Ngày 02 tháng 12 năm 2024

Anh Đinh Hữu Bền người dân tộc Mường làm kinh tế giỏi

Dám nghĩ, dám làm và lựa chọn mô hình đầu tư phù hợp, anh Đinh Hữu Bền, người dân tộc Mường ở Khu 7, xã Xuân Thuỷ, huyện Yên Lập đã vượt khó vươn lên, trở thành điển hình trong phong trào “Nông dân thi đua sản xuất, kinh doanh giỏi, đoàn kết giúp nhau làm giàu và giảm nghèo bền vững”.

Anh Đinh Hữu Bền với cơ sở sản xuất ván gỗ ép Khu 7, xã Xuân Thuỷ, huyện Yên Lập.

Sinh năm 1984, sinh ra và lớn lên tại quê hương Xuân Thuỷ, huyện Yên Lập. sau khi tốt nghiệp lớp 12, anh Bền đã làm nhiều nghề để kiếm sống, bươn trải nhiều nơi để tích luỹ kinh nghiệm. Với suy nghĩ quê hương mình tiềm năng dồi dào nhưng sao cuộc sống của người dân vẫn gặp khó khăn, vất vả? Câu hỏi đó luôn làm anh trăn trở. Với suy nghĩ và quyết tâm khai thác tiềm năng thế mạnh địa phương để làm giàu trên chính mảnh đất quê hương, anh đã quyết tâm đầu tư vào cơ sở chế biến gỗ. Năm 2017, cùng với sự giúp đỡ của gia đình, anh mạnh dạn đầu tư xưởng chế biến gỗ ván bóc. Thời gian đầu việc sản xuất kinh doanh gặp không ít trở ngại do vốn lưu động ít, lại đầu tư hết vào máy móc, không đủ vốn quay vòng nguyên liệu nên đã có những ngày anh cùng lao động phải ngồi chơi vì không có việc. Rút kinh nghiệm, anh Bền đã tổ chức sản xuất theo hướng tích luỹ từ từ, lấy ngắn nuôi dài, thực hiện chấm công cho lao động một cách khoa học. Ngoài việc cung cấp sản phẩm ván ép đạt tiêu chuẩn, anh tận dụng các chế phẩm thừa bán lại cho người dân làm củi đun và làm vàng mã. Với quyết tâm vượt khó, anh Đinh Hữu Bền đã đi tìm hiểu thị trường tiêu thụ sản phẩm. Để tạo được uy tín với khách hàng, anh cẩn thận chọn lọc kỹ chất lượng gỗ đầu vào và hướng dẫn tỉ mỉ cho công nhân bóc, xẻ đúng tiêu chuẩn, yêu cầu kỹ thuật. Nhờ đó, chất lượng sản phẩm ván bóc của xưởng ngày càng nâng cao, đầu ra ổn định.

Anh Đinh Hữu Bền chia sẻ: “Chế biến gỗ không phải là nghề mới trên địa bàn huyện Yên Lập, song tôi nhận thấy đây là mô hình phát triển kinh tế hộ gia đình vừa cho thu nhập ổn định, vừa đảm bảo việc làm và thu nhập cho nhiều lao động địa phương. Hiện nay, xưởng của anh có 3 đầu xe chạy, tạo việc làm thường xuyên cho 4 lao động và 8 lao động thời vụ. Doanh thu đạt gần 700 triệu đồng/năm. Bên cạnh việc kinh doanh sản xuất gỗ, anh cũng là tấm gương điển hình trong các phong trào nhân đạo từ thiện ở địa phương, như: hỗ trợ giúp đỡ các hộ nghèo; đóng góp ủng hộ làm đường giao thông nông thôn và các phong trào thi đua ở địa phương. Nhiều năm liền, hộ anh Đinh Hữu Bền được bầu chọn và đạt danh hiệu “Nông dân sản xuất, kinh doanh giỏi”. Ông Đinh Xuân Thịnh – Chủ tịch Hội Nông dân xã Xuân Thuỷ, huyện Yên Lập cho biết: “Xưởng sản xuất, chế biến gỗ của anh Đinh Hữu Bền ở khu 7, xã Xuân Thuỷ hoạt động hiệu quả đã tạo điều kiện cho người dân trong khu vực tiêu thụ gỗ rừng trồng và có việc làm ổn định. Từ mô hình của anh, chúng tôi đã nhân rộng, đẩy mạnh các phong trào thi đua của xã”.

Anh Đinh Hữu Bền người dân tộc Mường là một trong những tấm gương điển hình người dân tộc thiểu số làm kinh tế giỏi. Với tinh thần cần cù, sáng tạo trong lao động sản xuất, biết vươn lên làm giàu chính đáng, góp phần tô thêm hình ảnh đẹp của đồng bào dân tộc thiểu số huyện Yên Lập./.

Bài, ảnh:  Hồng Vân (Trung tâm VH,TT,DL&TT huyện Yên Lập)

TIN LIÊN QUAN

Đại biểu HĐND tỉnh khóa XIX, HĐND huyện Yên Lập khóa XX tiếp xúc cử tri trước Kỳ họp thứ Chín tại xã Xuân Viên


TẬP HUẤN NGHIỆP VỤ CÔNG TÁC TIẾP CÔNG DÂN, XỬ LÝ ĐƠN, GIẢI QUYẾT KHIẾU NẠI, TỐ CÁO VÀ CÔNG TÁC PHÒNG, CHỐNG THAM NHŨNG NĂM 2024


Cảnh báo cuộc gọi mạo danh nhân viên điện lực để lừa đảo


Lãnh đạo huyện Yên Lập gặp mặt động viên các thầy, cô giáo tham dự kỳ thi Giáo viên giỏi cấp tiểu học tỉnh Phú Thọ.


Tập huấn chương trình xây dựng nông thôn mới, phát triển sản phẩm OCOP, triển khai sản xuất vụ xuân tại xã Lương Sơn