GIỚI THIỆU NỘI DUNG CƠ BẢN CỦA LUẬT TỔ CHỨC CHÍNH QUYỀN ĐỊA PHƯƠNG
  • Cập nhật: 03/03/2021
  • Lượt xem: 6392 lượt xem

Ngày 19/6/2015, tại kỳ họp thứ 9, Quốc hội khóa XIII đã thông qua Luật tổ chức chính quyền địa phương số 77/2015/QH13 (Luật tổ chức chính quyền địa phương năm 2015). Ngày 03/7/2015, Chủ tịch nước ký Lệnh số 05/2015/L-CTN công bố Luật. Luật có hiệu lực thi hành kể từ ngày 01/01/2016.

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH

Sau hơn 10 năm thực hiện Luật Tổ chức Hội đồng nhân dân Ủy ban nhân dân năm 2003, Hội đồng nhân dân (HĐND) Ủy ban nhân dân (UBND) các cấp đã không ngừng được củng cố và hoàn thiện, cơ bản thực hiện tốt nhiệm vụ, quyền hạn trên tất cả các lĩnh vực của đời sống xã hội ở địa phương. Tuy nhiên, qua thực tiễn hoạt động của HĐND và UBND các cấp và yêu cầu của tình hình, nhiệm vụ mới cho thấy Luật này đã bộc lộ những vấn đề cần được nghiên cứu sửa đổi, bổ sung như: Quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và phương thức hoạt động của HĐND và UBND cơ bản giống nhau ở cả 3 cấp, chưa thể hiện tính gắn kết thống nhất giữa HĐND và UBND cùng cấp trong chỉnh thể chính quyền địa phương, chưa phân biệt theo đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo; chưa phân định rõ thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở Trung ương và địa phương và của mỗi cấp chính quyền địa phương; một số nhiệm vụ theo luật định, chính quyền cấp xã không có khả năng thực thi; chưa quy định rõ các vấn đề do tập thể UBND thảo luận, quyết định và các vấn đề thuộc thẩm quyền quyết định của Chủ tịch UBND.    Hiến pháp năm 2013 có nhiều điểm mới về chính quyền địa phương, như: thực hiện phân công, phân cấp, phân quyền trong quản lý nhà nước (Điều 52); quy định đơn vị hành chính tương đương thuộc thành phố trực thuộc trung ương; quy định việc thành lập, giải thể, nhập, chia, điều chỉnh địa giới đơn vị hành chính (Điều 110); quy định về tổ chức chính quyền địa phương ở các đơn vị hành chính (Điều 111); quy định về phân định thẩm quyền giữa các cơ quan nhà nước ở trung ương và địa phương và của mỗi cấp chính quyền địa phương; về việc thực hiện nhiệm vụ được cơ quan nhà nước cấp trên giao (Điều 112).

Định hướng của Đảng yêu cầu tổ chức hợp lý chính quyền địa phương, phân biệt giữa chính quyền nông thôn, đô thị, hải đảo; đẩy mạnh phân cấp giữa Trung ương và địa phương và giữa các cấp chính quyền địa phương. Đây là những yêu cầu cần phải được thể chế hóa trong Luật nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả quản lý, bảo đảm tính thống nhất, thông suốt trong tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương các cấp.

Kết quả thực hiện thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường và thí điểm Bí thư cấp ủy đồng thời là Chủ tịch UBND ở một số đơn vị hành chính thời gian qua; các Đề án mô hình chính quyền đô thị tại thành phố Hồ Chí Minh và thành phố Đà Nẵng; các Đề án về đặc khu kinh tế (Vân Đồn, Quảng Ninh; Vân Phong, Khánh Hòa; Phú Quốc, Kiên Giang) cũng đặt ra yêu cầu phải nghiên cứu về mô hình tổ chức chính quyền địa phương các cấp cho phù hợp.

Những vấn đề mới từ quy định của Hiến pháp năm 2013, các chủ trương, định hướng của Đảng về chính quyền địa phương cần thiết phải được cụ thể hóa trong Luật tổ chức chính quyền địa phương. Vì vậy, việc xây dựng Luật Tổ chức chính quyền địa phương để thay thế Luật tổ chức HĐND và UBND năm 2003 (sau đây gọi là Luật năm 2003) nhằm kế thừa những ưu điểm, khắc phục những hạn chế, vướng mắc trong 12 năm thực hiện Luật năm 2003 là cần thiết.

II. MỤC TIÊU, QUAN ĐIỂM XÂY DỰNG LUẬT

1. Mục tiêu

Tổ chức hợp lý chính quyền địa phương phù hợp với Hiến pháp năm 2013; bảo đảm chính quyền địa phương các cấp hoạt động có hiệu lực, hiệu quả, hệ thống hành chính nhà nước thống nhất, thông suốt từ Trung ương đến cơ sở; tăng cường sự lãnh đạo của Đảng, phát huy vai trò làm chủ của Nhân dân trong việc xây dựng và giám sát hoạt động của chính quyền địa phương.

2. Quan điểm

Thể chế hóa các chủ trương của Đảng và cụ thể hóa các quy định của Hiến pháp năm 2013 về tổ chức đơn vị hành chính và tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với yêu cầu xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của Nhân dân, do Nhân dân, vì Nhân dân.

Trên cơ sở phân định thẩm quyền giữa Chính phủ với chính quyền địa phương cấp tỉnh, quy định rõ chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức, chế độ làm việc và mối quan hệ công tác của HĐND và UBND ở các đơn vị hành chính bảo đảm gắn kết thống nhất giữa HĐND và UBND cùng cấp trong chỉnh thể chính quyền địa phương phù hợp với đặc điểm nông thôn, đô thị, hải đảo, đơn vị hành chính - kinh tế đặc biệt. Phân định cụ thể nhiệm vụ, thẩm quyền giữa tập thể UBND và cá nhân Chủ tịch UBND theo hướng đề cao trách nhiệm người đứng đầu. Tăng cường kiểm tra, giám sát của Trung ương và cơ quan nhà nước cấp trên; tăng cường công khai, minh bạch, bảo đảm sự tham gia của Mặt trận Tổ quốc, các đoàn thể chính trị - xã hội và Nhân dân trong tổ chức và hoạt động của chính quyền địa phương.

Kế thừa, phát triển và hoàn thiện quy định của Luật năm 2003 và các văn bản pháp luật khác có liên quan đã được thực tiễn kiểm nghiệm là hợp lý, đúng đắn và hiệu quả; sửa đổi những quy định mà qua thực tiễn cho thấy không còn phù hợp.

Tiếp thu có chọn lọc các kết quả từ các sáng kiến cải cách chính quyền địa phương trong những năm qua; nghiên cứu, chọn lọc kinh nghiệm quốc tế về tổ chức chính quyền địa phương phù hợp với điều kiện Việt Nam.

Hoàn thiện kỹ thuật lập pháp, bảo đảm Luật Tổ chức chính quyền địa phương có tính khái quát cao, ổn định, hiệu lực lâu dài và thống nhất với các Luật quy định về tổ chức Quốc hội, Chính phủ, Tòa án nhân dân, Viện kiểm sát nhân dân và các luật có liên quan.

III. BỐ CỤC CỦA LUẬT

Luật gồm 08 chương và 143 điều, tăng 02 chương và 03 điều so với Luật tổ chức HĐND và UBND năm 2003, chi tiết trong file đính kèm.

Ban Biên tập