Trong Đại hội Phụ nữ toàn quốc lần thứ ba, một nữ phóng viên báo Phụ nữ Việt Nam được vào Phủ Chủ tịch chụp ảnh, đưa tin và viết về cuộc gặp gỡ giữa Bác Hồ với các đại biểu phụ nữ trong và ngoài nước.
Đại biểu tỉnh nào cũng muốn được chụp ảnh chung với Bác, nhưng Bác dành ưu tiên cho các đại biểu miền núi và đại biểu quốc tế. Vừa lúc Bác đang cầm điếu thuốc chưa kịp hút thì các chị đại biểu dân tộc vừa tập hợp nhau, quần áo đủ màu sắc xin chụp ảnh chung với Bác.
Nữ phóng viên kia cũng tranh thủ bấm được một “pô” ảnh Bác đang đứng nói chuyện với các chị người dân tộc. Riêng phần mình, nữ phóng viên cũng thầm mong được chụp một ảnh chân dung Bác đứng một mình.
Khi các đại biểu đã ra về hết, nữ phóng viên còn tần ngần mãi giữa vườn cây. Tiễn đoàn đại biểu cuối cùng xong, Bác quay gót lại, bước chân lên mấy bậc cầu thang trước Phủ Chủ tịch.
Nữ phóng viên vội giơ chiếc máy ảnh Pralike, nhưng chưa kịp bấm thì Bác đã bước nhanh lên thềm. Chị ta loay hoay với chiếc máy ảnh chưa nghĩ ra cách nào để chụp được ảnh Bác, thì Bác trông thấy. Bác hiểu ý, mỉm cười đứng lại trong vài giây, kịp cho nữ phóng viên ấy bấm “tách” một “pô” thật rõ, thật đẹp.
Ý nghĩa câu chuyện:
Qua câu chuyện một lần nữa đã minh chứng cho tình yêu thương bao la mà Bác Hồ dành cho mọi tầng lớp nhân dân ta, ở mọi lứa tuổi, trong đó có cả những người cầm bút. Xác định rõ, người phóng viên cũng là chiến sĩ trên mặt trận văn hóa, cho nên, Bác đặc biệt quan tâm đến cái “tâm” với nghề của những người làm báo, cái “tâm” phải trong sáng, đồng thời có cái đầu lạnh, trái tim nóng và ngòi bút sạch. Trong một lần nói chuyện về công tác báo chí cách mạng, Bác nói: Báo chí muốn có sức thuyết phục người xem thì nó phải mang tính chân thực cao. Bác dạy những người viết báo là “Viết phải thiết thực, nói có sách, mách có chứng, tức là nói việc ấy ở đâu, thế nào, nó sinh ra thế nào, phát triển thế nào, kết quả ra sao”. Bác chỉ ra rằng: “Cán bộ báo chí cũng là chiến sĩ cách mạng. Cây bút, trang giấy là vũ khí sắc bén của họ”. Bác nói: “Bài báo là tờ hịch cách mạng”. Cho nên điều đầu tiên mà bất cứ người cầm bút nào trên mặt trận báo chí cách mạng phải hiểu rõ mục tiêu và nhiệm vụ của cách mạng là gì? Như Bác từng nói: “Bắn thì phải có bia, phải có mục tiêu”. Nghĩa là ngòi bút phải gắn với đối tượng.
Từ tôn chỉ, mục đích hoạt động của nền báo chí cách mạng Việt Nam, từ vị trí và vai trò của nhà báo và hoạt động báo chí, Chỉ tịch Hồ Chí Minh yêu cầu những người làm báo phải thường xuyên tu dưỡng đạo đức cách mạng, trau rồi tư tưởng, học tập chính trị để nắm vững chủ trương, chính sách của đảng và nhà nước, đi sâu vào thực tế, đi sâu vào quần chúng lao động, phải luôn học tập để nâng cao trình độ chuyên môn. Yêu cầu đó không chỉ dành riêng cho đội ngũ những người làm báo mà còn dành cho tất cả mọi cán bộ, đảng viên.
Có thể khẳng định, những quan điểm về báo chí và phẩm chất đạo đức sáng trong của Chủ tịch Hồ Chí Minh cho đến hôm nay vẫn là tấm gương cho thế hệ những người làm báo học tập và noi theo.