Vững vàng hội nhập khi tham gia Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương
  • Cập nhật: 29/01/2019
  • Lượt xem: 38371 lượt xem

Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) được 11 nước thành viên bao gồm: Australia, Brunei, Canada, Chile, Nhật Bản, Malaysia, Mexico, New Zealand, Peru, Singapore và Việt Nam ký kết hồi tháng 3 năm 2018 tại Chile sau khi Mỹ rút khỏi thỏa thuận này. CPTPP tạo ra một trong những khối tự do thương mại lớn nhất thế giới với một thị trường khoảng 500 triệu dân và GDP lên tới 13.500 tỷ USD, chiếm 13,5% tổng GDP toàn cầu.


image002_33.jpg
Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương với 11 nước thành viên tham gia
Ngày 12/11/2018, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Nghị quyết phê chuẩn CPTPP. Việc tham gia và sớm phê chuẩn CPTPP giúp Việt Nam thể hiện cam kết mạnh mẽ đổi mới và hội nhập quốc tế toàn diện, sâu rộng; khẳng định vai trò và vị thế địa - chính trị quan trọng của Việt Nam trong khu vực Đông Nam Á cũng như châu Á - Thái Bình Dương. Đặc biệt, trong bối cảnh tình hình chính trị, an ninh thế giới và khu vực đang thay đổi nhanh chóng, diễn biến phức tạp, khó lường, tham gia CPTPP vừa giúp ta có điều kiện nâng cao nội lực để ứng phó, vừa giúp củng cố vị thế để thực hiện đường lối đối ngoại độc lập, tự chủ, đa phương hóa, đa dạng hóa đi đôi với củng cố, tăng cường quốc phòng, an ninh. Đồng thời giúp Việt Nam cơ cấu lại thị trường xuất nhập khẩu, giảm thâm hụt thương mại và mức độ phụ thuộc vào các thị trường truyền thống như ASEAN, Trung Quốc, Hàn Quốc... Xuất khẩu sẽ tăng thêm trong đó có nhiều thị trường mới như: Peru, Mexico, Australia, Canada và nhiều nước khác cũng như thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) vào các ngành, lĩnh vực mà Việt Nam đang có nhu cầu phát triển. Qua đó tranh thủ nguồn vốn, kinh nghiệm quản lý và trình độ công nghệ tiên tiến từ những nước có trình độ phát triển cao hơn.
Ngoài thuận lợi tham gia CPTPP cũng đặt ra những thách thức về kinh tế - xã hội, thu ngân sách, hoàn thiện khuôn khổ pháp luật, thể chế và một số tác động, đó là: Phải xây dựng năng lực thể chế quốc gia nhằm thực hiện hiệu quả các cam kết trong hiệp định. Việc mở cửa các hoạt động kinh tế, đi kèm với quy định về lao động, minh bạch hoá, chống tham nhũng… đòi hỏi chúng ta cần chủ động, nỗ lực đổi mới, tiếp tục hoàn thiện các quy định của pháp luật, thiết lập các cơ chế quản lý để vừa phù hợp với điều ước quốc tế nhưng cũng đảm bảo sự vững chắc ổn định chính trị - xã hội.
Hiệp định CPTPP mang đến cho nền kinh tế Việt Nam nhiều cơ hội khi hầu hết các quốc gia thành viên đều đưa mức thuế xuất về 0%, giảm thiểu hàng rào thuế quan và phi thuế quan. Tuy nhiên việc giảm thuế quan cũng có thể khiến luồng hàng nhập khẩu từ các nước CPTPP vào Việt Nam gia tăng, với giá cả cạnh tranh hơn, gây ảnh hưởng đến thị phần hàng hóa ngay tại sân nhà. Mặt khác rào cản dưới dạng quy định kỹ thuật, vệ sinh dịch tễ hay thuế chống bán phá giá với mục đích phòng vệ thương mại rất có thể sẽ vô hiệu hóa lợi ích từ việc giảm thuế quan. Cũng như vậy những điều kiện ngặt nghèo về lao động, về xuất xứ nguyên liệu có thể khiến hàng hóa Việt Nam không tận dụng được lợi ích từ việc giảm thuế trong CPTPP.
Việc cung cấp thông tin về các điều khoản tiếp cận ưu đãi của Hiệp định, cũng như việc tạo thuận lợi tiếp cận cơ hội kinh doanh đối với các điều khoản này. Những khó khăn trong việc tiếp cận thông tin, sự thiếu minh bạch trong các thủ tục, yêu cầu và chi phí cao trong việc thích nghi với các thủ tục mới là những rào cản điển hình đối với việc thực hiện các hiệp định thương mại tự do.
image004_21.jpg
Hiệp định CPTPP tạo thuận lợi cho xuất khẩu hàng hóa sang thị trường rộng lớn của các nước thành viên (Ảnh chụp tại Công ty may Vĩnh Phú)
Tỉnh Phú Thọ, tính đến nay có 7 khu công nghiệp, 26 cụm công nghiệp; hơn 7.000 doanh nghiệp đăng ký thành lập, trong đó số doanh nghiệp hoạt động chiếm khoảng gần 80% tổng số doanh nghiệp. Cộng đồng doanh nghiệp trong tỉnh đã có bước phát triển về số lượng và chất lượng, trưởng thành về năng lực và nâng cao hiệu quả sản xuất, kinh doanh, ngày càng khẳng định vai trò, vị thế trong công cuộc phát triển kinh tế - xã hội; đóng góp nguồn thu quan trọng vào ngân sách tỉnh; góp phần giải quyết việc làm, xóa đói, giảm nghèo và thực hiện các chính sách an sinh xã hội.
Hiện các doanh nghiệp của tỉnh đang có mức tăng trưởng nhanh, nhưng thực tế năng suất, chất lượng và hiệu quả hoạt động vẫn còn thấp hơn khá nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới; đội ngũ quản lý thiếu năng lực quản trị tiên tiến và kỹ năng cần thiết trong quá trình hội nhập. Đây cũng là vấn đề mà các cấp, các ngành đang quan tâm, tìm giải pháp thúc đẩy hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp. Vì vậy để CPTPP mang lại hiệu quả và lợi ích, đặc biệt tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư nước ngoài (FDI) vào các ngành, lĩnh vực mà Phú Thọ đang có nhu cầu phát triển cần thực hiện tốt một số giải pháp sau:
Các cơ quan quản lý nhà nước cần đẩy mạnh cải cách hành chính, hoàn thiện các văn bản pháp lý tạo môi trường đầu tư kinh doanh thông thoáng và minh bạch cho doanh nghiệp; thu hút đầu tư nước ngoài có chọn lọc với tầm nhìn dài, trong đó đặc biệt quan tâm tới các công ty đa quốc gia và trong lĩnh vực công nghệ cao; phối hợp với Hiệp Hội doanh nghiệp tỉnh, Hiệp hội Doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc tuyên truyền, hướng dẫn các doanh nghiệp về các thỏa thuận trong CPTPP và thường xuyên tập huấn để các doanh nghiệp nắm được các quy định của hiệp định, các yếu tố lợi thế cũng như yếu tố rào cản đối với sản phẩm khi tham gia vào thị trường các nước thành viên CPTPP; thường xuyên tổ chức tiếp xúc giữa lãnh đạo chính quyền địa phương với doanh nghiệp để kịp thời giải quyết các kiến nghị, vướng mắc, tham gia góp ý vào quá trình rà soát và điều chỉnh pháp luật của các cơ quan có thẩm quyền thực thi cam kết CPTPP; đẩy mạnh và đa dạng hóa các cuộc xúc tiến thương mại đầu tư, giao lưu giữa các doanh nghiệp trong và ngoài nước nhằm chia sẻ các kinh nghiệm trong sản xuất kinh doanh, kinh nghiệm tham gia hội nhập, kinh nghiệm trong quản trị doanh nghiệp, áp dụng khoa học công nghệ, nâng cao năng suất và chất lượng sản phẩm.
Các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh cần linh hoạt, chủ động đổi mới mô hình và phương thức kinh doanh, năng lực quản trị, nâng cao chất lượng và giá trị sản phẩm, tăng khả năng cạnh tranh, hình thành các chuỗi cung ứng từ nơi sản xuất, phân phối đến khâu tiêu dùng và xuất khẩu; theo sát việc triển khai các thỏa thuận trong CPTPP với mặt hàng mình sản xuất và xuất khẩu, để luôn chủ động nắm bắt và cập nhật mọi sự điều chỉnh về chính sách; nghiên cứu, tìm hiểu kỹ đặc tính thị trường xuất khẩu từ khung pháp lý, thị hiếu, phong tục, tập quán, văn hóa tiêu dùng; tập trung đào tạo nguồn nhân lực tiếp thu tiến bộ khoa học - công nghệ, kinh nghiệm quản lý tiên tiến; nâng cao trình độ ngoại ngữ cho cán bộ quản lý và cán bộ kỹ thuật chuyên môn đủ điều kiện làm việc, đàm phán trực tiếp với đối tác; tuân thủ các qui tắc như cạnh tranh lành mạnh, có trách nhiệm xã hội, bảo vệ môi trường, xây dựng phương pháp kinh doanh hiệu quả, chất lượng, uy tín, hướng đến phục vụ người tiêu dùng một cách hiệu quả nhất. 
CPTPP là hiệp định thương mại tự do mang tính toàn diện với tiêu chuẩn cao, đòi hỏi cơ quan quản lý nhà nước và doanh nghiệp cần có sự đổi mới ngay từ các khâu xây dựng chính sách, các chương trình chiến lược phát triển đồng bộ cho đến nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp đáp ứng được các tiêu chuẩn của Hiệp định CPTPP. Làm tốt những việc trên sẽ giúp Phú Thọ vững vàng tham gia vào CPTPP và nâng cao dần vị thế của doanh nghiệp Phú Thọ trong khu vực và trên thế giới.

Khổng Mạnh Tiến - Phó Chủ tịch Liên hiệp các Hội KH&KT tỉnh