Nhằm giúp người nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận nguồn vốn ưu đãi của Chính phủ thuận lợi, tiết giảm chi phí, thực hiện quy chế dân chủ, công khai và tăng cường sự giám sát của chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội trong việc thực thi tín dụng chính sách, Ngân hàng CSXH đã xây dựng hệ thống điểm giao dịch tại xã, phường, thị trấn. Hoạt động của các điểm giao dịch được ví như “ngân hàng lưu động” của người nghèo.

Ngân hàng CSXH giải ngân nguồn vốn vay cho hộ nghèo và các đối tượng chính sách tại điểm giao dịch xã.
Phát huy vai trò “ngân hàng lưu động”
Với cách thức hoạt động “giao dịch tại nhà, giải ngân tại xã”, các điểm giao dịch của Ngân hàng CSXH huyện Yên Lập thực sự phát huy hiệu quả, huyện hiện có 17 điểm giao dịch xã. Để phục vụ khách hàng tại điểm giao dịch, Ngân hàng CSXH huyện đã thành lập các Tổ giao dịch tại xã, được trang bị đầy đủ điều kiện hoạt động của một ngân hàng, đảm bảo an ninh, an toàn để phục vụ cho phiên giao dịch. Tại các điểm giao dịch xã, Ngân hàng CSXH niêm yết công khai các chính sách, chương trình tín dụng ưu đãi của Nhà nước, quy trình, thủ tục của ngân hàng, danh sách hộ vay vốn, số dư nợ, thời hạn trả nợ của từng hộ vay, nội quy giao dịch để chính quyền địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội và người dân biết.
Ông Nguyễn Xuân Thành- Giám đốc Ngân hàng CSXH huyện Yên Lập cho biết: Trước kia, khi chưa có Điểm giao dịch xã, hoạt động tín dụng chính sách bị hạn chế bởi đối tượng chủ yếu là người nghèo và các đối tượng chính sách khác với những món vay nhỏ, lẻ. Việc đi lại giao dịch với ngân hàng gặp nhiều khó khăn, đặc biệt là ở các xã miền núi, vùng sâu, vùng xa. Sau khi điểm giao dịch xã được triển khai trong toàn hệ thống đã giúp người dân tiếp cận chính sách tín dụng ưu đãi nhanh chóng, thuận lợi hơn.
Theo số liệu từ Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh, toàn tỉnh hiện có 225 điểm giao dịch cố định đặt tại trụ sở 225 xã, phường, thị trấn. Mỗi điểm giao dịch đều có hòm thư góp ý, biển hiệu Điểm giao dịch xã, biển chỉ dẫn… Để tổ chức tốt một phiên giao dịch lưu động tại xã, trước mỗi phiên giao dịch cố định hàng tháng, cán bộ tín dụng có buổi họp giao ban với lãnh đạo xã, các hội, đoàn thể nhận ủy thác, các tổ trưởng tổ tiết kiệm vay vốn (TK&VV) nhằm đánh giá lại tình hình trong tháng, triển khai những chủ trương, chính sách mới, đề ra kế hoạch hoạt động trong tháng tiếp theo. Thông qua các buổi họp giao ban, các tổ trưởng Tổ TK&VV nắm bắt kịp thời các chủ trương, chính sách mới để phổ biến lại cho người dân có nhu cầu vay vốn hoặc đã vay vốn với các chương trình tín dụng ưu đãi từ Ngân hàng CSXH.
Ngoài ra, cán bộ tín dụng phải chuẩn bị nhiều công đoạn từ phương tiện vận chuyển, máy tính được cài đặt các chương trình hỗ trợ, máy in, máy đếm tiền cùng các thiết bị phụ trợ đi kèm như thùng đựng tiền, đựng sổ sách, chứng từ kế toán được làm bằng kim loại, thậm chí cả máy phát điện dự phòng nhằm đảm bảo an toàn trong quá trình vận chuyển cũng như giao dịch...
Trong phiên giao dịch, các giao dịch viên trực tiếp tuyên truyền, giải thích cho các hộ vay nói riêng, nhân dân nói chung về chủ trương, chính sách tín dụng của Nhà nước; hướng dẫn hộ vay thực hiện các thủ tục, hồ sơ về nghiệp vụ cho vay và các hồ sơ liên quan khác. Đồng thời thực hiện các giao dịch thu, chi thuộc nghiệp vụ tín dụng; tiếp nhận và xử lý thông tin góp ý, phản hồi của khách hàng.
Chị Lê Thị Thanh -Tổ trưởng tổ TK&VV 7B, khu Suối 1, xã Hương Lung, huyện Cẩm Khê cho biết: Có Điểm giao dịch tại xã đã giúp cho người làm thủ tục vay vốn, trả nợ ngay tại địa phương mà không phải ra ngân hàng. Cách làm này thực sự có lợi cho người dân, tiết giảm thời gian đi lại, chi phí và hơn nữa đảm bảo an toàn về tiền. Ngân hàng CSXH lại một lần nữa mở rộng cánh cửa “ưu đãi” với các hộ nghèo, hộ chính sách.

Các nội dung liên quan đến tín dụng chính sách được niêm yết công khai tại các điểm giao dịch xã của huyện Yên Lập.
Nâng cao hiệu quả hoạt động điểm giao dịch
Từ những hoạt động thiết thực đó, các điểm giao dịch xã đã tạo ra cơ hội để ngân hàng cũng như chính quyền, trực tiếp là các tổ chức nhận ủy thác tiếp nhận nhiều thông tin từ người nghèo, nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, qua đó đưa ra các giải pháp cụ thể để tư vấn, hỗ trợ kịp thời các đối tượng vay vốn đầu tư phát triển kinh tế, cải thiện cuộc sống. Bên cạnh đó, điểm giao dịch xã còn có vai trò quan trọng, tạo điều kiện cho nhân dân và chính quyền địa phương thực hiện kiểm tra, giám sát đối với hoạt động của Ngân hàng CSXH trên địa bàn; giúp hạn chế tối đa những sai sót, tổn thất, góp phần nâng cao hiệu quả sử dụng đồng vốn.
Với thủ tục vay vốn đơn giản, mạng lưới hoạt động được phủ kín, thái độ cán bộ Ngân hàng CSXH tận tình, chu đáo nên hàng năm, hoạt động giao dịch tại Điểm giao dịch xã đã giải quyết trên 98% tổng giá trị giao dịch của khách hàng với Ngân hàng CSXH. Hiện Ngân hàng CSXH tỉnh đang thực hiện cho vay 20 chương trình tín dụng chính sách (TDCS), tổng nguồn vốn hoạt động của Chi nhánh đạt gần 5.180 tỉ đồng, tổng dư nợ cho vay các chương trình tín dụng trên địa bàn đạt 5.170 tỉ đồng, số khách hàng còn dư nợ 110.980 khách hàng, tỉ lệ nợ xấu chiếm 0,11%/ tổng dư nợ.
Ông Trương Việt Phương- Giám đốc Ngân hàng CSXH Chi nhánh tỉnh khẳng định: Điểm giao dịch xã là mô hình thu nhỏ của Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH cấp huyện, hoạt động giao dịch xã nhằm giúp hộ nghèo và các đối tượng chính sách tiếp cận dễ dàng với TDCS của Chính phủ và dịch vụ tài chính được thuận lợi. Hiệu quả giao dịch được nâng lên rõ rệt, thời gian giao dịch được rút ngắn so với trước đây. Đây thực sự là bước tiến trong cải cách thủ tục hành chính, là một đặc thù riêng có của Ngân hàng CSXH, thể hiện tính nhân văn sâu sắc của loại hình “ngân hàng lưu động” đối với người nghèo và các đối tượng chính sách khác.
Thời gian tới, Ngân hàng CSXH tiếp tục củng cố, nâng cao chất lượng hoạt động tại các Điểm giao dịch để tạo điều kiện cho người dân được tiếp cận, làm quen với các dịch vụ ngân hàng; thường xuyên tổ chức kiểm tra, giám sát nhằm củng cố, kiện toàn kịp thời đối với các điểm giao dịch; tiếp tục nâng cao trình độ, đạo đức nghề nghiệp, xây dựng tác phong phục vụ nhân dân của đội ngũ cán bộ các cấp, các hội, đoàn thể và cán bộ Ngân hàng CSXH ngày càng chuyên nghiệp. Đồng thời làm tốt công tác tư vấn, lồng ghép có hiệu quả hoạt động vay vốn ưu đãi của khách hàng với các chương trình khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư để các dự án kinh tế mang lại hiệu quả rõ rệt; tăng cường các giải pháp nâng cao chất lượng tín dụng nhằm quản lý, sử dụng hiệu quả nguồn vốn ưu đãi của Nhà nước, góp phần cùng các cấp, ngành và các địa phương đẩy mạnh phát triển kinh tế, xóa đói, giảm nghèo, đảm bảo công tác an sinh xã ở địa phương.