Truyền thống lịch sử

Là huyện miền núi phía Tây của tỉnh, Yên Lập có vị trí chiến lược quan trọng trong khu vực phòng thủ quốc phòng, an ninh, huyện có 5 xã thuộc khu vực ATK. Trong quá trình lịch sử, các thế hệ nhân dân huyện Yên Lập luôn phát huy tinh thần đoàn kết, đấu tranh anh dũng của vùng đất giàu truyền thống cách mạng.

Ngay trong những năm đầu của thời kỳ vận động thành lập chính quyền cách mạng, mặc dù ở địa phương chưa thành lập được tổ chức Đảng, nhưng thông qua các hoạt động của Mặt trận Việt Minh và các cán bộ của chi bộ Cát Trù - Thạch Đê, nhân dân huyện Yên Lập đã tích cực tham gia xây dựng các cơ sở cách mạng, tiêu biểu là chiến khu Lòng Chảo - Minh Hòa, một trong ba chiến khu kháng Nhật của tỉnh.

Sau khi Cách mạng tháng Tám thành công, vào cuối tháng 9 năm 1945, đồng chí Nguyễn Đan Thành được Tỉnh ủy Phú Thọ phân công theo dõi và chuẩn bị thành lập các chi bộ Đảng ở huyện Yên Lập. Sau một thời gian thử thách, giác ngộ, tuyên truyền về Đảng, 6 quần chúng ưu tú đã được kết nạp Đảng. Trên cơ sở số đảng viên mới kết nạp, ngày 20-4-1947 chi bộ Hưng Long được thành lập, đồng chí Nguyễn Đan Thành được bầu làm Bí thư. Ngay sau khi được thành lập, chi bộ đã thực hiện nghiêm túc Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Phú Thọ lần thứ nhất (tháng 1-1947) về công tác xây dựng Đảng; phân công đảng viên về các xã trong huyện gây dựng phong trào, tổ chức thành lập các chi bộ Đảng. Đến cuối năm 1948, huyện Yên Lập đã thành lập được 11 chi bộ với 233 đảng viên. Trước yêu cầu của nhiệm vụ cách mạng mới, nhằm tăng cường sự lãnh đạo của Đảng trên địa bàn huyện Yên Lập, Tỉnh ủy Phú Thọ quyết định thành lập Đảng bộ lâm thời huyện Yên Lập. Ngày 19 tháng 7 năm 1948, tại nhà ông Lê Văn Nguyên (Xóm Xấu, xã Xuân Thủy), Đại hội Đảng bộ huyện Yên Lập lần thứ nhất được triệu tập. Đây là mốc son lịch sử, đánh dấu bước phát triển mới cả về lượng và chất của phong trào cách mạng ở huyện vùng cao này.

Ngay sau khi được thành lập, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân đoàn kết một lòng, vượt qua mọi hy sinh, gian khổ, cùng nhân dân cả nước quyết tâm bảo vệ thành quả cách mạng. Nhân dân huyện Yên Lập hăng hái thi đua lao động sản xuất, vừa  xây dựng hậu phương, vừa dũng cảm chiến đấu chống giặc càn quét bảo vệ quê hương, đồng thời tích cực chi viện sức người, sức của cho kháng chiến, góp phần cùng với quân và dân cả nước làm nên chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ.

Năm 1954, miền Bắc được hoàn toàn giải phóng, phát huy những thành tựu đã đạt được của thời kỳ kháng chiến chống Pháp, Đảng bộ đã lãnh đạo nhân dân trong huyện chiến đấu và chiến thắng chiến tranh phá hoại của đế quốc Mỹ, hoàn thành kế hoạch những năm đầu xây dựng Chủ nghĩa xã hội; chi viện sức người, sức của cho tiền tuyến miền Nam. Hàng vạn tấn lương thực, thực phẩm của nhân dân Yên Lập được gửi ra tiền tuyến; hàng ngàn cán bộ, đảng viên và nam nữ thanh niên vào bộ đội, đi thanh niên xung phong, tham gia dân công hỏa tuyến, chiến đấu và phục vụ chiến đấu ở khắp các chiến trường, cùng quân và dân cả nước hoàn thành sự nghiệp giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Trải qua các cuộc chiến tranh giải phóng đất nước và bảo vệ Tổ quốc, Yên Lập có 421 thương, bệnh binh và 652 liệt sĩ đã anh dũng hy sinh vì nền độc lập dân tộc.

Bước vào những ngày đầu của công cuộc đổi mới do Đảng ta khởi xướng, lãnh đạo, trước bộn bề những thử thách: Tập quán canh tác lạc hậu, chủ yếu mang tính tự cung tự cấp, đời sống nhân dân khó khăn; hạ tầng kinh tế - xã hội yếu kém; địa hình phức tạp, giao thông không thuận tiện, đội ngũ cán bộ còn thiếu nhiều về số lượng, hạn chế về chất lượng... Với tinh thần đoàn kết, năng động, sáng tạo, đổi mới, phát triển, Đảng bộ và nhân dân các dân tộc trong huyện đã nỗ lực phấn đấu, đạt được nhiều thành tựu có ý nghĩa rất quan trọng và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực. Những năm qua kinh tế của huyện phát triển ổn định, tốc độ tăng trưởng kinh tế hàng năm đạt 10% trở lên. Năm 2012 giá trị tăng thêm ngành nông, lâm nghiệp, thủy sản đạt 510,6 tỷ đồng; giá trị tăng thêm ngành công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp - xây dựng cơ bản đạt 119,8 tỷ đồng; ngành thương mại - dịch vụ đạt 208 tỷ đồng; tổng thu ngân sách trên địa bàn đạt 30,25 tỷ đồng; thu nhập bình quân đầu người đạt trên 8 triệu đồng/ người/ năm; bình quân lương thực đầu người đạt 436,6 kg; giá trị sản phẩm bình quân trên 1 ha diện tích đất sản xuất nông nghiệp đạt trên 60 triệu đồng/năm. Cơ cấu kinh tế nông nghiệp chuyển dịch theo hướng tiến bộ, giá trị và hiệu quả sản xuất trên một đơn vị diện tích đều tăng cao; sản xuất hàng hóa đã và đang thay thế tập quán sản xuất nhỏ lẻ, tự cung, tự cấp; sự gắn kết giữa sản xuất, chế biến với vùng nguyên liệu ngày càng chặt chẽ và hiệu quả. Một số sản phẩm có thế mạnh: Chè, cây lâm nghiệp, chăn nuôi, thủy sản … được quan tâm phát triển; hình thành được vùng nguyên liệu cho công nghiệp chế biến nông, lâm sản. Người dân Yên Lập đã có những chuyển biến mạnh mẽ về thay đổi tư duy sản xuất, được tạo điều kiện vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ấm no, hạnh phúc ngay trên mảnh đất quê hương.

Nếu 15 năm về trước toàn huyện chỉ có chưa đến 1km đường nhựa, 1 trạm biến áp ở khu vực trung tâm; trên 70% số lớp học là tranh tre tạm bợ, trạm y tế xuống cấp; mương đập không đủ nước cho sản xuất thì đến nay 100% tuyến đường giao thông đến trung tâm các xã, thị trấn được nhựa hóa; 100% các xã, thị trấn có điện lưới quốc gia, các nhà trường, lớp học cơ bản được xây dựng kiên cố. Năm 2003, huyện Yên Lập đã được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục tiểu học đúng độ tuổi và chuẩn phổ cập giáo dục trung học cơ sở; năm 2012 được công nhận đạt chuẩn phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ 5 tuổi. Đến nay, toàn huyện có 23/59 trường đạt chuẩn quốc gia (trong đó có 04 trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2) góp phần triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết của Huyện ủy về nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trên địa bàn huyện; 100% xã đạt chuẩn quốc gia về y tế; Trung tâm y tế huyện và bệnh viện Đa khoa được đầu tư nâng cấp theo hướng hiện đại, đạo đức nghề nghiệp và chất lượng khám chữa bệnh ngày càng nâng cao đáp ứng yêu cầu chăm sóc sức khỏe cho nhân dân. Hệ thống các thiết chế văn hóa ở cơ sở được đầu tư theo hướng xã hội hóa, góp phần tăng nhanh số người được hưởng thụ văn hóa; phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” phát triển mạnh, mang lại hiệu quả thiết thực và ngày càng đi vào chiều sâu. Những năm gần đây tỷ lệ hộ gia đình văn hóa, khu dân cư văn hóa đạt từ 84,5 - 90%. Các di tích, di sản văn hóa như khu di tích lịch sử - văn hóa Chiến khu cách mạng Lòng Chảo Minh Hòa; đình Phục Cổ (Minh Hòa); di tích lịch sử - văn hóa căn cứ Tôn Sơn - Mộ Xuân, xã Xuân An; cây di sản ở Xuân An và Minh Hòa ...) được trùng tu, tôn tạo và phát huy hiệu quả, các lễ hội văn hóa truyền thống được chú trọng, khôi phục và phát triển. Các chính sách xã hội được quan tâm thực hiện và đạt kết quả tốt, nhiều phong trào, nhiều cuộc vận động có sức lan tỏa, mang lại hiệu quả thiết thực như: Phong trào đền ơn đáp nghĩa, xây dựng nhà tình nghĩa, chăm lo gia đình chính sách, người khuyết tật,… Chương trình xóa đói giảm nghèo đạt kết quả rất đáng khích lệ góp phần giảm nhanh và vững chắc số hộ nghèo, tăng nhanh số hộ khá và hộ giàu. Cấp ủy đảng, chính quyền luôn coi trọng lãnh đạo công tác phát triển kinh tế với thế trận an ninh quốc phòng vững chắc. Thường xuyên giáo dục nâng cao ý thức cảnh giác chống âm mưu diễn biến hòa bình của các thế lực thù địch; phong trào vì an ninh tổ quốc được đẩy mạnh góp phần giữ vững ổn định chính trị, an ninh xã hội.

Cùng với những thành tựu về kinh tế - xã hội, công tác xây dựng Đảng, chính quyền và củng cố hệ thống chính trị đạt được những kết quả quan trọng. Từ 3 chi bộ hạt giống đầu tiên với số lượng chưa đến 20 đảng viên, đến nay, Đảng bộ huyện Yên Lập đã có 43 chi, đảng bộ cơ sở trực thuộc với 4.116 đảng viên; 222/223 khu dân cư đã thành lập chi bộ; tỷ lệ cơ sở Đảng trong sạch vững mạnh hàng năm đều đạt trên 60%, không có tổ chức cơ sở Đảng yếu kém; tỷ lệ đảng viên đủ tư cách, hoàn thành nhiệm vụ trở lên đạt trên 99%. Bộ máy chính quyền không ngừng được được củng cố, sắp xếp theo hướng khoa học gọn nhẹ, hiện tại 100% các đồng chí lãnh đạo, quản lý cấp huyện có trình độ đại học và trên đại học. Công tác dân vận, Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể được củng cố, kiện toàn đổi mới, toàn Đảng bộ tích cực thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa XI gắn với đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh, không ngừng xây dựng đảng bộ vững mạnh xứng tầm lãnh đạo các phong trào cách mạng của huyện thực hiện nhiệm vụ chính trị trong giai đoạn cách mạng mới.

Với những thành tích đã đạt được trong 65 năm xây dựng và trưởng thành, Đảng bộ và nhân dân huyện Yên Lập vinh dự được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý: Hơn 10 nghìn lượt người được tặng Huân, Huy chương; 13 bà mẹ được phong tặng và truy tặng danh hiệu “Bà mẹ Việt Nam Anh hùng”; 3 cá nhân được phong tặng và truy tặng danh hiệu “Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân”; 4 xã, thị trấn được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp. Đảng bộ, chính quyền, nhân dân và lực lượng vũ trang huyện Yên Lập vinh dự được Chủ tịch nước phong tặng danh hiệu “Đơn vị Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân” thời kỳ kháng chiến chống thực dân Pháp và Huân chương Lao động hạng Ba trong thời kỳ đổi mới vào năm 2011.

Tự hào với truyền thống vẻ vang luôn song hành với ý thức trách nhiệm lớn lao. Phát huy truyền thống đoàn kết, tiếp bước các thế hệ đi trước, Đảng bộ huyện Yên Lập quyết tâm lãnh đạo nhân dân phấn đấu xây dựng quê hương Yên Lập ngày càng giàu đẹp, sánh vai cùng các huyện bạn trên con đường xây dựng Chủ nghĩa xã hội, xứng đáng với truyền thống  lịch sử của Đảng bộ và niềm tin của nhân dân.