Những thanh niên làm kinh tế giỏi ở Mỹ Lung
  • Cập nhật: 26/03/2021
  • Lượt xem: 10686 lượt xem

Với tinh thần xung kích, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, những năm qua, nhiều đoàn viên, thanh niên xã Mỹ Lung, huyện Yên Lập đã không ngừng vươn lên, từng bước khẳng định những nỗ lực của bản thân trong việc làm giàu trên mảnh đất quê hương từ mô hình chăn nuôi, trồng trọt.

Các đoàn viên, thanh niên tham quan mô hình trồng cây ăn quả của gia đình anh Sa Đình Trang khu 7, xã Mỹ Lung

Là người dân tộc Mường sinh ra và lớn lên ở xã Mỹ Lung, đoàn viên thanh niên Sa Đình Trang đã chọn mảnh đất quê hương để khởi nghiệp. Những năm đầu mới bắt tay vào trồng cây ăn quả, kinh nghiệm còn ít, nên ước mơ hình thành một trang trại trồng trọt gặp rất nhiều khó khăn, tưởng chừng như phải bỏ dở. Nhưng với nhiệt huyết của tuổi trẻ, không khuất phục trước mọi khó khăn. Đầu năm 2018, sau khi được Ban Chấp hành Đoàn xã tạo điều kiện cho đi tập huấn về kỹ thuật trồng cây ăn quả, anh mạnh dạn vay vốn tín chấp từ ngân hàng chính sách xã hội huyện đồng thời tìm tòi, học hỏi kinh nghiệm trên sách báo, đi thực tế những mô hình, đầu tư vào trồng cây ăn quả.

Anh Sa Đình Trang - Khu7,  xã Mỹ Lung, chia sẻ: Hiện tại mình trồng 5 đến 6 loại cây ăn quả nhưng loại chủ đạo là ổi và mít, cây mít mình thấy qua quá trình trồng thấy phát triển rất tốt, năng suất và chất lượng rất ngon. Hiện tại mình trồng 400 gốc mít, hơn 400 gốc ổi và đều cho thu hoạch ổn định. Mình mong muốn mở rộng thêm mô hình cây ăn quả này mong được Huyện đoàn quan tâm, giúp đỡ tạo điều kiện"

Anh Sa Đình Trang bên mô hình trồng cây ăn quả của gia đình mình 

Nhờ vào sự cần cù, chịu khó, nắm vững kỹ thuật trồng trọt, hiện nay anh đã mở rộng được 2ha cây ăn quả các loại như: ổi, mít, nhãn, hồng... Những sản phẩm của anh làm ra đều được các thương lái thu mua tại vườn. Sau khi trừ chi phí, mỗi năm anh thu về gần 200 triệu đồng. Không chỉ làm giàu cho bản thân, anh Trang còn giúp nhiều thanh niên dân tộc thiểu số ở địa phương thay đổi nếp nghĩ, cách làm, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất, vươn lên thoát nghèo.

Cũng như Anh Trang, chị Đinh Thị Thùy ở Khu 9, xã Mỹ Lung. Với quyết tâm không cam chịu đói nghèo cùng với tính cần cù, chịu khó, chị Thùy luôn suy nghĩ làm thế nào để phát triển kinh tế gia đình. Nhận thấy tiềm năng phát triển kinh tế từ việc nuôi trâu, dê vỗ béo đem lại hiệu quả kinh tế lớn. Chị đã bàn bạc cùng chồng quyết định chuyển hướng sang nuôi trâu và dê. Khởi nghiệp từ năm 2015, mới đầu chỉ có 1 con trâu. Ban đầu, do chưa có kinh nghiệm nên chăn nuôi bị thua lỗ vì dịch bệnh. Không chịu lùi bước, chị tiếp tục tìm tòi học hỏi kinh nghiệm học tập nhiều mô hình trong và ngoài huyện để áp dụng vào thực tế của gia đình. Hiện nay, gia đình chị đầu tư nuôi 6-10 con trâu, gần 20 con dê. Từ cách làm đan xen lấy ngắn nuôi dài đã mang lại nguồn thu trừ chi phí được hơn 100 triệu đồng.

Chị Đinh Thị Thùy - khu 9 xã Mỹ Lung cho biết: Những năm gần đây, hai vợ chồng tôi phát triển kinh tế nuôi trâu, nuôi dê cho lợi nhuận cao và phát triển kinh tế của gia đình cũng ổn định”.

Chị Đinh Thị Thùy khu 9, xã Mỹ Lung với mô hình chăn nuôi Trâu và Dê 

Không chỉ chăm lo phát triển kinh tế, những thanh niên ở xã Mỹ Lung như anh Trang, chị Thùy và nhiều đoàn viên thanh niên khác luôn gương mẫu đi đầu trong các hoạt động của Đoàn, các hoạt động của địa phương, tham gia tích cực phong trào thanh niên chung tay xây dựng nông thôn mới, đóng góp nhiều công sức lao động cho phong trào phát triển kinh tế ở địa phương.

Nói về phong trào phát triển kinh tế của các đoàn viên thanh niên tại địa phương, chị Sa Huyền Trang, Bí thư Đoàn xã Mỹ Lung cho biết: "Trong những năm qua, trên địa bàn xã Mỹ Lung xuất hiện nhiều mô hình kinh tế của Đoàn viên thanh niên có hiệu quả như mô hình của anh Trang, chị Thùy. Đó là những mô hình cho thu nhập cao, có sự hỗ trợ từ Tổ chức Đoàn. Trong thời gian tới, Đoàn xã sẽ phối hợp với các tổ chức để mở lớp tập huấn chuyển giao khoa học kỹ thuật, tạo điều kiện nguồn vốn vay cho đoàn viên thanh niên để có nhiều đoàn viên quyết tâm phát triển kinh tế vươn lên làm giàu trên chính quê hương mình”

Có thể nói, với sự kiên trì, quyết tâm, không ngại gian khổ, những thanh niên người dân tộc thiểu số ở xã Mỹ Lung, huyện Yên Lập đã bước đầu gặt hái được những kết quả tốt đẹp trong quá trình phát triển kinh tế, sản xuất nông nghiệp. Qua đó, khẳng định được tinh thần dám nghĩ, dám làm, ý chí vươn lên của thế hệ trẻ hôm nay.

Hồng Vân- Xuân Đôn (Đài TT Yên Lập)