Với quyết tâm không để giống lúa quý của địa phương bị mất đi, Ông Nguyễn Văn Chính ở Khu 3 xã Mỹ Lung huyện Yên Lập là một trong những người có công lưu giữ, khôi phục giống lúa nếp gày gáy truyền thống của địa phương. Ông được người dân nơi đây gọi là “ Người lưu giữ sản vật xứ Mường”.

Ông Nguyễn Văn Chính đi thăm cánh đồng lúa nếp gà gáy của gia đình
Sinh ra và lớn lên trong một gia đình thuần nông ở Khu 3 xã Mỹ Lung, huyện Yên Lập. Không biết hương lúa đồng quê đã thấm vào từ lúc nào mà ông Nguyễn Văn Chính "nặng lòng" với cây lúa nếp gà gáy đến vậy.
Căn nhà gỗ 5 gian của Ông nằm giữa cánh đồng lúa xanh tốt lúc nào cũng thoang thoảng mùi thơm đặc trưng của lúa nếp gà gáy, giống lúa mà ông đã dành tất cả tâm huyết để bảo tồn và gìn giữ. Nhâm nhi bến chén trà Ông kể cho chúng tôi nghe về truyền thuyết của lúa nếp gà gáy: Chuyện kể rằng, xưa kia có cô gái đến tuổi lấy chồng. Trước khi về nhà chồng, người mẹ đưa cho cô chiếc túi bên trong có những hạt thóc vàng mẩy. Về nhà chồng, cô cẩn thận cất chiếc túi vào góc nhà. Mẹ chồng dặn cô con dâu sáng hôm sau nhớ dậy sớm thổi xôi để làm lễ xuống đồng. Thế nhưng đôi vợ chồng trẻ ngủ say nên quên lời mẹ dặn. Khi nghe tiếng gà gáy sáng, cô con dâu mới giật mình tỉnh giấc, cuống quýt tìm thóc đem giã, vo gạo, đồ xôi. Lạ lùng thay, tuy thời gian rất ngắn nhưng nồi xôi vẫn chín dẻo, thơm ngon. Thì ra trong lúc vội vàng, nàng đã lấy nhầm túi thóc mà mẹ mình đưa cho trước khi về nhà chồng. Thế rồi từ những hạt thóc vương vãi sót lại, nàng đem gieo, nhân giống và gọi là nếp gà gáy. Từ đó đến nay, người dân nơi đây trồng cấy loại nếp truyền thống này như để nhớ ơn nàng dâu hiền thảo của xứ Mường
Là một người con của Xứ Mường, Sau khi hoàn thành nghĩa vụ quân sự trở về địa phương, với bản tính hay lam hay làm, lại được rèn luyện trong quân đội, ông Chính được cử giữ chức đội trưởng sản xuất. Nghĩ là làm, ông bắt đầu bỏ công khai hoang, mở rộng thêm diện tích gieo cấy lúa. Trong quá trình gìn giữ giống lúa này ông đã gặp không ít những khó khăn, vì thời điểm lúc bấy giờ cuộc sống còn nghèo đói cây lúa nếp gà gáy chỉ trồng được duy nhất một vụ, thời gian sinh trưởng dài ngày năng suất chỉ đạt từ 40-50 kg/ xào trong khi đó nhiều loại giống mới ngắn ngày cho năng suất cao. Vì vây mà mà bà con nông dân ở Mỹ Lung không còn mặn mà với cây lúa nếp gà gáy nữa, nhiều người cho rằng Ông Chính là gàn dở, bảo thủ. Nhớ lại cách đây 10 năm bà Trần Thị Hoan khu 3 xã Mỹ Lung cho chúng tôi biết."Lúc bầy giờ ở trong cái khu này chỉ còn mỗi nhà ông Chính là trồng nếp gà gáy, bà con chúng tôi đã chuyển sang trồng lúa tẻ và lúa nương. Nhiều người phản đối nhưng ông Chính vẫn cứ làm, không ngờ bây giờ giống lúa này lại cho năng suất cao và giá trị đến vậy, bà con chúng tôi thầm cảm ơn ông đã có công trong việc giữ gìn giống lúa quý"
Với quyết tâm không để cây lúa nếp gà gáy, một giống lúa truyền thống của cha ông bị mất đi, Ông kiên trì, bền bỉ học hỏi thêm kinh nghiệm sản xuất, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật để trồng cây nếp gà gáy. Ông Chính chia sẻ: "Giữa cái khó khăn, cũng có lần thất bại về cấy nếp gà gáy nhưng tôi không nản lòng sau đó thì vận động bà con, lúc đầu rất nhiều gia đình người ta quay lưng lại và không cấy. Sau đó tôi cũng kiên trì vận động đặc biệt mình cũng gương mẫu duy trì diện tích đều đặn hàng năm và mạnh dạn bảo bà con nếu khó khăn về đầu ra tôi sẽ bao tiêu sản phẩm cho bà con". Những vụ tiếp theo, thấy năng suất được nâng lên, ông Chính mở rộng diện tích trồng nếp từ 7sào/vụ/năm tăng lên 1,4ha/2 vụ/năm. Để giấc mơ phục tráng của mình thành công, ông lại dành thời gian trao đổi, phổ biến kinh nghiệm và vận động người thân trồng nếp gà gáy. Ông Nguyễn Văn Cần, ở Khu 3A xã Mỹ Lung năm nay đã ngoài 90 tuổi nói: "Có anh Chính đây là thế hệ sau vận động bà con anh em, xóm làng, trước thì cấy ít thôi nhưng bây giờ vận động bà con cấy rất nhiều. Tôi thấy rất phần khởi và vui vẻ vì kinh tế của bà con hàng xóm ngày càng tiến lên"
Thấy ông Chính tâm huyết với việc khôi phục giống nếp quý, nhất là khi tận mắt thấy ruộng lúa nhà ông trĩu hạt, nhiều người đã cấy trở lại và được ông Chính cung cấp giống. Những năm tiếp theo, nếp gà gáy cho năng suất cao, nhờ đó mà cuộc sống người dân dần ổn định, từng bước thoát cảnh đói nghèo. Anh Ngọc Kim Chi - Trưởng Khu 3 xã Mỹ Lung cho biết: "Ông Nguyễn Văn Chính tham gia công tác xã hội rất nhiệt tình, ông cũng là một đảng viên trong chi bộ, trước có một số bà con quay lưng với cây lúa này, nhưng được ông tuyên truyền vận động đến nay được bà con đồng lòng và làm theo đến nay khu 3A có số diện tích nếp gà gáy đạt 100%"
Trong những năm gần đây, UBND huyện Yên Lập đã tạo điều kiện thuận lợi để xã Mỹ Lung thành lập được Hợp tác xã (HTX) sản xuất nếp gà gáy đồng thời đẩy mạnh quảng bá thương hiệu, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm. Trung bình một năm HTX đã thu mua và tiêu thụ ra thị trường khoảng 70-80 tấn gạo. Với giá bán hiện nay từ 45.000- 50.000đ/ 1kg cao gấp 2,3 lần so với các loại gạo nếp khác. Năm 2007, nếp Gà gáy đã đạt giải thưởng COVA. Từ đó cho đến nay toàn xã Mỹ Lung đã mở rộng diện tích lên tới 90ha. Năng suất trung bình đạt từ 120 - 140 kg/sào; thu nhập đạt 80 triệu đến 90 triệu/ha. Nếp gà gáy Mỹ Lung đã được giới thiệu và vươn tới thị trường khắp mọi miền đất nước. Chính vì thế mà người nông dân ở Mỹ Lung luôn nhớ đến Ông Chính người có công trong việc lưu giữ bảo tồn giống lúa quý này. Ông Khúc Văn Xuyên - Bí thư Đảng ủy xã Mỹ Lung cho biết "Đối với lĩnh vực bảo tồn giữ gìn giống lúa đặc sản, lúa nếp gà gáy, đồng chí Chính là một trong những người xung phong đi đầu nhân giống, gieo cấy và giữ gìn chất lượng lúa nếp gà gáy như ngày hôm nay". Hơn nửa đời người gắn bó, nặng lòng với cây lúa Ông Chính đã lưu giữ và bảo tồn được giống lúa nếp gà gáy một sản vật của Xứ Mường. Đó cũng chính là tâm huyết của cả đời ông khi gìn giữ được hạt vàng của quê hương; để đưa nếp gà gáy Mỹ Lung trở thành sản phẩm hàng hóa đặc sản nổi tiếng như hiện nay, giúp người dân vươn lên làm giàu chính đáng trên mảnh đất quê hương mình./.