Chú trọng quản lý, phát triển cụm công nghiệp
  • Cập nhật: 28/12/2022
  • Lượt xem: 1216 lượt xem

Phát triển các cụm công nghiệp (CCN) có ý nghĩa quan trọng trong phát triển sản xuất công nghiệp (CN), góp phần phát triển kinh tế - xã hội của địa phương. Vì vậy, thời gian qua, tỉnh Phú Thọ đặc biệt quan tâm đến công tác quản lý và phát triển các CCN trên địa bàn.


Nhà máy may số 6, Công ty Cổ phần may Sông Hồng, Cụm công nghiệp thị trấn Yên Lập, huyện Yên Lập giải quyết việc làm cho gần 350 lao động địa phương.

Trên cơ sở Nghị định 68/2017/NĐ-CP ngày 25/5/2017 về quản lý, phát triển CCN (Nghị định 68) và Nghị định 66/2020/NĐ-CP của Chính phủ sửa đổi bổ sung một số điều của Nghị định 68 đã tạo hành lang pháp lý, chính sách quản lý, phát triển CCN thống nhất, rõ ràng từ công tác quy hoạch, thành lập, mở rộng CCN, đầu tư xây dựng hạ tầng kỹ thuật và sản xuất, kinh doanh trong CCN. Với chức năng, nhiệm vụ được giao, Sở Công thương đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành Quy chế quản lý nhà nước về CCN, trong đó giao trách nhiệm cụ thể cho từng cơ quan, đơn vị trong thực hiện quản lý nhà nước về CCN.

Từ đó, hạ tầng kỹ thuật các CCN trên địa bàn tỉnh từng bước được đầu tư đồng bộ, tạo quỹ đất sạch, thu hút đầu tư sản xuất, kinh doanh. Để tạo thuận lợi cho các nhà đầu tư vào các CCN, các huyện chú trọng làm tốt công tác cung cấp thông tin quy hoạch, chỉ dẫn địa lý, vận dụng linh hoạt cơ chế, chính sách thu hút doanh nghiệp đến đầu tư, đồng thời tăng cường gặp gỡ, đối thoại với doanh nghiệp, đẩy mạnh cải cách hành chính, quảng bá, xúc tiến đầu tư, trên cơ sở đó chọn lọc thu hút các dự án đầu tư chất lượng, có tính bền vững. Kết cấu hạ tầng ngoài CCN được chú trọng đầu tư, đặc biệt là hệ thống giao thông kết nối với các tuyến đường cao tốc, quốc lộ và tỉnh lộ, tạo điều kiện thuận lợi để phát triển. Trên địa bàn tỉnh đã thu hút, mời gọi được một số nhà đầu tư triển khai các dự án đầu tư hạ tầng CCN. Một số hạng mục công trình hoàn thành, cơ bản đáp ứng yêu cầu thiết yếu phục vụ lộ trình đầu tư, sản xuất của các doanh nghiệp.

Trên địa bàn tỉnh hiện có 21/28 CCN được thành lập và triển khai thực hiện đầu tư xây dựng hạ tầng, thu hút các dự án sản xuất, kinh doanh. Các CCN đang hoạt động đã thu hút được 157 dự án đầu tư sản xuất, kinh doanh, trong đó có 111 dự án đã đi vào hoạt động, giải quyết việc làm cho trên 14 nghìn lao động, thu nhập bình quân khoảng bảy triệu đồng/người/tháng. Các dự án đầu tư tại các CCN làm tăng hiệu quả sử dụng đất, tạo nguồn thu cho ngân sách, tạo thêm việc làm, thu hút lao động và đảm bảo an sinh xã hội.

Ông Kim Chayn Kuy- Phó Giám đốc Công ty TNHH Mirae Soongwon Vina (Công ty 100% vốn Hàn Quốc, chuyên sản xuất vải bạt xuất khẩu) tại CCN thị trấn Yên Lập chia sẻ: “Được huyện tạo điều kiện nên chỉ sau một thời gian ngắn, chúng tôi đã được bàn giao mặt bằng sạch để đầu tư xây dựng nhà xưởng, lắp đặt máy móc, trang thiết bị sản xuất. Đến nay, Công ty đã đi vào hoạt động ổn định, giải quyết việc làm thường xuyên cho 200 lao động với mức thu nhập bình quân trên 6,5 triệu đồng/người/tháng”.

Tuy nhiên, hiện nay việc đầu tư hạ tầng các CCN còn phụ thuộc nhiều vào vốn ngân sách nhà nước, chưa thu hút được nhiều sự tham gia của các thành phần kinh tế khác. Do đó, hạ tầng kỹ thuật của các CCN hiện nay vẫn chưa được xây dựng đồng bộ, nhiều nơi vẫn còn vướng công tác giải phóng mặt bằng. Hầu hết các CCN chưa được đầu tư hoàn thiện hệ thống xử lý nước thải tập trung, mới có hệ thống thu gom nước mặt, nước thải sinh hoạt.

Theo đồng chí Nguyễn Mạnh Hùng- Giám đốc Sở Công thương, để phát triển các CCN cần tiếp tục thực hiện có hiệu quả các nghị quyết của Trung ương, quyết định, kế hoạch hành động của tỉnh về cải thiện mạnh mẽ môi trường đầu tư kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh, hỗ trợ và phát triển doanh nghiệp. Tiếp tục cải cách thủ tục hành chính, tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN dễ dàng tiếp cận các chính sách ưu đãi, hỗ trợ nhà đầu tư trong công tác đền bù, giải phóng mặt bằng, thủ tục thành lập CCN. Vận dụng linh hoạt cơ chế chính sách nhằm huy động tối đa các nguồn vốn đầu tư kinh doanh hạ tầng CCN. Chú trọng đào tạo nguồn nhân lực phục vụ phát triển CCN, tạo điều kiện cho người lao động và người sử dụng lao động dễ dàng tiếp cận được với nhau khi có nhu cầu. Tăng cường công tác quản lý kiểm tra, kiểm soát ô nhiễm tại các doanh nghiệp, yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện theo đúng quy định của Luật Bảo vệ môi trường. Bên cạnh việc chủ động triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch phù hợp với tình hình địa phương, việc hoàn thiện cơ chế, chính sách quản lý, hỗ trợ thu hút đầu tư phát triển các CCN là rất cần thiết.

Nguồn: Báo Phú Thọ