image banner
Kế hoạch Tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013
Lượt xem: 17

Thực hiện Nghị quyết số 194/2025/QH15 ngày 05/5/2025 của Quốc hội về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; Kế hoạch số 05/KH-UBDTSĐBSHP ngày 05/5/2025 của Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 về việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, các cấp, các ngành về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013; Công văn số 3883/VPCP-PL ngày 06/5/2025 của Văn phòng Chính phủ về việc triển khai tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; Văn bản số 2441/BTP-PLHSHC ngày 06/5/2025 của Bộ Tư pháp về việc hướng dẫn tổng hợp, xây dựng báo cáo kết quả lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ ban hành Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013, cụ thể như sau:

I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU

1. Mục đích

Việc lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết nhằm phát huy quyền làm chủ của Nhân dân, huy động trí tuệ, tâm huyết và tạo sự đồng thuận, thống nhất cao của toàn dân trong việc sửa đổi, bổ sung Hiến pháp năm 2013, bảo đảm Hiến pháp phản ánh đúng ý chí, nguyện vọng của Nhân dân.

2. Yêu cầu

Việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết phải bảo đảm các yêu cầu sau đây:

a) Việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp phải được tiến hành dân chủ, khoa học, công khai, minh bạch, thực chất, bảo đảm tiến độ, chất lượng và tiết kiệm.

b) Việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp phải bảo đảm sự lãnh đạo của các cấp ủy Đảng; sự chỉ đạo, tổ chức thực hiện chặt chẽ của các cấp chính quyền; đề cao trách nhiệm người đứng đầu và sự phối hợp giữa các cơ quan, tổ chức.

c) Việc lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp cần được thực hiện với các hình thức đa dạng, thích hợp, linh hoạt, tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin, phù hợp với thực tế ở cơ sở, tạo điều kiện thuận lợi để các tầng lớp Nhân dân tham gia góp ý.

d) Ý kiến đóng góp của Nhân dân, các ngành, các cấp phải được tập hợp, tổng hợp đầy đủ, chính xác, khách quan và phải được nghiên cứu tiếp thu, giải trình nghiêm túc, làm cơ sở cho việc hoàn thiện dự thảo Nghị quyết để trình Quốc hội xem xét, thông qua. 

đ) Tăng cường công tác thông tin, tuyên truyền, định hướng tư tưởng và dư luận xã hội để tạo sự đồng thuận, thống nhất cao; kiên quyết đấu tranh với các luận điệu chống phá, xuyên tạc chủ trương, đường lối của Đảng và pháp luật của Nhà nước trong quá trình lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp.

II. ĐỐI TƯỢNG, NỘI DUNG, HÌNH THỨC, TÀI LIỆU, THỜI GIAN LẤY Ý KIẾN

1. Đối tượng lấy ý kiến

- Các tầng lớp Nhân dân.

- Các cơ quan, tổ chức ở địa phương và cơ quan, tổ chức Trung ương trên địa bàn tỉnh.

- Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Phú Thọ và các tổ chức thành viên.

- Các chuyên gia, nhà khoa học.

2. Nội dung lấy ý kiến

Lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về toàn bộ dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 (có tài liệu gửi kèm theo), bao gồm bố cục, nội dung và kỹ thuật trình bày. Trong đó tập trung góp ý vào các nội dung sửa đổi, bổ sung Điều 9, Điều 10, khoản 1 Điều 84, Điều 110, khoản 2 Điều 111, khoản 2 Điều 112, khoản 1 Điều 114, khoản 2 Điều 115 Hiến pháp năm 2013, bám sát chủ trương và định hướng về phạm vi sửa đổi, bổ sung Hiến pháp đã được thông qua tại Hội nghị lần thứ 11 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII.

3. Hình thức tổ chức lấy ý kiến

  - Các cá nhân có thể góp ý kiến trực tiếp trên ứng dụng VNeID, Cổng thông tin điện tử Quốc hội, Cổng thông tin điện tử Chính phủ, Cổng thông tin điện tử tỉnh Phú Thọ, Trang thông tin điện tử Phổ biến giáo dục pháp luật tỉnh Phú Thọ, Trang thông tin điện tử Sở Tư pháp tỉnh Phú Thọ hoặc gửi ý kiến bằng văn bản gửi đến các cơ quan có trách nhiệm tổng hợp ý kiến của Nhân dân nêu tại mục III của Kế hoạch này.

- Các cơ quan, tổ chức, theo chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, yêu cầu tiến độ, tình hình thực tế chủ động lên kế hoạch tổ chức các hội nghị, hội thảo, tọa đàm để lấy ý kiến đối tượng thuộc phạm vi quản lý, các chuyên gia, nhà khoa học.

- Chính quyền địa phương cấp huyện, cấp xã tổ chức lấy ý kiến Nhân dân bằng các hình thức phù hợp với điều kiện thực tiễn theo quy định của pháp luật về thực hiện dân chủ ở cơ sở.

4. Tài liệu lấy ý kiến

Tài liệu phục vụ lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp bao gồm:

- Kế hoạch số 05/KH-UBDTSĐBSHP ngày 05/5/2025 của Ủy ban dự thảo sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 về tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013;

- Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013;

- Bản thuyết minh về dự thảo Nghị quyết;

- Bản so sánh các nội dung dự kiến sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 với quy định hiện hành của Hiến pháp. 

(Các tài liệu trên được công bố tại Cổng thông tin điện tử của Quốc hội, Chính phủ, Ủy ban nhân dân tỉnh Phú Thọ).

5. Thời gian lấy ý kiến

Thời gian lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết bắt đầu từ ngày 09 tháng 5 năm 2025 và hoàn thành vào ngày 05 tháng 6 năm 2025.

III. TỔ CHỨC THỰC HIỆN

1. Đề nghị Thường trực Hội đồng nhân dân tỉnh chủ trì thực hiện công bố toàn văn dự thảo Nghị quyết và các tài liệu kèm theo phục vụ lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp trên Trang thông tin điện tử thuộc phạm vi quản lý; theo dõi, giám sát việc thực hiện Kế hoạch này; tổ chức lấy ý kiến các đối tượng chủ thể phù hợp với phạm vi, lĩnh vực hoạt động và chỉ đạo xây dựng báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến (theo nội dung tại phần IV Kế hoạch này) gửi đến Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Tư pháp là cơ quan được giao tham mưu tổng hợp ý kiến).  

2. Đề nghị Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Phú Thọ và các đại biểu Quốc hội phối hợp thu thập, nghiên cứu ý kiến đóng góp của cử tri để chuẩn bị cho việc xem xét, thảo luận, thông qua dự thảo Nghị quyết tại kỳ họp Quốc hội; chỉ đạo tổng hợp các ý kiến đóng góp của cử tri (theo nội dung tại phần IV Kế hoạch này) gửi đến Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Tư pháp là cơ quan được giao tham mưu tổng hợp ý kiến). 

3. Đề nghị Ủy ban Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh Phú Thọ chủ trì, phối hợp với cơ quan tổ chức thành viên của Mặt trận tổ chức lấy ý kiến đóng góp trong tổ chức mình với phạm vi, hình thức thích hợp và xây dựng báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến của Mặt trận Tổ quốc Việt Nam tỉnh (theo nội dung tại phần IV Kế hoạch này) gửi đến Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Tư pháp là cơ quan được giao tham mưu tổng hợp ý kiến). 

4. Tòa án nhân dân tỉnh, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh, Cục thi hành án dân sự tỉnh, Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh, các Ban thuộc Tỉnh ủy, Văn phòng Tỉnh ủy tổ chức lấy ý kiến của ngành, cơ quan mình với phạm vi, hình thức thích hợp và xây dựng báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến của ngành, cơ quan mình (theo nội dung tại phần IV Kế hoạch này) gửi đến Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Tư pháp là cơ quan được giao tham mưu tổng hợp ý kiến). 

5. Văn phòng Ủy ban nhân dân tỉnh có trách nhiệm tham mưu công bố tài liệu lấy ý kiến trên Cổng thông tin điện tử tỉnh Phú Thọ (từ nguồn công bố tại Cổng thông tin điện tử Quốc hội); tập hợp và xây dựng báo cáo tổng hợp ý kiến của Nhân dân trên Cổng thông tin điện tử tỉnh (theo nội dung tại mục IV Kế hoạch này) gửi đến Sở Tư pháp để tổng hợp, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh. 

6. Công an tỉnh Phú Thọ

- Chịu trách nhiệm tuyên truyền, hướng dẫn người dân thực hiện góp ý dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trên ứng dụng VNeID; tổng hợp kết quả góp ý trên ứng dụng VNeID theo hướng dẫn của Bộ Tư pháp, Bộ Công an.

- Chủ trì xây dựng Báo cáo tổng hợp kết quả đối với các ý kiến tham gia dưới hình thức văn bản của cá nhân, đơn vị thuộc Công an tỉnh (theo nội dung tại mục IV Kế hoạch này) gửi Sở Tư pháp để tổng hợp chung.

- Chủ trì, phối hợp với Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh và các cơ quan liên quan thực hiện công tác bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội trong quá trình tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

7. Các sở, ban, ngành thuộc Ủy ban nhân dân tỉnh; các cơ quan, đơn vị khác thuộc tỉnh; các cơ quan trung ương đóng trên địa bàn tỉnh; Hiệp hội, Hội doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh; Ủy ban nhân dân cấp huyện

- Công bố tài liệu lấy ý kiến trên Trang thông tin điện tử chính thức của đơn vị (từ nguồn công bố tại Cổng thông tin điện tử Quốc hội và Ủy ban nhân dân tỉnh).

- Tuyên truyền, phổ biến, vận động các cán bộ, công chức, viên chức, người lao động và tầng lớp nhân dân thuộc phạm vi quản lý tham gia góp ý vào dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 theo Kế hoạch này.

- Tổ chức lấy ý kiến và tổng hợp ý kiến của cán bộ, công chức, viên chức, người lao động, tổ chức, đơn vị thuộc, trực thuộc (bao gồm cả kết quả lấy ý kiến tham gia của Uỷ ban nhân dân cấp xã đối với đơn vị tổng hợp là Uỷ ban nhân dân cấp huyện) và xây dựng báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến của cơ quan, đơn vị, địa phương mình (theo nội dung tại mục IV Kế hoạch này) gửi đến Sở Tư pháp để tổng hợp, tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh. 

8. Các cơ quan thông tấn, báo chí tại địa phương có trách nhiệm mở chuyên trang, chuyên mục để tuyên truyền, phổ biến và phản ánh, đưa tin trong quá trình lấy ý kiến của Nhân dân về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013.

9. Sở Tư pháp

- Chủ trì tham mưu cho Uỷ ban nhân dân tỉnh tổ chức triển khai thực hiện Kế hoạch này; theo dõi, đôn đốc các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị, địa phương trong quá trình triển khai tổ chức lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013; tổng hợp vướng mắc, phát sinh (nếu có), kịp thời báo cáo Uỷ ban nhân dân tỉnh xem xét, giải quyết kịp thời.

- Chủ trì, phối hợp với cơ quan, đơn vị trong việc tổng hợp ý kiến đóng góp của Nhân dân, các ngành, các cấp; xây dựng dự thảo Báo cáo kết quả lấy ý kiến đối với dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 trên địa bàn tỉnh, trình Uỷ ban nhân dân tỉnh gửi đến Chính phủ theo quy định (qua Bộ Tư pháp).

  IV. BÁO CÁO TỔNG HỢP KẾT QUẢ LẤY Ý KIẾN NHÂN DÂN

1. Yêu cầu đối với báo cáo

Báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết phải tập hợp và phản ánh trung thực, đầy đủ, khách quan các ý kiến đóng góp của Nhân dân, các ngành, các cấp, các cơ quan, tổ chức và cá nhân.

2. Nội dung báo cáo

Báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp cần thể hiện các nội dung sau đây:

- Đánh giá về tình hình triển khai và kết quả tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp; tổng số lượt ý kiến mà Nhân dân, các ngành, các cấp tham gia ý kiến về dự thảo Nghị quyết.

- Tổng hợp các ý kiến góp ý về dự thảo Nghị quyết, bao gồm: ý kiến chung; ý kiến góp ý cụ thể về từng nội dung, điều, khoản trong dự thảo Nghị quyết, trong đó nêu rõ số lượng ý kiến tán thành hoặc không tán thành và lý do; các ý kiến góp ý về kỹ thuật lập hiến; ý kiến về các nội dung khác (nếu có).

- Báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp thực hiện theo hướng dẫn và các biểu mẫu kèm theo Công văn số 2441/BTP-PLHSHC ngày 06/5/2025 về việc hướng dẫn tổng hợp, xây dựng báo cáo kết quả lấy ý kiến về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (có Công văn số 2441/BTP BTP-PLHSHC và các mẫu biểu kèm theo).

V. TIẾN ĐỘ THỰC HIỆN

1. Ngày 09/5/2025: Công bố dự thảo Nghị quyết lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp trên Cổng/Trang thông tin điện tử của Ủy ban nhân dân tỉnh và các cơ quan, đơn vị.

2. Từ ngày 09/5/2025 - 24/5/2025: Các cơ quan, tổ chức, địa phương, tổ chức lấy ý kiến Nhân dân tại cơ quan, tổ chức, địa phương mình theo hình thức xác định tại mục II.3 của Kế hoạch này.

3. Chậm nhất là ngày 25/5/2025: Các cơ quan, tổ chức, địa phương, các ngành, các cấp gửi Báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến đến Ủy ban nhân dân tỉnh (qua Sở Tư pháp) theo hướng dẫn tại mục IV Kế hoạch này. Để đảm bảo tiến độ tổng hợp, đề nghị các cơ quan, tổ chức, địa phương, các ngành, các cấp gửi báo cáo tổng hợp về Sở Tư pháp ngay sau khi kết thúc các hội nghị, hội thảo hoặc các hoạt động lấy ý kiến; đồng thời tiếp tục tổng hợp ý kiến Nhân dân để bổ sung chậm nhất đến ngày 27/5/2025.

4. Chậm nhất là ngày 29/5/2025: Sở Tư pháp tham mưu cho Ủy ban nhân dân tỉnh gửi Bộ Tư pháp Báo cáo tổng hợp kết quả lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp.

VI. KINH PHÍ THỰC HIỆN

  Sở Tài chính bố trí kinh phí và hướng dẫn các cơ quan thực hiện lập dự toán, thanh quyết toán kinh phí phục vụ cho việc tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết do ngân sách nhà nước bảo đảm theo hướng dẫn của Bộ Tài chính và quy định pháp luật hiện hành.

Trên đây là Kế hoạch tổ chức lấy ý kiến Nhân dân, các ngành, các cấp về dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 2013 của tỉnh Phú Thọ./.

NGHỊ QUYẾT sua doi bo sung hien phap 2013.docx

ban-so-sanh.docx

1746522123585_3. Thuyet minh noi dung sua Hien phap - phat hanh.docx

KH 05.UBDTSDBSHP-3-5.pdf