Hiệu quả từ mô hình" Trường học gắn với di sản Hát Xoan " ở trường Tiểu học Thượng Long
  • Cập nhật: 02/04/2019
  • Lượt xem: 18235 lượt xem

Sau hơn 2 năm triển khai mô hình “Trường học gắn với di sản văn hóa”, đến nay 100% các trường tiểu học, THCS trên địa bàn huyện Yên Lập đã thực hiện đưa hát xoan vào giảng dạy thông qua bộ môn âm nhạc và các hoạt động ngoại khóa. Trường tiểu học Thượng Long là một trong những trường tích cực triển khai có hiệu quả mô hình này, đã góp phần bảo tồn, gìn giữ và phát huy giá trị di sản hát xoan của Tỉnh.

Ngày đầu tuần, đến thăm trường tiểu học Thượng Long, huyện Yên Lập chúng tôi được nghe những câu xoan mượt mà, đằm thắm khi các em học sinh lớp 5A cất lên trong giờ học âm nhạc. Em Dương Thùy Trang- Học sinh lớp 5A, trường tiểu học Thượng Long, huyện Yên Lập đang say sưa tập luyện một bài xoan Cổ, khi được hỏi về hát xoan em chia sẻ "Trước đây khi được nghe hát xoan em không thích lắm, nhưng khi được các thầy cô dạy và tìm hiểu về hát xoan em lại cảm thấy rất hứng thú. Hiện nay, em và các bạn đã hát được nhiều bài như: Xe chỉ vá may, Bỏ bộ, Mời Vua... em rất muốn được học thêm nhiều bài hát xoan nữa.."

 


Các em trong Câu lạc bộ hát xoan của trường biểu diễn tại giờ ngoại khóa

 Để thực hiện hiệu quả mô hình “Trường học gắn với cuộc sống”, Trường tiểu học Thượng Long triển khai và thực hiện mô hình “Trường học gắn với Di sản văn hóa hát xoan Phú Thọ ngay từ đầu năm học Trường đã xây dựng kế hoạch bằng nhiều hình thức phong phú như: Mời nghệ nhân ở các phường xoan gốc đến dạy học sinh trong giờ hoạt động giáo dục tập thể toàn trường; dạy học sinh hát xoan trong giờ âm nhạc, trong các giờ sinh hoạt lớp, sinh hoạt đội. Bên cạnh đó, đầu tư về trang phục biểu diễn, đạo cụ phục vụ cho dạy hát xoan nhằm thu hút và tạo hứng thú cho các em học sinh.  Cô giáo Đỗ Thanh Hòa, giáo viên âm nhạc Trường tiểu học Thượng Long, Yên Lập cho biết " Do đối tượng là học sinh tiểu học nên những ngày đầu đưa hát xoan vào trường học cũng gặp khó khăn, hơn nữa giai điệu và ca từ cũng khó để các em nhớ nhanh. Tuy nhiên nhờ tích cực tuyên truyền và lựa chọn phương pháp giảng dạy phù hợp như: Cho các em xem băng đĩa hát xoan, dạy những bài từ đơn giản đến bài khó, tổ chức cho các em tham gia biểu diễn tạo hứng thú cho các em. Sau một thời gian các em đã yêu thích và hứng thú với loại hình này"

Xác định rõ tầm quan trọng của việc đưa di sản át xoan vào trường học, từ năm học 2010-2011 đến nay, trường đã tổ chức cho học sinh tham gia tìm hiểu về hát xoan, dạy hát xoan vào các giờ âm nhạc, tăng cường các hoạt động tìm hiểu, giao lưu với các trường trong huyện. Đến nay trường tiểu học Thượng Long đã thành lập được câu lạc bộ hát xoan thường xuyên luyện tập và biểu diễn trong các chương trình văn nghệ của trường và được mời biểu diễn trong các ngày kỷ niệm, lễ hội của địa phương. Với những tiếng hát trong trẻo, động tác múa mềm mại, hát xoan do các em học sinh biểu diễn là những tiết mục được nhiều khán giả chờ đón tham gia vào các chương trình, hội diễn.

Từ phong trào dạy hát xoan trong nhà trường đã phát huy hiệu quả tích cực giúp học sinh hiểu thêm về những giá trị văn hóa, tinh thần vô cùng to lớn kết tinh trong các làn điệu xoan, góp phần đổi mới toàn diện về giáo dục trong việc thực hiện mô hình "Trường học gắn với di sản văn hóa". Thầy giáo Hoàng Minh Hưng- Hiệu trưởng trường tiểu học Thượng Long, Yên Lập cho biết" Thời gian qua, nhà trường tổ chức tốt các hoạt động nhằm giữ gìn di sản văn hóa của quê hương như đưa hát xoan vào giảng dạy, giáo dục tích hợp qua bài giảng các bộ môn như: Âm nhạc. Thông qua đó giúp học sinh được giáo dục kỹ năng, hành vi ứng xử với di sản, di tích và nâng cao ý thức bảo vệ, gìn giữ di sản, di tích của quê hương mình, từ đó các em gắn bó yêu trường, yêu lớp hơn"

Việc giáo dục truyền thống cho học sinh thông qua di sản hát xoan ở trường tiểu học Thượng Long nói riêng, các nhà trường trên địa bàn huyện Yên Lập nói chung đã giúp các em đã hiểu hơn về truyền thống văn hóa, lịch sử của địa phương. Thông qua các hoạt động giao lưu, các em đã được phát triển nhiều các kỹ năng mềm. Song trên hết là sự tin tin, kỹ năng hòa nhập với cộng đồng và ý thức giữ gìn và lưu truyền di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc./.

 

Thực hiện: Hồng Vân- Xuân Đôn( Đài TT Yên Lập)