Yên Lập: Hiệu quả từ nguồn vốn Chính sách xã hội
  • Cập nhật: 26/11/2021
  • Lượt xem: 4169 lượt xem

Những năm qua, nhờ được tiếp cận và sử dụng có hiệu quả nguồn vốn vay từ Ngân hàng Chính sách xã hội (CSXH), nhiều hộ nghèo, cận nghèo, hộ gia đình dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Yên Lập đã có điều kiện đầu tư phát triển kinh tế, vươn lên thoát nghèo và từng bước làm giàu trên chính mảnh đất quê hương.

Gia đình bà Đỗ Thị Yến - khu Quang Tiến, xã Ngọc Lập là một trong những hộ gia đình được vay vốn của Ngân hàng CSXH huyện để phát triển kinh tế theo chương trình tín dụng dành cho đối tượng sản xuất kinh doanh. Với số vốn vay của Ngân hàng CSXH, gia đình bà đầu tư trồng các loại cây ăn quả như: Bưởi, cam, ổi và trồng rừng, chỉ trong vòng 5 năm cho thu nhập gần 100 triệu đồng/năm.  Bà Đỗ Thị Yến- Khu Quang Tiến xã Ngọc Lập chia sẻ “ Tôi vay nguồn vốn từ ngân hàng CSXH từ năm 2017, về tôi sử dụng nguồn vốn này trồng cây ăn quả, trong 5 năm tôi có thu nhập đem lại hiệu quả kinh tế cho người lao động. Nhìn chung nguồn vốn này rất phù hợp với bà con nhân dân”.


 


Vườn cây ăn quả của gia đình bà Đỗ Thị Yến - khu Quang Tiến, xã Ngọc Lập, chuẩn bị cho thu hoạch.


 Để nguồn vốn thực sự trở thành người bạn đồng hành cùng người dân giúp cho nhiều hơn nữa những gia đình như gia đình bà Yến thoát nghèo bền vững, cán bộ tín dụng luôn bám sát cơ sở, phối hợp cùng các cấp chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể xem xét, thẩm định kỹ, chính xác những trường hợp vay vốn gặp rủi ro do thiên tai dịch bệnh, để kịp thời hỗ trợ. Đến nay, nguồn vốn tín dụng chính sách được đưa đến 100% các xã, thị trấn trên địa bàn huyện với nhiều chương trình tín dụng ưu đãi như cho vay hộ nghèo, cận nghèo, mới thoát nghèo, cho vay hộ sản xuất, kinh doanh vùng khó khăn, nước sạch và vệ sinh môi trường, cho vay sửa chữa và làm nhà ở, giải quyết việc làm... Chất lượng tín dụng không ngừng được củng cố và nâng cao, nợ quá hạn và nợ khoanh luôn được kiểm soát ở mức thấp.. Bên cạnh đó, Ngân hàng CSXH huyện còn chủ động phối hợp với địa phương tham gia tư vấn phát triển sản xuất; hướng dẫn các hộ áp dụng khoa học kỹ thuật sản xuất, kinh doanh; triển khai các mô hình kinh tế phù hợp với tiềm năng và lợi thế tại mỗi địa phương. Từ đó, phát huy vai trò cầu nối, đưa tín dụng ưu đãi đến với hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác, góp phần tích cực vào công tác xóa đói giảm nghèo trên địa bàn. Ông: Đinh Xuân Hôn - Chủ tịch UBND xã Ngọc Lập cho biết: “Đối với Ngọc Lập chúng tôi hiện nay Tổng dư nợ là gần 40 tỉ. Cái hiệu quả phát triển kinh tế xã hội đối với các hộ trên địa bàn rất là hiệu quả. Bây giờ tỉ lệ hộ nghèo của xã giảm . Theo kết quả điều tra năm 2021 tỉ lệ hộ nghèo còn 126 hộ bằng 7,4%”.


Khách hàng đến giao dịch tại xã Ngọc Lập

Đến thời điểm hiện tại, tổng dư nợ 16 chương trình tín dụng đang được triển khai đạt gần 490 tỉ đồng, số hộ khách hàng còn dư nợ trên 12.900 khách hàng.Từ đầu năm đến nay đã có trên 3.000  lượt hộ nghèo và các đối tượng chính sách khác được vay vốn  bình quân cho vay gần 52triệu đồng/khách hàng. Để nguồn vốn đến tay hộ nghèo và các đối tượng chính sách có hiệu quả; hàng năm, phòng giao dịch NHCSXH huyện Yên Lập đã phối hợp với UBND các xã, thị trấn và các tổ chức chính trị- xã hội tổ chức tuyên truyền, triển khai thực hiện các chủ trương, chính sách mới của Chính phủ, của tỉnh và địa phương; thực hiện niêm yết công khai đầy đủ các chính sách tín dụng ưu đãi về cho vay hộ nghèo, hộ cận nghèo và các đối tượng chính sách tại 17 xã, thị trân. Đồng thời, thường xuyên chỉ đạo, rà soát chất lượng hoạt động của các tổ tiết kiệm và vay vốn, kiểm tra việc bình xét cho vay đảm bảo công khai, minh bạch, đôn đốc, giám sát việc sử dụng vốn vay đúng mục đích, trả nợ, trả lãi đúng quy định.  Ông Trần Xuân Huế - Phó Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện cho biết: “Trước khó khăn của đại dịch Covid-19 cũng ảnh hưởng rất nhiều đến hoạt động tín dụng, chính sách nhất là bà con người nghèo và đối tượng chính sách, Phòng giao dịch Ngân hàng CSXH huyện chúng tôi thường xuyên cập nhật rà soát các đối tượng khó khăn kịp thời kéo dài thời gian trả nợ, hai là cho vay bổ xung để các  có nguồn vốn sản xuất kinh doanh, khắc phục khó khăn. Tham mưu cho ban quản trị Ngân hàng CSXH huyện để phân bổ nguồn vốn cấp trên của Ngân hàng tỉnh cho các xã triển khai đối tượng hộ nghèo, chính sách vay vốn”

Nguồn vốn tín dụng chính sách đã góp phần quan trọng trong việc ổn định đời sống nhân dân các chỉ tiêu giảm nghèo và giải quyết việc làm cơ bản đạt kế hoạch. Với những nỗ lực đó, Ngân hàng CSXH huyện đã góp phần tích cực thực hiện mục tiêu, nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội đặc biệt trong chương trình giảm nghèo và giải quyết việc làm, đảm bảo an sinh xã hội và xây dựng nông thôn mới trên địa bàn huyện./.

Bài, ảnh: Hồng Vân- Xuân Đôn ( Đài Yên Lập)