Hiệu quả công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Yên Lập
  • Cập nhật: 11/01/2019
  • Lượt xem: 46622 lượt xem

Những năm qua, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Yên Lập luôn được cấp ủy, chính quyền địa phương quan tâm, chú trọng, đã và đang phát huy hiệu quả thiết thực. Dù là nghề phi nông nghiệphay nông nghiệp, sau khi hoàn thành chương trình đào tạo nghề, phần lớn các học viên phát huy được kiến thức đã được học áp dụng trong sản xuất, chăn nuôi tại gia đình và một số doanh nghiệp trong và ngoài huyện, từ đó nâng cao thu nhập, giảm tỉ lệ hộ nghèo trong huyện.

Trong những năm qua, công tác đào tạo nghề, giải quyết việc làm cho người lao động luôn được các cấp ủy Đảng, chính quyền, ban, ngành,đoàn thể huyện Yên Lập quan tâm. Từ đó từng bước nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và giải quyết việc làm cho người lao động trên địa bàn. Trong thời gian thực hiện Đề án đào tạo nghề cho lao động nông thôn của huyện, cái được lớn nhất là người nông dân đã thay đổi được nhận thức. Từ thói quen lao động nhỏ lẻ trong sản xuất nông nghiệp, giờ đây phần lớn trong số họ đã mạnh dạn làm ăn nhờ những kiến thức, hiểu biết thông qua các lớp tập huấn, các chương trình đào tạo nghề... để đưa lại hiệu quả hơn trong sản xuất, kinh doanh.  Chị Hoàng Thị Ba, ở Khu Vông 2 xã Phúc Khánh huyện Yên Lập là một trong số những lao động có thu nhập khá nhờ tham gia học nghề. Trước đây, gia đình chị chỉ chăn nuôi nhỏ lẻ vài con lợn, hơn chục con gà nên thu nhập không đáng là bao. Sau khi học xong lớp phòng và trị bệnh cho lợn, có thêm kiến thức nắm chắc kỹ thuật chăn nuôi trong tay, chị đầu tư mở rộng thêm quy mô chăn nuôi tại gia đình. Hiện nay gia đình Chị nuôi hơn 80 con lợn rừng lai, kết hợp chăn nuôi gà thả vườn. Trừ chi phí gia đình thu lợi nhuận đạt từ 70 đến 100 triệu đồng mỗi năm. Chị Hoàng Thị Ba xã Phúc Khánh chia sẻ: "Sau khi tôi học xong lớp chăn nuôi do Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên tổ chức, tôi rút ra được nhiều kinh nghiệm trong chăn nuôi như là phòng trị bệnh cho lợn, phun thuốc khử trùng…Nhờ vậy mà đàn vật nuôi của gia đình tôi luôn phát triển ổn định".

lon1

Giáo viên Trung tâm GDNN-GDTX đang hướng dẫn thực hành cho Chị Hoàng Thị Ba  tiêm phòng cho lợn

Xác định đào tạo nghề cho lao động nông thôn là một trong những giải pháp giảm nghèo bền vững. Các cấp ủy đảng, chính quyền từ huyện đến cơ sở luôn đẩy mạnh công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức của nhân dân, nhất là đồng bào dân tộc thiểu số về việc học nghề, áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật mới vào sản xuất. Bên cạnh đó, luôn chú trọng việc tư vấn học nghề, giới thiệu việc làm dưới nhiều hình thức nhằm giúp người lao động lựa chọn được ngành nghề phù hợp. Chỉ tính riêng trong năm 2018, Trung tâm GDNN-GDTX huyện Yên Lập đã mở được 10 lớp đào tạo nghề cho gần 400 lao động nông thôn từ đó nâng tỉ lệ lao động qua đào tạo của huyện đạt trên 85%. Người lao động sau khi học các lớp đào tạo nghề đã phát huy được kiến thức về lĩnh vực mình được đào tạo, biết cách làm ăn, tăng năng suất lao động, tạo việc làm tại chỗ hoặc tự tìm kiếm việc làm để nâng cao thu nhập cho gia đình. Nhờ vậy, từng bước thay đổi phương thức sản xuất trong Nhân dân, chuyển dần từ sản xuất nhỏ lẻ tự cung, tự cấp sang sản xuất hàng hóa theo hướng dịch vụ có giá trị kinh tế cao.

lon2

Giờ học thực hành sửa chữa máy nông nghiệp tại xã Ngọc Đồng

Nhìn chung, công tác dạy nghề đã giúp lao động nông thôn tham gia các khoá học nghề hoặc tiếp cận với các ngành nghề mới, tạo thêm cơ hội có việc làm, ổn định cuộc sống, tạo điều kiện cho nhiều hộ vươn lên thoát nghèo bền vững. Để nâng cao chất lượng Công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn.Ông Nguyễn Mai Hoàng- Giám đốc Trung tâm GDNN-GDTX huyện Yên Lập cho biết: Chúng tôi tiếp tục làm tốt công tác thông tin, tuyên truyền đến người dân đặc biệt là trong độ tuổi lao động để học hiểu được việc học nghề, gắn với lập thân, lập nghiệp ; Phối hợp với các cơ quan chuyên môn của huyện như Phòng Nông nghiệp và PTNT , Khuyến nông, Hội nông dân trong công tác chuyển giao công nghệ  mở rộng mô hình có hiệu quả cho người dân đặc biệt là đồng bào dân tộc thiểu số ở các xã đặc biệt khó khăn giúp cho người dân mở rộng, cọ sát học nghề để giảm nghèo nhanh chóng". 

Tuy nhiên, công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn ở Yên Lập cũng gặp những khó khăn nhất định. Một bộ phận người lao động chưa có nhận thức đầy đủ về học nghề và việc làm nên đăng ký học nghề còn ít hoặc bỏ học giữa chừng, ảnh hưởng đến kết quả dạy nghề. Cơ sở vật chất, trang thiết bị, giảng viên trung tâm dạy nghề còn thiếu; kinh phí thực hiện công tác đào tạo nghề cho lao động nông thôn hạn chế so với yêu cầu… 

Có thể thấy rằng, việc đào tạo nghề cho lao động nông thôn đã góp phần thay đổi nhận thức và đời sống kinh tế - xã hội của nhân dân các dân tộc trên địa bàn huyện Yên Lập. Người lao động sau khi học nghề nâng cao kiến thức, áp dụng tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào lao động sản xuất, nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, góp phần xoá đói giảm nghèo bền vững, từng bước thực hiện có hiệu quả các tiêu chí xây dựng nông thôn mới./.

Hồng Vân, Xuân Đôn (Đài TT Yên Lập)