Thông tin tuyên truyền phòng, chống COVID-19 ngày 27/8/2021
  • Cập nhật: 27/08/2021
  • Lượt xem: 4474 lượt xem

Sáng 27/8/2021, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam lũy tích có 392.938 ca mắc COVID-19. Phú Thọ là 1 trong 5 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua. UBND tỉnh hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 đợt 2, năm 2021.

Diễn biến tình hình dịch bệnh trong nước

Trong số các ca bệnh COVID-19, có 188.488 ca đã được điều trị khỏi; 9.667 ca tử vong. Các tỉnh có số ca mắc cao nhất cả nước là: Thành phố Hồ Chí Minh 194.108 ca; Bình Dương 86.050 ca; Đồng Nai 20.471 ca...

Trước đó, tính từ 18h ngày 25/8 đến 18h ngày 26/8, cả nước ghi nhận 11.575 ca mắc mới; trong đó, có 6 ca nhập cảnh và 11.569 ca ghi nhận trong nước. Các địa phương có nhiều ca mắc mới là: Bình Dương 4.868 ca, Thành phố Hồ Chí Minh 3.934 ca, Đồng Nai 743 ca, Long An 449 ca, Tiền Giang 354 ca…

Tại Hà Nội: Ổ dịch tại phường Thanh Xuân Trung, quận Thanh Xuân đang có diễn biến phức tạp; đã có trên 110 ca mắc COVID-19 tại đây. Theo Trung tâm kiểm soát bệnh tật Hà Nội, chùm ca bệnh COVID-19 đã lây nhiễm đến vòng thứ hai hoặc thứ ba; rất khó truy vết. Bên cạnh đó, tiếp tục ghi nhận các trường hợp thường xuyên ở nhà mắc COVID-19, chưa thể xác định chính xác nguồn lây. Tuy nhiên, rất có thể nguồn lây là những tiểu thương thường xuyên bán hàng tại chợ đêm Ngã Tư Sở, nơi vẫn ghi nhận có hoạt động buôn bán hàng mặc dù đã có chỉ đạo giãn cách xã hội trên toàn địa bàn thành phố Hà Nội.

Cả nước có 7 tỉnh, thành phố đã qua 14 ngày không ghi nhận trường hợp nhiễm mới trong nước: Quảng Ninh, Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lai Châu, Hoà Bình, Yên Bái, Hà Giang.

Có 5 tỉnh, thành phố không có ca lây nhiễm thứ phát trên địa bàn trong 14 ngày qua: Kon Tum, Thái Bình, Hải Phòng, Điện Biên, Phú Thọ.

Tình hình dịch bệnh trên địa bàn tỉnh

Trong 24 giờ qua, tỉnh Phú Thọ không ghi nhận ca mắc COVID-19 mới. Bệnh nhân COVID-19 BN210393 tại thị xã Phú Thọ đã đủ điều kiện xuất viện và được bàn giao về địa phương tiếp tục áp dụng các biện pháp phòng chống dịch theo quy định. Hiện tại, Bệnh viện dã chiến tỉnh Phú Thọ đang theo dõi và điều trị 14 ca bệnh COVID-19. Tình trạng sức khỏe của các bệnh nhân ổn định; các diễn biến lâm sàng đang được theo dõi sát để áp dụng các xử trí tích cực, phù hợp.

Cả tỉnh hiện có 253 F1, có 3.948 F2 và người trở về từ vùng dịch, có 294 F3 đang được theo dõi, thực hiện các biện pháp phòng chống dịch COVID-19.

Trong 24 giờ qua, có tổng số 357 người trở về từ vùng dịch, vùng đang áp dụng Chỉ thị 16/CT-TTg đã thực hiện khai báo và áp dụng các biện pháp phòng chống dịch phù hợp. Lực lượng chức năng phát hiện, xử phạt 24 trường hợp (không đeo khẩu trang nơi công cộng, tập trung đông người sinh hoạt tôn giáo, tín ngưỡng) với số tiền 150,75 triệu đồng.

Các chốt kiểm soát dịch COVID-19 tiếp tục kiểm soát chặt chẽ người và phương tiện vào tỉnh. Trong ngày 26/8, có tổng số 11.240 lượt phương tiện và 14.685 lượt người lưu thông qua chốt kiểm soát. Kiểm soát phát hiện 1.843 trường hợp từ địa phương có dịch hoặc có triệu chứng lâm sàng (ho, sốt,…) qua chốt kiểm soát dịch. Thực hiện 2.689/2.689 test nhanh kháng nguyên cho kết quả âm tính với SARS-CoV-2.

Trong ngày 26/8, toàn tỉnh đã thực hiện tiêm 5.423 mũi vắc xin phòng COVID-19; không phát hiện trường hợp phản ứng nặng sau tiêm.

Tình hình dịch bệnh trên địa bàn huyện

Tính đến 15h00 ngày 27/8/2021, huyện Yên Lập chưa phát hiện ca nhiễm COVID-19 trong cộng đồng. 

Tính từ ngày 15/7/2021 đến nay, tổng số trường hợp thuộc diện cách ly y tế là: 2.216 trường hợp; trong đó: Số trường hợp đã hoàn thành cách ly: 1.866 trường hợp. Số trường hợp đang cách ly tại nhà, nơi cư trú: 350 trường hợp (giảm 05 trường hợp so với ngày 26/8/2021), trong đó 337 trường hợp trở về từ Hà Nội, 13 trường hợp tiếp xúc gần và trở về từ các vùng có dịch khác).  

Từ 15h00 ngày 26/8/2021 đến 15h00 ngày 27/8/2021 có 16 trường hợp trở về từ Hà Nội. 

Kết luận của Thủ tướng Chính phủ tại phiên họp của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương

Ngày 23/8/2021, Văn phòng Chính phủ có Thông báo số 221/TB-VPCP kết luận của Thủ tướng Chính phủ - Chủ tịch Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương tại phiên họp của Hội đồng Thi đua - Khen thưởng Trung ương. Thủ tướng Chính phủ yêu cầu:

Trước diễn biến phức tạp, khó kiểm soát của đại dịch COVID-19, các cấp, ngành, địa phương cần tập trung thực hiện "mục tiêu kép", trong đó ưu tiên phòng, chống dịch.

Các bộ, ngành, địa phương cần thấm nhuần lời dạy của Chủ tịch Hồ Chí Minh “Càng khó khăn thì càng phải thi đua”, tập trung đẩy mạnh phong trào thi đua, huy động sự chung tay vào cuộc của cả hệ thống chính trị, vận động các tầng lớp Nhân dân tích cực tham gia phòng chống dịch bệnh, đoàn kết, chia sẻ, hỗ trợ lẫn nhau vượt qua khó khăn, góp phần sớm kiểm soát và đẩy lùi dịch bệnh, phát triển kinh tế - xã hội…

Hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 đợt 2, năm 2021

Ngày 26/8/2021, UBND tỉnh ban hành Quyết định số 2151/QĐ-UBND về việc hỗ trợ các đối tượng gặp khó khăn do đại dịch COVID-19 đợt 2, năm 2021 với tổng số tiền 205.770.000 đồng.

Đối tượng hỗ trợ gồm: Đối tượng điều trị do nhiễm COVID-19 (F0); người cách ly y tế tập trung để phòng, chống COVID-19 tại Cơ sở cách ly y tế tập trung (F1); trẻ em điều trị do nhiễm COVID-19 (F0) và cách ly y tế để phòng, chống dịch COVID-19 (F1);  người lao động không có giao kết hợp động lao động mất việc làm (lao động tự do); hộ kinh doanh và hướng dẫn viên du lịch gặp khó khăn do đại dịch COVID-19.

Triển khai thực hiện Hướng dẫn phòng, chống dịch COVID-19 tại cơ quan, đơn vị

Ngày 26/8/2021, UBND tỉnh ban hành văn bản số 3801/UBND-KGVX, trong đó giao các sở, ban, ngành, UBND các huyện, thành, thị tổ chức triển khai, thực hiện công tác phòng, chống dịch COVID-19 tại cơ quan, đơn vị theo Hướng dẫn tại văn bản số 6666/BYT-MT ngày 16/8/2021 của Bộ Y tế, bảo đảm phù hợp với điều kiện và tình hình thực tế.

Theo Hướng dẫn, Bộ Y tế yêu cầu người đứng đầu cấp ủy, chính quyền trực tiếp chỉ đạo và chịu trách nhiệm về công tác phòng, chống dịch tại đơn vị, chủ động phương án hậu cần, cách ly, xét nghiệm, điều trị để ứng phó kịp thời, khẩn trương, hiệu quả theo nguyên tắc 4 tại chỗ.

Về các biện pháp phòng, chống dịch tại đơn vị

* Đối với các cơ quan đơn vị: Thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch COVID-19 do Thủ trưởng đơn vị làm Trưởng ban; thành lập các Tổ an toàn COVID-19  của đơn vị; xây dựng kế hoạch và các phương án phòng, chống dịch COVID-19; tổ chức quản lý, theo dõi sức khỏe người lao động; tạo mã QR điểm kiểm dịch để thực hiện quản lý người ra vào đơn vị và khai báo y tế theo quy định; bố trí khu vực khai báo y tế có kẻ vạch giãn cách, sát khuẩn tay, đo thân nhiệt; bố trí phòng/khu vực cách ly tạm thời; bố trí và chỉ định khu vực giao nhận tài liệu, văn phòng phẩm, hàng hóa; xây dựng kế hoạch xét nghiệm sàng lọc và tiêm vắc xin phòng COVID-19 cho người lao động

* Đối với người lao động

- Đối với người lao động tại nơi làm việc: Thực hiện nghiêm túc thông điệp 5K, tự theo dõi sức khỏe, chuẩn bị các trang bị cá nhân cần thiết cho cá nhân, không được đi làm nếu trong thời gian cách ly y tế; tăng cường sử dụng các phương tiện thông tin liên lạc từ xa để giảm tiếp xúc trực tiếp, thường xuyên vệ sinh nơi làm việc; tự giác khai báo ngay cho Tổ an toàn COVID hoặc cán bộ y tế tại nơi làm việc khi bản thân hoặc người cùng làm việc/khách có một trong các biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở..., hoặc là F0, hoặc F1 hoặc F2; không có thái độ kỳ thị, phân biệt đối xử tại nơi làm việc đối với các trường hợp đã hoàn thành việc cách ly y tế hoặc phải đi công tác đến các khu vực có dịch hoặc đã được điều trị khỏi; đối với người lao động làm nghề, công việc có nguy cơ cần sử dụng đầy đủ phương tiện phòng hộ cá nhân theo quy định.

- Đối với người lao động phải đi công tác đến các khu vực có dịch: Ngoài thực hiện các nội dung như đối với người lao động tại đơn vị, cần lưu ý tham khảo thông tin về các khu vực có dịch trên cổng thông tin điện tử của Bộ Y tế http://ncov.moh.gov.vn để đánh giá lợi ích và nguy cơ của chuyến công tác; thực hiện xét nghiệm SARS-COV-2 trước khi đi công tác và sau khi đi công tác theo quy định; tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch của chính quyền địa phương đến công tác; nếu có biểu hiện mệt mỏi, sốt, ho, đau rát họng, khó thở… cần đeo khẩu trang, tránh tiếp xúc với những người xung quanh, thông báo với người quản lý gọi điện thoại cho đường dây nóng của của Sở Y tế cấp tỉnh hoặc Bộ Y tế (số điện thoại 1900 9095) để được tư vấn và nếu cần thiết thì đến cơ sở y tếgần nhất để được điều trị kịp thời. Sau khi đi công tác về từ khu vực có dịch, người lao động thực hiện theo quy định của BộY tế về xét nghiệm SARS-COV-2, tự theo dõi sức khỏe, cách ly y tế...

* Đối với các cơ sở cung cấp dịch vụ cho đơn vị: Yêu cầu ký cam kết tuân thủ các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19; phối hợp thực hiện việc quản lý danh sách người lao động; thực hiện nghiêm 5K; ghi lại lịch trình tiếp xúc hằng ngày; định kỳ hằng tuần thực hiện xét nghiệm SARS-COV-2 bằng test nhanh kháng nguyên hoặc phương pháp RT-PCR cho toàn bộ người lao động.

Tại văn bản này, Bộ Y tế cũng hướng dẫn phương án xử trí khi có trường hợp nghi mắc COVID-19, F1, F2 và khi có các trường hợp mắc COVID-19 tại đơn vị.

Đề nghị Nhân dân

1. Tích cực thực hiện phong trào thi đua đặc biệt "Cả nước đoàn kết, chung sức, đồng lòng thi đua phòng, chống và chiến thắng đại dịch COVID-19" do Thủ tướng Chính phủ phát động.

Nghiêm túc thực hiện 5K: Khẩu trang - Khử khuẩn - Khoảng cách - Không tập trung - Khai báo y tế; tuân thủ các quy định về cách ly y tế phòng chống dịch.

2. Đề nghị người dân cài đặt và sử dụng Sổ sức khỏe điện tử trên thiết bị di động thông minh. Đây là ứng dụng được xây dựng với mục tiêu giúp người dân chủ động đăng ký tiêm chủng, quản lý thông tin sức khỏe của bản thân, chủ động cập nhật các phản ứng sau tiêm.

Hướng dẫn tải và cài đặt Sổ sức khỏe điện tử:

Bước 1: Vào kho ứng dụng Google Play/CH Play đối với hệ điều hành Android và ứng dụng AppStore cho hệ điều hành iOS.

Gõ vào ô tìm kiếm từ khóa “Sổ sức khỏe điện tử” và chọn tìm kiếm.

Bước 2: Chọn ứng dụng “Sổ sức khoẻ điện tử” và nhấn “Cài đặt” để thực hiện cài đặt ứng dụng.

3. Thận trọng, cân nhắc khi đăng tải, chia sẻ thông tin về tình hình dịch bệnh COVID-19 lên mạng xã hội; không đăng tải, chia sẻ, like (thích) thông tin nhạy cảm, thiếu kiểm chứng, sai sự thật; những thông tin không được đăng tải theo quy định của pháp luật về tình hình dịch bệnh. Tích cực chia sẻ, lan tỏa những thông tin truyền cảm hứng; gương người tốt, việc tốt; tinh thần đoàn kết, chia sẻ, đùm bọc, giúp đỡ nhau vượt qua khó khăn trong mùa dịch bệnh.

* Để đảm bảo an toàn tiêm chủng, người tham gia tiêm chủng cần lưu ý một số nội dung sau:

Trước khi tiêm

Chuẩn bị đầy đủ giấy tờ cần thiết như chứng minh nhân dân/căn cước công dân hoặc thẻ bảo hiểm y tế, phiếu tiêm các vắc xin khác, sổ khám bệnh, đơn thuốc, giấy ra viện (nếu có) trong thời gian gần đây.

Tải ứng dụng Sổ sức khỏe điện tử trên điện thoại thông minh và khai báo thông tin; tuân thủ thông điệp 5K, ăn uống đầy đủ trước khi tiêm.

Chủ động thông báo cho cán bộ y tế những thông tin liên quan đến sức khỏe cá nhân. Trao đổi về loại vắc xin được tiêm; dấu hiệu có thể gặp sau tiêm và cách xử lý. Ghi lại số điện thoại liên hệ trong trường hợp khẩn cấp.

Sau khi tiêm

Ở lại điểm tiêm chủng 30 phút sau khi tiêm để được theo dõi, phát hiện sớm phản ứng nếu có. Khi về nhà, theo dõi sức khỏe sau 3 tuần kể từ thời điểm tiêm vắc xin. Không nên uống rượu, bia 3 ngày sau tiêm; không bôi, chườm, đắp bất cứ thứ gì lên vết tiêm.

Nếu sốt trên 38,5 độ dùng thuốc hạ sốt theo chỉ dẫn. Trong trường hợp sốt cao trên 39 độ không giảm hoặc có dấu hiệu bất thường như tê môi, phát ban, đau đầu, co giật, nôn, đau bụng, khó thở, choáng… cần đến ngay các cơ sở y tế để được theo dõi và xử lý kịp thời.

Ban Biên tập