Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng qua các giai đoạn lịch sử
  • Cập nhật: 06/04/2022
  • Lượt xem: 2598 lượt xem

Giỗ Tổ Hùng Vương được bắt đầu từ thời đại Hùng Vương, một thời kỳ lịch sử có thật trong tiến trình dựng nước và giữ nước. Thời đại này được ghi chép không chỉ trong sử sách của nước ta mà còn trong những cuốn sách cổ của người Trung Hoa. Các thế hệ người Việt luôn thể hiện lòng thành kính và biết ơn Tổ Tiên đã có công dựng nước, giữ nước và truyền lại cho các thế hệ đạo lý “Uống nước nhớ nguồn”, một giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc.

Và mỗi năm đến hẹn lại lên, cứ đến đầu tháng 3 âm lịch, dòng người khắp nơi trên cả nước lại tụ hội về Đền Hùng, về với mảnh đất cội nguồn linh thiêng của dân tộc, thắp nén nhang thơm tưởng nhớ công đức Vua Hùng từ thuở Hồng Hoang đi khai sơn, lập địa và đắm mình trong không khí Lễ hội mang đậm bản sắc văn hóa vùng Đất Tổ.


Vào mỗi dịp 10/3 âm lịch hàng năm, ngày giỗ Tổ Hùng Vương, Đền Hùng đónhàng triệu du khách từ mọi miền đổ về hành hương tưởng nhớ các đời vua Hùng đã có công dựng nước. Đền Hùng được Bộ Văn hóa thông tin xếp hạng là khu di tích đặc biệt của quốc gia vào năm 1962.

Theo cuốn “Việt Nam thần kỳ hội lục” Bộ lễ soạn năm Lê Cảnh Hưng thứ 24 (1763) cả nước có 73 làng xã thờ Vua Hùng, vợ con, tướng lĩnh, có 12 làng có sắc phong. Theo thống kê của Cục văn hóa cơ sở Bộ Văn hóa-Thông tin- Du lịch (nay là Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch) năm 2009 có 1417 di tích thờ Vua Hùng và các nhân vật thời đại Hùng Vương, gấp nhiều lần so với thế kỷ XVIII.

Sự tồn tại của Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng luôn gắn chặt với quá trình phát triển của quốc gia, dân tộc. Nhưng có một điểm chung, dù thời đại nào, sự kiện văn hóa tâm linh đặc biệt này cũng luôn được coi trọng, bảo tồn và gìn giữ.

Ở thời kỳ Bắc Thuộc, mặc dù dưới ách thống trị của nhà Hán nhưng nhân dân xung quanh Đền Hùng vẫn trông nom, tu sửa Đền và tiến hành nghi lễ cúng tế hàng năm. Thời kỳ này Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng được tổ chức quy mô địa phương và diễn ra ở các làng gần dưới chân núi Hùng. Sau khi tế lễ xong, dân làng tổ chức các trò rước voi, ngựa, rước tiếng hú, tục rước chúa gái và diễn trò Bách nghệ khôi hài,…

Thời kỳ các triều đại Phong Kiến, theo bản “Ngọc phả Đền Hùng” một di sản quý giá được lưu giữ tại Bảo Tàng Hùng Vương do Hàn lâm viện sĩ Nguyễn Cố Phụng soạn vào năm Hồng Đức nguyên niên (Lê Thánh Tông 1470)nói rằng: “...Từ nhà Triệu, nhà Đinh, nhà Lê, nhà Lý, nhà Trần đến triều đại ta bây giờ là Hồng Đức Hậu Lê vẫn cùng hương khói trong ngôi đền ở làng Trung Nghĩa (xã Hy Cương), ở đây nhân dân toàn quốc đều đến lễ bái để tưởng nhớ công lao của đức Thánh tổ xưa”.  Cuối bản Ngọc Phả ghi “những ruộng đất sưu thuế từ xưa để lại dùng vào việc cúng tế vẫn không thay đổi...”. Theo Ngọc Phả thì từ thời vua Lê Thánh Tông đã trở thành Quốc Lễ. Việc Tế lễ do triều đình chủ trì, triều đình ủy quyền cho quan trấn thay mặt cho triều đình vào tế. Triều đình cho dân xã Hy Cương được miễn thuế 500 mẫu ruộng, miễn đóng sưu, miễn đi phu, đi lính. Ngoài ra còn được trích một khoản thuế điền thổ phục vụ cho việc phúng tế hàng năm.

Đến thời kỳ cách mạng và kháng chiến, Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng rất được coi trọng. Giỗ Tổ năm 1946, Chính phủ lâm thời cử cụ Huỳnh Thúc Kháng quyền Chủ tịch nước lên dự. Cụ đã làm lễ dâng hương, lễ vật có kèm bản đồ tổ quốc và một thanh gươm báo cáo với Tổ Tiên về vận nước vừa thoát khỏi ách nô lệ nhưng lại đang đứng trước họa xâm lăng. Sắc lệnh năm 1946 cũng ghi rõ ngày Giỗ Tổ Hùng Vương được nghỉ 01 ngày. Vào những năm 1949-1952 thực dân Pháp đã tổ chức 02 cuộc càn quét vào khu vực Đền Hùng, chúng đàn áp nhân dân và lên đốt phá các ngôi Đền trong đó có Đền Thượng. Vào cuối năm 1953 đầu năm 1954, Đền Thượng được người dân tu sửa lại.

Sau kháng chiến chống thực dân Pháp thắng lợi, năm 1954 Chủ tịch Hồ Chí Minh từ Chiến khu Việt Bắc về Đền Hùng dâng hương tưởng niệm Vua Hùng và nói chuyện với Đại đoàn quân tiên phong trước khi về tiếp quản Thủ đô Hà Nội. Trong buổi nói chuyện Người căn dặn:

Các vua Hùng đã có công dựng nước

Bác cháu ta phải cùng nhau giữ lấy nước”.

Năm 1956, Bộ Văn hóa phối hợp với Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ tổ chức Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng với quy mô lớn nhưng lại bị phê bình là phục hồi lệ cổ phong kiếnvà từ năm 1957 đến những năm sau đó Giỗ Tổ được tổ chức với quy mô nhỏ gọn.

Đến năm 1968, cuộc kháng chiến chống Mỹ trong giai đoạn quyết liệt. Đảng và Nhà nước ta quyết định nghiên cứu về thời đại Hùng Vương, do Thủ tướng Phạm Văn Đồng trực tiếp chỉ đạo. Sau 3 năm nghiên cứu với 4 cuộc hội thảo, 167 báo cáo khoa học, các nhà khoa học đã kết luận về thời đại Hùng Vương là có thật trong lịch sử và nước ta có truyền thống 4000 năm dựng nước và giữ nước, kết luận này đã góp phần không nhỏ vào việc hun đúc ý chí, huy động sức mạnh toàn dân tộc trong cuộc kháng chiến chống Mỹ cứu nước đem lại thắng lợi vẻ vang cho dân tộc.

Thời kỳ cả nước đi lên Chủ nghĩa xã hội đến nay, Giỗ Tổ Hùng Vương- Lễ hội Đền Hùng ngày càng được quan tâm một cách toàn diên, đánh dấu sự thay đổi vượt bậc. Sự kiện này ngày càng được tổ chức quy mô hơn, dài ngày hơn, trang trọng hơn. Các năm tròn (năm có chữ cuối cùng là 0) được tổ chức với quy mô cấp quốc gia, Bộ Văn hóa Thể thao và Du lịch và Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ tổ chức, mời lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Quốc hội, Chính phủ, UBTWMTTQ Việt Nam và lãnh đạo các tỉnh, thành phố, các đoàn thể dự lễ dâng hương. Trong các năm tròn như 2005, 2010, 2015 được tổ chức trang trọng, với nhiều các hoạt động phong phú, đa dạng, thu hút số lượng lớn các đơn vị, các đoàn nghệ thuật và đông đảo nhân dân trong cả nước tham gia.

Lễ hội đền Hùng – Ngày quốc giỗ của cả nước

Trải qua các giai đoạn lịch sử, có những lúc thăng trầm, nhưng có thể nhận thấy rằng Giỗ Tổ Hùng Vương - Lễ hội Đền Hùng luôn đón nhận được sự quan tâm của các triều đại, nhà nước. Và thời kỳ nào sự kiện linh thiêng này cũng thu hút đông đảo người dân cả nước với một trái tim hướng về nguồn cội. Có thể thấy rằng, trên thế giới hiện nay vẫn còn tồn tại nhiều cuộc hành hương về với cội nguồn tâm linh như: Người theo đạo Phật hành hương về Tây Trúc, người theo đạo Hồi hành hương về thánh địa Lamacque, người Do Thái hành hương về Jerusalem,… Nhưng việc hành hương về Giỗ Tổ Hùng Vương lại mang ý nghĩa khác. Nó không mang yếu tố tôn giáo mà là sự tự nguyện, là ý nguyện của mỗi người dân được về với mảnh đất cội nguồn, đó là nét đặc trưng văn hóa tâm linh riêng biệt chỉ tìm thấy ở người dân Việt Nam, dân tộc Việt Nam.

Nguyễn Sáng (Trung tâm VH-TT-DL và Truyền thông)