Yên Lập: Phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội
  • Cập nhật: 10/07/2021
  • Lượt xem: 11484 lượt xem

PhuthoPortal - Từ sự chủ động, quyết liệt trong chỉ đạo điều hành, Yên Lập đã đạt được những kết quả nổi bật trong thực hiện 3 đột phá chiến lược theo tinh thần Đảng bộ huyện lần thứ XXIII, nhiệm kỳ 2015 - 2020. Trong đó, xác định phát triển kết cấu hạ tầng là khâu đột phá có vai trò nền tảng quan trọng, Yên Lập đã dồn sức khai thác và sử dụng có hiệu quả nguồn lực; tăng cường huy động các nguồn nội lực và đóng góp của nhân dân để phát triển đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội gắn với mục tiêu xây dựng nông thôn mới.

                                                 









Công trình Kè thoát lũ thị trấn Yên Lập và Đài tưởng niệm anh hùng liệt sĩ huyện

Xuất phát điểm là huyện miền núi nhiều khó khăn, những năm trước đây, sản xuất công nghiệp - tiểu thủ công nghiệp của huyện Yên Lập còn manh mún nhỏ lẻ, thiếu sức cạnh tranh trên thị trường. Do chưa có hạ tầng để phát triển cụm công nghiệp nên việc mời gọi các doanh nghiệp đầu tư vào huyện còn rất hạn chế, trong khi nguồn lao động tại địa phương rất dồi dào, dẫn đến nhiều người phải làm ăn xa, đời sống nhân dân gặp nhiều khó khăn.

Thế nhưng những ngày này, đến Yên Lập, ai cũng ngỡ ngàng trước khung cảnh và sự thay đổi nơi đây. Đường vào huyện dọc quốc lộ 70B, dự án hệ thống thoát lũ và tạo quỹ đất ở khu dân cư Bến Sơn đang nhộn nhịp thi công. Hai bên bờ ngòi Cả đã được kè lát mái. Đài tưởng niệm anh hùng liệt sĩ huyện Yên Lập vừa mới hoàn thành. Các nhà máy, phân xưởng tại 2 cụm công nghiệp nằm ở thị trấn Yên Lập và xã Lương Sơn đã đi vào hoạt động.

Ông Bùi Hồng Hoàng - Phó Bí thư Thường trực Huyện ủy cho biết: Để triển khai thực hiện khâu đột phá xây dựng đồng bộ kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, BCH Đảng bộ huyện khóa XXIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025 đã ban hành Nghị quyết về phát triển đồng bộ hệ thống kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, trọng tâm là giao thông nông thôn giai đoạn 2016 - 2020.

Để Nghị quyết đi vào cuộc sống, trên cơ sở quy hoạch chung của tỉnh, huyện Yên Lập đã hoàn thành quy hoạch xây dựng nông thôn mới của các xã và quy hoạch tổng thể thị trấn Yên Lập, tạo tiền đề xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội thống nhất. Đồng thời tăng cường công tác tuyên truyền, nâng cao nhận thức của người dân về vai trò, trách nhiệm của mình trong việc đóng góp xây dựng kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, thể hiện qua việc đóng góp xây dựng đường giao thông nông thôn, hệ thống kênh mương và hàng loạt các công trình phúc lợi công cộng khác.

Với nguồn đóng góp của nhân dân và tranh thủ nguồn vốn từ trung ương, tỉnh, doanh nghiệp, trong 5 năm, Yên Lập đã huy động trên 4.170 tỷ đồng vốn đầu tư toàn xã hội với trên 500 công trình, dự án đã và đang được đầu tư, xây dựng

Trong đó đáng chú ý là 202 công trình giao thông, 7 công trình thủy lợi đầu mối (hồ, đập chứa) và cứng hóa 25,5km kênh tưới thủy lợi. Nhờ đó, hạ tầng giao thông trên địa bàn huyện tương đối đồng bộ, tỷ lệ đường giao thông nông thôn được cứng hóa đạt 52%; tỷ lệ kênh mương được cứng hóa đạt 51,2%, tưới tiêu chủ động cho trên 92% diện tích sản xuất nông nghiệp.

Điển hình là công trình cầu Mỹ Lung có tổng mức đầu tư trên 80 tỷ đồng khi hoàn thành đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc lưu thông, giao thông của bà con các xã vùng thượng huyện và hạ huyện; dự án Hồ chứa nước Ngòi Giành, tổng mức đầu tư 1.279 tỷ đồng; dự án xử lý khẩn cấp kè thoát lũ đoạn Hồ thủy điện đến dốc Đá Thờ, tổng mức đầu tư trên 59 tỷ đồng đã khắc phục ngập úng cho nhân dân thị trấn Yên Lập trong mùa mưa lũ…

Nhà máy may số 6 (Cụm công nghiệp thị trấn Yên Lập) tạo việc làm ổn định cho gần 600 lao động với thu nhập bình quân khoảng 5 triệu đồng/người/tháng

Hạ tầng đô thị, công nghiệp, thương mại dịch vụ được đầu tư ngày một hoàn thiện. Tại 2 cụm công nghiệp thị trấn Yên Lập và Lương Sơn đã có 10 nhà đầu tư thuê đất xây dựng nhà máy, 5 doanh nghiệp đã đi vào hoạt động, tạo việc làm ổn định cho trên 1.200 lao động; đồng thời thu hút 3 doanh nghiệp đầu tư sản xuất ngoài cụm công nghiệp tại các xã Mỹ Lung, Hưng Long, Ngọc Đồng, giải quyết việc làm cho trên 500 lao động tại địa phương. Khu thương mại dịch vụ tổng hợp, khu trung tâm vui chơi giải trí được đầu tư đáp ứng tiêu chuẩn quy định. Các công trình hạ tầng khác như hệ thống điện chiếu sáng, cấp nước, tài nguyên môi trường, thông tin liên lạc đã từng bước được đầu tư đồng bộ.

Cùng với đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế, huyện đặc biệt chú trọng phát triển hạ tầng xã hội. Giáo dục và đào tạo tiếp tục được đầu tư, mạng lưới trường, lớp học được mở rộng, cơ sở vật chất trường học được nâng lên. Trong nhiệm kỳ, huyện xây dựng 33 nhà lớp học với 242 phòng, xây mới 10 nhà điều hành và nhà chức năng, sửa chữa 86 phòng học và công trình phụ trợ, tổng nguồn vốn 222,4 tỷ đồng, nâng tỷ lệ trường được học được kiên cố hóa đạt 95,7%. Bên cạnh đó,18 công trình thuộc lĩnh vực y tế đã giúp mạng lưới y tế cơ sở và Trung tâm y tế huyện đáp ứng tốt nhu cầu khám, chữa bệnh, điều trị của nhân dân.

Công trình Khu nhà điều trị chất lượng cao Trung tâm Y tế huyện Yên Lập với mức đầu tư 57 tỷ đồng, đưa vào sử dụng năm 2019

Ông Nguyễn Huy Tài, Trưởng phòng Kinh tế - Hạ tầng huyện cho biết: Dấu ấn lớn nhất trong phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội của Yên Lập những năm qua là hàng loạt các dự án lớn, có quy mô được đầu tư, hoàn thành đưa vào sử dụng đã phát huy hiệu quả, có ý nghĩa lan tỏa, góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, tạo việc làm ổn định cho người lao động, làm thay đổi diện mạo của huyện. Ví dụ như: Dự án xử lý khẩn cấp kè thoát lũ đoạn Hồ thủy điện đến dốc Đá Thờ đã khắc phục ngập úng cho nhân dân thị trấn Yên Lập trong mùa mưa lũ; dự án sân vận động kéo dài nhiều nhiệm kỳ, đến nay cơ bản hoàn thành; dự án nhà điều trị chất lượng cao tại Trung tâm y tế huyện; trung tâm vui chơi giải trí huyện Yên Lập 30; dự án nhà máy nước sạch phục vụ nhân dân thị trấn và các xã lân cận…

Công trình thủy lợi hồ Ngòi Giành, xã Trung Sơn đang gấp rút được triển khai

Tiếp đà thành công, Yên Lập đang đẩy mạnh huy động, thu hút các nguồn lực đầu tư; phát huy tối đa nội lực và đóng góp của nhân dân; khuyến khích các doanh nghiệp tham gia đầu tư phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội theo hình thức đối tác công tư (PPP). Trong đó tập trung chỉ đạo hoàn thành hạ tầng các cụm công nghiệp, khu đô thị, khu nhà ở và các công trình, dự án trọng điểm; thu hút các dự án đầu tư phát triển giao thông có tính kết nối liên vùng. Tập trung tiến độ công trình thủy lợi hồ Ngòi Giành, xã Trung Sơn; cải tạo nâng cấp hệ thống kênh mương và các hồ đập trên địa bàn huyện để đáp ứng tốt hơn yêu cầu sản xuất nông nghiệp và cấp nước sinh hoạt cho nhân dân. Đồng thời đẩy mạnh xã hội hóa thu hút vốn đầu tư hạ tầng trong lĩnh vực y tế, giáo dục - đào tạo, dạy nghề, văn hóa, thể thao. Toàn huyện phấn đấu giai đoạn 2020 - 2025, tổng nguồn vốn đầu tư toàn xã hội đạt từ 5.000 tỷ đồng trở lên.

Những kết quả đạt được về đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng trong nhiệm kỳ qua là thành tích chào mừng Đại hội Đảng bộ huyện lần thứ XXIV, nhiệm kỳ 2020 - 2025. Đây cũng chính là minh chứng cho hướng đi đúng trong thực hiện khâu đột phá đã làm thay đổi diện mạo của huyện miền núi Yên Lập.

(Nguồn: Cổng TTĐT tỉnh Phú Thọ)