Dịch vụ công trực tuyến ở Yên Lập: Tích cực hỗ trợ, hạn chế “làm thay”
  • Cập nhật: 30/09/2021
  • Lượt xem: 8838 lượt xem

Dịch vụ công trực tuyến đã khẳng định lợi ích “5 không” rõ ràng đối với người dân: Không tiếp xúc trực tiếp khi thực hiện thủ tục; không cần đến cơ quan hành chính nhà nước; không chứng từ giấy; không giới hạn thời gian và không giới hạn địa điểm thực hiện. Mặc dù quá trình triển khai dịch vụ công trực tuyến ở cả 3 cấp trên toàn tỉnh còn gặp khó khăn do người dân chưa thật sự hiểu và áp dụng vào cuộc sống, tuy nhiên thực tế đã cho thấy ở nơi nào chính quyền quyết liệt thực hiện các giải pháp tuyên truyền và hỗ trợ, nơi đó tỷ lệ tiếp nhận và giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng sẽ từng bước tăng cao. Điển hình như tại huyện Yên Lập, nhờ sự sát sao trong chỉ đạo, một số xã đã bứt phá trong việc triển khai dịch vụ công trực tuyến.

 

Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả khang trang, hiện đại của xã Xuân Viên

“Càng khó càng phải làm”

Đó là khẳng định của ông Nguyễn Khải Hoàn - Chủ tịch UBND xã Xuân Viên. Theo ông Hoàn, triển khai dịch vụ công trực tuyến ở cấp xã là nhiệm vụ mới và khó, khó không chỉ với người dân mà cả với đội ngũ cán bộ. Cán bộ tiếp cận công nghệ thông tin đã mất thời gian; người dân, nhất là bà con ở vùng sâu, vùng xa lại càng “ngại” hơn. Thế nhưng khó không có nghĩa là không làm, mà làm lại càng phải kiên quyết hơn mới đạt hiệu quả.

Với tinh thần đó, Xuân Viên đã tự đầu tư trang thiết bị hiện đại để phục vụ công việc; xây dựng Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả xã khang trang, hiện đại để phục vụ người dân; tổ chức nhiều cuộc tập huấn, hướng dẫn cho đội ngũ cán bộ để hiểu rõ, hiểu kĩ về dịch vụ công trực tuyến, sẵn sàng hướng dẫn và giải đáp mọi thắc mắc phát sinh của người dân khi nộp hồ sơ qua mạng.

Ông Đinh Công Phương - Công chức Tư pháp, cán bộ Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả xã Xuân Viên cho biết: Người dân trong xã không có điều kiện tiếp xúc nhiều với máy tính, điện thoại thông minh nên rất bỡ ngỡ khi tiếp cận với dịch vụ công trực tuyến, đa số đều chọn hình thức nộp hồ sơ trực tiếp. Do đó, chúng tôi đã giải thích, hướng dẫn từng người lập tài khoản, thao tác gửi hồ sơ qua mạng trên tinh thần “hạn chế làm thay”. Từ đó gỡ bỏ tâm lý “ngại khó”, giúp người dân quen với việc sử dụng dịch vụ công trực tuyến và chủ động thực hiện gửi, theo dõi quá trình giải quyết thủ tục hành chính qua mạng chứ không đến trụ sở để nộp hồ sơ giấy nữa. Việc này đồng thời giúp giảm khối lượng công việc cho đội ngũ cán bộ xã, góp phần thực hiện cải cách hành chính.

Chị Bùi Thị Phượng theo dõi quá trình giải quyết thủ tục

hành chính của mình qua Cổng Dịch vụ công trực tuyến của tỉnh

Chị Bùi Thị Phượng ở khu 7, xã Xuân Viên đến làm thủ tục khai sinh cho cháu cho biết: “Tôi biết có thể gửi hồ sơ qua mạng nhưng do không quen sợ sai sót nên tôi đến nhờ cán bộ tại Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của xã làm giúp. Tuy nhiên khi tới đây, cán bộ đã hướng dẫn tôi cách tự nhập thông tin, thao tác trên máy tính một cách đơn giản, nhanh chóng. Tôi cũng được hỗ trợ tra cứu các dịch vụ công trực tuyến để tự gửi hồ sơ tại nhà nếu cần thiết. Tôi cảm thấy việc gửi hồ sơ trực tuyến rất thuận tiện và an toàn, không phức tạp như tôi vẫn nghĩ’.

Theo số liệu thống kê, từ đầu năm 2021 đến hết tháng 8, xã Xuân Viên đã tiếp nhận 268 hồ sơ thủ tục hành chính; trong đó có 94 hồ sơ trực tuyến, đạt tỷ lệ 35,07%, đứng đầu huyện Yên Lập. Con số này cho thấy quyết tâm của xã đã mang lại hiệu quả tích cực, làm cơ sở để Xuân Viên tiếp tục đưa dịch vụ công trực tuyến đến gần hơn với người dân.

Quyết tâm cải thiện vị trí trong “bảng xếp hạng” của huyện

Đầu năm 2021, xã Phúc Khánh nhiều tháng liền xếp ở nhóm các địa phương thấp điểm trong báo cáo triển khai xây dựng chính quyền điện tử của huyện Yên Lập. Trong đó, tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến của xã chỉ ở mức 2 - 3%/tháng. Chủ tịch UBND xã Lê Thanh Liêm thẳng thắn nhìn nhận: “Trong những nguyên nhân khiến việc xây dựng chính quyền điện tử của xã gặp nhiều khó khăn thì thiếu thốn về cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại chỉ là yếu tố khách quan; chủ quan là do lãnh đạo xã còn chưa quan tâm đúng mức, cán bộ xã còn bỡ ngỡ, chưa có các giải pháp đồng bộ để triển khai thực hiện”.

Cán bộ xã Phúc Khánh giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường mạng

Quyết tâm không để tình trạng này tiếp diễn, Phúc Khánh đã triển khai nhiều cuộc họp để “thay đổi tư duy, cách làm”. Theo đó, người đứng đầu xã nêu cao vai trò gương mẫu, trách nhiệm trong chỉ đạo, kiểm tra; đội ngũ cán bộ cập nhật mọi kiến thức, kĩ năng để hướng dẫn người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến. Xã nhanh chóng khắc phục các thiếu hụt về cơ sở vật chất như thiếu máy móc (máy tính, máy in, máy quét), đường truyền chậm… để tạo điều kiện cho việc tiếp nhận và xử lý hồ sơ trực tuyến. Đồng thời đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến, giới thiệu về dịch vụ công cho người dân qua hệ thống loa truyền thanh và đội ngũ cán bộ các khu dân cư, thôn, xóm.

Ông Nguyễn Minh Hưng - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Mỗi ngày, Bộ phận Tiếp nhận và trả kết quả của xã tiếp đón rất nhiều người dân đến nộp hồ sơ giải quyết thủ tục hành chính. Đội ngũ cán bộ không chỉ tiếp đón mà còn có nhiệm vụ hướng dẫn, “cầm tay chỉ việc” cho từng người dân làm quen với dịch vụ công trực tuyến. Khối lượng công việc tuy lớn và khá vất vả nhưng đã đi vào nền nếp. Từ thực tế ở xã cho thấy, chỉ cần chú tâm thì nhiệm vụ khó đến đâu cũng sẽ làm được.

Nhờ tinh thần quyết tâm và các giải pháp đồng bộ, tỷ lệ tiếp nhận hồ sơ trực tuyến của xã Phúc Khánh ngày càng tăng cao. Tính chung 8 tháng đầu năm, xã đã vươn lên nhóm đầu trong số 17 xã, thị trấn của huyện Yên Lập. Không chỉ riêng tỷ lệ sử dụng dịch vụ công trực tuyến, nhiều nhiệm vụ trong xây dựng chính quyền điện tử ở cấp xã cũng được Phúc Khánh triển khai hiệu quả như: Thực hiện gửi nhận văn bản điện tử tích hợp chữ ký số, phát huy hiệu quả hệ thống hội nghị trực tuyến… Đặc biệt, Phúc Khánh là xã đầu tiên của Yên Lập đưa Trang thông tin điện tử của địa phương vào hoạt động, thành lập được Ban biên tập, tổ cộng tác viên và xây dựng quy chế hoạt động cụ thể.

Đưa dịch vụ công trực tuyến đến với người dân là nhiệm vụ khó, đòi hỏi quá trình nỗ lực bền bỉ, lâu dài của chính quyền các địa phương. Từ kinh nghiệm của xã Xuân Viên và Phúc Khánh của huyện Yên Lập cho thấy, sự quyết liệt, trách nhiệm trong chỉ đạo và tổ chức thực hiện có vai trò quan trọng quyết định nhiệm vụ này có thành công hay không. Phát huy những cách làm hay này, Yên Lập đang phấn đấu từng bước tăng số lượng người dân sử dụng dịch vụ công trực tuyến, góp phần thực hiện thành công nhiệm vụ xây dựng chính quyền điện tử và thực hiện cải cách hành chính.

Khánh Trang (Cổng TTĐT tỉnh Phú Thọ)