Ứng dụng công nghệ thông tin cấp xã - Xây dựng thành công nền hành chính điện tử ở địa phương
  • Cập nhật: 24/08/2018
  • Lượt xem: 55969 lượt xem

Ứng dụng công nghệ thông tin là giải pháp quan trọng nhằm cải cách thủ tục hành chính, nâng cao chất lượng, hiệu quả, hiệu lực quản lý nhà nước, phục vụ người dân và doanh nghiệp. Với sự chung tay vào cuộc đồng bộ của các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh, hoạt động ứng dụng công nghệ thông tin (CNTT) đã thu được những thành quả bước đầu. Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được, trong thời gian tới, tỉnh sẽ chú trọng hoạt động ứng dụng CNTT ở cấp xã hướng tới mục tiêu xây dựng thành công nền hành chính điện tử ở địa phương

Trong thời gian vừa qua, được sự quan tâm chỉ đạo của Tỉnh ủy - HĐND - UBND và sự vào cuộc mạnh mẽ của các cấp, các ngành trong tỉnh, hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT của tỉnh Phú Thọ thu được nhiều thành quả đáng khích lệ. Nhiều chỉ tiêu qua trọng giai đoạn 2010 - 2015 đạt được với kết quả cao. Trong công tác chỉ đạo điều hành, nhiều văn bản quan trọng được ban hành góp phần định định hướng tốt hoạt động ứng dụng và phát triển CNTT trong các cơ quan nhà nước, đồng thời, nâng cao chất lượng phục vụ người dân và doanh nghiệp, đảm bảo hệ thống thông tin của tỉnh có những bước phát triển mạnh mẽ, đúng hướng. Đến nay, về hạ tầng CNTT, 93% cán bộ, công chức, viên chức cấp tỉnh và cấp huyện được trang bị máy tính làm việc; 100% các đơn vị có mạng nội bộ LAN. Các thiết bị phụ trợnhưmáy in, máy photo, máy scan…được trang bị đáp ứng yêu cầu công tác.Hạ tầng viễn thông triển khai đồng bộ, chất lượng cao đến các huyện, thành, thị đảm bảo tốt việc truy cập Internet và kết nối liên thông trong tỉnh. Về ứng dụng CNTT, các phần mềm dùng chung được triển khai hiệu quả đến các cơ quan, đơn vị cấp tỉnh, huyện và một số đơn vị cấp xã. Thư điện tử công vụ được cấp cho 90% cán bộ công chức. Trong đó, 74% hộp thư được cấp thường xuyên sử dụng. Tỷ lệ văn bản điện tử được gửi nhận qua hòm thư điện tử là trên 63%. Phần mềm đang dần trở thành công cụ nâng cao hiệu quả làm việc cho cán bộ, công chức. Nguồn nhân lực được đào tạo, nâng cao kiến thức, kỹ năng cần thiết để quản lý, duy trì và khai thác hiệu quả hệ thống thông tin hiện có.

Tuy nhiên, thực tế ứng dụng và phát triển CNTT những năm vừa qua cũng chỉ ra những tồn tại, hạn chế gây trở ngại đến quá trình xây dựng nền hành chính điện tử ở địa phương; đặc biệt là hoạt động ứng dụng CNTT ở UBND cấp xã. Qua thực tế kiểm tra, hầu hết UBND cấp xã đã trang bị được trang thiết bị máy tính, máy in, hệ thống mạng đáng ứng yêu cầu công tác. Một số phần mềm như kế toán, soạn thảo văn bản, trình duyệt Internet được khai thác hiệu quả, phục vụ công tác chuyên môn. Đáng chú ý, tại một số UBND cấp xã đã sử dụng hiệu quả hệ thống thư điện tử để gửi nhận văn bản với UBND cấp huyện. Đã có 2 phường ở thành phố Việt Trì triển khai thí điểm hệ thống một cửa điện tử. Tuy nhiên, ở một số đơn vị vẫn có tình trạng thiếu máy tính để làm việc, một số máy tính đã cũ, lạc hậu; một số cá nhân phải tự trang bị máy tính xách tay phục vụ công việc; hệ thống mạng kết nối đơn giản, chưa có hệ thống đảm bảo an toàn, an ninh thông tin dẫn đến tiềm ẩn nhiều rủi ro mất mát, lộ lọt thông tin.

Để tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được trong hoạt động ứng dụng CNTT; đồng thời, khắc phục những hạn chế tồn tại, trong thời gian tới, tỉnh Phú Thọ sẽ hướng tới phát triển ứng dụng CNTT cấp xã với mục tiêu sớm xây dựng thành công nền hành chính điện tử ở địa phương. Trên cơ sở đó, Sở Thông tin và Truyền thông đã xây dựng Mô hình hướng dẫn ứng dụng CNTT tại UBND cấp xã giai đoạn 2015 - 2020. Tài liệu này sẽ hỗ trợ UBND cấp huyện định hướng và điều hành hoạt động ứng dụng CNTT ở cấp xã.

Mô hình ứng dụng CNTT cấp xã

1

Người dân, doanh nghiệp

2

Ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp

(Hệ thống email; Điện thoại; Cổng/trang thông tin; Hệ thống cung cấp dịch vụ công; Hệ thống quản lý khiếu nại, tố cáo; ….)

3

Ứng dụng CNTT phục vụ hoạt động của UBND cấp xã

(Hệ thống quản lý văn bản điều hành; Truyền hình trực tuyến; Ứng dụng chuyên ngành; Cơ sở dữ liệu quốc gia/tỉnh; Trang tin nội bộ…)

4

Cơ sở Hạ tầng CNTT

(Máy tính, mạng nội bộ, trang thiết bị ngoại vi, chữ ký số, các biện pháp đảm bảo an toàn an ninh thông tin…)

5

Các văn bản quản lý, phát triển ứng dụng CNTT cấp xã

(Chương trình, Kế hoạch, Quy định…)

6

UBND cấp xã

 

Người dân, doanh nghiệp:  Là cá nhân hoặc tổ chức sử dụng các dịch vụ công do Nhà nước cung cấp thông qua đại diện tại cơ sở là UBND cấp xã.        

Ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp: Là các giải pháp CNTT được sử dụng để hỗ trợ người dân và doanh nghiệp thực hiện các dịch vụ công do UBND cấp xã cung cấp. 

Ứng dụng CNTT sẽ hỗ trợ hoặc thay thế phương thức làm việc truyền thống giữa người dân, doanh nghiệp với UBND cấp xã. Phương thức này sẽ góp phần nâng cao chất lượng hoạt động phục vụ người dân và doanh nghiệp của UBND cấp xã thông qua việc rút ngắn thời gian và chi phí của việc thực hiện dịch vụ công.

Các ứng dụng có thể triển khai ở nhiều mức khác nhau từ đơn giản đến phức tạp. Ứng dụng ở mức đơn giản như cung cấp thông tin một chiều qua trang và cổng thông tin điện tử; hay trao đổi hai chiều qua điện thoại hoặc thư điện tử. Bên cạnh đó, ứng dụng có thể ở mức độ phức tạp như thực hiện dịch vụ công qua mạng, giải quyết khiếu nại tố cáo qua mạng…

Ứng dụng CNTT trong hoạt động của UBND cấp xã: Là các giải pháp CNTT được sử dụng để hỗ trợ công tác quản lý và điều hành tại UBND cấp xã.

Các ứng dụng CNTT được sử dụng để hỗ trợ hoặc thay thế phương thức làm việc truyền thống. Việc tổ chức lưu trữ, quản lý và khai thác thông tin điện tử sẽ nâng cao chất lượng, hiệu lực quản lý nhà nước tại UBND cấp xã.

Có thể phân chia các ứng dụng CNTT trong hoạt động của UBND cấp xã thành hai loại chính là ứng dụng dùng chung và ứng dụng dùng riêng. Ứng dụng dùng chung là các ứng dụng được sử dụng bởi nhiều người trong một cơ quan hoặc  nhiều cơ quan, đơn vị qua hệ thống mạng máy tính. Qua đó, tạo kết nối, liên thông đảm bảo tính thống nhất trong việc triển khai các ứng dụng cơ quy mô lớn trên địa bàn toàn huyện, tỉnh, quốc gia (Hệ thống quản lý văn bản điều hành, Hệ thống thư điện tử công vụ,…). Ứng dụng dùng riêng là các ứng dụng độc lập được sử dụng bởi một người, một số ít người hoặc một cơ quan (Trang tin nội bộ, Phần mềm kế toán, Phần mềm quản lý tài sản…).

Cơ sở hạ tầng CNTT: Là các trang thiết bị phục vụ công tác ứng dụng CNTT tại UBND cấp xã. Các trang thiết bị này bao gồm máy tính, máy in, máy quét, dây cáp, đường truyền, các thiết bị mạng và các trang thiết bị khác. Đây là lớp có vai trò quan trọng đảm bảo sự hoạt động an toàn, thông suốt cho các ứng dụng ở lớp trên. 

Các văn bản quản lý, phát triển ứng dụng CNTT cấp xã:  Là các văn bản được xây dựng và ban hành bởi cơ quan nhà nước các cấp nhằm quản lý, phát triển ứng dụng CNTT ở cấp xã.

UBND cấp xã: Là cơ quan quản lý và điều hành toàn bộ hệ thống thông tin tại UBND cấp xã. Hệ thống này bao gồm hạ tầng CNTT, ứng dụng CNTT phục vụ người dân và doanh nghiệp, ứng dụng CNTT phục vụ hoạt động nội bộ, đảm bảo nguồn nhân lực CNTT, ban hành các văn bản. Đây là đối tượng trung tâm có vai trò quyết định đến việc triển khai mô hình ứng dụng.

Thực tiễn cho thấy, để khai thác hiệu quả lợi ích từ công tác ứng dụng CNTT nói chung và ở cấp xã nói riêng, bên cạnh yếu tố công nghệ, con người là nhân tố then chốt. Vì vậy, công tác đào tạo, bồi dưỡng kiến thức cho cán bộ, đặc biệt là cán bộ chủ chốt ở UBND cấp xã sẽ tiếp tục được chú trọng. Bên cạnh đó, cần thực hiện các biện pháp tuyên truyền phổ biến sâu rộng đến toàn thể các tầng lớp nhân dân về vị trí, vai trò của CNTT; đồng thời, huy động rộng rãi các nguồn lực chung tay triển khai xây dựng chính quyền điện tử. Ngoài ra, tỉnh sẽ lựa chọn triển khai thí điểm các giải pháp CNTT trong hoạt động nội bộ tại UBND cấp xã và các ứng dụng phục vụ người dân và doanh nghiệp. Kết quả thí điểm sẽ được điều chỉnh làm cơ sở để nhân rộng mô hình ứng dụng và phát triển CNTT cho các UBND cấp xã trên địa bàn tỉnh.

Lê Quang Thắng