẹt vẫn mang những nét đặc thù khi đem so sánh với các nhóm Dao khác như: Dao Tiền, Dao Đỏ, Dao quần Trắng có những nét khác biệt rõ rệt về cách thức đặt tên âm, nghi thức dâng đèn, độ tuổi làm lễ cấp sắc, lễ cấp các dụng cụ cúng bái.
Lễ cấp sắc thể hiện tính giáo dục cộng đồng qua những lời cúng trong từng nghi lễ, nội dung đạo sắc, bộ tranh thờ, bản lí lịch của mỗi học trò được cấp sắc. Người Dao có quan niệm rất nhân văn, theo họ con người sinh ra và lớn lên phải có 3 thầy dạy dỗ mới trở thành người có đức, có ích cho gia đình và xã hội. Thầy thứ nhất là bố mẹ đẻ, thầy thứ hai là thầy giáo dạy học chữ và thầy thứ ba chính là thầy mo hay thầy thánh sư cấp sắc cho từng người đàn ông Dao. Giáo dục con cháu gìn giữ phong tục tốt đẹp của dân tộc, tiếng nói giống nòi, học tập văn hoá tiên tiến của dân tộc và xã hội, biết làm kinh tế gia đình, phát triển sản xuất kinh doanh. Sau Lễ cấp sắc thầy có quyền mắng trò và răn dạy khi cần thiết và trò có trách nhiệm phải nghe lời như bố mẹ đẻ. Theo như lời ông Triệu Văn Liên - Nguyên Phó Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Nga Hoàng đã nói: "Nhiều khi thầy nói trò còn nghe hơn cả bố mẹ. Nhiều trò khi chưa qua lễ cấp sắc vi phạm đủ thứ chuyện như đánh chửi nhau, rượu chè, bất hoà... Tuy nhiên khi đã qua Lễ cấp sắc được "đặt tên" và làm lễ đã tiến bộ hẳn lên và tu chí làm ăn, xây dựng gia đình hạnh phúc".
Trong Lễ cấp sắc còn xuất hiện yếu tố tâm linh, họ quan niệm chết không phải là hết, tin tưởng có sự tồn tại và chứng kiến của Ngọc Hoàng, phải có sự giúp sức của 7 ông thầy, treo hai bộ tranh thờ là Tam Thanh và Hành Sư gồm 19 tờ làm bằng giấy bản dày. Bộ tranh thờ được lưu truyền từ rất lâu đời và chỉ duy nhất người Dao sử dụng. Khi làm Lễ cấp sắc họ sẽ treo tranh vẽ các vị thần linh khác nhau. Họ cúng, thỉnh cầu các vị thần linh đó cùng các bậc tổ tiên đến dự, chứng kiến và công nhận các nghi lễ diễn ra trong suốt tiến trình cấp sắc. Điều đó khẳng định trong tâm thức của người Dao vẫn tồn tại thế giới bên kia, họ tin tưởng 7 ông thầy có một sức mạnh thần kì giúp họ phòng trừ được các ma ác làm hại, giữ yên lành cho con người.
Yếu tố văn hoá nghệ thuật cũng xuất hiện rất đa dạng và phong phú trong lễ cấp sắc. Múa chuông là hình thức diễn xướng dân gian tiêu biểu nhất được trình diễn trong lễ cấp sắc. Đây là hình thức diễn xướng dân gian cổ xưa nhất của người Dao kể từ khi họ di cư và sinh sống trên đất nước Việt Nam nói chung, trên địa bàn huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ nói riêng. Đây là hình thức sinh hoạt văn hoá không thể thiếu trong đời sống tinh thần của đồng bào dân tộc Dao. Bên cạnh các điệu múa tái diễn lại những nội dung gắn liền với lịch sử của dòng tộc, người Dao có các hình thức múa thể hiện những hoạt động, những động tác đơn giản trong lao động, sản xuất, trong cuộc sống đời thường như: cày, cuốc, trồng lúa, xúc đất... rất quen thuộc trong lao động hàng ngày của người Dao. Bên cạnh đó có thể kể đến kho tàng sách cổ, nhạc cụ dân gian, ẩm thực cũng góp phần tạo nên sự phong phú, sinh động trong quá trình tổ chức lễ cấp sắc của người Dao.
Lễ cấp sắc của người Dao Quần Chẹt xã Nga Hoàng, huyện Yên Lập, tỉnh Phú Thọ mang đậm bản sắc dân tộc, dấu ấn thiêng liêng trong vòng đời của người đàn ông dân tộc Dao. Lễ cấp sắc từ lâu đã trở thành một nghi lễ không thể thiếu được trong đời sống tâm linh của đồng bào, luôn gắn liền với các đặc trưng văn hóa tộc người. Do vậy vấn đề gìn giữ bản sắc văn hóa người Dao thường gắn kết với việc duy trì và phát huy những mặt tích cực của Lễ cấp sắc. Xuất phát từ đường lối về văn hóa Đảng ta đã đề ra, chúng ta nhận thấy việc tiếp tục bảo tồn, duy trì và phát huy giá trị nhân văn trong Lễ cấp sắc là việc làm cần thiết và có ý nghĩa với đời sống tinh thần của người Dao. Cần có sự tiếp biến, cải biến phù hợp để phát huy những giá trị nhân văn trong Lễ cấp sắc của người Dao, góp phần vào việc giữ gìn, bảo tồn văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc./.
Phần 1:
Phần 2: