Đảm bảo chất lượng bữa ăn bán trú
  • Cập nhật: 31/10/2022
  • Lượt xem: 1336 lượt xem

Nguồn thực phẩm bẩn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây hại cho sức khỏe người tiêu dùng xuất hiện ngày càng phổ biến, tinh vi gây lo lắng cho nhiều phụ huynh có con trong tuổi đến trường. Nhằm đảm bảo an toàn thực phẩm (ATTP) bữa ăn bán trú cho học sinh, các trường học trên địa bàn huyện miền núi Yên Lập đã có nhiều biện pháp kiểm tra, giám sát từ khâu đầu vào đến quá trình chế biến, từ đó giúp trẻ có bữa ăn đảm bảo an toàn, góp phần phát triển toàn diện cả về thể chất lẫn tinh thần.


Nhờ thường xuyên được tập huấn kiến thức về ATVSTP đã giúp các cô nuôi dưỡng Trường Mầm non Nga Hoàng thực hiện đầy đủ quy trình lưu mẫu thức ăn hàng ngày.

Đạt chuẩn Quốc gia mức độ II năm 2016, Trường Mầm non Hưng Long (xã Hưng Long) có cơ sở vật chất khang trang, bếp ăn bán trú được bố trí gọn gàng, ngăn nắp theo quy chuẩn một chiều. Chúng tôi có mặt tại trường vào khoảng 8 giờ sáng đúng lúc các cô nhân viên nuôi dưỡng đang sơ chế thực phẩm chuẩn bị cho bữa ăn trưa của trẻ với thực đơn gồm canh bí xanh, thịt lợn xào su su.

Theo quan sát của phóng viên, dụng cụ đựng đồ ăn, bát, thìa của trẻ đều sạch sẽ, sáng bóng đặt ngay ngắn trong những chiếc tủ nhôm kính. Để phục vụ cho 245 trẻ ăn bán trú, trường bố trí ba cô chăm nuôi. Đầu năm học 2022-2023, Ban giám hiệu đã hợp đồng với cơ sở của bà Hoàng Thị Hoa ở khu Tân An, thị trấn Yên Lập để cung cấp các loại thực phẩm cho bếp ăn nhà trường. Thực đơn, thực phẩm được thay đổi theo tuần, mùa và niêm yết công khai tại các lớp học. Cán bộ quản lý và nhân viên cấp dưỡng đều nắm vững kiến thức về ATTP, có chứng chỉ nấu ăn, biết cách lựa chọn thực phẩm, chế độ kiểm thực ba bước và cách lưu mẫu thức ăn 24 giờ.

Cô giáo Nguyễn Thị Hồng Hải - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: “Để đảm bảo chế độ dinh dưỡng cho trẻ với mức ăn 15.000 đồng/ngày (hai bữa với trẻ mầm non, ba bữa đối với lớp nhà trẻ), trường đã đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị dụng cụ phục vụ chế biến theo nguyên tắc một chiều, có nguồn nước đảm bảo vệ sinh; các đồ dùng trang thiết bị đảm bảo yêu cầu theo từng khâu chế biến, được lau chùi, cọ rửa, vệ sinh sạch sẽ ngay sau khi sử dụng. Hàng năm, các cô chăm nuôi đều được đi tập huấn nghiệp vụ và kiểm tra sức khỏe định kỳ. Nguồn thực phẩm đầu vào hàng ngày có sự tham gia giám sát của phụ huynh học sinh. Nhờ đó, các bữa ăn của các cháu đều đảm bảo yêu cầu dinh dưỡng, tỷ lệ học sinh chuyên cần đạt trên 95%”.


Các cô nuôi Trường Mầm non Hưng Long sơ chế thực phẩm chuẩn bị bữa ăn trưa cho trẻ.

Huyện Yên Lập hiện có 20 trường mầm non, hai nhóm trẻ tư thục, Trường Tiểu học thị trấn Yên Lập và Trường THCS dân tộc bán trú Trung Sơn tổ chức bếp ăn bán trú cho tổng số 6.157 học sinh. Hầu hết các điểm trường lẻ trên địa bàn cũng đều bố trí bếp nấu và tổ chức ăn bán trú cho trẻ mầm non. Vào đầu năm học, Phòng Giáo dục và Đào tạo đã chỉ đạo các trường thực hiện nghiêm việc ký kết hợp đồng cung ứng thực phẩm và sử dụng thực phẩm tại đơn vị, tuân thủ các quy định về VSATTP của Sở Y tế, cơ quan quản lý trên địa bàn.

Các trường xây dựng thực đơn, khẩu phần ăn cho trẻ và các em học sinh ở các độ tuổi đáp ứng nhu cầu dinh dưỡng, đảm bảo ATTP. Hiện, hầu hết các bếp ăn bán trú đều đảm bảo tiêu chuẩn một chiều và đun nấu bằng gas. Ngoài nước giếng khoan được kiểm nghiệm định kỳ đảm bảo tiêu chuẩn, một số trường còn sử dụng nguồn nước tinh khiết phục vụ nấu ăn cho học sinh.

Toàn huyện có 104 cô nuôi dưỡng đều đã được tập huấn kiến thức về ATTP và đáp ứng được điều kiện sức khỏe theo quy định. Thực hiện tự giám sát, giám sát thường xuyên ATTP bếp ăn tập thể trường học theo các tiêu chí tại bảng kiểm giám sát ATTP bếp ăn tập thể đã ban hành. Cùng với đó, các trường còn tích cực tuyên truyền, hướng dẫn học sinh thực hiện ăn chín, uống sôi; rửa sạch tay bằng xà phòng trước khi ăn và sau khi đi vệ sinh, không ăn uống các loại thức ăn, quà bánh, nước giải khát… bán rong, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không có nhãn mác, không được che đậy, bảo quản cẩn thận.

Qua nắm tình hình tại một số bếp ăn bán trú cho thấy nhìn chung các trường học trên địa bàn huyện đều coi trọng đến vấn đề VSATTP. Mới đây, trong quá trình chế biến món ăn cho học sinh, nhân viên và giáo viên Trường Mầm non Nga Hoàng đã phát hiện 5kg giò lụa do Công ty cổ phần nông nghiệp An Tâm (xã Lương Sơn, huyện Yên Lập) cung cấp có mùi lạ, không đảm bảo ATTP. Ngay sau đó, toàn bộ số thực phẩm trên đã bị thu hồi, tiêu huỷ.

Cô giáo Đinh Thị Thảo - Hiệu trưởng nhà trường chia sẻ: “Rất may số thực phẩm không đảm bảo an toàn đã kịp thời được phát hiện, nếu không thì hậu quả khó lường. Ngay sau đó, nhà trường cũng đã có buổi làm việc với đơn vị cung cấp thực phẩm nghiêm túc rút kinh nghiệm và chấn chỉnh hoạt động”.

Để phòng ngừa hạn chế thấp nhất tình trạng ngộ độc thực phẩm, mất VSATTP, các nhà trường cần tiếp tục quan tâm đầu tư về cơ sở vật chất, trình độ, kỹ năng cho các cô nuôi. Các trường tiếp tục phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế trong việc đẩy mạnh hơn nữa công tác tuyên truyền nâng cao ý thức thực hiện VSATTP. Việc kiểm tra định kỳ hay đột xuất với những cơ sở chế biến, cung cấp thực phẩm, các bếp ăn trong trường học cũng sẽ là biện pháp quan trọng nhằm kịp thời nhắc nhở và có biện pháp xử lý đối với các cơ sở vi phạm. Có như vậy mới đảm bảo sức khỏe cho trẻ mỗi ngày đến trường.

Nguồn: Báo Phú Thọ