Là huyện có tỷ lệ đồng bào dân tộc thiểu số chiếm 80 % tổng dân số toàn huyện. Thời gian qua, Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Yên Lập đã triển khai hiệu quả chính sách tín dụng ưu đãi thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia về phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP. Qua đó, giúp các hộ đồng bào dân tộc thiểu số trong huyện xây dựng nhà mới, đầu tư phát triển sản xuất… từng bước vươn lên thoát nghèo.
Trước đây gia đình bà Hà Thị Tiến, xã Minh Hòa, huyện Yên Lập thuộc diện hộ nghèo, không có nghề nghiệp ổn định. Năm 2023, được vay vốn của Ngân hàng CSXH để phát triển kinh tế theo chương trình tín dụng dành cho đối tượng DTTS. Gia đình bà đầu tư mua máy xay sát để chuyển đổi nghề phát triển kinh tế hộ gia đình. Nhờ đó gia đình bà vươn lên thoát nghèo chỉ sau một năm làm kinh tế.
Bà Hà Thị Tiến, Khu Minh Tiến, xã Minh Hòa, huyện Yên Lập cho chúng tôi biết: “Gia đình tôi trước đây khó khăn, nhờ vay vốn chính sách xã hội của nhà nước. Gia đình tôi được vay 80 triệu, tôi đầu tư vào máy móc xay sát để phục vụ bà con làng xóm. Nhờ vào vốn của nhà nước cho vay gia đình tôi làm ăn đỡ vất vả hơn trước”.
Được vay vốn của Ngân hàng chính sách xã hội huyện gia đình bà Hà Thị Tiến, khu Minh Tiến, xã Minh Hòa, huyện Yên Lập đầu tư mua máy xay sát mang lại nguồn thu ổn định cho gia đình
Lãnh đạo Ngân hàng CSXH huyện kiểm tra khảo sát hộ gia đình vay vốn
Không chỉ hộ gia đình bà Hà Thị Tiến mà còn nhiều hộ gia đình đồng bào dân tộc thiểu số đã phát huy hiệu quả từ nguồn vốn này. Nguồn vốn được triển khai đến người dân một cách kịp thời, đúng đối tượng, giúp đồng bào dân tộc thiểu số xóa được nhà tạm, xây dựng được nhà mới khang trang, mở rộng các mô hình phát triển kinh tế hiệu quả. Từ các nguồn vốn vay ưu đãi, nhiều người dân đã mạnh dạn thay đổi nếp nghĩ, cách làm, đầu tư chuyển đổi hình thức sản xuất – kinh doanh. Ông Nguyễn Văn Đồng, khu Minh Tiến, xã Minh Hòa, huyện Yên Lập chia sẻ: “Được sự quan tâm của nguồn vốn ngân hàng chính sách xã hội huyện Yên Lập, gia đình tôi mua sắm máy phục vụ sản xuất nông nghiệp; bên cạnh thời gian cày bừa của gia đình còn lại phục vụ cho bà con. Gia đình tôi được vay 80 triệu, còn lại là vốn của gia đình thêm vào mua sắm máy móc phục vụ sản xuất, nhìn chung rất hiệu quả”.
Theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP của Chính phủ, hộ đồng bào dân tộc thiểu số được vay vốn sử dụng vào mục đích trang trải chi phí để có đất ở, xây mới hoặc sửa chữa, cải tạo nhà ở, trang trải chi phí tạo quỹ đất sản xuất hoặc chi phí học nghề, chuyển đổi nghề, có thể tham gia vào chuỗi giá trị, đối với vùng trồng dược liệu quý có thể được vay vốn để tham gia trồng dược liệu. Tại Yên Lập, các chính sách dành cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số đã tập trung giải quyết những vấn đề căn bản, thiết yếu. Để nguồn vốn phát huy hiệu quả, công tác kiểm tra, đảm bảo nguồn vốn đến đúng đối tượng được quan tâm chú trọng. Phòng giao dịch NHCSXH huyện đã cho vay đúng đối tượng, đúng nội dung vay, việc giải quyết thủ tục, hồ sơ vay nhanh chóng. Ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Ngân hàng Chính sách xã hội huyện Yên Lập cho biết: “Ngân hàng CSXH huyện Yên Lập đã thực hiện cho vay đối với vùng đồng bào dân tộc thiểu số theo NQ 22 của Chính phủ năm 2022. Tháng 9/2023 đã triển khai và giải ngân được 4.090.000 triệu đồng với 76 khách hàng vay vốn với 2 chương trình lớn là chương trình hỗ trợ dân tộc xóa nhà tạm và sửa chữa xây mới và chương trình cho vay để chuyển đổi nghề cho hộ đồng bào dân tộc thiểu số. Đến nay phòng giao dịch NHCSXH huyện đã giải ngân được tổng dư nợ 702.456.000 triệu với 12.354.000 hộ vay vốn dải đều cho 17, xã thị trấn trên địa bàn huyện Yên Lập”.
Nhờ phát huy hiệu quả các chương trình vốn vay tín dụng ưu đãi đã giúp các hộ nghèo, cận nghèo, hộ là người dân tộc thiểu số trên địa bàn huyện Yên Lập có cơ hội để an cư và có nguồn vốn vay lãi suất thấp để phát triển kinh tế, chuyển đổi nghề nghiệp góp phần giảm nghèo bền vững, phát triển kinh tế – xã hội tại địa phương./.
Bài, ảnh: Hồng Vân (Trung tâm VH,TT,DL&TT huyện Yên Lập)