Yên Lập đẩy mạnh mở rộng diện tích cây bưởi Diễn
  • Cập nhật: 26/10/2018
  • Lượt xem: 41520 lượt xem

Thực hiện chủ trương xóa bỏ vườn tạp, thay thế các loại cây có giá trị kinh tế thấp bằng cây ăn quả có múi, trong đó chủ yếu là cây bưởi, UBND tỉnh đã ban hành kế hoạch về phát triển cây đặc sản bưởi Đoan Hùng và cây bưởi Diễn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2016 - 2020. Kế hoạch này đã được đông đảo người dân tích cực hưởng ứng và bước đầu đem lại hiệu quả kinh tế. Cùng với các địa phương khác trong toàn tỉnh, huyện Yên Lập đã có những chế độ ưu tiên khuyến khích, hỗ trợ phát triển mở rộng diện tích cây bưởi và coi đó là mũi nhọn trong sản xuất nông nghiệp của huyện.

mui1

Người dân trên địa bàn huyện tích cực cải tạo vườn tạp trồng bưởi Diễn

Tận dụng lợi thế diện tích đất vườn tạp, đất đồi rừng lớn, sau khi có kế hoạch của UBND tỉnh, huyện Yên Lập đã tích cực chỉ đạo các xã, thị trấn trong toàn huyện tăng cường công tác tuyên truyền, khuyến khích người dân mở rộng diện tích trồng bưởi, trong đó tập trung chính là cây bưởi Diễn. Quyết liệt triển khai các chính sách hỗ trợ của tỉnh, của huyện đối với phát triển cây bưởi, đến nay, tổng diện tích bưởi trên toàn huyện đạt 298,9 ha, tăng 59,4ha so với năm 2017, tăng 114,3% so với kế hoạch, trong đó diện tích cây bưởi Diễn là 245,3ha, tăng 55,8 ha so với năm 2017. Một số địa phương có diện tích trồng bưởi Diễn lớn như: Xuân Thủy 29,3ha, Đồng Thịnh 52,5ha…. Toàn huyện đã có 83,0ha cho thu hoạch với năng suất trung bình đạt 120 tạ/ha. Thực tế qua kiểm chứng những năm trở lại đây cho thấy, bưởi Diễn từ năm thứ 5 trở đi cho chất lượng tốt, độ ngọt, mát, mùi vị thơm ngon không thua kém bưởi ở các vùng khác giá cả ổn định, trung bình từ 10.000 đến 20.000 đồng/quả. Nhờ đó, nhiều hộ gia đình trên địa bàn huyện đã có thu nhập ổn định từ 50 - 200 triệu đồng/năm, góp phần tích cực vào việc thực hiện chủ trương xóa đói giảm nghèo cho đồng bào vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số như huyện miền núi Yên Lập.

mui2

Mô hình trồng bưởi Diễn mang lại hiểu quả kinh tế cao tại xã Xuân Thủy

Tuy nhiên, cùng với những kết quả đạt được ban đầu, việc phát triển cây bưởi Diễn trên địa bàn huyện vẫn còn nhiều khó khăn, hạn chế nhất định như: thiếu những mô hình sản xuất lớn, liên kết giữa các hộ trồng bưởi trong sản xuất kinh doanh; việc áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới còn chậm; người nông dân thiếu kinh nghiệm, kỹ thuật trong trồng và chăm sóc, đặc biệt là cách phòng trừ sâu bệnh, chưa chú trọng vào đầu tư thâm canh, sản xuất hàng hóa; nguồn cây giống chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng của người dân….

Trước thực tế trên, UBND huyện đã tích cực đề ra các giải pháp nhằm mở rộng quy mô, tăng năng suất, sản lượng, chất lượng cây bưởi Diễn. Trong đó, đặc biệt chú trọng đẩy mạnh công tác tuyên truyền, vận động nhằm thay đổi tư duy, nhận thức của người dân, khuyến khích cải tạo vườn tạp, dồn điền đổi thửa để tăng quy mô, hình thành các vùng chuyên canh; chỉ đạo xây dựng các mô hình điểm áp dụng các biện pháp kỹ thuật chăm sóc hiệu quả; ứng dụng khoa học kỹ thuật tiên tiến tạo điều kiện cho người dân áp dụng vào việc chăm sóc, thu hái, bảo quản theo tiêu chuẩn VietGap; tổ chức các lớp đào tạo, dạy nghề về trồng cây ăn quả; hình thành các hợp tác xã thực hiện dịch vụ sản xuất về giống, vật tư, phân bón, bảo vệ thực vật tạo sự gắn kết chặt chẽ góp phần giảm chi phí, nâng cao hiệu quả sản xuất.

Phát triển cây bưởi Diễn, đã và đang khẳng định được vai trò, vị thế, đóng góp không nhỏ vào tăng trưởng kinh tế nông nghiệp của huyện. Trong thời gian tới, UBND huyện cần tiếp tục tăng cường chỉ đạo các phòng ban, đơn vị chuyên môn, các xã, thị trấn mở rộng diện tích bưởi Diễn theo đúng quy hoạch. Tránh phát triển ồ ạt để đảm bảo chất lượng sản phẩm, khẳng định được thương hiệu trên thị trường. Từ đó tiến tới phát triển nông nghiệp bền vững, nâng cao đời sống cho người nông dân./.

Nguyễn Tình (Văn phòng HĐND&UBND huyện)