Sáng 18/8/2021, Bộ Y tế cho biết: Việt Nam ghi nhận có 293.301 ca mắc COVID-19. Bộ Y tế hướng dẫn tạo mã QR điểm kiểm dịch COVID-19 để thực hiện quản lý người ra vào. Đoan Hùng tiến hành xử phạt 7 tháng tù đối tượng chống đối lực lượng trực chốt kiểm soát dịch COVID-19.
Trên thế giới
Toàn thế giới ghi nhận 209.299.095 ca mắc COVID-19 (tăng 809.297 ca mắc mới trong 24 giờ qua), trong đó có 4.393.243 ca tử vong, 187.604.270 trường hợp điều trị khỏi.
Vắc xin là chìa khóa then chốt đưa thế giới thoát khỏi đại dịch COVID-19. Mục tiêu toàn cầu mà Tổ chức Y tế thế giới (WHO) đặt ra là tiêm phòng ít nhất 10% dân số của mỗi quốc gia trên thế giới trước tháng 9/2021, 40% cho đến cuối năm 2021 và 70% vào giữa năm 2022. Đây là những cột mốc cần phải đạt được để kết thúc đại dịch. Một số nghiên cứu tại WHO cho thấy, để đạt miễn dịch cộng đồng, độ bao phủ vắc xin cần không chỉ là 70% theo dự kiến ban đầu mà còn phải từ 80% trở lên để đảm bảo dự phòng các biến thể mới SARS-CoV-2 với tốc độ lây lan chóng mặt như hiện nay. Hơn 5 tỷ liều vắc xin phòng COVID-19 đã được sử dụng trên toàn cầu, nhưng hơn 80% trong số này được chuyển đến các quốc gia có thu nhập cao và trung bình cao. Chỉ 1,3% người dân ở các nước thu nhập thấp đã nhận được ít nhất một liều vắc xin (cứ trung bình 1000 người dân, có 13 mũi vắc xin phòng COVID-19 đã được tiêm); trong khi tỷ lệ này ở các nước đang phát triển đã đạt từ 68-75%.
Diễn biến tình hình dịch bệnh trong nước
Trong số các ca mắc COVID-19, đã có 111.308 ca được điều trị khỏi bệnh, 620 bệnh nhân nặng và nguy kịch đang điều trị, 6.472 ca tử vong, chiếm tỷ lệ 2,2% so với tổng số ca mắc và ngang với tỷ lệ tử vong do COVID-19 trên thế giới. Gần 15,3 triệu liều vắc xin COVID-19 đã được tiêm chủng ở nước ta.
Trước đó, ngày 17/8, cả nước ghi nhận 9.605 ca nhiễm mới; trong đó, 10 ca nhập cảnh, 9.595 ca ghi nhận trong nước, 4.465 ca trong cộng đồng. Một số địa phương có nhiều ca mắc mới là: Thành phố Hồ Chí Minh (3.559), Bình Dương (3.332), Long An (581), Tiền Giang (411), Cần Thơ (172), Đồng Tháp (170), Khánh Hòa (139), Đà Nẵng (124), Hà Nội (61)...
Có 6 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Hải Phòng.
Có 5 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Kon Tum, Hà Giang, Yên Bái, Thái Bình, Bắc Giang.
5 tỉnh, thành phố ghi nhận số mắc cao là Thành phố Hồ Chí Minh (156.386), Bình Dương (49.833), Long An (15.579), Đồng Nai (14.502), Bắc Giang (5.795).
Tính tới ngày 16/8, qua giám sát 13.579 trường hợp ho, sốt được người dân phản ánh qua các ứng dụng công nghệ phòng chống dịch như Bluezone, tokhaiyte.vn, thành phố Hà Nội đã ghi nhận 95 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2.
Tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh
Trên địa bàn tỉnh Phú Thọ, phát hiện 1 trường hợp tái dương tính tại huyện Đoan Hùng (BN87237); trường hợp này đã điều trị COVID-19 tại Quảng Nam, sau khi đủ tiêu chuẩn xuất viện đã được bàn giao về địa phương và áp dụng cách ly tại nhà, nơi cư trú theo quy định. Sau 7 ngày cách ly y tế tại nhà, được xét nghiệm lại cho kết quả tái dương tính với SARSCoV-2. Thực hiện lấy mẫu xét nghiệm khẳng định SARS-CoV-2 cho toàn bộ người nhà đều có kết quả âm tính bằng RT-PCR. Hiện tại, sức khỏe của trường hợp tái dương tính hoàn toàn ổn định, không xuất hiện các triệu chứng lâm sàng. Với nhận định không có nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 ra cộng đồng, trường hợp này tiếp tục được địa phương áp dụng cách ly tại nhà, nơi cư trú theo quy định tại Quyết định số 3416/QĐ-BYT, ngày 14/7/2021 của Bộ Y tế.
Hiện cả tỉnh có 5 F1, có 3.228 F2 và người từ vùng dịch trở về, có 216 F3 đang được theo dõi, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.
Trong ngày 17/8, toàn tỉnh có 211 người trở về từ vùng dịch, vùng đang áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg đã thực hiện khai báo và áp dụng các biện pháp phòng chống dịch phù hợp. Các lực lượng chức năng đã xử phạt hành chính 4 trường hợp với số tiền 13,35 triệu đồng.
Các chốt kiểm soát dịch COVID-19 tiếp tục kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện vào tỉnh. Trong ngày 17/8, có 9.835 lượt phương tiện và 13.456 lượt người lưu thông qua chốt kiểm soát. Kiểm soát phát hiện 1.476 trường hợp từ địa phương có dịch hoặc có triệu chứng lâm sàng (ho, sốt,…) qua chốt kiểm soát dịch. Thực hiện 2.909/2.909 test nhanh kháng nguyên cho kết quả đều âm tính với SARS-CoV-2.
Trong ngày 17/8, 1.470 người được tiêm vắc xin phòng COVID-19, trong đó: 178 người được tiêm mũi 1; 1.292 người được tiêm mũi 2. Không phát hiện trường hợp phản ứng thông thường, phản ứng nặng sau tiêm chủng. Lũy tích toàn tỉnh có 93.086 liều vắc xin phòng COVID-19 đã được tiêm, trong đó: 71.316 người được tiêm mũi thứ 1; 21.770 người được tiêm mũi thứ 2.
* Từ ngày 16/8, Ban Thường vụ Tỉnh đoàn đã chỉ đạo các cấp bộ Đoàn trong tỉnh thành lập 246 đội tình nguyện với hơn 1.000 đoàn viên, thanh niên tình nguyện tham gia hỗ trợ công tác tiêm vắc vin phòng COVID-19.
* Ngày 16/8, Tòa án nhân dân huyện Đoan Hùng tiến hành xét xử, xử phạt đối với bị cáo Nguyễn Văn Cường, sinh năm 1983 tại khu 4, xã Minh Phú, huyện Đoan Hùng 7 tháng tù giam về tội chống người thi hành công vụ.
Theo cáo trạng của Viện kiểm sát nhân dân huyện Đoan Hùng, vào tối ngày 30/6, tại chốt kiểm soát, phòng chống dịch COVID-19 Trung tâm y tế huyện Đoan Hùng, đối tượng Cường không chấp hành yêu cầu, cố tình đi qua gác chắn vào khu điều trị dù không có thẻ chăm sóc bệnh nhân; đồng thời chửi bới, dùng tay đấm vào mặt anh Bùi Hồng Nam - Nhân viên y tế đang làm nhiệm vụ tại chốt kiểm dịch khiến anh Nam bị thương với tỷ lệ thương tích là 1%.
Tình hình dịch bệnh trên địa bàn huyện
Tính đến 15h00 ngày 18/8/2021, huyện Yên Lập chưa phát hiện ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng.
Cách ly tại nhà, nơi cư trú: Tính từ ngày 15/7/2021 đến nay, tổng số trường hợp thuộc diện cách ly y tế là: 1.915 trường hợp; trong đó: Số trường hợp đã hoàn thành cách ly: 1.655 trường hợp. Số trường hợp đang cách ly tại nhà, nơi cư trú: 260 trường hợp (giảm 08 trường hợp so với ngày 17/8/2021), trong đó 248 trường hợp trở về từ Hà Nội, 12 trường hợp tiếp xúc gần và trở về từ các vùng có dịch khác.
Từ 15h00 ngày 17/8/2021 đến 15h00 ngày 18/8/2021 có 06 trường hợp trở về từ Hà Nội, 01 trường hợp trở về từ Hải Phòng và 01 trường hợp trở về từ Sơn La.
Tạo mã QR điểm kiểm dịch COVID-19 để thực hiện quản lý người ra vào
Theo hướng dẫn của Bộ Y tế tại Văn bản số 6666/BYT-MT ngày 16/8/2021 về việc “Hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 tại cơ quan, đơn vị”, các đơn vị phải tạo mã QR điểm kiểm dịch để thực hiện quản lý người ra vào đơn vị và khai báo y tế theo quy định tại Quyết định số 2666/QĐ-BYT ngày 29/5/2021 của Bộ Y tế.
Trường hợp người ra vào không thể thực hiện việc quét mã QR, thì đơn vị bố trí nhân viên kiểm soát có điện thoại thông minh cài đặt, sử dụng các ứng dụng khai báo y tế và phát hiện tiếp xúc gần (Bluezone/NCOVI) để thực hiện quét mã QR trên thẻ BHYT/bản sao thẻ BHYT/thẻ căn cước công dân hoặc được sinh ra bởi hệ thống phần mềm của người ra vào.
Tại khu vực cửa vào của đơn vị tổ chức đo thân nhiệt, yêu cầu người lao động, khách đến làm việc phải khai báo y tế, sát khuẩn tay, đeo khẩu trang và giữ khoảng cách theo quy định; bố trí đầy đủ nước sát khuẩn tay; bố trí khu vực vào đơn vị có kẻ vạch giãn cách giữa các khách theo quy định; kiểm soát và quản lý Thẻ khách vào đơn vị; có biện pháp kiểm soát mật độ người vào đơn vị đảm bảo quy định phòng, chống dịch.
Trường hợp có nhiều đơn vị khác nhau trong cùng tòa nhà làm việc, người đứng đầu đơn vị hoặc Trưởng ban quản lý tòa nhà chịu trách nhiệm kiểm soát thông tin người ra vào, cung cấp thông tin cho cơ quan có thẩm quyền trong trường hợp cần thiết; bố trí khu vực khai báo y tế, trang bị các bàn máy tính, ki-ốt, máy quét mã QR (tùy theo điều kiện cụ thể) và bố trí nhân viên kiểm soát (có điện thoại thông minh) người ra vào tại các vị trí ra, vào các toà nhà.
Bố trí phòng/khu vực cách ly tạm thời cho người lao động/khách có một trong các biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở... hoặc F0, hoặc F1, hoặc F2 khi đang làm việc tại đơn vị. Phòng cách ly phải đảm bảo các yêu cầu bố trí tại khu vực riêng, gần cổng ra vào, tách biệt với khu làm việc (nếu có thể).
Phòng cách ly phải đảm bảo, thoáng khí, thông gió tốt; hạn chế đồ đạc trong phòng; có chỗ rửa tay; có thùng đựng rác có nắp đậy kín; có khu vực vệ sinh riêng.
Bố trí và chỉ định khu vực giao nhận tài liệu, văn phòng phẩm, hàng hoá... gần cửa ra vào đơn vị; bố trí địa điểm, trang thiết bị, nhân lực để khử khuẩn tại khu vực giao nhận hàng hoá (nếu cần thiết); hạn chế tiếp xúc giữa người giao và người nhận; yêu cầu đơn vị và người giao thực hiện đầy đủ Thông điệp 5K, các yêu cầu phòng, chống dịch theo qui định và ghi lại thông tin người giao, người nhận, thời gian giao nhận hàng...
Bộ Y tế cũng hướng dẫn cần lắp đặt camera tại các khu vực công cộng có nguy cơ (trừ các khu vực nhà tắm, vệ sinh, khu vực thay đồ...), đặc biệt là khu vực quét mã QR điểm kiểm dịch để theo dõi, giám sát và nhắc nhở tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch.
Đối với đơn vị có bộ phận tiếp đón, làm việc với khách (lễ tân, bộ phận một cửa, giải quyết thủ tục hành chính, ngân hàng, kho bạc ...) phải thực hiện 5K, đặc biệt đeo khẩu trang, giãn cách, lắp đặt vách ngăn (nếu có thể).
Khuyến khích giảm số người làm việc tại đơn vị, tăng cường làm việc, họp trực tuyến, làm việc tại nhà, làm việc từ xa.
Đề nghị Nhân dân
1. Tích cực thực hiện phong trào thi đua đặc biệt "Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19" do Thủ tướng Chính phủ phát động.
Nghiêm túc thực hiện 5K: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế; tuân thủ các quy định về cách ly y tế phòng chống dịch.
2. Đề nghị người dân cài đặt và sử dụng Sổ sức khỏe điện tử trên thiết bị di động thông minh. Đây là ứng dụng được xây dựng với mục tiêu giúp người dân chủ động đăng ký tiêm chủng, quản lý thông tin sức khỏe của bản thân, chủ động cập nhật các phản ứng sau tiêm.
Hướng dẫn tải và cài đặt Sổ sức khỏe điện tử:
Bước 1: Vào kho ứng dụng Google Play/CH Play đối với hệ điều hành Android và ứng dụng AppStore cho hệ điều hành iOS.
Gõ vào ô tìm kiếm từ khóa “Sổ sức khỏe điện tử” và chọn tìm kiếm.
Bước 2: Chọn ứng dụng “Sổ sức khoẻ điện tử” và nhấn “Cài đặt” để thực hiện cài đặt ứng dụng.
3. Thận trọng, cân nhắc khi đăng tải, chia sẻ thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19 lên mạng xã hội; không đăng tải, chia sẻ, like (thích) thông tin nhạy cảm, thiếu kiểm chứng, sai sự thật về tình hình dịch bệnh.