Ngày 08 tháng 10 năm 2024

Yên Lập: Chú trọng phát triển sản phẩm OCOP gắn với xây dựng nông thôn mới

Xác định xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP là chương trình kinh tế quan trọng, những năm qua, huyện Yên Lập đã triển khai nhiều chính sách hỗ trợ, giải pháp xây dựng các sản phẩm chủ lực, tiềm năng thế mạnh của địa phương, nhất là việc bảo tồn, phát triển ngành nghề truyền thống ở nông thôn gắn với xây dựng nông thôn mới.

Thời gian qua, huyện Yên Lập đã tập trung nguồn lực, động viên chủ thể, hộ kinh doanh, HTX ở các địa phương chú trọng đầu tư cải tiến quy trình sản xuất, không ngừng nâng cao chất lượng sản phẩm. Qua đó, từng bước hình thành nhóm sản phẩm đặc trưng của địa phương, góp phần phát triển kinh tế và nâng cao thu nhập cho người dân. Đến nay, toàn huyện Yên Lập có 23 sản phẩm OCOP; trong 6 tháng đầu năm 2024 có 5 sản phẩm OCOP được đánh giá phân hạng. Dự kiến trong năm 2024 sẽ có thêm 12 sản phẩm OCOP. Trong số 18 sản phẩm được chứng nhận OCOP đạt tiêu chuẩn 3 sao trở lên, có ba sản phẩm đạt chứng nhận 4 sao gồm: Gạo nếp Gà gáy Mỹ Lung, mật ong Hoa hồng Phúc An và mật ong Đông trùng hạ thảo Nguyên Phát. Toàn huyện có 10/17 xã đã xây dựng được sản phẩm OCOP, riêng xã Mỹ Lung có tới 5 sản phẩm đạt tiêu chuẩn OCOP – nhiều nhất huyện Yên Lâp.

Để xây dựng, phát triển sản phẩm OCOP, huyện tăng cường phối hợp tuyên truyền, vận động người dân, hợp tác xã (HTX), doanh nghiệp (DN) mạnh dạn đầu tư cơ sở vật chất, mở rộng quy mô sản xuất gắn với đảm bảo các tiêu chí về chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm. Trong đó, chú trọng phát triển sản phẩm dựa trên đặc trưng vùng miền, thế mạnh của địa phương và đáp ứng yêu cầu về quy mô vùng nguyên liệu.

Có thể kể đến cây bưởi Diễn trồng theo hướng hữu cơ là một trong những sản phẩm của HTX Bưởi Xuân Thủy, xã Xuân Thủy, huyện Yên Lập, đã được công nhận là sản phẩm OCOP 3 sao từ năm 2021. Để có được những sản phẩm chất lượng cao, bên cạnh sự nỗ lực, sáng tạo của các thành viên HTX còn có sự quan tâm, tạo điều kiện của các ban ngành và tập huấn về kỹ thuật để chuẩn hóa sản phẩm. Diện tích bưởi được lựa chọn tham gia OCOP phải đảm bảo các điều kiện về tiêu chuẩn chất lượng, truy xuất được nguồn gốc, bao tiêu sản phẩm cho người tiêu dùng…

Ông Nguyễn Văn Nên – Giám đốc HTX bưởi Xuân Thủy, huyện Yên Lập đang chăm sóc vườn bưởi

Để có được sản phẩm bưởi đạt tiêu chuẩn, bà con xã viên HTX phải thực hiện quy trình nghiêm ngặt từ khâu làm đất, chọn giống bưởi, theo dõi quy trình sinh trưởng, phát triển cho đến khâu thu hoạch. Theo đó, trong quá trình chăm sóc cây bưởi bà con chủ yếu sử dụng phân hữu cơ sinh học, nghiêm cấm dùng các hóa chất khác.

Hay như đối với sản phẩm Thịt chua xứ Mường của hộ kinh doanh Khúc Văn Đạt, sản phẩm đã đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao. Trước đây, món ăn này chỉ được người dân chế biến phục vụ gia đình. Một số hộ đã làm thịt chua bán lẻ cho bà con trong xã. Thấy được việc làm thịt chua hiệu quả, chính quyền xã cũng đã định hướng cho bà con chế biến thành sản phẩm hàng hóa bán ra thị trường, gắn với phát triển du lịch cộng đồng tạo việc làm và thu nhập cho người dân. Đến thời điểm này, toàn xã Mỹ Lung đã có 5 sản phẩm đạt OCOP 4 sao và 3 sao. Ông Đinh Tiến Duật – Chủ tịch UBND xã Mỹ Lung cho biết: “Việc tập trung phát triển các sản phẩm OCOP gắn với du lịch được coi là hướng đi mới trong phát triển kinh tế tại Mỹ Lung. Thời gian tới chúng tôi tiếp tục xây dựng sản phẩm tinh bột sắn dây để đạt sản phẩm OCOP”.

Đợt 1, năm 2024 toàn huyện Yên Lập đã có 05/8 sản phẩm tham gia đánh giá, dự kiến đạt tiêu chuẩn sản phẩm OCOP 3 sao, gồm: Bánh Gùn Tôn Sơn (xã Xuân An); Chè xanh Ngọc Lập (xã Ngọc Lập); Dưa Hấu Ngòi Xộp (xã Xuân Viên); Tinh bột sắn dây Trường Thịnh (xã Mỹ Lung); Giò lợn Mỹ Nương (xã Mỹ Lương) Phát huy kết quả đạt được, huyện Yên Lập phấn đấu trong năm 2024, toàn huyện có ít nhất 12 sản phẩm OCOP đạt tiêu chuẩn từ 3 sao trở lên.

Sản phẩm chè xanh Ngọc Lập được đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP đợt 1 năm 2024

Huyện Yên Lập tổ chức đánh giá phân hạng sản phẩm OCOP

Để đạt được mục tiêu này, thời gian tới, huyện tiếp tục đẩy mạnh tuyên truyền, nâng cao nhận thức thường xuyên, liên tục gắn với việc thực hiện chương trình xây dựng nông thôn mới. Tổ chức các lớp đào tạo tập huấn cho hội đồng, tổ giúp việc, các tổ chức, cá nhân tham gia đề án phát triển các sản phẩm OCOP; đồng thời, đi học tập trao đổi kinh nghiệm tại các đơn vị tiêu biểu trong triển khai Chương trình OCOP trong và ngoài tỉnh.

Bên cạnh đó, huyện tổ chức sản xuất gắn với quy hoạch vùng nguyên liệu, dựa trên lợi thế về điều kiện tự nhiên, văn hóa, tập quán sản xuất của người dân, đặc biệt là khu vực các sản phẩm chủ lực của huyện; vận động các doanh nghiệp, HTX đẩy mạnh ứng dụng khoa học, công nghệ trong công tác quản lý, xây dựng mô hình doanh nghiệp nhỏ và vừa, HTX sản xuất sản phẩm OCOP. Phó Trưởng phòng nông nghiệp huyện Yên Lập, bà Đinh Thị Thúy Hường cho biết, chúng tôi đang tập trung thực hiện Chương trình Mỗi xã một sản phẩm (OCOP) nhằm thúc đẩy kinh tế nông nghiệp nông thôn theo hướng phát triển nội lực, gia tăng giá trị sản phẩm gắn với chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới (NTM).

Phát triển sản phẩm OCOP không chỉ thúc đẩy kinh tế địa phương ngày càng phát triển, chương trình OCOP còn nâng cao trách nhiệm, năng lực sản xuất của các chủ thể, từng bước hình thành nền kinh tế xanh, bền vững, thực hiện có hiệu quả tái cơ cấu ngành nông nghiệp, góp phần nâng cao thu nhập cho người dân./.

Hồng Vân (Trung tâm VH,TT,DL&TT huyện Yên Lập)

TIN LIÊN QUAN

Phụ nữ xã Đồng Thịnh chung sức xây dựng nông thôn mới


Cấm người và các phương tiện tham gia giao thông trên cầu treo hồ Thượng Long, xã Thượng Long, huyện Yên Lập.


Tuyên truyền về sức khỏe sinh sản tuổi vị thành niên cho học sinh


Trường Tiểu học Đồng Thịnh tăng cường tuyên truyền chấp hành ATGT trước và sau giờ tan học.


Yên Lập tham gia Giải Bóng bàn, Cầu lông “Cây vợt trẻ” tỉnh Phú Thọ năm 2024