Thông tin tuyên truyền phòng, chống COVID-19 ngày 02/12/2021
  • Cập nhật: 02/12/2021
  • Lượt xem: 2855 lượt xem

Từ 18h00 ngày 01/12/2021 đến 18h00 ngày 02/12/2021, tỉnh Phú Thọ ghi nhận 20 ca mắc COVID-19 mới. Bộ Y tế ban hành hướng dẫn mới phân loại điều trị người nhiễm SARS-CoV-2.

Tình hình dịch bệnh trong nước

Theo thông tin từ Bộ Y tế: Việt Nam lũy tích có 1.266.288 ca mắc COVID-19 (tăng 13.677 trong kỳ báo cáo); trong đó, có 1.005.310 ca điều trị khỏi; 25.658 ca tử vong. Một số tỉnh, thành phố phát hiện ca mắc trong ngày cao: Thành phố Hồ Chí Minh (1.738), Cần Thơ (985), Tây Ninh (768), Sóc Trăng (747), Bà Rịa - Vũng Tàu (637), Đồng Tháp (606)...

Các tỉnh, thành lân cận với tỉnh Phú Thọ tiếp tục ghi nhận các ca mắc mới trong ngày: Thành phố Hà Nội (499), tỉnh Vĩnh Phúc (24), tỉnh Tuyên Quang (33), tỉnh Hòa Bình (47), tỉnh Sơn La (02), tỉnh Yên Bái (08).

Diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh

Từ 18h00 ngày 01/12/2021 đến 06h00 ngày 02/12/2021, tỉnh Phú Thọ ghi nhận 15 ca mắc COVID-19 mới; trong đó, có 01 trường hợp trở về từ Đồng Nai đã được cách ly, quản lý (tại phường Vân Cơ, thành phố Việt Trì); 12 trường hợp F1 hoặc trong vùng phong tỏa, đã được cách ly, theo dõi và quản lý và 02 trường hợp mắc mới trong cộng đồng tại xã Hà Lộc, thị xã Phú Thọ.

Cụ thể các ca mắc mới: Huyện Thanh Sơn 04 ca (thị trấn Thanh Sơn 02 ca; xã Thục Luyện 01 ca và xã Sơn Hùng 01 ca); huyện Lâm Thao 03 ca (xã Xuân Lũng 02 ca và xã Tứ Xã 01 ca); huyện Thanh Thủy 03 ca (tại xã Đồng Trung); thị xã Phú Thọ 02 ca (tại xã Hà Lộc); huyện Thanh Ba 02 ca (tại xã Khải Xuân); thành phố Việt Trì 01 ca (tại phường Vân Cơ). Không có đơn vị cấp xã mới phát hiện ca bệnh đầu tiên.

Từ 06h00 đến 18h00 ngày 02/12/2021, tỉnh Phú Thọ ghi nhận 05 ca mắc COVID-19 mới đều là F1 hoặc trong vùng phong tỏa, đã được cách ly, theo dõi và quản lý. Cụ thể: Huyện Yên Lập 02 ca (tại xã Đồng Thịnh); huyện Thanh Thủy 01 ca (tại xã Thạch Đồng); thành phố Việt Trì 01 ca (tại phường Gia Cẩm) và huyện Tam Nông 01 ca (tại xã Bắc Sơn). Không có đơn vị cấp  xã mới phát hiện ca bệnh đầu tiên.

Như vậy, trong 24 giờ qua, toàn tỉnh ghi nhận 20 ca mắc COVID-19 mới: Huyện Thanh Sơn (04), huyện Thanh Thủy (04), huyện Lâm Thao (03), thành phố Việt Trì (02), thị xã Phú Thọ (02), huyện Yên Lập (02), huyện Thanh Ba (02) và huyện Tam Nông (01). Trong các trường hợp mắc mới, có 18 ca đã được cách ly, kiểm soát; 02 ca mắc mới trong cộng đồng.

Lũy tích từ ngày 14/10/2021 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 1.920 ca mắc COVID-19 tại: Thành phố Việt Trì 723 ca (tại 22 xã, phường); huyện Thanh Sơn 418 ca (tại 22 xã, thị trấn); huyện Lâm Thao 196 ca (tại 11 xã, thị trấn); huyện Phù Ninh 182 ca (tại 15 xã, thị trấn); huyện Tam Nông 105 ca (tại 10 xã, thị trấn); huyện Thanh Thủy 89 ca (tại 10 xã, thị trấn); huyện Tân Sơn 86 ca (tại 08 xã); thị xã Phú Thọ 45 ca (tại 06 xã, phường); huyện Yên Lập 19 ca (tại 05 xã); huyện Thanh Ba 17 ca (tại 07 xã); huyện Cẩm Khê 16 ca (tại 09 xã); huyện Hạ Hòa 13 ca (tại 03 xã) và huyện Đoan Hùng 11 ca (tại 05 xã).

Toàn tỉnh hiện còn 13 vùng phong tỏa, 646 hộ gia đình và 2.510 nhân khẩu bị phong tỏa.

Lũy tích có 36 cơ sở sản xuất kinh doanh tại 04 khu công nghiệp, 02 cụm công nghiệp có F0 với tổng số 228 F0.

Trong ngày 02/12/2021, có 19 bệnh nhân khỏi bệnh và ra viện. Lũy tích từ ngày 14/10/2021 đến nay, có 1.473 bệnh nhân đã khỏi bệnh và ra viện.

Số bệnh nhân đang được điều trị là 440 ca; trong đó, có 392 ca điều trị trong các Bệnh viện dã chiến tỉnh và cấp huyện, 44 ca điều trị tại nhà, 04 ca điều trị tại Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.

Trong số bệnh nhân đang điều trị, có 91 trẻ em dưới 16 tuổi (chiếm 20,7%); 06 phụ nữ có thai (chiếm 1,4%); 95 người trên 50 tuổi (chiếm 21,6%); 39 người trên 65 tuổi (chiếm 8,9%), 45 người có bệnh nền (chiếm 10,2%).

Toàn tỉnh hiện đang quản lý, theo dõi 7.285 F1 (trong đó, có 31 trường hợp cách ly tập trung và 7.254 trường hợp cách ly tại nhà); có 15.564 F2; 15.902 F3 và 245 người trở về từ các vùng có dịch đang thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch theo quy định.

Đánh giá cấp độ dịch (theo Nghị quyết 128/NQ-CP, ngày 11/10/2021 của Chính phủ; Quyết định 4800/QĐ-BYT ngày 12/10/2021 của Bộ Y tế):

- Toàn tỉnh: Ở cấp độ 2 (số ca mắc mới trong cộng đồng xấp xỉ 7,09 ca/100.000 dân/tuần; 90,4% người dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất một liều vắc xin COVID-19).

- Cấp huyện:

+ Thị xã Phú Thọ và các huyện: Phù Ninh, Cẩm Khê, Tân Sơn ở cấp độ 1.

+ Thành phố Việt Trì và 08 huyện còn lại ở cấp độ 2.

- Cấp xã:

+ Phường Bạch Hạc - thành phố Việt Trì ở cấp độ 4.

+ Có 07 đơn vị cấp xã ở cấp độ 3 (phường Bến Gót và xã Hùng Lô - thành phố Việt Trì; xã Hương Nộn - huyện Tam Nông và các xã: Văn Miếu, Cự Thắng, Yên Lương, Tất Thắng - huyện Thanh Sơn).

+ Có 40 đơn vị cấp xã ở cấp độ 2: Thành phố Việt Trì (05); thị xã Phú Thọ (02); huyện Lâm Thao (05); huyện Tam Nông (01); huyện Phù Ninh (01); huyện Đoan Hùng (02); huyện Hạ Hòa (01); huyện Thanh Ba (03); huyện Thanh Thủy (07); huyện Thanh Sơn (11); huyện Yên Lập (02).

+ 177 đơn vị cấp xã còn lại ở cấp độ 1.

- Lũy tích toàn tỉnh đã thực hiện 286.085 mẫu xét nghiệm. Trong 24 giờ qua, toàn tỉnh thực hiện và trả kết quả cho 3.400 mẫu; phát hiện 20 trường hợp dương tính mới với SARS-CoV-2.

Trong ngày 02/12/2021, toàn tỉnh tổ chức tiêm 5.757 liều vắc xin COVID-19, trong đó:

+ Người từ đủ 18 tuổi trở lên: 43 mũi thứ nhất và 922 mũi thứ hai.

+ Trẻ em từ 12 - 17 tuổi: 4.792 mũi thứ nhất.

Ghi nhận 22 trường hợp phản ứng thông thường; không có trường hợp phản ứng nặng sau tiêm chủng.

Lũy tích toàn tỉnh Phú Thọ đã có 917.785 người từ 18 tuổi trở lên đã được tiêm ít nhất 01 mũi vắc xin (đạt 90,4%); trong đó, có 650.606 người đã được tiêm đủ 02 mũi (đạt 64,1%). Toàn tỉnh có 114.632 trẻ từ 12 - 17 tuổi được tiêm 01 mũi vắc xin COVID-19 (đạt 85,2%).

Diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn huyện Yên Lập

Từ 18h00 ngày 01/12/2021 đến 17h00 ngày 02/12/2021, huyện Yên Lập ghi nhận 02 ca mắc COVID-19 mới: Đồng Thịnh (02).

Luỹ tích toàn huyện có 19 ca mắc COVID-19: Đồng Thịnh (06), xã Xuân Thuỷ (01), xã Ngọc Đồng (10), xã Ngọc Lập (01), xã Minh Hoà (01).

Tổng số F0: Thêm 02 ca. Luỹ tích có 19 ca.

Tổng số F1: 166 trường hợp hiện đang cách ly tại nhà, nơi cư trú, sức khoẻ bình thường. Luỹ tích có 407 F1 (241 trường hợp đã hoàn thành cách ly).

Tổng số F2: 585 trường hợp hiện đang cách ly tại nhà, nơi cư trú, sức khoẻ bình thường.

Tổng số công dân trở về từ TP. Hồ chí Minh và các tỉnh phía nam 114 trong đó: 10 trường hợp hiện cách ly tại nhà, 24 trường hợp đã hoàn thành cách ly tập trung, 80 trường hợp đã hoàn thành cách ly tại nhà.

Cách ly tại Khu cách ly tập trung của huyện: Hiện có 06 trường hợp F1 là công dân xã Xuân Thuỷ và Đồng Thịnh đang cách ly tại đây. Luỹ tích có 54 trường hợp đã cách ly tại đây.

Cách ly tại nhà, nơi cư trú: Tính từ ngày 15/7/2021 đến nay, tổng số trường hợp thuộc diện cách ly y tế là: 6.396 trường hợp; trong đó: Số trường hợp đã hoàn thành cách ly: 5.624 trường hợp. Số trường hợp đang cách ly tại nhà, nơi cư trú: 772 trường hợp (tăng 116 trường hợp so với ngày 01/12/2021), trong đó 10 trường hợp trở về từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, 662 trường hợp tiếp xúc gần và trở về từ các vùng có dịch khác).

Bệnh viện dã chiến điều trị bệnh nhân COVID-19 của huyện: Hiện không có bệnh nhân COVID-19 điều trị tại đây. Luỹ tích có 12/12 ca F0 điều trị khỏi.

Tổng số người được tiêm ít nhất một mũi tiêm vắc xin phòng COVID-19 là 58.313. Số người tiêm đủ hai mũi  vắc xin là 11.185.

Trên 22,3 tỷ đồng ủng hộ công tác phòng chống dịch COVID-19

Tính từ ngày 17/9/2021 đến ngày 30/11/2021, trên địa bàn tỉnh đã có 141 cơ quan, đơn vị, cá nhân và 13 huyện, thành, thị đã tham gia đăng ký, ủng hộ công tác phòng chống dịch COVID-19 với số tiền trên 22,3 tỷ đồng. Tổng số kinh phí đã vận động đợt 2 và từ đợt 1 chuyển sang là trên 28 tỷ đồng.

Ủy ban Mặt trận Tổ quốc tỉnh đã phân bổ, sử dụng gần 17 tỷ đồng; trong đó, hỗ trợ 3 tỷ đồng cho Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam phòng, chống dịch; hỗ trợ 770 triệu đồng cho đoàn cán bộ y tế của tỉnh tham gia chống dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương; hỗ trợ gần 3,7 tỷ đồng cho 12 huyện, thành, thị để triển khai công tác phòng, chống dịch COVID-19; hỗ trợ bổ sung 15 triệu đồng (đợt 2) cho huyện Thanh Thủy để triển khai công tác phòng, chống dịch COVID-19; hỗ trợ gần 1,5 tỷ đồng cho 4 tổ chức đoàn thể (Hội Cựu chiến binh, Hội Nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ, Liên đoàn Lao động tỉnh) để ủng hộ chương trình triệu phần quà Đại đoàn kết, tiếp sức cho đồng bào miền Nam vượt qua đại dịch và hỗ trợ Sở Y tế hơn 8 tỷ đồng mua xe ô tô cứu thương và Khay thử xét nghiệm kháng nguyên SARS-CoV-2 phục vụ công tác phòng, chống COVID-19.

Về hiện vật, đã tiếp nhận 1.500 bộ bảo hiểm y tế phòng, chống dịch COVID-19; tiếp nhận và phân bổ 50.000 chiếc khẩu trang y tế cho Hội Liên hiệp Phụ nữ tỉnh để ủng hộ đồng bào các tỉnh phía Nam đang thực hiện giãn cách xã hội do ảnh hưởng của dịch COVID-19.

Hướng dẫn mới phân loại điều trị người nhiễm SARS-CoV-2

Ngày 01/12, Bộ Y tế ban hành Quyết định số 5525/QĐ-BYT hướng dẫn phân loại nguy cơ người nhiễm SARS-CoV-2 và định hướng xử trí, cách ly, điều trị. Quyết định này thay thế cho Quyết định số 3646/QĐ-BYT ban hành ngày 31/7/2021. Theo hướng dẫn mới này, việc phân loại theo 4 nhóm nguy cơ và định hướng xử trí, cách ly, điều trị, cụ thể như sau:

- Nguy cơ thấp (màu xanh): Tuổi từ bằng hoặc trên 3 tháng trở lên đến dưới hoặc bằng 49 tuổi và chưa phát hiện bệnh lý nền, đã tiêm đủ liều vắc xin, sức khỏe chưa có dấu hiệu bất thường và SpO2 từ 97% trở lên. Đối với nhóm này được chăm sóc tại nhà riêng (đủ điều kiện theo quy định). Trạm y tế, nhân viên y tế, tình nguyện viên… theo dõi, quản lý người nhiễm, phát hiện sớm dấu hiệu chuyển tầng cao hơn. Cùng với đó, hỗ trợ tâm lý, dinh dưỡng, vận động, theo dõi sức khỏe liên tục, đánh giá nguy cơ. Đồng thời, cung cấp gói chăm sóc tại nhà (thuốc kháng vi rút, vitamin, nhu yếu phẩm…).

- Nguy cơ trung bình (màu vàng): Từ 50 đến 64 tuổi, chưa phát hiện bệnh lý nền và đã tiêm đủ liều vắc xin; tuổi từ bằng hoặc trên 3 tháng đến dưới hoặc bằng 49 tuổi và chưa tiêm đủ liều vắc xin; có dấu hiệu như sốt, ho, đau họng, khó thở nhẹ… và SpO2 từ 97% trở lên. Nhóm này điều trị tại bệnh viện, cơ sở thu dung điều trị COVID-19 tầng 1. Nếu cơ sở điều trị tầng 1 của địa phương quá tải thì có thể xem xét điều trị tại cộng đồng. Theo hướng dẫn, với nhóm nguy cơ trung bình cần theo dõi sát sao, phát hiện sớm dấu hiệu thay đổi cần nhập viện ngay hoặc chuyển tầng cao hơn. Việc điều trị bằng thuốc kháng vi rút; điều trị triệu chứng như hạ sốt, giảm đau, giảm ho cùng với nâng cao thể trạng, dinh dưỡng, vật lý trị liệu, hỗ trợ tâm lý…

- Nguy cơ cao (màu cam): Tuổi bằng hoặc từ trên 65 và đã tiêm đủ liều vắc xin; mắc bệnh lý nền và đã tiêm đủ liều vắc xin; từ 50 đến 64 tuổi, chưa phát hiện bệnh lý nền và chưa tiêm đủ liều vắc xin; phụ nữ có thai, vừa sinh con dưới 42 ngày; trẻ em từ dưới 3 tháng tuổi; SpO2 từ 94% đến 96%. Với nhóm này điều trị tại bệnh viện thu dung điều trị COVID-19 tầng 2. Đặc biệt, khi theo dõi phát hiện sớm dấu hiệu chuyển tầng cao hơn; điều trị thuốc kháng vi rút, dinh dưỡng, điều trị dự phòng thuốc chống đông, bảo đảm sẵn sàng hỗ trợ ô xy và dùng thuốc chống viêm khi suy hô hấp; theo dõi điều trị kết hợp bệnh lý nền.

- Nguy cơ rất cao (màu đỏ): Tuổi bằng hoặc từ trên 65 tuổi và chưa tiêm đủ liều vắc xin; mắc bệnh lý nền và chưa tiêm đủ liều vắc xin; có tình trạng cấp cứu; SpO2 dưới 94%. Nhóm này điều trị tại Bệnh viện thu dung điều trị COVID-19 tầng 2, 3; Trung tâm Hồi sức tích cực COVID-19 (căn cứ theo chỉ định của bác sĩ và số giường bệnh). Với nhóm nguy cơ rất cao, việc điều trị tập trung hỗ trợ thở: Thở ô xy, thở HFNC, thở máy, ECMO (thiết bị tim, phổi nhân tạo), hỗ trợ các cơ quan suy chức năng (chạy thận, lọc máu, trợ tim, vận mạch…). Đồng thời, điều trị chống viêm, chống đông, kháng sinh, vật lý trị liệu, phục hồi chức năng, phòng ngừa biến chứng… Theo dõi điều trị kết hợp bệnh lý nền, chuyển tầng điều trị thấp hơn nếu đáp ứng điều trị.

Cũng tại hướng dẫn này, Bộ Y tế đề cập 7 nguyên tắc điều trị F0, trong đó theo dõi, chăm sóc các trường hợp nhiễm SARS-CoV-2 không triệu chứng và các ca bệnh nhẹ ngay tại nhà (nếu đủ điều kiện). Ngoài ra, tập trung điều trị tốt ngay tại tầng 1, tầng 2 cho người bệnh, tăng cường năng lực cấp cứu, hồi sức tích cực các ca bệnh nặng ở tầng trên. Mỗi cơ sở thu dung bố trí ít nhất “2 tầng điều trị” và bảo đảm tỷ lệ giường bệnh hồi sức tích cực theo phân tầng điều trị. Cùng với đó, tăng cường kết nối, hội chẩn, tư vấn điều trị từ xa, tầng trên chỉ đạo tuyến cho tầng dưới để điều trị hiệu quả ngay tại tầng dưới…

Đề nghị Nhân dân

Trước tình hình diễn biến rất phức tạp của dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh, đề nghị Nhân dân:

- Chấp hành tốt các quy định phòng, chống dịch; chấp hành sự hướng dẫn, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch tại địa phương; cài đặt và sử dụng ứng dụng PC-Covid; thường xuyên thực hiện các quy định về 5K - Chung sống an toàn với đại dịch COVID-19; bình tĩnh, chủ động, không chủ quan lơ là, không hoang mang, lo lắng; không kỳ thị, xa lánh những người có liên quan đến vùng có dịch; không tích trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu để đảm bảo ổn định tình hình trên địa bàn tỉnh.

- Thực hiện khai báo y tế đến Trạm Y tế nơi cư trú, Tổ COVID-19 cộng đồng khi có bất kỳ một trong các biểu hiện bất thường như ho, sốt, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác; tiếp xúc với người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm COVID-19 để được thực hiện sàng lọc COVID-19 chủ động.

- Chủ động tự thực hiện xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên cho bản thân, gia đình để chủ động phòng, chống dịch bệnh; chỉ mua, sử dụng các sinh phẩm xét nghiệm đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng.

- Khi phát hiện kết quả xét nghiệm dương tính với test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2, cần bình tĩnh, đeo khẩu trang, không tiếp xúc với người khác, tự cách ly tại nhà; đồng thời liên hệ với cơ sở y tế gần nhất hoặc thông báo ngay tới đường dây nóng tiếp nhận thông tin về dịch bệnh COVID-19 của ngành Y tế (số điện thoại: 18009275 hoặc 0962.956.316) để được hướng dẫn, xử trí phù hợp. Tuyệt đối không tự ý di chuyển ra khỏi nơi cư trú khi phát hiện bản thân có kết quả dương tính bằng test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2.

- Cài đặt ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử trước khi tiêm chủng; cung cấp thông tin cá nhân chính xác khi tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19. Khi đến cơ sở tiêm chủng phải mang Căn cước công dân hoặc thông báo mã định danh cá nhân có mã QR do Công an cấp/giấy xác nhận tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 trước đó (nếu có). Chủ động kiểm tra lại kết quả dữ liệu tiêm của mình và người thân trên Sổ  sức  khoẻ  điện tử  và  Cổng  thông  tin  tiêm  chủng COVID-19 (https://tiemchungcovid19.gov.vn). Trong quá trình tiêm, tuân thủ 5K và thực hiện theo đúng hướng dẫn của cán bộ y tế tại cơ sở tiêm chủng; đồng thời, thực hiện giãn cách để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh. 

- Không đăng tải danh tính, thông tin cá nhân của các bệnh nhân COVID-19 và các thông tin không được phép công khai trên mạng xã hội và các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật.

- Phát huy tinh thần tương thân, tương ái, tiếp tục ủng hộ phòng, chống dịch COVID-19; ủng hộ Chương trình “Sóng và máy tính cho em” để chung tay hỗ trợ các em học sinh, sinh viên thuộc hộ nghèo, cận nghèo và có hoàn cảnh khó khăn trên địa bàn tỉnh các thiết bị và điều kiện phục vụ việc học trực tuyến trong bối cảnh dịch bệnh COVID-19 vẫn đang còn diễn biến phức tạp.

- Chủ động phối hợp cung cấp thông tin cho Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 các cấp khi phát hiện các trường hợp nghi vấn hoặc không chấp hành nghiêm túc các quy định phòng, chống dịch để xử lý kịp thời; hạn chế việc dịch bệnh phát sinh trong cộng đồng./.

Ban Biên tập