Những năm gần đây, Giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh THCS và THPT trên địa bàn huyện Yên Lập đạt được một số kết quả nhất định, góp phần tích cực phát triển nguồn nhân lực phù hợp, đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế - xã hộị của huyện nhà. Tuy nhiên, so với yêu cầu thực tiễn vẫn còn nhiều vấn đề cần phải tiếp tục giải quyết. Vì vậy, thời gian qua, Trung tâm giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên (GDNN-GDTX) huyện Yên Lập đã có nhiều giải pháp nhằm nâng cao chất lượng dạy và học, giúp học sinh có định hướng đúng đắn trong lựa chọn ngành nghề.
Xác định được tầm quan trọng công tác phân luồng, hướng nghiệp, dạy nghề cho học sinh sau THCS và THPT, thời gian qua Trung tâm GDNN-GDTX huyện Yên Lập đã đẩy mạnh tuyên truyền nâng cao nhận thức về giáo dục hướng nghiệp và định hướng phân luồng học sinh phổ thông, đổi mới nội dung và phương pháp, hình thức giáo dục hướng nghiệp trong nhà trường. Đồng thời tăng cường cơ sở vật chất và trang thiết bị dạy học gắn với giáo dục hướng nghiệp trong giáo dục phổ thông. Nếu như trước đây, nhiều phụ huynh và học sinh lo lắng sau khi tốt nghiệp THCS, con em mình mà học ở các trường nghề hay học chương trình GDTX cấp THPT, sẽ khó có thể giúp con em họ vững bước vào đời; Nhiều người cho rằng ở độ tuổi 14, 15 khi vừa tốt nghiệp THCS, các em vẫn còn quá nhỏ để theo hướng học nghề và làm việc. Do vậy, tâm lý hầu hết của phụ huynh đều muốn con em mình học THPT rồi học Đại học, Cao đẳng... Tuy nhiên, sau thời gian đẩy mạnh công tác phân luồng học sinh với nhiều giải pháp được triển khai, đến nay, phụ huynh và học sinh trên địa bàn huyện Yên Lập đã có nhiều chuyển biến tích cực trong việc lựa chọn hướng đi mới cho con em mình sau khi học xong THCS và THPT. Em Trần Quốc Hùng - ở Khu Hon xã Xuân An chia sẻ: "Đối với em, học văn hóa THPT không phải là con đường duy nhất nên học xong lớp 9 em đăng ký tham gia học lớp Trung cấp điện công nghiệp tại Trung tâm. Học ở đây giảm bớt được chi phí cho gia đình và rút ngắn được thời gian để sau này em có một cái nghề để có thể tự mình lo cho gia đình". Có thể nói, mô hình dạy văn hóa kết hợp dạy nghề là một trong những giải pháp quan trọng nhằm phân luồng học sinh sau khi hoàn thành chương trình THCS. Đơn cử như năm học 2018 - 2019 vừa qua, tỷ lệ học sinh sau khi tốt nghiệp THCS của huyện Yên Lập là 1.199 em trong đó có 888 em thi đỗ hoặc đủ điều kiện vào học THPT năm học 2019 - 2020 (đạt 74,1%). Số học sinh còn lại dựa trên kết quả học tập và hoàn cảnh gia đình đã đăng ký theo học các chương trình GDTX cấp THPT; vừa học văn hóa vừa học trung cấp chuyên nghiệp hoặc chỉ theo học trung cấp nghề.

Giờ học thực hành của lớp Trung cấp điện công nghiệp
Cùng với đó, việc khảo sát nhu cầu, năng lực của người lao động và công tác đánh giá thị trường được Trung tâm thực hiện kỹ lưỡng, đảm bảo người lao động sau khi được đào tạo sẽ chắc chắn có việc làm hoặc tự tạo việc làm cho mình với năng suất, hiệu quả cao. Tính từ 2016 khi sáp nhập (Trung tâm GDTX và Trung tâm Dạy nghề thành Trung tâm GDNN - GDTX ), nhà trường tập trung tư vấn, định hướng cho các em lựa chọn ngành, nghề phù hợp; kết quả từ năm 2016 đến nay đã mở được 24 lớp Trung cấp nghề và cao đẳng cho hơn 600 học viên tham ra học nghề; và mở được 42 lớp Sơ cấp nghề dạy cho 1.146 đối tượng lao động nông thôn; tập trung chủ yếu ở các nghề như: chăn nuôi thú y, trồng cây có múi, nuôi và phòng bệnh cho gà, Sửa chữa máy nông nghiệp, May công nghiệp… Các lớp dạy nghề cho lao động nông thôn được tổ chức tại các xã đã tạo điều kiện thuận lợi cho lao động khi tham gia học nghề, sau khi được đào tạo tỷ lệ có việc làm đạt trên 85%. Trong tháng 9 vừa qua, Trung tâm GDNN-GDTX huyện liên kết với Trường Cao đẳng cơ điện Phú Thọ mở một lớp trung cấp điện Công nghiệp dành cho đối tượng là học sinh sau khi tốt nghiệp THCS chỉ tham gia học nghề. Lớp học này, là lớp đầu tiên của Tỉnh Phú Thọ tại huyện Yên Lập, tạo điều kiện thuận lợi cho con em địa phương được học nghề.
Đối với các em đang tham ra học văn hóa chương trình GDTX cấp THPT. Để đảm bảo không gây quá tải cho học sinh khi học song song hai chương trình, Trung tâm đã linh hoạt trong xây dựng nội dung, chương trình, xếp thời khóa biểu hợp lý. Em Phạm Thị Lan Anh học sinh lớp 11 chương trình GDTX cấp THPT, đồng thời em đang tham gia học lớp Trung cấp tin học văn phòng cho biết: "Thời gian học của em và các bạn được Trung tâm sắp xếp khoa học. Chúng em được học văn hóa vào các ngày từ thứ 2 đến thứ 5, học nghề vào thứ 6, thứ 7 hàng tuần, các buổi học nghề luôn được xen kẽ giữa lý thuyết và thực hành giúp em nắm chắc nội dung bài học và có nhiều hứng thú với nghề mình đã chọn. Em thấy việc học theo chương trình này giúp em không phải mất thêm thời gian học nghề sau khi có bằng tốt nghiệp THPT".

Một tiết học văn hóa của lớp 11 tại Trung tâm GDNN-GDTX huyện Yên Lập.
Việc kết hợp học văn hóa gắn với học nghề rất phù hợp với nhiều gia đình, nhất là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, vùng sâu vùng xa của huyện miền núi Yên Lập khi nhiều gia đình không có điều kiện cho con em tiếp tục đi học cao hơn. Phát huy ưu điểm của mô hình này, Trung tâm GDNN-GDTX huyện đang nỗ lực huy động mọi nguồn lực vào đầu tư trang thiết bị dạy học, tích cực định hướng và khuyến khích các em học sinh học nghề. Bên cạnh công tác đào tạo nghề, trong hoạt động giáo dục thường xuyên, Trung tâm đã chú trọng nâng cao chất lượng dạy học chương trình phổ thông, phối hợp với các trường trung cấp, cao đẳng có uy tín trong và ngoài tỉnh để tuyển sinh các lớp học văn hóa kết hợp với học nghề hoặc trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng, đại học.. Trong công tác hướng nghiệp và dạy nghề phổ thông, chủ động, tích cực phối hợp với các trường trung cấp, cao đẳng, đại học trong và ngoài tỉnh để tuyển sinh các lớp liên kết đào tạo các trình độ từ trung cấp lên đại học đáp ứng yêu cầu của người lao động. Đặc biệt, Trung tâm có kết nối với nhiều doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh đảm bảo đầu ra cho các học viên sau đào tạo. Trong năm học 2019-2020 Trung tâm hiện có 10 lớp với tổng số 392 học sinh; 100% học viên khi vào học tại trung tâm đều được đăng ký học nghề theo nguyện vọng và được dạy nghề miễn phí. Các lớp dạy nghề được bố trí hợp lý, cơ bản đầy đủ trang thiết bị, máy móc được các trường liên kết chuyển về trung tâm. Bên cạnh đó, Trung tâm luôn chú trọng công tác tuyên truyền về giáo dục hướng nghiệp và phân luồng học sinh theo hướng tăng cường hoạt động trải nghiệm thực tế cho học sinh, tích hợp các chủ đề giáo dục hướng nghiệp trong chương trình giáo dục phổ thông gắn với hoạt động dã ngoại, tham quan thực tế tại các cơ sở sản xuất, kinh doanh; từ đó tập trung tư vấn hướng nghiệp, định hướng nghề nghiệp cho học sinh, phân tích, làm rõ yêu cầu và sự cần thiết của việc phân luồng. Theo đánh giá cuối năm học đã có 95% học viên hoàn thành chương trình học Trung cấp nghề; đạt loại giỏi và loại khá 70% trở lên, đưa tổng số học viên được đào tạo nghề trong 3 năm gần đây lên trên 300 học viên với các nghề như: Điện công nghiệp, Tin học văn phòng, Sửa chữa máy lạnh và điều hòa không khí, Chăn nuôi thú y... Học viên sau khi học xong đều có việc làm với mức thu nhập bình quân từ 3-7 triệu đồng/người/tháng. Bên cạnh đó, Trung tâm tiếp tục tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về giáo dục nghề nghiệp và làm tốt việc hướng nghiệp.
Với những kết quả đã đạt được, đồng thời với việc đề ra những phương hướng, nhiệm vụ cụ thể, thiết thực và sự nỗ lực phấn đấu không ngừng của tập thể lãnh đạo, cán bộ, giáo viên của Trung tâm GDNN – GDTX huyện, tin tưởng rằng trong thời gian tới chất lượng đào tạo của Trung tâm sẽ ngày càng được nâng lên; thông qua các lớp đào tạo ơ cấp nghề, trung cấp nghề… góp phần từng bước đáp ứng nguồn nhân lực trong việc chuyển dịch cơ cấu kinh tế và cơ cấu lao động, hướng đến nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, góp phần vào sự phát triển kinh tế - xã hội của huyện../.
Tác giả: Nguyễn Mai Hoàng – (Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Yên Lập)