Đời sống kinh tế
- Trong truyền thống, các dân tộc huyện Yên Lập canh tác chủ yếu ở các ruộng nước thung lũng hay những doi đất nhỏ hẹp dưới chân các dãy núi, ven các đồi gò thấp với hệ thống mương phai rất đặc trưng. Lúa nước là cây lương thực chính. Đời sống kinh tế của người Yên Lập ngày xưa cũng rất khó khăn, thấp kém bởi với phương tiện, công cụ sản xuất lạc hậu, lối làm ăn manh mún, tự túc tự cấp. Bên cạnh làm lúa nước, người Yên Lập còn làm nương rẫy để gieo lúa cạn và trồng các thứ hoa màu khác góp phần nâng cao đời sống kinh tế.
- Về vị trí định canh, định cư: người Yên Lập Phú Thọ cư trú tập trung ở vùng thung lũng chân núi, nơi có độ cao không lớn. Đặc điểm nổi bật trong phân bố dân cư của người Yên Lập Phú Thọ là tính tập trung, cư dân Mường chiếm tới trên 90% dân số cả xã. Sự xen kẽ giữa người Mường và người Việt trong các địa phương này cũng diễn ra theo nhiều cấp độ khác nhau, những xã gần huyện thì người Mường và người Việt sống xen kẽ nhưng thành từng làng hoặc chòm xóm riêng biệt, ở những nơi vùng sâu, vùng xa thì mức độ xen kẽ ngay trong cùng một làng nhưng tỷ lệ người Việt rất ít, có những nơi như xã Trung Sơn, tỷ lệ người Việt cư trú là dưới 100 người.
- Về tính đặc thù trong sản xuất kinh tế: Người Yên Lập sống định canh, định cư nên trong sản xuất nông nghiệp, chủ yếu là canh tác lúa nước, sản xuất nhỏ theo kiểu tự túc, tự cấp; ngoài việc cấy lúa nước họ còn phát nương trồng lúa. Sau năm 1999, với dự án 135 hỗ trợ phát triển kinh tế cho các xã miền núi đặc biệt khó khăn, đã tạo ra những bước đột phá trong chuyển dịch cơ cấu sản xuất nông nghiệp của đồng bào nhờ đó mà mức sống và thu nhập của người dân được cải thiện. Cơ chế thị trường đã tác động rất lớn đến tập quán canh tác và chăn nuôi của Nhân dân việc trao đổi, mua bán hàng hoá diễn ra phong phú và nhộn nhịp không khác gì các chợ miền xuôi; đây là điều kiện thuận lợi để người dân thoát dần ra khỏi tập quán canh tác cũ, nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào.
Nghề thủ công truyền thống chủ yếu là nghề mộc, đan lát, dệt vải. Trước đây, gia đình nào cũng có khung cửi, họ tự trồng bông, trồng dâu, nuôi tằm và dệt vải; người phụ nữ làm ra những vuông vải cho mình, cho những người trong gia đình và làm của hồi môn đem đến nhà chồng. Sự khéo léo thể hiện trong những vuông vải trở thành một trong những tiêu chuẩn về giá trị của người phụ nữ. Mặc dù rất khéo léo nhưng nghề mộc chỉ dừng lại ở phạm vi tương trợ, giúp nhau dựng nhà, làm khung cửi, làm đuống, cối giã gạo hoặc phục vụ cho sản xuất vui chơi chứ không chuyên mộc, không làm hàng hoá; việc đóng các đồ gia dụng, làm gạch, xây nhà... chỉ phổ biến trong thời gian gần đây.
Chính những nét đặc thù trong hoàn cảnh sống và kinh tế đã góp phần làm nên những giá trị văn hoá vật thể, phi vật thể độc đáo của Yên Lập.