Thông tin tuyên truyền phòng, chống COVID-19 ngày 19/8/2021
  • Cập nhật: 19/08/2021
  • Lượt xem: 3815 lượt xem

Sáng 19/8/2021, Bộ Y tế cho biết: Việt Nam lũy tích có 301.957 ca mắc COVID-19. Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu tăng cường chỉ đạo sản xuất, tiêu thụ nông sản trong điều kiện phòng chống dịch bệnh COVID-19

Trên thế giới

Toàn thế giới ghi nhận 209.558.900 ca mắc COVID-19 (tăng 259.805 ca mắc mới trong 24 giờ qua), trong đó có 4.398.234 ca tử vong, 187.829.140 trường hợp điều trị khỏi. Các quốc gia có số ca mắc, tử vong đứng đầu thế giới: Mỹ, Ấn Độ, Brazil, Nga, Pháp,…

Tại Mỹ, quốc gia hiện đang chịu ảnh hưởng nặng nề nhất của đại dịch COVID-19, trong những ngày qua ghi nhận số ca mắc mới trên 100 nghìn ca mỗi ngày; số ca tử vong trong 24 giờ qua ghi nhận 1.017 người. Sự bùng phát của biến chủng Delta tạo ra những thách thức mới trong việc kiểm soát dịch bệnh. Các chính phủ Mỹ đã yêu cầu đẩy nhanh tốc độ tiêm chủng trước mối đe dọa từ biến chủng Delta. Bên cạnh đó, chính phủ Mỹ đã phê duyệt việc tiêm bổ sung liều vắc xin thứ ba để phòng chống dịch COVID-19. Tuy nhiên, cam kết mới của Mỹ với COVAX, liên minh Vắc xin toàn cầu do Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) điều phối, sẽ chuyển 500 triệu liều vắc xin phòng COVID-19 cho các nước nghèo. Tính đến nay, trên 60% dân số Mỹ được tiêm ít nhất 1 liều vắc xin, 51% đã tiêm đủ hai mũi vắc xin phòng COVID-19.

Diễn biến tình hình dịch bệnh trong nước

Kể từ đầu dịch đến nay, đã có 111.308 ca bệnh nhân COVID-19 được điều trị khỏi bệnh, 670 bệnh nhân nặng và nguy kịch đang điều trị, 6.770 ca tử vong. Hơn 15,5 triệu liều vắc xin COVID-19 đã được tiêm chủng ở nước ta.

Trong ngày 18/8, cả nước ghi nhận 8.656 ca nhiễm mới; trong đó, có 12 ca nhập cảnh, 8.644 ca ghi nhận trong nước, 5.825 ca trong cộng đồng. Một số địa phương có nhiều ca mắc mới là: Thành phố Hồ Chí Minh (3.731), Bình Dương (2.513), Đồng Nai (443), Long An (428), Tiền Giang (282), Kiên Giang (169), Đà Nẵng (134), An Giang (105), Tây Ninh (104), Cần Thơ (91), Khánh Hòa (86), Bến Tre (72), Phú Yên (65). Các tỉnh, thành lân cận với tỉnh Phú Thọ: Hà Nội ghi nhận 46 ca, Lào Cai 04 ca, Sơn La 02 ca, Vĩnh Phúc 01 ca.

Có 6 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Hải Phòng.

Có 5 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Kon Tum, Hà Giang, Yên Bái, Thái Bình, Bắc Giang.

Theo báo cáo của Trung tâm kiểm soát bệnh tật Sơn La, ngày 17/8, phát hiện 2 trường hợp dương tính với SARS-CoV-2 tại huyện Phù Yên. Sau khi làm lại khẳng định bằng RT-PCR cho kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Điều tra dịch tễ cho thấy, cả 2 trường hợp nêu trên không di chuyển ra khỏi địa bàn trong 3 tuần gần đây, tuy nhiên có đến nhiều nơi, tiếp xúc với nhiều người trên địa bàn huyện. Với nhận định ca nhiễm COVID-19 chưa xác định nguồn lây, tỉnh Sơn La áp dụng giãn cách xã hội theo Chỉ thị 16/CT-TTg đối với huyện Phù Yên kể từ ngày 18/8/2021.

Tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh

Trên địa bàn tỉnh, phát hiện 1 trường hợp tái dương tính tại huyện Hạ Hòa (BN87237). Đây là trường hợp đã điều trị COVID-19 tại tỉnh Tây Ninh, sau khi đủ tiêu chuẩn xuất viện đã được bàn giao về địa phương và áp dụng cách ly tại nhà, nơi cư trú kể từ ngày 10/8. Sau 7 ngày cách ly y tế tại nhà, trường hợp trên được xét nghiệm lại cho kết quả tái dương tính với SARS-CoV-2. Hiện tại, sức khỏe của trường hợp tái dương tính hoàn toàn ổn định, không xuất hiện các triệu chứng lâm sàng. Với nhận định không có nguy cơ lây nhiễm SARS-CoV-2 ra cộng đồng, trường hợp này tiếp tục được địa phương áp dụng cách ly tại nhà, nơi cư trú theo quy định tại Quyết định số 3416/QĐ-BYT, ngày 14/7/2021 của Bộ Y tế.

Hiện cả tỉnh có 6 F1, có 3.028 F2 và người từ vùng dịch trở về, có 138 F3 đang được theo dõi, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Trong ngày 18/8, toàn tỉnh có 242 người trở về từ vùng dịch, vùng đang áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg đã thực hiện khai báo và áp dụng các biện pháp phòng chống dịch phù hợp. Các lực lượng chức năng đã xử phạt hành chính 6 trường hợp với số tiền 20,5 triệu đồng.

Các chốt kiểm soát dịch COVID-19 tiếp tục kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện vào tỉnh. Trong ngày 18/8, có 11.007 lượt phương tiện và 14.465 lượt người lưu thông qua chốt kiểm soát. Kiểm soát phát hiện 1.202 trường hợp từ địa phương có dịch hoặc có triệu chứng lâm sàng. Thực hiện 2.996/2.996 test nhanh kháng nguyên cho kết quả đều âm tính với SARS-CoV-2.

Trong ngày 18/8, có 661 người được tiêm vắc xin phòng COVID-19; trong đó có 113 người được tiêm mũi 1 và 548 người được tiêm mũi 2. Không phát hiện trường hợp phản ứng thông thường, phản ứng nặng sau tiêm chủng. Lũy tích toàn tỉnh có 93.747 liều vắc xin phòng COVID-19 đã được tiêm; trong đó có 71.429 người được tiêm mũi thứ 1 và 22.318 người được tiêm mũi thứ 2.

Tình hình dịch bệnh trên địa bàn huyện

Tính đến 15h00 ngày 19/8/2021, huyện Yên Lập chưa phát hiện ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng.

Cách ly tại nhà, nơi cư trú: Tính từ ngày 15/7/2021 đến nay, tổng số trường hợp thuộc diện cách ly y tế là: 1.925 trường hợp; trong đó: Số trường hợp đã hoàn thành cách ly: 1.664 trường hợp. Số trường hợp đang cách ly tại nhà, nơi cư trú: 261 trường hợp (tăng 01 trường hợp so với ngày 18/8/2021), trong đó 244 trường hợp trở về từ Hà Nội, 17 trường hợp tiếp xúc gần và trở về từ các vùng có dịch khác). 

Từ 15h00 ngày 18/8/2021 đến 15h00 ngày 19/8/2021 có 05 trường hợp trở về từ Hà Nội, 01 trường hợp trở về từ Bắc Ninh,03 trường hợp trở về từ Sơn La và 01 trường hợp trở về từ Nhật Bản đã qua cách ly tập trung.

Tăng cường chỉ đạo sản xuất, tiêu thụ nông sản trong điều kiện phòng chống dịch bệnh COVID-19

Ngày 18/8, UBND tỉnh ban hành văn bản số 3656/UBND-KTN về việc tăng cường chỉ đạo sản xuất, tiêu thụ nông sản trong điều kiện phòng chống dịch bệnh COVID-19. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, các sở, ngành có liên quan, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị bám sát tình hình thực tiễn dịch bệnh trên địa bàn và nhiệm vụ cơ quan, địa phương quản lý, tập trung chỉ đạo có hiệu quả các văn bản chỉ đạo của Trung ương, của tỉnh, đảm bảo duy trì sản xuất, tiêu thụ sản phẩm, góp phần ổn định đời sống nhân dân trong điều kiện ảnh hưởng của dịch bệnh COVID-19.

Chỉ đạo thực hiện rà soát, thống kê các sản phẩm, chuỗi sản phẩm lớn cần tiêu thụ để có kế hoạch kết nối, tiêu thụ, cung ứng, đáp ứng nhu cầu thị trường trong và ngoài tỉnh; chủ động kết nối với doanh nghiệp, thiết lập và duy trì các kênh phân phối, vận chuyển sản phẩm, đảm bảo không để đứt gãy các chuỗi cung ứng (tập trung một số sản phẩm lớn, tiêu thụ khó khăn như: chè, chăn nuôi, bưởi, rau quả…).

Theo dõi sát tình hình diễn biến dịch bệnh COVID-19 trong nước, khu vực và thế giới để dự báo nhu cầu thị trường, xây dựng ngay kế hoạch phát triển nông nghiệp những tháng cuối năm 2021 và năm 2022 để tập trung chỉ đạo; xác định chỉ đạo sản xuất nông nghiệp là nhiệm vụ trọng tâm, sản xuất nông nghiệp là trụ đỡ nền kinh tế; trong đó tập trung phát triển các sản phẩm có thị trường, có hiệu quả kinh tế cao; trước mắt, tập trung xây dựng kế hoạch tái đàn vật nuôi, kế hoạch phát triển cây vụ đông góp phần quan trọng đảm bảo ổn định đời sống Nhân dân, nhất là khu vực nông thôn.

Thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh trên cây trồng, vật nuôi; tăng cường công tác kiểm tra, dự tính dự báo, kịp thời phát hiện và tổ chức phòng trừ có hiệu quả sâu bệnh hại cây trồng vụ mùa, vụ đông, nhất là trên lúa, bưởi, chè…; phòng, chống các loại dịch, bệnh nguy hiểm trên đàn vật nuôi: dịch tả lợn Châu Phi, viêm da nổi cục, cúm gia cầm…, đảm bảo an toàn cho sản xuất.

Tăng cường công tác quản lý nhà nước trên các lĩnh vực, kiểm soát tốt các điều kiện sản xuất đảm bảo an toàn thực phẩm, chăn nuôi an toàn sinh học; quản lý tốt chất lượng giống cây trồng, vật nuôi, vật tư, phân bón, hóa chất, thức ăn chăn nuôi, kiểm dịch động, thực vật, kiểm soát giết mổ, kiểm tra vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm; xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm theo quy định của pháp luật. Tích cực chỉ đạo xác nhận, quản lý mã số đăng ký cơ sở chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, mã số vùng trồng. Xây dựng phương án cần thiết phải tổ chức giết mổ tập trung để thuận lợi cung ứng cho các địa bàn trong điều kiện phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

Rà soát xây dựng kế hoạch phòng chống dịch bệnh COVID-19 cho các đối tượng trong hệ thống sản xuất, cung ứng các sản phẩm nông nghiệp đảm bảo an toàn; đề xuất việc ưu tiên tiêm vắc xin cho lực lượng cán bộ thú y và các lực lượng cung ứng dịch vụ phục vụ sản xuất, tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp.

Một số hoạt động phòng, chống COVID-19 trên địa bàn tỉnh

* Ngày 18/8, UBND tỉnh tiếp nhận 2 tỷ đồng ủng hộ vào Quỹ Phòng, chống dịch COVID-19 của Công ty TNHH Môi trường TIANYU Phú Thọ.

* Hưởng ứng Chương trình Phụ nữ cả nước chung tay phòng, chống dịch COVID-19, Hội Liên hiệp phụ nữ tỉnh trích từ nguồn kinh phí ủng hộ của cán bộ, hội viên phụ nữ các cấp hỗ trợ 200 triệu đồng cho Hội Liên hiệp phụ nữ Thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương phòng chống dịch COVID-19.

* Hưởng ứng lời kêu gọi của Trung ương Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam về việc ủng hộ chương trình “ATM Oxy” cứu trợ người dân tại thành phố Hồ Chí Minh bị ảnh hưởng dịch COVID-19, Hội Doanh nhân trẻ tỉnh đã vận động quyên góp, ủng hộ chương trình 85 triệu đồng.

* Từ 16 giờ ngày 18/8, xã Bình Phú triển khai thành lập Chốt kiểm soát thực hiện công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tại bến Phà Then theo Quyết định của UBND huyện Phù Ninh.

* Thành phố Việt Trì vừa tiến hành xử phạt hành chính ba đối tượng có hành vi sửa lại ngày xét nghiệm. Theo quy định tại Khoản 2, Điều 14, Nghị định số 14/2020/NĐ-CP của Chính phủ, UBND thành phố Việt Trì đã xử phạt hai trường hợp với mức phạt 5.000.000đ/người; UBND phường Bạch Hạc xử phạt cảnh cáo một trường hợp (do chưa đủ 16 tuổi).

Đề nghị Nhân dân

1. Tích cực thực hiện phong trào thi đua đặc biệt "Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19" do Thủ tướng Chính phủ phát động.

Nghiêm túc thực hiện 5K: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế; tuân thủ các quy định về cách ly y tế phòng chống dịch.

2. Đề nghị người dân cài đặt và sử dụng Sổ sức khỏe điện tử trên thiết bị di động thông minh. Đây là ứng dụng được xây dựng với mục tiêu giúp người dân chủ động đăng ký tiêm chủng, quản lý thông tin sức khỏe của bản thân, chủ động cập nhật các phản ứng sau tiêm.

Hướng dẫn tải và cài đặt Sổ sức khỏe điện tử:

Bước 1: Vào kho ứng dụng Google Play/CH Play đối với hệ điều hành Android và ứng dụng AppStore cho hệ điều hành iOS.

 Gõ vào ô tìm kiếm từ khóa “Sổ sức khỏe điện tử” và chọn tìm kiếm.

Bước 2: Chọn ứng dụng “Sổ sức khoẻ điện tử” và nhấn “Cài đặt” để thực hiện cài đặt ứng dụng.

3. Thận trọng, cân nhắc khi đăng tải, chia sẻ thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19 lên mạng xã hội; không đăng tải, chia sẻ, like (thích) thông tin nhạy cảm, thiếu kiểm chứng, sai sự thật những thông tin không được đăng tải theo quy định của pháp luật về tình hình dịch bệnh.

Ban Biên tập