Từ 18h00 ngày 02/11/2021đến 18h00 ngày 03/11/2021, tỉnh Phú Thọ ghi nhận 16 ca mắc COVID-19 mới. Chủ tịch UBND tỉnh Bùi Văn Quang yêu cầu triển khai thực hiện một số biện pháp nhằm tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19 và chấn chỉnh việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ quan, đơn vị.
Tình hình dịch bệnh trong nước
Sáng 03/11/2021, Bộ Y tế cho biết, Việt Nam lũy tích có 932.357 ca mắc COVID-19. Trong số các bệnh nhân nhiễm COVID-19, có 824.806 ca điều trị khỏi; 22.205 ca tử vong. Một số tỉnh, thành phố có số ca mắc trong ngày cao: Đồng Nai (858), Bình Dương (780), Thành phố Hồ Chí Minh (682), Kiên Giang (421)...
Diễn biến tình hình dịch trên địa bàn tỉnh:
Từ 18h00 ngày 02/11/2021 đến 06h00 ngày 03/11/2021, tỉnh Phú Thọ ghi nhận 34 ca mắc COVID-19 mới; trong đó, có 14 trường hợp trường hợp F1 hoặc trong vùng phong tỏa, đã được cách ly, theo dõi và quản lý; 02 trường hợp trở về từ thành phố Hồ Chí Minh và tỉnh Bình Dương; 18 trường hợp mắc mới trong cộng đồng (01 ca tại phường Tân Dân - thành phố Việt Trì; 02 ca tại xã Bình Phú - huyện Phù Ninh; 15 ca liên quan đến ổ dịch huyện Thanh Sơn tại xã: Tề Lễ - huyện Tam Nông; xã Ngọc Đồng - huyện Yên Lập; thị trấn Thanh Sơn và các xã: Sơn Hùng, Võ Miếu - huyện Thanh Sơn).
Từ 06h00 đến 18h00 ngày 03/11/2021, tỉnh Phú Thọ ghi nhận 16 ca mắc COVID-19 mới; trong đó, có 15 trường hợp F1 hoặc trong vùng phong tỏa, đã được cách ly, theo dõi và quản lý; 01 trường hợp mắc mới trong cộng đồng (tại xã Hoàng Cương - huyện Thanh Ba, liên quan đến ổ dịch huyện Thanh Sơn).
Như vậy, trong ngày 03/11/2021, tỉnh Phú Thọ ghi nhận 50 ca mắc COVID-19 mới. Lũy tích từ ngày 14/10/2021 đến nay, toàn tỉnh ghi nhận 839 ca mắc COVID-19 tại: Thành phố Việt Trì 458 ca (tại 21 xã, phường); huyện Lâm Thao 148 ca (tại 11 xã, thị trấn); huyện Phù Ninh 107 ca (tại 10 xã, thị trấn); huyện Thanh Sơn 73 ca (tại 06 xã, thị trấn); thị xã Phú Thọ 19 ca (tại 04 xã); huyện Tam Nông 13 ca (tại 05 xã); huyện Tân Sơn 08 ca (tại 04 xã); huyện Thanh Thủy 05 ca (tại 04 xã, thị trấn); huyện Cẩm Khê 03 ca (tại 03 xã); huyện Yên Lập 02 ca (tại 01 xã); huyện Hạ Hòa 02 ca (tại 01 xã) và huyện Thanh Ba 01 ca (tại 01 xã).
Có 04 đơn vị cấp xã mới ghi nhận ca mắc COVID-19 (xã Võ Miếu - huyện Thanh Sơn; xã Thụy Liễu - huyện Cẩm Khê; xã Ngọc Đồng - huyện Yên Lập; xã Hoàng Cương - huyện Thanh Ba).
Tình hình điều trị các bệnh nhân COVID-19 và cách ly y tế:
+ Trên địa bàn tỉnh
Trong ngày 03/11/2021, có 26 trường hợp tại Bệnh viện dã chiến số 01 của tỉnh đủ điều kiện và ra viện. Lũy tích toàn tỉnh có 109 trường hợp ra viện tại Bệnh viện dã chiến được bàn giao về địa phương tiếp tục được theo dõi, cách ly và quản lý.
Bệnh viện dã chiến tỉnh Phú Thọ số 01 đang theo dõi, điều trị 225 ca bệnh; trong đó, có 11 ca mức độ vừa đang điều trị thuốc; 214 ca mức độ nhẹ, không triệu chứng; 01 trường hợp chuyển về Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới Trung ương.
Bệnh viện dã chiến tỉnh Phú Thọ số 02 đang theo dõi, điều trị 177 ca bệnh đều mức độ nhẹ, không triệu chứng.
Toàn tỉnh hiện đang quản lý, theo dõi 6.098 F1 (trong đó, có 253 trường hợp cách ly tập trung và 5.845 trường hợp cách ly tại nhà); có 18.611 F2 và 23.275 F3 đang thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh theo quy định.
+ Trên địa bàn huyện Yên Lập:
Bệnh viện dã chiến của huyện đang theo dõi, điều trị cho 02 ca bệnh. Tổng số F1 liên quan đến ổ dịch ở huyện Thanh Sơn, TP. Việt Trì, xã Ngọc Đồng: 38 trường hợp, trong đó 15 trường hợp đang cách ly tại Khu cách ly tập trung của huyện, 23 trường hợp cách ly tại nhà, nơi cư trú, sức khoẻ bình thường. Có 521 trường hợp F2, 240 F3 hiện đang cách ly theo dõi sức khoẻ tại nhà, nơi cư trú, sức khoẻ bình thường.
Cách ly tại Khu cách ly tập trung của huyện: Đến thời điểm hiện tại có 20 trường hợp đang cách ly tại đây, hiện tại sức khỏe bình thường. Luỹ tích có 47 trường hợp cách ly tại đây.
Cách ly tại nhà, nơi cư trú: Tính từ ngày 15/7/2021 đến nay, tổng số trường hợp thuộc diện cách ly y tế là: 4.021 trường hợp; trong đó: Số trường hợp đã hoàn thành cách ly: 3.421 trường hợp. Số trường hợp đang cách ly tại nhà, nơi cư trú: 600 trường hợp (tăng 44 trường hợp so với ngày 02/11/2021), trong đó 21 trường hợp trở về từ Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh phía Nam, 579 trường hợp tiếp xúc gần và trở về từ các vùng có dịch khác).
Đánh giá cấp độ dịch (theo Nghị quyết 128/NQ-CP, ngày 11/10/2021 của Chính phủ; Quyết định 4800/QĐ-BYT, ngày 12/10/2021 của Bộ Y tế):
- Toàn tỉnh: Ở cấp độ 2 (số ca mắc mới trong cộng đồng xấp xỉ 7,56 ca/100.000 dân/tuần; 69,2% người dân từ 18 tuổi trở lên được tiêm ít nhất một liều vắc xin COVID-19).
- Cấp huyện:
+ Huyện Thanh Sơn ở cấp độ 3.
+ 11/13 đơn vị cấp huyện ở cấp độ 2: Thành phố Việt Trì, thị xã Phú Thọ và các huyện: Lâm Thao, Phù Ninh, Tam Nông, Thanh Thủy, Cẩm Khê, Hạ Hòa, Thanh Ba, Tân Sơn và Yên Lập.
+ Huyện Đoan Hùng đang ở cấp độ 1.
+ Có 4 đơn vị cấp xã ở cấp độ 4 (xã Chu Hóa - thành phố Việt Trì; thị trấn Thanh Sơn và các xã: Thục Luyện, Sơn Hùng - huyện Thanh Sơn).
+ Có 05 đơn vị cấp xã ở cấp độ 3 (các phường: Thọ Sơn, Vân Cơ và xã Thụy Vân - thành phố Việt Trì; xã Kim Thượng - huyện Tân Sơn; xã Ngọc Đồng – huyện Yên Lập)
+ Có 44 đơn vị cấp xã ở cấp độ 2:
Thành phố Việt Trì (12) gồm: Các phường: Tiên Cát, Minh phương, Tân Dân, Nông Trang, Minh Phương, Minh Nông và các xã: Thanh Đình, Kim Đức, Vân Phú, Hùng Lô, Sông Lô, Trưng Vương.
Thị xã Phú Thọ (04) gồm các xã: Phú Hộ, Hà Thạch, Thanh Minh, Thanh Vinh.
Huyện Lâm Thao (09) gồm: Thị trấn Hùng Sơn, thị trấn Lâm Thao và các xã: Tiên Kiên, Cao Xá, Sơn Vi, Phùng Nguyên, Xuân Lũng, Vĩnh Lại, Thạch Sơn.
Huyện Phù Ninh (06) gồm các xã: Trị Quận, Hạ Giáp, Phú Lộc, An Đạo, Phù Ninh, Bình Phú.
Huyện Tam Nông (03) gồm các xã: Bắc Sơn, Vạn Xuân, Tề Lễ.
Huyện Hạ Hòa (01): Xã Đại Phạm.
Huyện Thanh Thủy (03): Thị trấn Thanh Thủy và các xã: Đào Xá, Đồng Trung.
Huyện Cẩm Khê (01): Xã Điêu Lương.
Huyện Thanh Sơn (02) gồm các xã: Giáp Lai, Thạch Khoán.
Huyện Tân Sơn (03) gồm các xã: Văn Luông, Mỹ Thuận, Thu Cúc.
+ 172 đơn vị cấp xã còn lại ở cấp độ 1.
Công tác tiêm chủng: Trong ngày 03/11/2021, toàn tỉnh tổ chức tiêm 7.586 liều vắc xin COVID-19; trong đó, có 5.806 mũi thứ nhất và 1.780 mũi thứ hai. Không phát hiện trường hợp phản ứng thông thường và phản ứng nặng sau tiêm chủng.
Lũy tích toàn tỉnh Phú Thọ đã tiêm 832.698 mũi vắc xin phòng COVID-19; trong đó, có 731.936 người đã được tiêm ít nhất một mũi vắc xin phòng COVID-19 (tỷ lệ người dân trên 18 tuổi toàn tỉnh được tiêm ít nhất một mũi vắc xin phòng COVID-19 đạt 69,2%; có 100.762 người được tiêm đủ hai mũi vắc xin (tỷ lệ người dân trên 18 tuổi toàn tỉnh được tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19 đạt 9,5%).
Lũy tích toàn huyện có 17.162 liều vắc xin phòng COVID-19 đã được tiêm, trong đó: 13.959 người được tiêm mũi thứ 1; 3.203 người được tiêm mũi thứ 2.
Triển khai thực hiện một số biện pháp nhằm tăng cường công tác phòng chống dịch COVID-19
Ngày 03/11/2021, UBND tỉnh ban hành Văn bản 5096/UBND-KGVX và văn bản số 5114/UBND-KGVX yêu cầu các sở, ban, ngành; UBND các huyện, thành, thị khẩn trương triển khai một số nội dung sau:
Áp dụng các biện pháp tổng thể trong phòng chống dịch COVID-19
Đối với quy mô toàn tỉnh:
- Các hoạt động hội họp, hội thảo, tập huấn…trong nhà không quá 30 người trong cùng một phòng kín. Các hoạt động ngoài trời không tổ chức quá 50 người trong cùng một địa điểm và giữ khoảng cách tối thiểu 02 mét.
- Tạm dừng hoạt động đối với một số dịch vụ có nguy cơ cao lây nhiễm như vũ trường, quán bar, karaoke, mát-xa, cơ sở cung cấp dịch vụ internet, trò chơi điện tử, spa - làm đẹp, phòng tập gym, câu lạc bộ bi-a… Đối với dịch vụ nhà hàng, quán ăn, uống không phục vụ tại chỗ, chỉ bán hành mang về cho đến khi có thông báo mới. Không tổ chức kinh doanh từ 21 giờ 30’ đến 05 giờ 00’ sáng. Các hoạt động sản xuất, kinh doanh, dịch vụ khác được phép thực hiện song phải đảm bảo tuân thủ các quy định về phòng chống dịch COVID-19; yêu cầu phải đăng ký điểm khai báo y tế bằng mã QR-Code tại các đơn vị, đồng thời bắt buộc toàn bộ người đến cơ quan, đơn vị phải thực hiện khai báo y tế thông qua quét mã QR-Code bằng phần mềm (PC-COVID) để thuận lợi cho việc truy vết.
- Hoạt động vận tải hành khách, vận tải hàng hóa nội tỉnh, liên tỉnh: Theo quy định của Bộ Giao thông Vận tải và hướng dẫn của Sở Giao thông Vận tải tỉnh.
- Hoạt động giáo dục, đào tạo: Căn cứ hướng dẫn của Bộ Giáo dục và Đào tạo, đồng thời bám sát tình hình diễn biến dịch bệnh để chỉ đạo tổ chức việc dạy, học tại các cấp học cho phù hợp. Đối với các khu vực có nguy cơ cao: Tiếp tục triển khai dạy học theo hình thức trực tuyến để đảm bảo an toàn phòng, chống dịch.
- Hoạt động tại các cơ quan hành chính, sự nghiệp, các tổ chức đoàn thể: Giảm 30 - 50% số người làm việc, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin làm việc trực tuyến từ xa (trừ các lực lượng trực tiếp tham gia phòng, chống dịch; các cơ quan, đơn vị có trên 80% cán bộ, công chức, viên chức, người lao động được tiêm đủ liều vắc xin phòng COVID-19).
- Hoạt động tôn giáo, tín ngưỡng, thờ tự; các hoạt động biểu diễn văn hóa, nghệ thuật, thể dục, thể thao được phép tổ chức với quy mô tối đa 20 người/phòng kín hoặc không quá 30 người/địa điểm ngoài trời và giữ khoảng cách tối thiểu 02 mét.
- Hoạt động nghỉ dưỡng, khách sạn, nhà nghỉ, tham quan du lịch: Được phép hoạt động song phải đảm bảo tuân thủ các quy định về phòng chống dịch COVID-19.
Căn cứ diễn biến, tình hình thực tiễn trên địa bàn tỉnh, các quy định về phòng chống dịch COVID-19 sẽ tiếp tục được điều chỉnh phù hợp.
Đối với quy mô cấp xã (điều kiện để áp dụng các biện pháp phòng chống dịch phù hợp cho từng địa phương, cơ sở): Căn cứ diễn biến dịch COVID-19 trên địa bàn, UBND cấp huyện thường xuyên đánh giá mức độ nguy cơ ở quy mô cấp xã để chỉ đạo áp dụng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 phù hợp, song không thấp hơn các quy định chung trong toàn tỉnh.
Đối với các xã/phường/thị trấn hoặc khu vực được đánh giá mức độ nguy cơ ở cấp độ 4: Khoanh vùng quy mô toàn xã/ phường/ thị trấn để tổ chức xét nghiệm sàng lọc diện rộng theo hướng dẫn của ngành y tế. Sau khi đánh giá nguy cơ, UBND cấp huyện căn cứ tình hình thực tế để thu hẹp vùng phong tỏa ở các quy mô nhỏ hơn (khu hành chính, cụm dân cư, tổ dân phố…) cho phù hợp.
Tăng cường kiểm soát chặt chẽ, áp dụng nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch đối với người đến/về từ vùng dịch trong và ngoài tỉnh
Kiểm soát chặt chẽ, áp dụng nghiêm các biện pháp phòng, chống dịch đối với người đến/về từ vùng dịch trong và ngoài tỉnh:
- Đối với người đến/ trở về từ các vùng có dịch: phải thực hiện khai báo y tế tại một trong các địa điểm UBND xã, trạm y tế, khu dân cư, Tổ COVID-19 cộng đồng để được hướng dẫn áp dụng biện pháp phòng, chống dịch phù hợp.
- Đối với người đến/ trở về từ các vùng dưới đây: Trước mắt, áp dụng đối với tất cả các xã thuộc Thành phố Hồ Chí Minh và các tỉnh Bình Dương, Đồng Nai, Long An, Tiền Giang, Tây Ninh, An Giang, Kiên Giang, Cần Thơ, Bình Thuận, Sóc Trang, Trà Vinh, Bến Tre, Cà Mau, Gia Lai, Quảng Nam, Hà Giang, Nam Định. Các xã có nguy cơ dịch được xác định ở cấp độ 4 và các vùng phong tỏa thuộc tỉnh Phú Thọ và các tỉnh, thành phố trên toàn quốc (được cập nhật tại website của Bộ Y tế, địa chỉ truy cập: https://moh.gov.vn/web/guest/tong-hop-danh-gia-cap-do-dich-tai-dia-phuong):
+ Phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên. Trường hợp chưa có kết quả xét nghiệm, phải thực hiện xét nghiệm test nhanh kháng nguyên tại cơ sở y tế có chức năng và tự chi trả phí xét nghiệm.
+ Về cách ly y tế và xét nghiệm sàng lọc tiếp theo: Người đã tiêm đủ liều vắc xin hoặc người đã khỏi bệnh COVID-19, phải tự theo dõi sức khỏe tại nhà, nơi lưu trú đủ 7 ngày kể từ ngày đến/về địa phương; cơ quan y tế lấy mẫu xét nghiệm 2 lần, trong đó lần thứ 2 xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR (cá nhân tự chi trả phí xét nghiệm). Người chưa tiêm đủ liều vắc xin, phải cách ly tại nhà, nơi lưu trú đủ 07 ngày kể từ ngày đến/về địa phương; cơ quan y tế lấy mẫu xét nghiệm 2 lần, trong đó lần thứ 2 xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR (cá nhân tự chi trả phí xét nghiệm). Người chưa tiêm vắc xin, phải cách ly tại nhà, nơi lưu trú đủ 14 ngày kể từ ngày đến/về địa phương; lấy mẫu xét nghiệm 3 lần, trong đó lần thứ 3 xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR (cá nhân tự chi trả phí xét nghiệm).
Trường hợp không đảm bảo điều kiện phòng, chống dịch COVID-19 để cách ly tại nhà, nơi lưu trú thì phải cách ly tập trung cấp huyện hoặc cách ly tại khách sạn có thu phí.
Trường hợp là người cao tuổi, người có bệnh nền, phụ nữ mang thai, trẻ em dưới 16 tuổi thuộc diện cách ly: phải thực hiện cách ly tại nhà hoặc tại cơ sở y tế (nếu cần thiết) và có người chăm sóc cách ly cùng theo quy định.
- Đối với người đến/ về từ các xã trong và ngoài tỉnh có nguy cơ dịch được xác định ở cấp độ 3: Phải có kết quả xét nghiệm âm tính với SARS-CoV-2 trong vòng 72 giờ trước thời điểm đến/về địa phương bằng phương pháp RT-PCR hoặc test nhanh kháng nguyên. Trường hợp chưa có kết quả xét nghiệm, phải thực hiện xét nghiệm test nhanh kháng nguyên tại cơ sở y tế có chức năng; tự chi trả phí xét nghiệm. Không áp dụng cách ly y tế; tự thực hiện theo dõi sức khỏe và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo các quy định hiện hành.
- Đối với người đến/về từ các xã trong và ngoài tỉnh có nguy cơ dịch được xác định ở cấp độ 1 và cấp độ 2: Tự thực hiện theo dõi sức khỏe và các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo quy định hiện hành.
Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát bảo đảm việc tuân thủ quy định phòng, chống dịch trong các khu vực phong tỏa, các F0 theo dõi và điều trị tại nhà, các trường hợp F1 và F2 áp dụng cách ly tại nhà:
- Lực lượng chức năng, chính quyền cơ sở tăng cường công tác giám sát, kiểm tra việc tổ chức thực hiện cách ly y tế đối với các khu vực phong tỏa, tuyệt đối không được để tình trạng chặt ngoài, lỏng trong; thường xuyên, liên tục tuyên truyền thông qua hệ thống truyền thanh cơ sở về yêu cầu trong khu vực cách ly (nhà cách ly với nhà, xóm cách ly với xóm…), tại các hộ gia đình có F0 đang theo dõi, điều trị tại nhà,… để người dân hiểu, nắm chắc và đồng thuận thực hiện, hạn chế nguy cơ lây nhiễm chéo trong các khu vực cách ly và tuyệt đối không để dịch bệnh lan ra ngoài cộng đồng do chủ quan.
- Kịp thời phát hiện, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về phòng, chống dịch theo quy định.
Thời gian áp dụng các biện pháp phòng, chống dịch tại Văn bản này được thực hiện từ 13 giờ 30’ngày 03/11/2021.
Chấn chỉnh việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ quan, đơn vị
Ngày 03/11/2021, UBND tỉnh ban hành Văn bản số 5096/UBND-KGVX về việc chấn chỉnh việc thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 tại các cơ quan, đơn vị. Theo đó, Chủ tịch UBND tỉnh yêu cầu:
- Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị: Nghiêm túc chấn chỉnh những hạn chế, tồn tại trong công tác phòng, chống dịch tại các cơ quan, đơn vị, địa bàn quản lý; thực hiện nghiêm các văn bản chỉ đạo của tỉnh về phòng chống dịch đã ban hành. Yêu cầu cán bộ, công chức, viên chức, người lao động tuân thủ nghiêm việc thực hiện 5K, bắt buộc tất cả các trường hợp đến làm việc tại cơ quan, đơn vị phải khai báo y tế thông qua quét mã QR-Code bằng phần mềm để quản lý và thuận lợi cho việc truy vết. Tổ chức cho cán bộ, công chức, viên chức, người lao động chủ động tự xét nghiệm sàng lọc bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên 3 - 5 ngày/lần. Tùy theo điều kiện cụ thể, các cơ quan, đơn vị có thể tổ chức xét nghiệm bằng phương pháp RT-PCR mẫu gộp đối với trường hợp có nguy cơ cao. Các cơ quan hành chính, sự nghiệp, các tổ chức đoàn thể: bố trí, sắp xếp công việc, cho phép khoảng 30 - 50% lực lượng cán bộ, công chức, viên chức ứng dụng công nghệ thông tin, làm việc từ xa (ngoại trừ các lực lượng trực tiếp tham gia phòng, chống dịch).
- Ban Quản lý các khu công nghiệp, UBND các huyện, thành, thị: Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc tuân thủ các quy định phòng, chống dịch tại các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ theo phạm vi, địa bàn quản lý; đảm bảo tất cả đơn vị có đăng ký điểm khai báo y tế bằng mã QR-Code, đồng thời thực hiện bắt buộc việc khai báo y tế thông qua quét mã QR-Code bằng phần mềm (PC-COVID, VNEID).
- Thủ trưởng các sở, ban, ngành, Chủ tịch UBND các huyện, thành, thị, người đứng đầu các doanh nghiệp, đơn vị sản xuất kinh doanh nghiêm túc kiểm điểm, xem xét trách nhiệm và xử lý nghiêm các tổ chức, cá nhân nếu chủ quan, thiếu cảnh giác, vi phạm các quy định để dịch bệnh xâm nhập, lây lan.
“Giao hàng không tiếp xúc”
Sở Công Thương ban hành văn số 1360/SCT-QLTM ngày 29/10/2021 về tăng cường thực hiện công tác phòng, chống dịch Covid-19 đối với dịch vụ giao hàng hóa. Theo đó, thực hiện “Giao hàng không tiếp xúc” và khi giao, nhận hàng hoá phải đảm bảo yêu cầu sau:
Đối với việc giao, nhận hàng hoá: Phải đảm bảo an toàn trong giao - nhận như: Thực hiện nghiêm nguyên tắc 5K: Khẩu trang - Khoảng cách - Khai báo y tế - Khử khuẩn - Không tụ tập đông người; giữ khoảng cách tối thiểu 2m với người khác; thực hiện phương châm “Giao hàng không tiếp xúc”.
Đối với việc thanh toán: Khuyến khích thanh toán không dùng tiền mặt. Trường hợp sử dụng tiền mặt, yêu cầu shipper (người giao hàng) thực hiện như việc giao - nhận hàng hóa.
Về khử khuẩn, yêu cầu shipper thực hiện khử khuẩn bao bì hàng hóa trước khi giao hoặc nhận hàng hóa.
Về việc lựa chọn đơn vị giao hàng: Các siêu thị, trung tâm thương mại, nhà hàng, cửa hàng kinh doanh thương mại nên lựa chọn các đơn vị giao hàng chuyên nghiệp như: Bưu điện tỉnh Phú Thọ, Viettelpost Phú Thọ... đây là các doanh nghiệp triển khai tốt công tác phòng chống dịch và đã tổ chức tiêm phòng vác xin cho các nhân viên shipper.
Đề nghị Nhân dân
- Ủng hộ công tác tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 theo tinh thần “Tiêm chủng vắc xin phòng COVID-19 là quyền lợi đối với cá nhân, là trách nhiệm đối với cộng đồng”. Tải ứng dụng PC-COVID, khai báo y tế trước khi đi tiêm phòng COVID-19; đi tiêm phòng theo đúng lịch hẹn; tuân thủ 5K trong quá trình tiêm; thực hiện theo đúng hướng dẫn của cán bộ y tế tại cơ sở tiêm chủng; đặc biệt là chú ý giãn cách tại cơ sở tiêm chủng để đảm bảo an toàn cho bản thân và những người xung quanh.
- Chấp hành tốt các quy định phòng, chống dịch; chấp hành sự hướng dẫn, chỉ đạo của Ban Chỉ đạo Phòng, chống dịch tại địa phương; thường xuyên thực hiện các quy định về 5K - Chung sống an toàn với đại dịch COVID-19; bình tĩnh, chủ động, không chủ quan lơ là, không hoang mang, lo lắng; không kỳ thị, xa lánh những người có liên quan đến vùng có dịch; không tích trữ lương thực, thực phẩm, hàng hóa thiết yếu để đảm bảo ổn định tình hình trên địa bàn tỉnh.
- Thực hiện khai báo y tế đến Trạm Y tế nơi cư trú, Tổ COVID-19 cộng đồng khi có bất kỳ một trong các biểu hiện bất thường như ho, sốt, đau họng, khó thở, đau người, mệt mỏi, ớn lạnh, giảm hoặc mất vị giác hoặc khứu giác; tiếp xúc với người nhiễm hoặc nghi ngờ nhiễm COVID-19 để được thực hiện sàng lọc COVID-19 chủ động.
- Chủ động tự thực hiện xét nghiệm bằng test nhanh kháng nguyên cho bản thân, gia đình để chủ động phòng, chống dịch bệnh; chỉ mua, sử dụng các sinh phẩm xét nghiệm đã được Bộ Y tế cấp phép sử dụng.
- Khi phát hiện kết quả xét nghiệm dương tính với test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2, cần bình tĩnh, đeo khẩu trang, không tiếp xúc với người khác, tự cách ly tại nhà; đồng thời liên hệ với cơ sở y tế gần nhất hoặc thông báo ngay tới đường dây nóng tiếp nhận thông tin về dịch bệnh COVID-19 của ngành Y tế (số điện thoại: 18009275 hoặc 0962.956.316) để được hướng dẫn, xử trí phù hợp. Tuyệt đối không tự ý di chuyển ra khỏi nơi cư trú khi phát hiện bản thân có kết quả dương tính bằng test nhanh kháng nguyên SARS-CoV-2.