KỶ NIỆM 90 NĂM THÀNH LẬP HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM (14/10/1930 – 14/10/2020)
  • Cập nhật: 10/10/2020
  • Lượt xem: 13460 lượt xem

I. SỰ RA ĐỜI NÔNG HỘI ĐỎ, TIỀN THÂN CỦA HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM

Đầu năm 1920, sau khi dập tắt các cuộc khởi nghĩa của nông dân, ruộng đất nước ta chủ yếu tích tụ vào tay một số ít địa chủ Pháp, phong kiến, quan lại, địa chủ thường và địa chủ kiêm công thương đã làm xã hội phân hóa mạnh mẽ. Giai cấp địa chủ sở hữu trên 50% diện tích đất canh tác. Tiểu nông chiếm chỉ có gần 40% diện tích trồng trọt. Ngoài ra còn khoảng 2,2 triệu hộ trong tổng số 4 triệu hộ nông thôn lúc bấy giờ hoàn toàn không có đất. Họ bị bóc lột dã man bởi tô, tức, thuế…

Đời sống nông dân dưới thời Pháp thuộc vô cùng nghèo nàn, đau khổ. Song chính trong sự áp bức bóc lột tàn bạo của thực dân Pháp và tay sai đã khiến cho họ nhận rõ bộ mặt thực của kẻ thù dân tộc và kẻ thù giai cấp. Bằng những kinh nghiệm trực tiếp của mình, giai cấp nông dân đã tiến từng bước tới giác ngộ chính trị. Họ sẵn sàng ủng hộ, đi theo các phong trào đấu tranh vì độc lập dân tộc, vì quyền lợi của người lao động.

Trong cuốn Đường Kách mệnh (1927), đồng chí Nguyễn Ái Quốc  là người cộng sản đầu tiên của Việt Nam đặt vấn đề nông dân Việt Nam muốn thoát khỏi ách áp bức, bóc lột thì phải “tổ chức nhau lại”, vì vậy, Người đã dành riêng một chương phân tích về tình hình nông dân Việt Nam và tầm quan trọng của “Tổ chức dân cày”. Nguyễn Aí Quốc chỉ ra “Nếu dân cày An Nam muốn thoát khỏi vòng cay đắng, thì phải tổ chức nhau kiếm đường giải phóng”. Giai cấp nông dân cần phải có tổ chức riêng của mình là Hội dân cày. Nhưng trong tình hình hiện tại chưa nên gọi là Hội dân cày, mà nên gọi là phường lợp nhà, phường đánh cá, phường chung lúa…

Ngày 1/11/1929, Báo “Dân cày” số đầu tiên của tỉnh Ninh Bình được phát hành. Cuối thập kỷ 20 của thế kỷ XX, Nông hội đỏ đã xuất hiện ở một số địa phương. Tháng 11/1929, Ban Chấp hành Tổng Nông hội Nghệ An ra đời, do đồng chí Phan Thái Ất làm Bí thư. Tiếp theo nhiều tổ chức Nông hội đỏ được thành lập ở Thái Bình, Hà Nội, Hà Đông, Hải Phòng, Hải Dương và các tỉnh Trung Kỳ, Nam Kỳ... Chỉ tính từ tháng 5/1930 – 10/1930 cả nước có 53.000 hội viên nông hội. 

Trên cơ sở đó, Hội nghị lần thứ Nhất, Ban Chấp hành Trung ương Đảng họp trong tháng 10/1930 đã ra Nghị quyết về thành lập Tổng Nông hội Đông Dương. Việc thành lập Tổng Nông hội Đông Dương (tên gọi đầu tiên của Hội Nông dân Việt Nam ngày nay) đã đánh dấu bước ngoặt quan trọng trong lịch sử giai cấp nông dân Việt Nam, sự trưởng thành và lớn mạnh của phong trào nông dân dưới sự lãnh đạo của Đảng.

II. HỘI NÔNG DÂN VIỆT NAM QUA CÁC THỜI KỲ

1. Hội Nông dân Việt Nam và cuộc vận động cách mạng giải phóng dân tộc (1930 – 1945)

Ngày 20/3/1931, Ban Thường vụ Trung ương Đảng ra Chỉ thị về vấn đề chỉnh đốn Nông hội đỏ, trong đó khẳng định vai trò to lớn của Nông hội trong cách mạng, giai cấp nông dân “là một lực lượng chính của cách mạng”. Các tổ chức Nông hội được củng cố và trực tiếp lãnh đạo phong trào đấu tranh của nông dân. Tháng 6/1932 Trung ương Đảng đã khởi thảo Chương trình hành động nhằm khôi phục nhanh chóng phong trào cách mạng, đồng thời đề ra phương hướng đấu tranh và những biện pháp cụ thể phù hợp với tình hình mới. Chủ trương của Đảng nêu rõ: phải tận dụng mọi khả năng hợp pháp, nửa hợp pháp để tổ chức đấu tranh và phát triển tổ chức bí mật (Nông hội).

Tháng 3/1937, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã họp Quyết định lấy tên Nông hội thay Nông hội đỏ. Nông dân có tổ chức chính là Nông hội đã thu hút đông đảo nông dân đấu tranh giành quyền lợi của giai cấp mình. Chủ trương đúng đắn và kịp thời của Đảng đã giúp cho Nông hội khắp nơi trong nước phát huy vai trò của mình trong việc tập hợp, lãnh đạo nông dân hợp lực với công nhân và nhân dân lao động đấu tranh đòi quyền dân sinh, dân chủ.

Trong năm 1937, có hơn 150 cuộc đấu tranh của nông dân chống cướp ruộng đất, đòi chia ruộng công, giảm tô, tức, khất thuế,... Từ tháng 01 - 11/1938, có 125 cuộc đấu tranh của nông dân với 55.442 người tham gia.

Tháng 5/1941, ''Nông hội gọi là Việt Nam Nông dân cứu quốc hội, dưới sự lãnh đạo trực tiếp của đồng chí Nguyễn Ái Quốc, nông dân các dân tộc Cao Bằng đã tổ chức những đoàn thể cứu quốc đầu tiên. Nông dân cứu quốc hội là lực lượng to lớn của Mặt trận Việt Minh.

Năm 1941 - 1942, dưới sự lãnh đạo của Nông dân cứu quốc hội, nông dân đã đấu tranh chống thu thóc, chống nhổ lúa trồng đay, nhổ ngô trồng thầu dầu... Từ năm 1943, với khẩu hiệu ''Đoàn kết toàn dân đánh đuổi Nhật - Pháp'', đã đưa nông dân tham gia mạnh mẽ vào các phong trào đấu tranh; phong trào ''Phá kho thóc Nhật giải quyết nạn đói'' đã lôi cuốn hàng triệu nông dân vùng lên đấu tranh trực diện với kẻ thù. Thành công vĩ đại của Cách mạng tháng Tám là một minh chứng cho tinh thần, khả năng và vai trò cách mạng to lớn của nông dân với sự nghiệp cách mạng của dân tộc.

2. Giai cấp nông dân Việt Nam và Hội Nông dân Việt Nam trong sự nghiệp xây dựng Xã hội chủ nghĩa ở miền Bắc, đấu tranh giải phóng miền Nam chống đế quốc Mỹ xâm lược, thống nhất đất nước (1945 - 1975)

Ngày 06/8/1949, Ban Chấp hành Trung ương Đảng đã ra Nghị quyết số 02 – NQ/TW về việc thành lập Ban Nông vận Trung ương, đồng chí Hồ Viết Thắng  - Ủy viên Trung ương Đảng làm Trưởng ban.

Với nhiệm vụ của Ban Nông vận Trung ương là vận động nông dân: tăng gia sản xuất, tự cấp tự túc, nuôi dưỡng bộ đội, xây dựng hợp tác xã, hoàn thành giảm tô, thực hiện giảm tức, đào tạo cán bộ và thanh toán nạn mù chữ. Ban Nông vận Trung ương đã tổ chức Hội nghị cán bộ nông dân toàn quốc lần thứ nhất họp từ ngày 28/11 – 07/01/1949 tại thôn Phong Vân, xã Tân Tiến, huyện Yên Sơn, tỉnh Tuyên Quang. Hội nghị đã nhất trí thành lập Hội Nông dân cứu quốc Trung ương (sau đổi tên là Ban Liên lạc Nông dân toàn quốc).

Phong trào nông dân từ sau Hội nghị cán bộ nông dân toàn quốc lần thứ nhất có bước phát triển mới, toàn diện và rất mạnh mẽ. Hội nghị cán bộ nông dân toàn quốc lần thứ Hai, tháng 5/1951, tại thôn Đồng Quắc, xã Bình Nhân, huyện Chiêm Hoá, tỉnh Tuyên Quang.

Ở miền Bắc

Phong trào cách mạng của giai cấp nông dân và Hội Nông dân đã đóng góp quan trọng vào thắng lợi của các chiến dịch. Chiến thắng lịch sử Điện Biên phủ ngày 07/5/1954 và thắng lợi của Hội nghị Giơnevơ ngày 20/7/1954 về Đông Dương mở ra một thời kỳ mới của cách mạng Việt Nam.

Ở miền Nam

Phong trào đấu tranh chính trị của nông dân miền Nam diễn ra hết sức mạnh mẽ, quyết liệt. Các làng, xã chiến đấu được hình thành và phát triển.

Ngày 21/4/1961, Hội Nông dân giải phóng miền Nam Việt Nam chính thức được thành lập và là thành viên của Mặt trận Dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.

3. Hội Nông dân Việt Nam trong sự nghiệp đổi mới, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc

Để phát triển sản xuất nông nghiệp, lâm nghiệp và đoàn kết nông dân lao động, đưa nông thôn nước ta tiến lên CNXH, Bộ Chính trị đã quyết định thành lập tổ chức thống nhất của nông dân lao động trong cả nước, có hệ thống từ Trung ương đến cơ sở, lấy tên là Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam.

Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam được thành lập có ý nghĩa chính trị to lớn, tổ chức thống nhất từ Trung ương xuống cơ sở.

Ngày 01/3/1988, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã ra Quyết định số 42 – QĐ/TW về việc đổi tên Hội Liên hiệp Nông dân tập thể Việt Nam thành Hội Nông dân Việt Nam.

Tại phiên họp ngày 17/01/1991, Bộ Chính trị đã đồng ý lấy ngày 14 tháng 10 năm 1930 làm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam.

Tại Lễ Kỷ niệm 80 năm ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam (NĂM 2010), giai cấp nông dân Việt Nam đã vinh dự được Đảng, Nhà nước trao tặng Huân Chương Sao Vàng (lần 2).

4. Các kỳ đại hội của Hội Nông dân Việt Nam

4.1. Đại hội lần thứ I (nhiệm kỳ 1988 - 1993)

Đại hội được tổ chức từ ngày 28/3 - 29/3/1988 tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội. Đại hội đã bầu Ban Chấp hành gồm 95 đồng chí và bầu 17 Ủy viên Ban Thường vụ. Đồng chí Phạm Bái - Ủy viên BCH Trung ương Đảng được bầu giữ chức Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.

4.2. Đại hội lần thứ II (nhiệm kỳ 1993 - 1998)

Đại hội được tổ chức từ ngày 15/11 - 19/11/1993 tại Hội trường Ba Đình, Hà Nội. Đại hội đã bầu 77 đồng chí vào Ban Chấp hành và 14 Ủy viên Ban Thường vụ. Đồng chí Nguyễn Văn Chính (Chín Cần) - Ủy viên BCH Trung ương Đảng được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.

4.3. Đại hội lần thứ III (nhiệm kỳ 1998 - 2003)

Đại hội được tổ chức từ ngày 17/11 - 20/11/1998 tại Cung Văn hóa Hữu nghị, Hà Nội. Đại hội đã bầu 114 Ủy viên Ban Chấp hành, 19 Ủy viên Ban Thường vụ. Đồng chí Nguyễn Đức Triều - Ủy viên BCH Trung ương Đảng được bầu giữ chức Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.

4.4. Đại hội lần thứ IV (nhiệm kỳ 2003 - 2008)

Đại hội được tổ chức từ ngày 22/11 - 25/11/2003 tại Cung Văn hóa Hữu nghị, Hà Nội. Bầu 120 Ủy viên Ban Chấp hành và 21 Ủy viên Ban Thường vụ; đồng chí Vũ Ngọc Kỳ - Ủy viên BCH Trung ương Đảng được bầu làm Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.

4.5. Đại hội lần thứ V (nhiệm kỳ 2008 - 2013)

Đại hội đã được tổ chức từ ngày 22/12 - 25/12/2008 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Mỹ Đình - Hà Nội. Bầu 124 Ủy viên Ban Chấp hành và 21 Ủy viên Ban Thường vụ; đồng chí Nguyễn Quốc Cường - Ủy viên BCH Trung ương Đảng tái đắc cử giữ chức Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.

4.6. Đại hội lần thứ VI (nhiệm kỳ 2013 - 2018)

Đại hội được tổ chức từ ngày 30/6 - 03/7/2013 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Mỹ Đình - Hà Nội. Đại hội đã bầu 122 Ủy viên Ban Chấp hành và 21 Ủy viên Ban Thường vụ; đồng chí Nguyễn Quốc Cường, Ủy viên BCH Trung ương Đảng được tái cử giữ chức Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội lần thứ thứ 8 (khóa VI), họp ngày 24/6/2016 tại Hà Nội đã bầu đồng chí Lại Xuân Môn - Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Chủ tịch Thường trực giữ chức Chủ tịch BCH Trung ương Hội Nông dân Việt Nam thay đồng chí Nguyễn Quốc Cường được Bộ Chính trị cho nghỉ hưu.

Tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam lần thứ 13 (Khóa VI), họp ngày 12/01/2018, tại Hà Nội đã bầu đồng chí Thào Xuân Sùng, Ủy viên BCH Trung ương Đảng, Phó Trưởng Ban Thường trực Ban Dân vận Trung ương giữ chức Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam thay đồng chí Lại Xuân Môn được Bộ Chính trị bố trí công tác mới.

4.7. Đại hội lần thứ VII (nhiệm kỳ 2018 – 2023)

Đại hội được tổ chức từ ngày 11 - 13/12/2018 tại Trung tâm Hội nghị Quốc gia, Mỹ Đình - Hà Nội. Đại hội đã bầu 119 uỷ viên Ban Chấp hành; Hội nghị lần thứ nhất Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam khoá VII họp ngày 12/12/2018 tại Hà Nội đã bầu 21 uỷ viên Ban Thường vụ; đồng chí Thào Xuân Sùng, Uỷ viên BCH Trung ương Đảng tái đắc cử giữ chức Chủ tịch Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam.

Đây là Đại hội của tinh thần: “Dân chủ - Đoàn kết - Đổi mới - Hội nhập - Phát triển”. Đại hội xác định phương hướng chung của nhiệm kỳ 5 năm (2018-2023) là: Xây dựng Hội Nông dân Việt Nam trong sạch, vững mạnh, phát huy vai trò của Hội và giai cấp nông dân trong phát triển nông nghiệp thịnh vượng, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại.

Hội nghị lần thứ ba Ban Chấp hành Trung ương Hội Nông dân Việt Nam (Khóa VII) họp tại Hà Nội từ ngày 22-23/7/2019 đã thông qua ba Nghị quyết về xây dựng Hội: Nghị quyết số 04 - NQ/HNDTW “về đẩy mạnh xây dựng Chi Hội Nông dân nghề nghiệp, Tổ Hội Nông dân nghề nghiệp”; Nghị quyết số 05 - NQ/HNDTW “về tăng cường công tác phát triển, quản lý và nâng cao chất lượng hội viên Hội Nông dân Việt Nam”; Nghị quyết số 06 - NQ/HNDTW “về nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ Hội Nông dân Việt Nam đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ trong thời kỳ mới”.

III. HỘI NÔNG DÂN HUYỆN YÊN LẬP

Cùng với cả nước, Nông dân huyện Yên Lập trên chặng đường 90 năm qua đã xây dựng, phát triển và trưởng thành vượt bậc. Hội Nông dân từ huyện tới cơ sở dưới dự lãnh đạo của đảng bộ các cấp  đã cùng nhân dân tích cực lao động sản xuất, hăng say tham gia các phong trào thi đua yêu nước, Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững; Nông dân xây dựng nông thôn mới; Nông dân tham gia đảm bảo quốc phòng - an ninh.  Bình quân hằng năm, có trên 50% nông dân/tổng số hội viên nông dân đăng ký hộ thi đua SXKD giỏi, gần 70% số hộ/tổng số đăng ký đạt danh hiệu SXKDG các cấp. Trong đó, toàn huyện đã có 02 hội viên nông dân được Hội Nông dân Trung ương vinh danh Nông dân Việt Nam xuất sắc (Năm 2016, nông dân Đỗ Ngọc Qúy – Ngọc Đồng, năm 2020 nông dân Lê Văn Nghiệp – Xã Minh Hòa). Bình quân hằng năm, số hộ nông dân đạt gia đình văn hóa trên 90%. Đến nay, các cấp Hội đã tuyên truyền, vận động hội viên, nông dân, nhân dân trong huyện đóng góp được hàng chục tỷ đồng, hiến hàng nghìn mét vuông đất và ngày công lao động, trong đó có 2832 cán bộ, hội viên nông dân tham gia hiến đất.

Hoạt động hỗ trợ, tư vấn giúp nông dân phát triển sản xuất, vận động, hướng dẫn nông dân tham gia phát triển các hình thức kinh tế tập thể được các cấp hội đẩy mạnh thực hiện. Đến nay, tổng nguồn quỹ HTND các cấp trên địa bàn huyện đạt trên 3 tỷ đồng. Trong đó nguồn quỹ Hỗ trợ nông dân huyện đạt 1.506.000.000 đồng hỗ trợ hàng trăm hội viên nông dân vay vốn phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm và tăng thu nhập cho hội viên. Từ đó, thu hút hội viên nông dân và thành lập được các tổ hợp tác trong nông nghiệp, hướng dẫn thành lập hợp tác xã, các hình thức kinh tế tập thể này đang được nhân rộng và hoạt động hiệu quả.

Sự gắn bó chặt chẽ giữa tổ chức Hội với hội viên nông dân góp phần xây dựng tổ chức Hội ngày càng vững mạnh cả về chính trị, tư tưởng, tổ chức, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhiệm vụ chính trị của Hội. Thông qua hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân trong các năm qua, tỷ lệ thu hút hội viên, số lượng hội viên kết nạp mới ngày càng cao. Bình quân hằng năm, đã kết nạp trên 100 hội viên; tổng số hội viên tính đến ngày 31/8/2020 trong toàn huyện là 13.623 hội viên, tỷ lệ tập hợp trên 80%, chất lượng hội viên ngày càng được nâng cao. Tổng số chi hội hiện nay là 186 chi hội (giảm 37 chi hội do sáp nhập khu dân cư). Đội ngũ cán bộ hội nông dân qua các thời kỳ luôn rèn luyện về phẩm chất đạo đức, nâng cao năng lực, trí tuệ, cống hiến và trưởng thành, cán bộ Hội cấp huyện, xã, thị trấn đều chuẩn hóa về mọi mặt, đáp ứng được yêu cầu nhiệm vụ được giao.

Đặc biệt năm 2020, là năm diễn ra đại hội Đảng các cấp và các ngày lễ lớn của đất nước, của Hội Nông dân Việt Nam, cán bộ, hội viên nông dân trong toàn huyện tiếp tục đẩy mạnh thi đua lập thành tích trong lao động, sản xuất và trong công tác. Dưới sự chỉ đạo của BTV HND tỉnh và BTV Huyện ủy Yên Lập, Hội Nông dân huyện đã phối hợp Phòng Văn hóa và Thông tin, Trung tâm Văn hoá, Thể thao và du lịch huyện tổ chức giải thể thao chào mừng đại hội Đảng các cấp nhiệm kỳ 2020 – 2025, kỷ niệm 90 năm thành lập Hội Nông dân Việt Nam thành công tốt đẹp. Tháng 9/2020, tổ chức đưa đoàn vận động viên bóng chuyền nam tham gia Giải bóng chuyền nam nông dân tỉnh Phú Thọ năm 2020 giành giải nhất toàn đoàn; đây là giải bóng chuyền nam cấp tỉnh cao nhất từ trước đến nay của huyện nhà. Đoàn vận động viên bóng chuyền nam nông dân huyện đã được các tập thể, cá nhân trao thưởng động viên tinh thần kịp thời.

Kết quả các phong trào của nông dân huyện đã góp phần thực hiện thắng lợi nghị quyết đại hội đảng bộ các cấp qua các nhiệm kỳ. Tiếp tục góp phần đưa nền kinh tế của huyện phát triển. Từ năm 2015 - 2020, tốc độ tăng trưởng kinh tế bình quân: Đạt 7,44%/năm, Giá trị tăng thêm bình quân đầu người đạt 28,3 triệu đồng/người/ năm. Tỷ lệ hộ nghèo giảm bình quân: 3,4%/năm; sản xuất nông nghiệp phát triển toàn diện, có nhiều đột phá mới trong cơ cấu, ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, sản lượng lương thực bình quân tăng; các mô hình chăn nuôi được quan tâm đầu tư, hỗ trợ để phát triển nhân rộng như: mô hình trồng bưởi Diễn, mô hình sản xuất tinh dầu sả, quế, chăn nuôi gia súc, gia cầm… Năng suất, sản lượng cây trồng, vật nuôi tăng lên qua các năm; đặc biệt là năng suất lúa năm sau luôn cao hơn năm trước (Số liệu trích trong báo cáo chính trị đại hội đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 – 2025). Nông dân trong toàn huyện đã góp phần tập hợp sức mạnh đoàn kết thực hiện chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đến nay toàn huyện đã có 05 xã đạt chuẩn nông thôn mới và 31 khu dân cư đạt khu dân cư nông thôn mới, toàn huyện đã đạt 256/304 tiêu chí (bình quân đạt 16 tiêu chí/xã), các tiêu chí năm sau đều tăng so với năm trước, bộ mặt nông thôn khởi sắc; đời sống tinh thần của nhân dân được cải thiện nâng cao.

Từ khi tách huyện Sông Thao thành huyện Yên Lập, Cẩm Khê, Hội Nông dân huyện Yên Lập đã tổ chức thành công 8 kỳ Đại hội, Đại hội Hội Nông dân huyện lần thứ 8 diễn ra vào tháng 4 năm 2018 đã bầu ra BCH HND huyện nhiệm kỳ 2018 – 2023 gồm 27 đồng chí, BCH HND huyện khóa 8 và các khóa trước luôn đoàn kết, năng động và tích cực lãnh đạo, chỉ đạo hoạt động công tác Hội và phong trào nông dân huyện đạt được nhiều kết quả ý nghĩa, hằng năm được Đảng bộ huyện và Hội Nông dân tỉnh ghi nhận xếp loại hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, đứng tốp đầu trong hệ thống Hội Nông dân của tỉnh. Nhiều năm liền được UBND tỉnh tặng danh hiệu Tập thể lao động xuất sắc. Trong đó, năm 2016, Hội Nông dân huyện vinh dự được Ban Chấp hành Trung ương tặng bằng khen.

Nhìn lại chặng đường đi qua, đã có nhiều thành tựu đáng ghi nhận; song bên cạnh đó còn nhiều khó khăn, thách thức, các hoạt động của Hội có lúc chưa phát huy hết lợi thế, chất lượng, phong trào có lúc hiệu quả chưa tối ưu. Trong thời gian tới, chúng ta tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục khó khăn, hạn chế, đổi mới, đoàn kết, phấn đấú xây dựng phong trào Hội ngày càng vững mạnh.

Nhân dịp kỷ niệm 90 năm Ngày thành lập Hội Nông dân Việt Nam, cán bộ, hội viên, nông dân cùng nhân dân trong toàn huyện ôn lại truyền thống cách mạng vẻ vang của tổ chức Hội và giai cấp nông dân Việt Nam; của Hội Nông dân huyện Yên Lập; cổ vũ, động viên, biểu dương cán bộ, hội viên, nông dân ra sức thi đua, phát huy vai trò, trách nhiệm của giai cấp nông dân và Hội Nông dân Việt Nam các cấp trong phát triển nông nghiệp, nông dân giàu có, nông thôn văn minh, hiện đại góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu đại hội Đảng các cấp đã đề ra./.

Hội Nông dân Yên Lập