Đậm đà thịt thính Mỹ Lung
  • Cập nhật: 27/01/2023
  • Lượt xem: 1214 lượt xem

Trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc, các gia đình đều sắp mâm cỗ với những món ăn đặc trưng như gà luộc, nem rán, chả nướng, giò, thịt đông…Để bữa cơm ngày Tết phong phú, trong mâm cỗ Tết của người Mường xã Mỹ Lung huyện Yên Lập còn có thêm món thịt thính, một món ăn dân dã được chế biến từ thịt lợn.


Thịt thính Mỹ Lung- đặc sản xứ Mường


Thịt lợn được chọn làm thính phải tươi, ngon, có cả nạc và mỡ.

Anh Khúc Văn Đạt - Chủ cơ sở sản xuất thịt thính xứ Mường, khu 5, xã Mỹ Lung cho biết: Thịt thính là món ăn truyền thống của người dân tộc Mường. Thời trước, khi cuộc sống còn khó khăn nên người Mường làm thịt thính để bảo quản thức ăn dự trữ. Ngày nay, cuộc sống khá giả hơn nhưng món thịt thính vẫn được người dân sử dụng trong những ngày Tết cổ truyền của dân tộc.



Sau khi được rửa sạch bằng nước muối pha loãng, để ráo nước, thịt được pha thành những miếng đều nhau.


Gia vị để ướp thịt gồm tỏi xay, hạt nêm, mì chính, hạt tiêu…



Thịt được trộn đều gia vị và ướp trong bốn tiếng rồi đem lăn thính...


...và đem ép, ủ trong hai ngày.

Theo anh Đạt, để làm món thịt thính ngon, cả con lợn chỉ chọn phần thịt bụng vì có cả mỡ, nạc. Tảng thịt phải được rửa sạch bằng nước muối, để ráo sau đó pha ra thành những miếng như lòng bàn tay rồi ướp với gia vị gồm hạt nêm, mì chính, tỏi, hạt tiêu... Nguyên liệu để làm bột thính chính là hạt ngô tẻ. Ngô được phơi khô, ngâm qua nước rồi rang vàng sau đó xay thành bột, bột thính có mùi thơm, màu vàng. Sau khi ướp thịt với gia vị được bốn tiếng thì đem thịt lăn đều qua thính rồi ủ tiếp trong hai ngày để đạt độ chua tiêu chuẩn trước khi đóng gói thành phẩm.


Sau hai ngày thịt thính được đóng túi, hút chân không, đưa vào tủ lạnh bảo quản trong 45 ngày thì ăn


Nguồn: Báo Phú Thọ