Phú Thọ: “4 tại chỗ” để ứng phó với dịch bệnh Covid-19
  • Cập nhật: 25/03/2020
  • Lượt xem: 3185 lượt xem

Bước qua con số 100 ca nhiễm bệnh, “cuộc chiến” chống dịch bệnh Covid-19 của Việt Nam đã bước vào giai đoạn mới. Để chủ động trước những tình huống dịch bệnh có thể xảy ra, tỉnh Phú Thọ đã chuẩn bị sẵn sàng các biện pháp ứng phó theo phương châm “4 tại chỗ”, vào cuộc một cách khẩn trương, quyết liệt, đồng bộ... Thực hiện nghiêm việc khoanh vùng, cách ly


Cán bộ y tế Bệnh viện Đa khoa tỉnh tiến hành xét nghiệm các mẫu bệnh nghi ngờ Covid-19

Đến hết ngày 24/3, COVID-19 đã “có mặt” tại 197 quốc gia và vùng lãnh thổ, với hơn 400.000 người nhiễm bệnh, hơn 18.000 ca tử vong và chưa có dấu hiệu dừng lại. Ở nước ta, trong những ngày qua đã phát hiện thêm nhiều người nhiễm bệnh mới, nâng tổng số ca bệnh lên hơn 100 người, trong đó chữa khỏi 17 ca và chưa có ca tử vong. Tại tỉnh Phú Thọ, thời gian qua, công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 đã được triển khai khẩn trương, quyết liệt và hiệu quả. Tuy nhiên theo nhận định của Tiến sỹ Lê Quang Thọ - Phó Giám đốc Sở Y tế, mặc dù tình hình dịch bệnh COVID-19 trên địa bàn tỉnh vẫn nằm trong tầm kiểm soát, song luôn có nguy cơ cao xâm nhập, bùng phát nếu thiếu sự quyết liệt, sát sao trong triển khai các biện pháp phòng chống. Để chủ động ứng phó với tình hình dịch bệnh, Sở Y tế đã tham mưu lãnh đạo UBND tỉnh chỉ đạo hệ thống y tế từ tỉnh đến cơ sở, các ban, ngành, địa phương phải luôn cảnh giác. Bên cạnh đó, các ngành chức năng phải tăng cường phối hợp trong việc nắm bắt thông tin xử lý tình hình, áp dụng các biện pháp cách ly theo đúng quy định một cách nghiêm khắc, triệt để, nhất là kiểm soát chặt chẽ các đối tượng đi - đến từ vùng dịch trở về Việt Nam nhằm phát hiện sớm, tư vấn và áp dụng các biện pháp phòng bệnh theo quy định. Các đơn vị phải chuẩn bị sẵn sàng các đội đáp ứng nhanh với cơ số thuốc, trang thiết bị, bảo hộ lao động cá nhân... để ứng phó với dịch bệnh có thể bùng phát.

Thanh Thủy là huyện có nhiều điểm du lịch, lượng khách lưu trú và người lao động từ nước ngoài về địa phương khá lớn, ông Dương Quốc Lâm - Chủ tịch UBND huyện cho biết, với tinh thần “chống dịch như chống giặc”, thời gian qua, huyện đã có nhiều biện pháp nhằm tích cực phòng, chống dịch bệnh COVID-19 như kiểm tra, đôn đốc, chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh ở cơ sở; chỉ đạo ngành Y tế từ huyện đến các xã, thị trấn phối hợp với các ngành liên quan thực hiện tốt việc theo dõi, giám sát quản lý những đối tượng xuất khẩu lao động sang Trung Quốc về địa bàn hoặc những người ở nước ngoài về có đi qua vùng dịch trong thời gian chưa hết 14 ngày theo quy định. Đồng thời, tuyên truyền, hướng dẫn các đối tượng, gia đình thực hiện các biện pháp phòng tránh.



Công dân cách ly tại Trung tâm cách ly - Bệnh viện Đa khoa tỉnh được theo dõi sức khoẻ thường xuyên

Để đón nhận công dân Việt Nam từ những vùng có dịch về địa bàn, tỉnh đã chuẩn bị 2 khu cách ly tập trung tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh và Trường Quân sự tỉnh với sức chứa lên đến hàng trăm người. Những trường hợp cách ly được theo dõi sức khỏe trong thời gian 14 ngày kể từ ngày nhập cảnh vào Việt Nam hoặc có tiếp xúc gần với các trường hợp có nguy cơ lây nhiễm. Bên cạnh đó, các công dân sẽ được hỗ trợ về chế độ ăn uống với mức 57.000 đồng/ngày/người.

Là người từng tiếp xúc gần với một trường hợp liên quan tới người nghi nhiễm COVID-19, gia đình chị Nguyễn T.T, khu 6, thị trấn Thanh Thủy, huyện Thanh Thủy đã chủ động khai báo với cơ quan chức năng và được hướng dẫn thực hiện cách ly y tế tại gia đình. Dù rất mừng khi biết tin người tiếp xúc với chị có kết quả xét nghiệm âm tính với COVID-19 song chị và các thành viên gia đình vẫn duy trì cách ly tại nhà theo sự hướng dẫn cơ quan y tế hết 14 ngày. Chị T. cho biết: Tôi được cán bộ y tế ở địa phương theo dõi sức khỏe hằng ngày để kịp thời xử lý nếu có biểu hiện bệnh. Bản thân tôi và gia đình cũng ý thức được việc chấp hành nghiêm cách ly là bảo vệ sức khỏe cho gia đình và cộng đồng.

Mới đây, ngày 17/3, Bộ Y tế đã chính thức ra quyết định cho phép Bệnh viện Đa khoa tỉnh Phú Thọ thực hiện xét nghiệm Covid-19. Ông Hoàng Xuân Đoài - Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh khẳng định: Việc được thực hiện xét nghiệm ngay tại bệnh viện có ý nghĩa rất quan trọng, có lợi cho việc điều trị bệnh nhân nghi nhiễm cũng như bệnh nhân nhiễm viêm đường hô hấp cấp do virus SARS-CoV2 gây ra. Đồng thời, có thể giúp ngừng cách ly đối với những bệnh nhân nghi nhiễm có kết quả âm tính, giảm tải số lượng ca cách ly, từ đó giảm gánh nặng cả về nhân lực và vật lực cho bệnh viện, cho tỉnh.



Cán bộ y tế xã Xuân Huy, huyện Lâm Thao hướng dẫn gia đình tự cách ly các biện pháp phòng, chống dịch bệnh COVID-19.

“Mỗi người dân là một chiến sĩ”

Trong công văn số 2125-CV/TU của Bí thư Tỉnh ủy Bùi Minh Châu gửi Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch bệnh COVID-19 tỉnh có nêu rõ: Người đứng đầu các cơ quan, tổ chức, doanh nghiệp chủ động, tập trung chỉ đạo công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 và coi đây là nhiệm vụ trọng tâm; xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân không thực hiện nghiêm túc chức trách, nhiệm vụ trong phòng, chống dịch bệnh. 

Cấp ủy, chính quyền cơ sở, nhất là phường, xã, thị trấn, khu, tổ dân phố... tập trung rà soát phát hiện nhanh nhất các trường hợp nghi nhiễm bệnh (đối với những trường hợp đến từ vùng dịch hoặc đi qua vùng dịch) để có biện pháp phù hợp; vận động người dân hạn chế tham gia các hoạt động tập trung đông người, không hoang mang, lo lắng, kích động trước tình hình dịch bệnh; không chạy theo tâm lý đám đông tích trữ hàng hóa, lương thực thực phẩm khi chưa thật sự cần thiết. Trên lĩnh vực không gian mạng, không tham gia chia sẻ, bình luận những thông tin không chính xác, chưa được kiểm chứng trên Internet, mạng xã hội và không bày tỏ thái độ kỳ thị đối với các trường hợp nghi lây nhiễm hoặc đã bị mắc COVID-19 (nếu có); đồng thời, tích cực tham gia tải, chia sẻ, sử dụng ứng dụng Chương trình sức khỏe Việt Nam trên điện thoại di động để có thể theo dõi thường xuyên, đầy đủ thông tin kịp thời, chính xác về tình hình dịch bệnh và các khuyến cáo mới nhất của cơ quan y tế. 



Báo Phú Thọ phát động tham gia ủng hộ phòng chống Covid-19

Thời gian qua, các cơ quan báo chí trên địa bàn tỉnh như: Báo Phú Thọ, Đài Phát thanh và Truyền hình tỉnh và hệ thống đài truyền thanh cơ sở... đã mở nhiều chuyên trang, chuyên mục, sử dụng hiệu quả các trang fanpage để định hướng thông tin và tuyên truyền về kiến thức phòng, chống dịch COVID-19; tăng thời lượng phát sóng, phát thanh đến người nghe, người xem và bạn đọc đảm bảo thông tin đến được với tất cả người dân trên địa bàn tỉnh. Bên cạnh đó là sự đồng hành của nhiều tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp chung tay để cùng cộng đồng trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh, nhất là thực hiện ủng hộ phòng, chống dịch ngay sau khi Đoàn Chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam ra lời kêu gọi toàn dân chống dịch.

Tuy nhiên, nhìn thẳng vào thực tế, vẫn còn một bộ phận người dân không chấp hành đúng quy định pháp luật, hướng dẫn của Bộ Y tế và các cơ quan chức năng. Một số người có hành động chủ quan, vô ý thức, nguy cơ làm lây lan dịch bệnh, gây bức xúc trong xã hội. Dù dịch bệnh ở giai đoạn nào, việc đề cao cảnh giác, phát huy tinh thần tự giác, tuân thủ các quy định phòng, chống dịch cần thường trực sẵn sàng trong ý thức mỗi người dân. Xét dưới góc độ đạo đức, đây là hành vi coi thường tính mạng của người thân và cộng đồng. Về mặt pháp luật, những hành động này có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội làm lây lan dịch bệnh truyền nhiễm nguy hiểm cho người theo Điều 240 Bộ luật Hình sự 2015, tùy theo mức độ có hình thức xử lý phù hợp, phạt tiền từ 20 triệu đến 200 triệu đồng, hoặc bị phạt tù đến 12 năm, ngoài hình phạt tù còn có thể bị phạt tiền đến 100 triệu đồng... Ngày 22/3, Thủ tướng Chính phủ đã kêu gọi mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch; tuân thủ hướng dẫn của cơ quan y tế như người trên 60 tuổi thì nên ở nhà; người dân cần đeo khẩu trang khi ra ngoài và thường xuyên rửa tay…

Ông Lê Quang Thọ - Phó Giám đốc Sở Y tế cho biết, biện pháp quan trọng để ngăn chặn dịch bệnh xâm nhập, lây lan đó là việc phát huy vai trò của người dân, cộng đồng trong công tác phòng, chống dịch bệnh; nhất là bảo đảm việc khai báo phải trung thực, đầy đủ. Bước sang giai đoạn mới với những khó khăn và đầy thử thách, chúng ta cần vào cuộc quyết liệt hơn để quyết tâm không để dịch bệnh xâm lấn trên địa bàn. Cần phát huy vai trò của chính quyền các cấp trong công tác vận động toàn dân cùng tham gia công tác phòng, chống dịch để mỗi người dân là một chiến sĩ trên mặt trận phòng, chống dịch. Mọi người, mọi nhà đều khai báo y tế trung thực, kịp thời thì chúng ta sẽ kiểm soát tốt được dịch bệnh.

 

Nguồn: (Báo PT)