Ngày 20/11/2014, tại Kỳ họp thứ 8, Quốc hội Khóa XIII đã thông qua Luật tổ chức Quốc hội số 57/2014/QH13 (sau đây gọi là Luật Tổ chức Quốc hội năm 2014). Chủ tịch nước ký Lệnh số 15/2014/L-CTN ngày 04/12/2014 công bố Luật tổ chức Quốc hội. Luật có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2016.
I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH LUẬT TỔ CHỨC QUỐC HỘI NĂM 2014
Sau hơn 12 năm thi hành, Luật tổ chức Quốc hội năm 2001 có hiệu lực từ ngày 07/01/2002 (được sửa đổi, bổ sung năm 2007) đã có đóng góp quan trọng, làm cơ sở pháp lý cho tổ chức và hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội. Hoạt động của Quốc hội ngày càng dân chủ, thực chất và hiệu quả hơn. Công tác lập pháp được đổi mới mạnh mẽ; số lượng luật, pháp lệnh được thông qua ngày càng nhiều; chất lượng văn bản được nâng lên, về cơ bản đã bao quát mọi lĩnh vực của đời sống kinh tế - xã hội, góp phần quan trọng vào sự nghiệp xây dựng, bảo vệ và phát triển đất nước. Công tác giám sát của Quốc hội được tăng cường với sự kết hợp nhiều hình thức giám sát và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, tổ chức hữu quan; nội dung giám sát tập trung vào những vấn đề quan trọng, nổi lên trong thực tiễn cuộc sống, được dư luận xã hội và cử tri quan tâm, đồng tình ủng hộ. Việc quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước, đặc biệt là về kinh tế - xã hội, ngân sách nhà nước và các công trình, dự án quan trọng quốc gia được Quốc hội xem xét thận trọng nên ngày càng đem lại hiệu quả thiết thực. Hoạt động đối ngoại của Quốc hội đạt kết quả tích cực cả về chiều rộng và chiều sâu, góp phần nâng cao vị thế của đất nước trên trường quốc tế.
Tuy nhiên, để tiếp tục đổi mới, nâng cao hiệu quả hoạt động của Quốc hội, đáp ứng yêu cầu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân, cần sửa đổi Luật tổ chức Quốc hội hiện hành với các lý do cụ thể sau đây:
Thứ nhất, Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam được Quốc hội khóa XIII thông qua tại kỳ họp thứ 6, ngày 28/11/2013 (sau đây gọi là Hiến pháp) đã có những sửa đổi, bổ sung quan trọng về tổ chức, chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội, do đó, Luật tổ chức Quốc hội cần phải được sửa đổi, bổ sung cho phù hợp với Hiến pháp.
Thứ hai, từ năm 2002 đến nay, trong quá trình tổ chức và hoạt động, Quốc hội luôn có những đổi mới, cải tiến về phương thức, chế độ làm việc theo hướng phát huy dân chủ, tăng tính chủ động, sáng tạo, phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan hữu quan. Những đổi mới, cải tiến này được thực tiễn kiểm nghiệm là đúng đắn và phù hợp nhưng chưa được ghi nhận trong Luật mà chỉ được thể hiện trong nghị quyết, nội quy, quy chế hoạt động hoặc trở thành các tiền lệ trong hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.
Thứ ba, một số quy định của Luật tổ chức Quốc hội hiện hành về việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn của Quốc hội, Ủy ban thường vụ Quốc hội, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội, đại biểu Quốc hội còn chưa cụ thể, rõ ràng, tính khả thi còn thấp, như việc trình dự án luật, kiến nghị về luật của đại biểu Quốc hội, việc đưa ra để cử tri bãi nhiệm đại biểu Quốc hội không còn xứng đáng, việc bỏ phiếu tín nhiệm, việc tổ chức trưng cầu ý dân...
Thứ tư, một số thiết chế trong Luật tổ chức Quốc hội hiện hành chưa có quy định cụ thể về nhiệm vụ, quyền hạn như Ủy ban lâm thời hoặc nhiệm vụ, quyền hạn không tương xứng với vị trí của thiết chế đó như Đoàn thư ký kỳ họp Quốc hội. Mô hình tổ chức bộ máy giúp việc chưa thật hợp lý, tính chuyên nghiệp trong hoạt động của bộ máy này chưa cao; chưa luật hóa địa vị pháp lý của các cơ quan thuộc bộ máy giúp việc như Ban công tác đại biểu, Ban dân nguyện, Văn phòng Quốc hội; chưa có cơ chế khuyến khích, thu hút các chuyên gia giỏi, cán bộ có năng lực, kinh nghiệm về làm việc tại các cơ quan giúp việc Quốc hội.
Thứ năm, tổ chức và hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội vẫn còn một số hạn chế, bất cập. Tổ chức và hoạt động của Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội hiện nay chưa tương xứng với sự gia tăng về khối lượng công việc trong khi yêu cầu về chất lượng ngày càng cao. Cơ chế làm việc cũng như các điều kiện bảo đảm cho đại biểu Quốc hội, bao gồm cả đại biểu Quốc hội hoạt động chuyên trách chưa thật sự phù hợp và chưa được quy định trong luật.
Từ những lý do nêu trên cho thấy cần phải sửa đổi một cách cơ bản Luật tổ chức Quốc hội hiện hành nhằm tạo cơ sở pháp lý vững chắc cho việc tiếp tục đổi mới, hoàn thiện tổ chức và nâng cao chất lượng, hiệu quả hoạt động của Quốc hội.
II. QUAN ĐIỂM CHỈ ĐẠO XÂY DỰNG LUẬT
Luật tổ chức Quốc hội năm 2014 được xây dựng dựa trên các quan điểm chỉ đạo sau đây:
1. Thể chế hóa đầy đủ các chủ trương, đường lối của Đảng, cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp về đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội và đại biểu Quốc hội; bảo đảm Quốc hội là cơ quan đại biểu cao nhất của Nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất của nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền lập hiến, quyền lập pháp, quyết định những vấn đề quan trọng của đất nước, giám sát tối cao hoạt động của Nhà nước;
2. Kế thừa và phát triển những quy định trong Luật tổ chức Quốc hội hiện hành và các văn bản pháp luật khác có liên quan đã được thực tiễn kiểm nghiệm là hợp lý, đúng đắn và hiệu quả; khắc phục những hạn chế, bất cập; đồng thời hệ thống hóa, pháp điển một bước các quy định về tổ chức và hoạt động của Quốc hội;
3. Xác định đại biểu Quốc hội giữ vai trò trung tâm, Hội đồng dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội là các cơ quan chuyên môn làm việc thường xuyên của Quốc hội; Ủy ban thường vụ Quốc hội là cơ quan thường trực của Quốc hội; các cơ quan khác thuộc Quốc hội và Văn phòng Quốc hội là bộ máy tham mưu, phục vụ của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội, đại biểu Quốc hội. Cụ thể hóa nhiệm vụ, quyền hạn của các cơ quan của Quốc hội để tránh chồng chéo, trùng lặp, không hành chính hóa hoạt động của Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội.
4. Tham khảo, tiếp thu có chọn lọc kinh nghiệm về tổ chức và hoạt động nghị viện của một số nước trên thế giới phù hợp với điều kiện của Việt Nam; đồng thời, hoàn thiện cả về kỹ thuật lập pháp, bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ, chất lượng và hiệu quả của đạo luật này.
III. BỐ CỤC CỦA LUẬT
Luật tổ chức Quốc hội năm 2014 gồm 7 chương, 102 điều với các nội dung cụ thể trong file đính kèm.