Ngày 15 tháng 01 năm 2025

Khởi nguồn bản sắc, đánh thức tiềm năng phát triển du lịch ở Yên Lập, Phú Thọ

Với lợi thế là một địa phương có nhiều cảnh quan thiên nhiên đẹp và các giá trị về văn hóa độc đáo, huyện miền núi Yên Lập có nhiều lợi thế để phát triển các loại hình du lịch sinh thái, du lịch trải nghiệm cộng đồng khám phá. Trên cơ sở khai thác những tài nguyên du lịch, thúc đẩy vai trò của người dân địa phương trong việc tham gia và hoạch định phát triển du lịch, tạo thêm việc làm và thu nhập cho người dân, những năm gần đây, huyện Yên Lập đã có giải pháp nhằm huy động các nguồn lực để phát triển du lịch, trong đó chú trọng việc bảo tồn, phát triển, phát huy giá trị di sản văn hóa, danh thắng, và du lịch cộng đồng trên địa bàn.

Yên Lập là một huyện miền núi của Tỉnh Phú Thọ, cách trung tâm thành phố Việt Trì khoảng 70km, có nhiều lợi thế về phong cảnh thiên nhiên với những cung đường uốn lượn cùng nét đẹp nên thơ của đồi núi, những cánh rừng keo, rừng quế bạt ngàn màu xanh và vẻ đẹp tự nhiên mà hùng vĩ của thiên nhiên tạo nên bức tranh phong cảnh sơn thủy hữu tình và là những điều kiện thuận lợi cho phát triển du lịch. Những bản làng nằm ẩn mình trong thung lũng hay chênh vênh trên sườn núi để lại những khoảnh khắc ấn tượng vô cùng. Đến với mảnh đất này du khách sẽ được chiêm ngưỡng mặt Hồ Ly xanh như một viên ngọc xanh giữa núi đồi của xã Thượng Long, huyện Yên Lập. Nơi đây quần tụ nhiều nhánh nhỏ ở các khe nước tạo không gian xanh mát nên thơ.

Thác quạt Mỹ Lung, Yên Lập là một trong những nơi có vẻ đẹp thiên nhiên ban tặng

Điểm nhấn ấn tượng không thể không nhắc đến là điểm du lịch sinh thái cộng đồng ở xã Mỹ Lung. Hiện nay, xã Mỹ Lung nói riêng và huyện Yên Lập nói chung đang chuẩn bị điều kiện để hướng đến xây dựng, phát triển điểm du lịch cộng đồng mang đậm dấu ấn địa phương cũng như đóng góp vào sự phát triển KT-XH của huyện nhà. Với mục tiêu “Tư liệu hóa và phục dựng một số di sản văn hóa tiêu biểu của dân tộc Mường trên địa bàn huyện Yên Lập, từ đó, góp phần bảo tồn, giữ gìn bản sắc văn hóa độc đáo của dân tộc Mường”, huyện Yên Lập sẽ phục dựng bốn di sản văn hóa tiêu biểu của dân tộc Mường tại xã Mỹ Lung bao gồm: Đình Đồng Sương; công cụ, dụng cụ lao động sản xuất, nghề thủ công truyền thống; lễ hội Hạ Điền; diễn tấu cồng chiêng, chàm đuống, chạm ống, múa sênh tiền, trống đu, hát ví, hát rang. Ông Đinh Tiến Duật – Chủ tịch UBND xã Mỹ Lung cho biết: “Phát triển du lịch cộng đồng tại xã Mỹ Lung nằm trong dự án phục dựng, bảo tồn và phát huy một số di sản văn hóa tiêu biểu của dân tộc Mường của huyện Yên Lập. Chính quyền địa phương và người dân địa phương đã vào cuộc và đạt được sự đồng thuận, nhất trí cao đặc biệt trong công tác dân vận, hiến đất để xây dựng công trình hạ tầng giao thông và văn hóa tín ngưỡng. Cùng với đó, xã tiếp tục vận động các nguồn lực xã hội hóa từ trong nhân dân để phát triển các điểm lưu trú, góp phần hoàn thiện hạ tầng phục vụ phát triển du lịch cộng đồng”.

Qua khảo sát, nghiên cứu, đánh giá, Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Phú Thọ cùng với Hiệp hội Du lịch đã tư vấn, định hướng cho địa phương đầu tư phát triển một số sản phẩm, dịch vụ du lịch phù hợp trên cơ sở khai thác, phát huy tài nguyên du lịch tại một số địa điểm trên địa bàn xã Mỹ Lung như: Sản phẩm du lịch sinh thái trên cơ sở khai thác hệ thống thác nước, môi trường rừng; du lịch thể thao; du lịch văn hóa, du lịch cộng đồng gắn với các phong tục tập quán của bà con dân tộc Mường, Dao; du lịch trải nghiệm nông nghiệp, ẩm thực gắn với phát triển đặc sản gạo nếp Gà Gáy – sản phẩm OCOP của huyện Yên Lập, các đặc sản ẩm thực địa phương như dê núi, cá suối, bánh trứng kiến, rượu nếp Gà Gáy và các sản phẩm nông sản khác.

Cùng với đó, để đáp ứng nhu cầu văn hóa tâm linh, phát huy những giá trị văn hóa truyền thống và góp phần thúc đẩy phát triển kinh tế – xã hội của địa phương, huyện chú trọng vào một số điểm du lịch tâm linh như: Đền thờ tướng công Ngô Quang Bích, xã Xuân An; Đình Phục Cổ Minh Hòa gắn với Lễ hội mở cửa rừng…Bảo tồn các loại hình văn hóa truyền thống như các loại hình diễn xướng múa Trống đu, múa Sênh tiền và Hò đu gắn bó sâu đậm trong đời sống của đồng bào dân tộc Mường ở Yên Lập, thể hiện tư duy sáng tạo và sự khéo léo, tinh tế trong việc chế tạo ra nhạc cụ và bài múa tạo nên những âm hưởng sâu lắng, gợi lên sắc màu văn hóa truyền thống của mảnh đất và con người nơi đây. Bên cạnh đó là giá trị văn hóa đặc sắc của đồng bào người Dao Quần chẹt với Lễ cấp sắc, Múa rùa, Múa chuông vào các dịp lễ, tết của dân tộc…

Không chỉ có vẻ đẹp thiên nhiên hùng vĩ, huyện Yên Lập còn được biết đến với nhiều di sản văn hóa đã được công nhận, xếp hạng cùng với nhiều lễ hội truyền thống và nền văn hóa đậm đà bản sắc của các dân tộc Mường, Dao. Trong việc giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa các dân tộc, Yên Lập là huyện có khá nhiều lợi thế, gồm ba Di sản văn hóa phi vật thể Quốc gia: Lễ cấp sắc và Lễ Tết nhảy của người Dao Quần chẹt; Lễ hội Mở cửa rừng của dân tộc Mường. Bên cạnh đó, huyện còn có các Khu di tích lịch sử văn hóa cấp tỉnh như: Đình Phục Cổ, xã Minh Hòa và căn cứ Tôn Sơn – Mộ Xuân, xã Xuân An…

Tái hiện lại phường săn trong Lễ hội mở cửa rừng xã Minh Hòa, huyện Yên Lập một trong những điểm du lịch thu hút người dân và du khách đến thăm những ngày đầu xuân.

Với đặc thù huyện miền núi có trên 80% đồng bào là dân tộc thiểu số, các dân tộc trên địa bàn đã hình thành một bề dày văn hoá với nhiều giá trị văn hoá truyền thống của các dân tộc vẫn được bảo tồn, phát huy và được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể cấp Quốc gia đây cũng là nền tảng để phát triển du lịch tại địa phương.

Để phát huy những tiềm năng, lợi thế về du lịch, huyện Yên Lập đang tiếp tục triển khai các giải pháp nhằm phát triển du lịch, đã dần hình thành và phát triển các điểm du lịch sinh thái, văn hóa, tâm linh, di tích lịch sử gắn với phát triển du lịch. Đây sẽ là đòn bẩy quan trọng để huyện tiếp tục đưa ra các định hướng phát triển du lịch, thúc đẩy kinh tế địa phương, nâng cao thu nhập, giảm nghèo cho nhân dân. Đồng thời tiếp tục tăng cường liên kết, hợp tác, tuyên truyền quảng bá phát triển thị trường du lịch; đẩy mạnh phát triển các sản phẩm du lịch sinh thái, nông nghiệp, văn hoá, gắn với bảo tồn, phát huy giá trị văn hoá trên địa bàn huyện…/.

Hồng Vân (Trung tâm VH,TT,DL&TT huyện Yên Lập)

TIN LIÊN QUAN

Yên Lập tham gia Hội nghị toàn quốc về đột phá phát triển khoa học, công nghệ, đổi mới sáng tạo và chuyển đổi số quốc gia


Yên Lập tham gia phiên họp trực tuyến toàn quốc thứ 2 Ban Chỉ đạo Trung ương triển khai xóa nhà tạm, nhà dột nát


Đại hội chi bộ Văn hoá nhiệm kỳ 2025 -2027


GẶP MẶT ĐỘNG VIÊN ĐỘI TUYỂN THAM DỰ KỲ THI HỌC SINH GIỎI CẤP TỈNH


Liên đoàn Lao động huyện Yên Lập tổ chức chương trình “Tết sum vầy, Xuân ơn Đảng”