Thông tin tuyên truyền phòng, chống COVID-19 ngày 22/7/2021
  • Cập nhật: 22/07/2021
  • Lượt xem: 3363 lượt xem

PhuthoPortal - Sáng 22/7/2021, Bộ Y tế cho biết cả nước có thêm 2.967 ca mắc COVID-19. Thường trực Ban Bí thư yêu cầu tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19. Phú Thọ tạm dừng hoạt động vận tải theo tuyến cố định từ Phú Thọ đi 21 tỉnh, thành phố.

Diễn biến tình hình dịch bệnh trong nước

Trong số ca mắc mới sáng ngày 22/7, có 2 ca nhập cảnh và 2.965 ca ghi nhận trong nước, tại Thành phố Hồ Chí Minh 2.433 ca, Long An 233 ca, Bình Dương 64 ca, Đồng Nai 53 ca, Tiền Giang 41 ca, Vĩnh Long 38 ca, Bến Tre 28 ca, Đà Nẵng 27 ca, An Giang 15 ca, Kiên Giang 10 ca, Hậu Giang 5 ca, Bình Phước 5 ca, Hải Phòng 3 ca, Cần Thơ 3 ca, Hà Nội 2 ca, Sơn La 2 ca, Quảng Bình 2 ca, Huế 1 ca; trong đó có 181 ca trong cộng đồng.

Trước đó, ngày 21/7, Việt Nam ghi nhận 5.357 ca mắc mới (14 ca nhập cảnh và 5.343 ca ghi nhận trong nước).

Số ca mắc mới ghi nhận trong nước tính của đợt dịch kể từ 27/4 đến nay là 67.473 ca, trong đó có 9.197 bệnh nhân đã được công bố khỏi bệnh.

Trong ngày 21/7, Bộ Y tế công bố 36 ca tử vong liên quan đến COVID-19, trong đó riêng Thành Phố Hồ Chí Minh là 32 ca. Hầu hết các ca tử vong đều có bệnh lý nền nặng.

9/61 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp mắc mới, gồm: Yên Bái, Quảng Trị, Tuyên Quang, Thái Nguyên, Điện Biên, Hải Dương, Quảng Ninh, Hoà Bình, Bắc Kạn.

Diễn biến tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh Phú Thọ

Ngày 20/7/2021, tỉnh Phú Thọ phát hiện 1 ca mắc COVID-19 là ca bệnh xâm nhập từ thành phố Hồ Chí Minh về địa bàn tỉnh (BN65628).

Bệnh viện dã chiến tỉnh Phú Thọ đang theo dõi và điều trị các ca bệnh COVID-19. Tình trạng sức khỏe của các bệnh nhân COVID-19 ổn định.

Tính đến 18h ngày 21/7, toàn tỉnh có 34 F1, 1.111 F2 và 1.256 F3 đang thực hiện áp dụng các biện pháp cách ly y tế, theo dõi sức khỏe để phòng chống dịch COVID-19.

Liên quan đến trường hợp công dân của Phú Thọ trở về từ Thành phố Hồ Chí Minh dương tính với SARS-CoV-2. Qua rà soát, truy vết phát hiện 6 F1, 239 F2 và 419 F3 liên quan. Toàn bộ F1 đều được chuyển về cách ly tập trung tại Cơ sở cách ly tập trung và có kết quả xét nghiệm khẳng định bằng RT-PCR âm tính lần thứ nhất. Các trường hợp F2, F3 đang được địa phương khẩn trương rà soát, truy vết và áp dụng ngày các biện pháp cách ly y tế theo quy định.

Liên quan đến ổ dịch tại Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam có diễn biến dịch phức tạp: Qua rà soát, truy vết phát hiện 25 F1; 927 F2/người trở về từ vùng dịch và 793 F3. Hiện đang 18 F1, 666 F2 đang thực hiện cách ly y tế và 633 F3 đang theo dõi sức khỏe. Trong đó, 18/18 F1, 450/505 F2 được lấy mẫu có kết quả âm tính với SARSCoV-2.

Liên quan đến chuyến bay VN210 ngày 17/7/2021 từ Thành phố Hồ Chí Minh về Hà Nội. Qua rà soát, truy vết phát hiện 9 trường hợp liên quan. Cụ thể: 1 F1 tại thành phố Việt Trì đã được chuyển cách ly y tế tập trung, có kết quả âm tính lần thứ nhất; 2 F1 tại huyện Thanh Sơn là trẻ em dưới 6 tuổi được áp dụng cách ly tại nhà, chưa có kết quả xét nghiệm; 6 trường hợp tại Cẩm Khê ngồi cách xa trên 2 hàng ghế được áp dụng cách ly tại nhà, nơi lưu trú đã có kết quả âm tính với SARS-CoV-2 bằng RT-PCR.

Thường trực Ban Bí thư yêu cầu tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19

Ngày 21/7, Thường trực Ban Bí thư đã có Điện về tiếp tục tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 gửi: Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng, chống dịch Covid-19; các tỉnh ủy, thành ủy; các ban đảng, ban cán sự đảng, đảng đoàn, đảng ủy trực thuộc Trung ương; các đảng ủy đơn vị sự nghiệp Trung ương. Thường trực Ban Bí thư yêu cầu:

Toàn hệ thống chính trị tiếp tục tập trung cao nhất cho công tác phòng, chống dịch. Các cấp ủy, tổ chức Đảng tiếp tục quán triệt và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, quyết liệt, có hiệu quả chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch Covid-19 và hướng dẫn của Bộ Y tế về công tác phòng, chống dịch trong tình hình mới, đặc biệt là Kết luận số 07-KL/TƯ ngày 11/6/2021 của Bộ Chính trị về một số nhiệm vụ trọng tâm tăng cường công tác phòng, chống dịch COVID-19 và phát triển kinh tế - xã hội; tuyệt đối không lơ là, chủ quan, mất cảnh giác. Động viên, biểu dương, khen thưởng kịp thời các địa phương, tổ chức, cá nhân làm tốt; xử lý nghiêm các hành vi vi phạm quy định, chủ quan, lơ là trong phòng, chống dịch.

Bí thư các tỉnh ủy, thành ủy, người đứng đầu cấp ủy tập trung chỉ đạo sát sao, phát huy vai trò của các cấp ủy, chính quyền, huy động cả hệ thống chính trị, tạo sự đồng thuận trong Nhân dân, triển khai đồng bộ các giải pháp phòng, chống dịch theo phương châm "bốn tại chỗ" với tinh thần chủ động, quyết liệt, linh hoạt, sáng tạo; thực hiện nghiêm các giải pháp giãn cách, cách ly, khoanh vùng, truy vết, xét nghiệm, điều trị, tiêm vắc xin, đặc biệt là tại các địa phương đang thực hiện Chỉ thị số 16 của Thủ tướng Chính phủ và các vùng, địa phương có nguy cơ cao, nhằm kiểm soát kịp thời và khống chế hiệu quả, không để dịch lan rộng; triển khai nhanh các chính sách hỗ trợ người dân và doanh nghiệp; cung ứng hàng hóa thiết yếu phục vụ cuộc sống của người dân; mua sắm trang thiết bị phục vụ công tác phòng, chống dịch; chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư về công tác phòng, chống dịch trên địa bàn.

Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch COVID-19 và ngành Y tế cần tiếp tục chỉ đạo kịp thời các địa phương xây dựng kịch bản, giải pháp cụ thể phòng, chống dịch như: Phòng ngừa, xét nghiệm, điều trị... phù hợp với diễn biến mới của dịch bệnh; tập trung đẩy nhanh tiến độ nghiên cứu, chuyển giao, sản xuất, mua và tiêm vắc xin.

Các cấp, các ngành chủ động phối hợp, đề xuất các chính sách để hỗ trợ và tháo gỡ khó khăn, vướng mắc về huy động, sử dụng nguồn lực; bảo đảm đầy đủ hàng hóa thiết yếu; chủ động nguồn lực để mua sắm trang thiết bị, vật tư y tế; các giải pháp, phương án hỗ trợ, chi viện hiệu quả cho các địa phương gặp khó khăn, địa bàn trọng điểm, các đô thị lớn, khu vực đông dân cư.

Ban Dân vận Trung ương, Mặt trận Tổ quốc, tổ chức chính trị - xã hội các cấp làm nòng cốt trong công tác tuyên truyền, vận động nâng cao nhận thức, trách nhiệm và kỹ năng phòng, chống dịch cho đoàn viên, hội viên và nhân dân; khơi dậy tinh thần tương thân, tương ái, hỗ trợ, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn; có giải pháp thiết thực chăm lo, hỗ trợ cho người dân, nhất là những đối tượng khó khăn, yếu thế.

Lực lượng vũ trang ngoài việc tham gia phòng, chống dịch hiệu quả, chủ động phối hợp với các cơ quan, địa phương có các giải pháp bảo đảm an ninh trật tự, không để bị động, bất ngờ, kiên quyết xử lý các đối tượng lợi dụng tình hình dịch bệnh xuyên tạc, kích động, chống phá làm ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, cản trở công tác phòng, chống dịch.

Ban Tuyên giáo Trung ương, Bộ Thông tin và Truyền thông tập trung chỉ đạo các cơ quan thông tấn, báo chí làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền định hướng dư luận xã hội, góp phần củng cố niềm tin, xây dựng quyết tâm, tạo sự thống nhất cao trong công tác phòng, chống dịch; tránh tâm lý chủ quan khi đã áp dụng các giải pháp phòng, chống dịch, nhất là sau khi tiêm vắc xin; tránh khai thác đưa tin một chiều, thiếu kiểm chứng gây tâm lý hoang mang trong Nhân dân.

Triển khai thực hiện chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam về công tác phòng, chống dịch COVID-19

Ngày 20/7/2021, UBND tỉnh đã ban hành văn bản số 3048/UBND-KTN về việc tiếp tục triển khai thực hiện các chỉ đạo của Bộ Giao thông vận tải, Tổng cục Đường bộ Việt Nam về công tác phòng, chống dịch COVID-19.

Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh giao Sở Giao thông vận tải chủ trì, phối hợp với Sở Y tế, Sở Công Thương, Công an tỉnh và UBND các huyện, thành, thị khẩn trương chỉ đạo tổ chức triển khai thực hiện theo đề nghị của Tổng cục Đường bộ Việt Nam tại Công văn số 6973/BGTVT-VT ngày 18/7/2021 của Bộ Giao thông vận tải, đảm bảo tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch bệnh COVID-19; đồng thời, tiếp tục thực hiện chỉ đạo của Chủ tịch UBND tỉnh về công tác phòng, chống dịch COVID-19. Kịp thời báo cáo, đề xuất UBND tỉnh đối với những nội dung vượt thẩm quyền.

Tạm dừng hoạt động vận tải theo tuyến cố định từ Phú Thọ đi 21 tỉnh, thành phố

Sở Giao thông vận tải Phú Thọ vừa có văn bản về việc thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 trong hoạt động vận tải hành khách, hàng hoá. 
Theo đó, tạm dừng hoạt động vận tải theo tuyến cố định các tuyến từ Phú Thọ đi hai tỉnh phía Bắc gồm Bắc Ninh, Quảng Ninh và 19 tỉnh, thành phố phía Nam gồm Thành phố Hồ Chí Minh, Bình Dương, Đồng Nai, thành phố Cần Thơ, Bình Phước, Tây Ninh, Bà Rịa Vũng Tàu, Tiền Giang, Long An, Vĩnh Long, Đồng Tháp, Bến Tre, Hậu Giang, An Giang, Bạc Liêu, Sóc Trăng, Trà Vinh, Cà Mau, Kiên Giang và ngược lại.

Tạm dừng hiệu lực phù hiệu “XE TUYẾN CỐ ĐỊNH” đã cấp cho phương tiện đang khai thác tuyến từ Phú Thọ đến 21 tỉnh nêu trên.

Tạm dừng hoạt động vận tải hành khách bằng xe hợp đồng, taxi, du lịch từ tỉnh Phú Thọ đi đến 21 tỉnh nêu trên và ngược lại. Trừ trường hợp đặc biệt vì lý do công vụ và các trường hợp cung cấp lương thực, thực phẩm, nhu yếu phẩm cần thiết, xe đưa đón công nhân, chuyên gia của các doanh nghiệp, chuyên chở nguyên vật liệu sản xuất, hàng hóa.

Đối với các tỉnh, thành phố còn lại thực hiện vận tải hành khách theo tuyến cố định, hoạt động tối đa 50% số chuyến theo biểu đồ chạy xe; vận tải hành khách bằng xe hợp đồng, taxi, xe hợp đồng, xe du lịch hoạt động tối đa 50% số lượng phương tiện vận tải của đơn vị đến các tỉnh, thành phố; hạn chế tối đa vận chuyển hành khách liên tỉnh từ thành phố Hà Nội về tỉnh Phú Thọ và ngược lại.

Các đơn vị vận tải hành khách và các đơn vị quản lý, khai thác bến xe khách thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh COVID-19 theo chỉ đạo của Sở Giao thông vận tải Phú Thọ.

Đề nghị Nhân dân

Tiếp tục thực hiện nghiêm các chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Ban Chỉ đạo Quốc gia, Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 của tỉnh và các địa phương và các hướng dẫn chuyên môn của ngành Y tế về phòng, chống dịch COVID-19. Không di chuyển ra khỏi tỉnh và những nơi đang có dịch nếu  không thực sự cần thiết và phải tuân thủ nghiêm yêu cầu 5K, khai báo y tế khi trở về.

Đề cao trách nhiệm của mỗi cá nhân trong thực hiện phòng, chống COVID-19 theo phương châm “5K + vắc xin” kết hợp giải pháp công nghệ để chủ động trong thực hiện “mục tiêu kép”, vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Tự giác, tích cực tham gia chiến dịch việc tiêm phòng vắc xin ngừa COVID-19. Chủ động phối hợp với ngành Y tế và các lực lượng chức năng địa phương trong việc tham gia giám sát, phát hiện và thông báo kịp thời cho ngành Y tế địa phương người từ những địa điểm nguy cơ về nơi cư trú trên địa bàn mà không khai báo y tế hoặc khai báo không đúng sự thật.

Chủ động, tích cực phối hợp với chính quyền địa phương, khu dân cư, tổ dân phố hỗ trợ, giúp đỡ các trường hợp đã thực hiện xong các biện pháp cách ly y tế trở về nơi cư trú tự cách ly, theo dõi sức khỏe tại nhà.

Lê Quang (nguồn Cổng thông tin điện tử tỉnh Phú Thọ)