Kinh tế tập thể (KTTT) mà nòng cốt là các hợp tác xã (HTX) là một trong những yếu tố quan trọng giúp thúc đẩy kinh tế nông thôn phát triển. Đến nay, mô hình KTTT ở huyện Yên Lập đã có nhiều đổi mới, thích ứng linh hoạt với tình hình dịch bệnh COVID-19 để phát triển, góp phần giải quyết việc làm, tăng thu nhập cho người lao động tại địa phương.

Giám đốc HTX sản xuất gạo nếp Gà Gáy và kinh doanh dịch vụ tổng hợp
xã Mỹ Lung (đứng giữa) giới thiệu với khách hàng về sản phẩm của HTX.
Trên địa bàn huyện Yên Lập hiện có 51 HTX và quỹ tín dụng gồm 34 HTX nông, lâm nghiệp, thủy lợi; hai HTX công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp; tám HTX dịch vụ thương mại; bốn HTX xây dựng; ba quỹ tín dụng nhân dân. Thành lập và đi vào hoạt động từ năm 2009, đến nay, HTX sản xuất gạo nếp Gà Gáy Mỹ Lung và kinh doanh dịch vụ tổng hợp, xã Mỹ Lung đã thu hút nhiều xã viên tham gia.
Ông Khúc Ngọc Tung - Giám đốc HTX cho biết: Toàn xã có hơn 1.200 hộ làm nông nghiệp, trong đó hơn 70% số hộ tham gia trồng lúa nếp Gà Gáy với diện tích hàng năm trên 100ha. Địa phương và HTX thường xuyên tuyên truyền, hướng dẫn, tạo điều kiện cho người dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đặc biệt là các khâu chăm sóc, thu hoạch, bảo quản, đảm bảo sản phẩm sạch, an toàn vệ sinh thực phẩm… Đặc biệt, từ các ứng dụng điện tử, HTX đã đẩy mạnh quảng bá qua các kênh thông tin trên mạng Facebook, zalo, tìm kiếm thị trường tiêu thụ sản phẩm... Hiện nay, sản phẩm gạo nếp Gà Gáy đang được tiêu thụ tại siêu thị và một số đại lý trên địa bàn tỉnh cùng một số tỉnh, thành lân cận, nhờ đó, các thành viên HTX đã vươn lên thoát nghèo, có cuộc sống khá giả hơn.
Để chủ động tìm giải pháp nâng cao năng lực thích ứng trong tình hình mới, huyện đã tích cực chỉ đạo và chủ động ban hành các văn bản quán triệt, hướng dẫn nhằm củng cố, phát triển toàn diện các HTX. Cấp ủy, chính quyền các xã, thị trấn đã vào cuộc, quan tâm, lãnh chỉ đạo các HTX. Cùng với tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền Luật HTX năm 2012, huyện còn tập trung đẩy mạnh đào tạo và dạy nghề, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực cho khu vực KTTT. Đối với đội ngũ quản lý, huyện luôn chú trọng nâng cao kiến thức về kinh tế hội nhập, trình độ quản lý kinh tế, điều hành sản xuất kinh doanh theo mô hình HTX kiểu mới.
Các HTX trên địa bàn huyện đã chủ động tiếp cận công nghệ thông tin, thay đổi phương thức kinh doanh, tiêu thụ sản phẩm tiêu biểu, đặc sản của địa phương. Thông qua sử dụng mạng xã hội để có cơ hội quảng bá, giới thiệu, tìm kiếm thị trường cho sản phẩm, dịch vụ, huy động mọi nguồn lực để duy trì và phát triển sản xuất, kinh doanh, giảm thiểu đến mức thấp nhất thiệt hại…
Nhờ đó, doanh thu bình quân các HTX, quỹ tín dụng đạt 984,6 triệu đồng, lợi nhuận bình quân đạt 97,9 triệu đồng; thu nhập bình quân người lao động thường xuyên trong HTX 49,6 triệu đồng/người/năm. Tổng số thành viên trong các HTX 5.532 người, số lao động trong HTX 585 người. Nhìn chung, bước đầu các HTX hoạt động hiệu quả, phát huy được vai trò tập hợp, vận động, thay đổi nếp nghĩ, cách làm cho bà con nông dân.
Thời gian tới, huyện Yên Lập tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến các chỉ thị, nghị quyết của Trung ương, tỉnh nhằm nâng cao nhận thức trong toàn xã hội về vai trò, vị trí, tầm quan trọng của KTTT. Tăng cường sự lãnh đạo của cấp ủy, chính quyền, phát huy vai trò của Mặt trận, các đoàn thể đối với sự phát triển của KTTT, HTX; nâng cao năng lực thích ứng với dịch bệnh và biến đổi khí hậu, thúc đẩy hoạt động sản xuất kinh doanh của các HTX ngày càng phát triển ổn định, bền vững. Đồng thời thực hiện có hiệu quả các chính sách ưu đãi của Nhà nước đối với KTTT, tạo điều kiện cho các HTX tham gia vào các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội ở địa phương.